Backup là gì? Trong thế giới số hóa hiện nay, mất dữ liệu có thể mang đến hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Backup dữ liệu sẽ giúp bảo vệ an toàn cho dữ liệu trước những sự cố bất chợt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về việc backup dữ liệu và vai trò của hành động này với các doanh nghiệp và tổ chức.
Backup là gì?
Backup là gì? Backup (sao lưu) là việc tạo ra bản sao của dữ liệu từ thiết bị hoặc hệ thống chính để đảm bảo rằng những thông tin này không bị mất trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Bản backup thường được lưu trữ tại các vị trí an toàn như ổ cứng khác, máy chủ riêng biệt hoặc dịch vụ lưu trữ đám mây. Việc này đảm bảo rằng khi cần thiết, dữ liệu có thể được khôi phục một cách dễ dàng. Không chỉ giúp bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, backup còn giảm thiểu những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong khoảng thời gian chờ đợi khôi phục dữ liệu.
Vì sao cần backup dữ liệu?
Backup data là một trong những việc quan trọng mà bất kỳ ai cũng nên làm để bảo vệ thông tin quan trọng của mình. Sao lưu dữ liệu cần thiết như thế nào và tại sao lại cần phải làm vậy?
Bảo vệ dữ liệu khỏi các cuộc tấn công mạng
Các cuộc tấn công mạng đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, vì vậy việc sao lưu và phục hồi dữ liệu là rất quan trọng. Ngay cả khi hệ thống của bạn bị xâm nhập, bạn có thể yên tâm rằng bạn đã có một bản sao của dữ liệu. Điều này cho phép bạn khắc phục những thiệt hại do cuộc tấn công mạng gây ra và công việc kinh doanh không bị trì hoãn quá lâu.
Tiết kiệm chi phí
Dữ liệu bị mất có thể tiêu tốn của bạn một khoản phí đáng kể để khôi phục. Theo thông tin từ HandyRecovery, trong trường hợp mất dữ liệu do hư hỏng phần cứng thì chi phí khôi phục có thể lên đến $3.000 (khoảng 71.280.000 đồng). Ngoài ra, trong thời gian ngưng hoạt động do mất dữ liệu, doanh nghiệp cũng bị giảm hiệu suất kinh doanh và khiến doanh thu giảm.
Rút ngắn thời gian gián đoạn
Mất dữ liệu có thể làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ sao lưu dữ liệu mà bạn có thể dễ dàng khôi phục các bản sao gần nhất của dữ liệu. Do đó, bạn có thể rút ngắn thời gian phục hồi sau khi mất dữ liệu và đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh sớm nhất có thể.
Duy trì uy tín với khách hàng
Mất dữ liệu khách hàng có thể tổn hại đến danh tiếng của công ty và khiến khách hàng không còn tin tưởng bạn. Do đó, việc triển khai sao lưu dữ liệu có thể tạo cho khách hàng sự an tâm khi cho thấy doanh nghiệp có những biện pháp kịp thời để đối phó với sự cố. Những doanh nghiệp có khả năng dự phòng tốt thường được khách hàng đánh giá cao hơn.
Các kiểu backup dữ liệu
Hiện nay có nhiều kiểu backup dữ liệu khác nhau. Trong phần này, Miko Tech sẽ giới thiệu cho bạn 3 kiểu backup dữ liệu phổ biến nhất bao gồm:
- Full Backup
- Incremental Backup
- Differiental Backup
- Mirror Backup
1. Full backup (Sao lưu toàn bộ)
Sao lưu toàn bộ (full backup) là việc tạo một bản sao chứa tất cả dữ liệu có trên hệ thống lưu trữ lên một thiết bị lưu trữ khác, chẳng hạn như ổ đĩa. Trong full backup, toàn bộ dữ liệu sẽ được sao chép và không bỏ qua bất cứ tệp tin nào. Mục tiêu của sao lưu toàn bộ là đảm bảo rằng bạn có một bản sao dự phòng hoàn chỉnh của dữ liệu.
