Big idea là gì và vì sao lại cần đến nó để phát triển các chiến dịch marketing? Nếu không có một concept rõ ràng, ấn tượng thì chiến dịch quảng cáo không thể thu hút được sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên, quá trình phát triển ý tưởng có thể khiến bạn nản chí và bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm big idea và cách phát triển trong xây dựng chiến dịch marketing.
Big idea là gì?
Big idea trong marketing và quảng cáo là một thuật ngữ ám chỉ ý tưởng chủ đạo cho chiến dịch quảng cáo.
Ý tưởng chủ đạo của một chiến dịch là thông điệp tổng quát góp phần tạo nền tảng cho tất cả các yếu tố của một chiến dịch, nhằm gợi cảm hứng cho đối tượng mục tiêu. Một “big idea” không chỉ xuất hiện trong một quảng cáo cụ thể, mà còn có thể lan tỏa qua nhiều phương tiện truyền thông và tương tác với khách hàng ở nhiều điểm tiếp xúc khác nhau.
Vai trò của big idea là gì?
Big idea hoạt động như một trục xoay, liên kết mọi yếu tố trong chiến dịch lại với nhau một cách logic và đồng nhất. Nó giúp xác định mục tiêu cốt lõi, thông điệp chủ đạo và cách thức tiếp cận để gây ấn tượng mạnh mẽ với đối tượng mục tiêu.
Big idea không chỉ đơn thuần là một ý tưởng mà là một cách thức để kết nối sâu sắc với đối tượng mục tiêu. Nó phản ánh sự hiểu biết về insight khách hàng, tức những gì họ mong muốn, nhu cầu và giá trị của khách hàng. Ý tưởng chủ đạo giúp thương hiệu và sản phẩm trở thành một phần trong cuộc sống của người tiêu dùng và gắn kết với cảm xúc của họ.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của big idea là định hướng và làm cho chiến dịch tiếp thị trở nên nhất quán. Nó xác định thông điệp chủ đạo mà tất cả các yếu tố trong chiến dịch đều phải tương thích và gắn liền với nó. Ý tưởng chủ đạo giúp ngăn việc thông điệp bị rối loạn và tạo ra một trải nghiệm liên tục và đồng nhất cho khách hàng.
6 Tiêu chí đánh giá một big idea tốt
Để được gọi là big idea tốt thì nó cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định như sau:
1. Ngắn gọn, dễ nhớ
Ý tưởng chủ đạo nên dễ hiểu và đủ ngắn gọn để ghi nhớ. Những thông điệp ngắn gọn nhưng ấn tượng có thể khiến khách hàng và người xem nhớ đến thương hiệu trong thời gian dài.
Thông thường, các thương hiệu chỉ có thời gian rất ngắn để gây ấn tượng với người xem. Họ sẽ không có quá nhiều kiên nhẫn hay chủ động tìm hiểu về thương hiệu nếu họ không có sự hứng thú.
2. Gợi nhắc về thương hiệu
Big idea thể hiện tinh thần, giá trị và mục tiêu cốt lõi của thương hiệu. Ý tưởng chủ đạo không chỉ đơn thuần là một thông điệp cụ thể mà còn là yếu tố cốt lõi định hình hình ảnh thương hiệu. Nó là nền tảng cho mọi hoạt động từ quảng cáo cho đến sáng tạo nội dung truyền thông và là cảm xúc mà thương hiệu muốn khách hàng có được khi nghĩ về thương hiệu.
3. Có khả năng “viral”
“Viral” trong ngữ cảnh marketing và truyền thông đề cập đến sự lan truyền tự nhiên và nhanh chóng của một nội dung nào đó qua mạng xã hội và các kênh trực tuyến. Tính viral là một yếu tố quan trọng giúp tạo nên sự thành công của big idea. Khi một nội dung trở nên viral, thương hiệu được biết đến nhanh chóng nhờ sự truyền miệng và chia sẻ của công chúng mà không tốn chi phí nào.
Khám phá thêm về: Viral marketing là gì? Ưu, nhược điểm và cách tạo chiến dịch
4. Khác biệt
Để nổi bật trong đám đông thông tin và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ngày nay, big idea cần phải thực sự độc đáo và khác biệt. Sự khác biệt ở đây có thể là những quan điểm chống lại những định kiến và quy tắc cổ hủ, tinh thần đổi mới và sự dũng cảm thay đổi,… Những thông điệp phá cách và vượt xa sự bình thường sẽ khuyến khích sự tò mò và tương tác tích cực từ phía người tiêu dùng.