Tuy nhiên, sao lưu đầy đủ thường mất nhiều thời gian hơn và yêu cầu nhiều không gian lưu trữ hơn so với các kiểu sao lưu khác. Do đó, nó thường được thực hiện định kỳ, chẳng hạn như hàng ngày hoặc hàng tuần, tùy thuộc vào quy mô và yêu cầu bảo mật của hệ thống dữ liệu.
2. Incremental Backup (Sao lưu tăng tiến)
Sao lưu tăng tiến là quá trình sao chép các dữ liệu mới hoặc có phát sinh thay đổi. Thay vì sao lưu toàn bộ dữ liệu như trong full backup, incremental backup chỉ tập trung vào việc lưu trữ những thay đổi phát sinh kể từ sau lần incremental backup trước đó.
Kiểu backup này giúp tiết kiệm thời gian và không gian lưu trữ hơn so với full backup. Tuy nhiên, để khôi phục lại dữ liệu thì bạn sẽ cần có bản sao lưu toàn bộ kết hợp với các bản sao lưu tăng tiến sau đó. Incremental Backup thường được thực hiện định kỳ, thường là hàng ngày hoặc hàng tuần, để đảm bảo rằng dữ liệu mới nhất và các thay đổi gần đây đều được sao lưu một cách hiệu quả.
3. Differiental Backup (Sao lưu khác biệt)
Sao lưu khác biệt (Differential Backup) là quá trình sao chép toàn bộ các thay đổi mới kể từ lần sao lưu toàn bộ gần nhất. Tuy nhiên, sao lưu khác biệt lưu giữ tất cả các thay đổi kể từ lần full backup gần nhất chứ không phải incremental backup gần nhất.
Như vậy, trong trường hợp dữ liệu bị mất thì bạn chỉ cần sử dụng bản full backup gần nhất cùng với differental backup sau đó để khôi phục là được. Tuy nhiên, theo thời gian, các lần sao lưu khác biệt có thể trở nên tốn nhiều không gian lưu trữ hơn. Do đó, việc quản lý các phiên bản sao lưu khác biệt có thể trở thành một thách thức.
6 phương pháp backup dữ liệu phổ biến
Có nhiều cách để backup dữ liệu của bạn. Tùy thuộc vào lượng dữ liệu cần lưu trữ mà thiết bị và phương pháp được lựa chọn để sao lưu có thể khác nhau. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 6 cách sao lưu dữ liệu phổ biến nhất mà mọi người sử dụng.
1. Thiết bị ngoại vi (Removable Media)
Backup dữ liệu bằng thiết bị ngoại vi như đĩa CD, đĩa DVD và USB từ lâu trở thành một phương thức phổ biến để bảo vệ dữ liệu. Hình thức sao lưu này không tốn quá nhiều chi phí và dễ thực hiện, do đó đây là phương thức phổ biến nhất với các người dùng cá nhân. Thiết bị ngoại vi có tính di động, dễ dàng mang đi và có thể được tăng thêm lớp bảo vệ vật lý như két hoặc địa điểm nào đó.
Nhược điểm của việc sử dụng thiết bị ngoại vi để sao lưu dữ liệu là các thiết bị này có khả năng lưu trữ hạn chế so với các phương pháp khác. Do đó, bạn có thể cần sử dụng nhiều thiết bị để lưu trữ dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, những thiết vị này có thể bị tổn hại vật lý chẳng như trầy xước, tiếp xúc với hơi nước hoặc nhiệt độ cao và hư hỏng.
Nhìn chung, cách backup dữ liệu bằng thiết bị ngoại vi chỉ phù hợp cho những người cần một giải pháp backup đơn giản, chi phí thấp và cần có tính di động. Tuy nhiên nếu bạn cần backup nhiều dữ liệu hơn hoặc một quy trình sao lưu nhanh hơn thì bạn có thể xem xét những phương thức sao lưu khác sau đây.
2. Dự phòng dữ liệu (Redundancy)
Dự phòng dữ liệu trong backup có nghĩa là tạo ra các bản sao dữ liệu để đảm bảo tính an toàn của dữ liệu và phục hồi nhanh chóng. Khi thực hiện dự phòng dữ liệu, bạn sẽ tạo ra nhiều bản sao và lưu trữ ở những địa điểm hoặc vị trí khác nhau. Bằng cách này, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mất dữ liệu trong trường hợp xảy ra lỗi phần cứng hoặc các tình huống không lường trước khác.
Dự phòng có thể được thực hiện thông qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như công nghệ RAID (Redundant Array of Independent Disks). Công nghệ RAID là một phương pháp kết hợp nhiều ổ đĩa cứng thành một hệ thống lưu trữ đơn vị, nhằm cải thiện hiệu suất, tăng khả năng an toàn dữ liệu và/hoặc tăng dung lượng lưu trữ.
Có nhiều cấu hình RAID khác nhau, bao gồm RAID 0, RAID 1, RAID 5, RAID 6, RAID 10 và nhiều hơn nữa. Mỗi cấu hình RAID sử dụng các phương pháp khác nhau để tổ chức dữ liệu và các bản sao dự phòng trên các ổ đĩa khác nhau. Việc lựa chọn cấp độ dự phòng phụ thuộc vào nhu cầu, tầm quan trọng của dữ liệu và ngân sách của người dùng.
3. Ổ cứng di động (External Hard Drive)
Ổ cứng di động là một lựa chọn phổ biến cho việc sao lưu dữ liệu nhờ tiện lợi và dễ thực hiện. Những thiết bị này kết nối với máy tính của bạn thông qua cổng USB hoặc các kiểu kết nối khác. Ổ đĩa cứng di động thường có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng mang theo và sử dụng khi cần lưu trữ hoặc chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính khác nhau. Chúng thường có dung lượng lớn, từ vài chục gigabyte đến vài terabyte.
Mọi người thường sử dụng ổ cứng di động để lưu trữ các tệp tin lớn như phim, âm nhạc, ảnh chất lượng cao. Nhược điểm của phương thức này cũng tương tự như với thiết bị ngoại vi đó là chúng dễ bị hư hỏng vật lý hoặc bị đánh cắp. Tuy nhiên, chúng có thể lưu giư nhiều dữ liệu hơn thiết bị ngoại vi nhỏ như USB.
4. Thiết bị phần cứng (Hardware Appliances)
Thiết bị phần cứng là các thiết bị chuyên dụng được thiết kế đặc biệt cho việc sao lưu và lưu trữ dữ liệu. Các thiết bị này thường tích hợp với phần mềm backup và có thể hỗ trợ nhiều kiểu lưu trữ khác nhau như ổ cứng, đĩa, hoặc lưu trữ đám mây. Thiết bị phần cứng cung cấp một giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp với các tính năng như lọc dữ liệu, mã hóa và lập lịch sao lưu tự động.
Một trong những lợi ích chính của việc sử dụng thiết bị phần cứng để sao lưu dữ liệu là sự tiện lợi và dễ sử dụng mà chúng mang lại. Vì các thiết bị này được thiết kế đặc biệt cho mục đích sao lưu, quá trình thiết lập và quản lý có thể đơn giản hơn so với các phương pháp khác. Thiết bị phần cứng cũng cải thiện hiệu suất và độ bảo mật của quá trình sao lưu nhờ tính năng lọc dữ liệu và mã hóa.
Nhược điểm chính của thiết bị phần cứng là chi phí có thể khá đắt đỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, thiết bị phần cứng có thể lỗi thời theo thời gian khi công nghệ tiến bộ hơn. Khi đó bạn sẽ cần nâng cấp hoặc thay thế thiết bị để duy trì hiệu suất tốt nhất và bảo vệ dữ liệu.
5. Phần mềm backup
Phần mềm backup rất quan trọng trong bất kỳ kế hoạch sao lưu dữ liệu nào, vì nó giúp tự động hóa và tối ưu quá trình sao lưu. Hiện nay có rất nhiều phần mềm sao lưu với nhiều mức giá và tính năng khác nhau. Chúng giúp đảm bảo rằng dữ liệu được sao lưu một cách hiệu quả và an toàn, cho phép người dùng khôi phục dữ liệu nhanh chóng khi có sự cố.
Một số tính năng quan trọng cần có của một phần mềm backup là:
- Tự động hóa: Một phần mềm backup tốt nên có chức năng lên lịch sao lưu tự động, đảm bảo rằng dữ liệu sao lưu của bạn được cập nhật liên tục.
- Sao lưu tăng tiến và sao lưu khác biệt: Những loại sao lưu này chỉ lưu lại các dữ liệu thay đổi giúp tiết kiệm thời gian và không gian lưu trữ.
- Mã hóa: Phần mềm sao lưu nên cung cấp tùy chọn mã hóa để đảm bảo rằng dữ liệu được bảo mật và không bị xâm nhập.
- Nén: Một số phần mềm sao lưu có các tùy chọn nén sẽ giúp giảm lượng không gian lưu trữ cần thiết.
- Có thể sao lưu đến nhiều thiết bị: Khả năng sao lưu đến nhiều vị trí hoặc thiết bị khác nhau giúp tăng thêm lớp bảo vệ cho dữ liệu.
Mặc dù có nhiều phần mềm sao lưu miễn phí, phần mềm trả phí thường có nhiều tính năng và hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp có nhu cầu backup phức tạp. Phần mềm trả phí cũng có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn và đáng tin cậy hơn.
6. Dịch vụ sao lưu đám mây
Dịch vụ sao lưu đám mây là một hình thức sao lưu dữ liệu mà dữ liệu của bạn được lưu trữ và quản lý trên các máy chủ từ xa thông qua internet. Thay vì sao lưu dữ liệu lên các thiết bị lưu trữ cục bộ như ổ đĩa cứng hay máy chủ trong văn phòng, bạn có thể sử dụng dịch vụ sao lưu đám mây để lưu trữ dữ liệu của mình trên các trung tâm dữ liệu từ xa của nhà cung cấp dịch vụ.
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của dịch vụ sao lưu đám mây là sự tiện lợi và khả năng truy cập từ xa. Bạn có thể truy cập nó từ bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào, miễn là bạn có kết nối internet. Ngoài ra, nhiều dịch vụ sao lưu đám mây cũng bao gồm các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như mã hóa. Bạn còn có thể mở rộng dung lượng lưu trữ theo nhu cầu mà không cần đầu tư vào phần cứng mới.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là bạn sẽ cần chi trả phí dịch vụ hàng tháng hoặc hàng năm. Tốc độ sao lưu/khôi phục dữ liệu phụ thuộc vào tốc độ internet của bạn. Bên cạnh đó, sự an toàn và tính khả dụng của dữ liệu sao lưu phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ. Nếu nhà cung cấp gặp sự cố hoặc ngừng hoạt động, bạn có thể gặp khó khăn trong việc truy cập và khôi phục dữ liệu.
Lời kết
Việc backup dữ liệu có thể bảo vệ bạn khỏi những rủi ro không mong muốn do sự cố kỹ thuật, tấn công máy tính hay thảm họa tự nhiên. Ngoài ra, backup dữ liệu còn giúp bạn tiết kiệm tiền bạc và duy trì sự liên tục của hoạt động kinh doanh. Bài viết trên của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được backup là gì cũng như những lợi ích của backup dữ liệu. Cám ơn bạn đã dành thời gian theo dõi và hẹn gặp lại ở bài viết tiếp theo!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…