5. Có khả năng kết nối cảm xúc với người tiêu dùng
Sự kết nối cảm xúc thường tạo ra những ấn tượng lâu dài trong tâm trí người tiêu dùng. Những cảm xúc mạnh mẽ big idea sẽ khiến thông điệp của bạn được nhớ mãi và không bao giờ bị phai mờ.
Ví dụ: quảng cáo của bột giặt về một người mẹ phiền não khi tìm cách loại bỏ những vết bẩn trên quần áo của con có thể khiến nhiều bà mẹ cảm thông và lựa chọn mua hàng.
6. Có sức hấp dẫn lâu dài
Big idea cần có khả năng duy trì sức hấp dẫn và tạo ảnh hưởng không chỉ trong tương lai gần mà còn trong thời gian dài tương lai. Môi trường tiếp thị liên tục thay đổi do xu hướng mới, công nghệ mới và thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng. Một “big idea” cần phải có khả năng thích nghi với những thay đổi này và vẫn giữ được tính hiệu quả của mình.
Cách phát triển big idea trong marketing
Có nhiều cách để phát triển một “big idea” trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể. Tuy nhiên, dưới đây là một số bước phổ biến mà bạn có thể áp dụng để phát triển một “big idea” cho chiến dịch của mình:
Bước 1: Bắt đầu với brief
Brief trong marketing là một tài liệu hoặc tóm tắt chi tiết về dự án hoặc chiến dịch tiếp thị. Nó chứa các thông tin quan trọng và hướng dẫn cho nhóm chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch như nhóm thiết kế, nhóm quảng cáo và nhóm marketing để họ hiểu rõ mục tiêu và phạm vi của dự án.
Trước hết, bạn cần có một brief hoặc tài liệu hướng dẫn chi tiết về mục tiêu, thông tin về sản phẩm/dịch vụ, đối tượng mục tiêu và mục tiêu của chiến dịch. Brief sẽ là điểm xuất phát, định hình phạm vi và dẫn dắt cho quá trình phát triển big idea. Giai đoạn này có hai yếu tố quan trọng cần xem xét:
- Thứ nhất, mục tiêu của thương hiệu là gì? Hãy rõ ràng về những mục tiêu cuối cùng mà thương hiệu muốn đạt được qua chiến dịch quảng cáo, ví dụ như tăng doanh thu, cải thiện độ nhận diện thương hiệu, tăng traffic website,…
- Thứ hai, đối tượng mục tiêu của thương hiệu là ai? Việc thấu hiểu đối tượng mục tiêu như sở thích, lối sống,… sẽ giúp bạn tạo ra những ý tưởng phù hợp nhất.
Bước 2: Khám phá insight khách hàng
Khám phá insight khách hàng và triển khai big idea trong chiến dịch quảng cáo là một quá trình phức tạp. Để khám phá insight khách hàng, bạn cần thực hiện những nghiên cứu cụ thể.
Ví dụ như khảo sát, phỏng vấn, quan sát và thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Mục tiêu là hiểu rõ hơn về tư duy, cảm xúc và hành vi của khách hàng.
Đọc thêm về: Insight Khách Hàng Là Gì? Cách Xác Định Insight Khách Hàng
Bước 3: Brainstorm
Sau khi hiểu rõ về đối tượng mục tiêu và thông tin cơ bản, bước tiếp theo là tìm kiếm ý tưởng. Brainstorm là một quá trình sáng tạo và tập trung nhằm tạo ra nhiều ý tưởng mới và đa dạng từ một nhóm người hoặc cá nhân. Trong quá trình brainstorming, mọi ý tưởng đều được chào đón mà không bị phê phán. Mục tiêu chính của quá trình này là khám phá mọi khả năng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và tự do.
Bước 4: Lên ý tưởng chủ đạo và thực thi
Sau khi có một danh sách ý tưởng đa dạng từ giai đoạn brainstorming, bạn có thể bắt đầu lựa chọn và phát triển những ý tưởng tiềm năng nhất. Tất cả các bước trong quá trình brainstorming đều quan trọng, nhưng bước 4 là giai đoạn mà các ý tưởng bắt đầu được phát triển và thể hiện cụ thể hơn:
- Lựa chọn ý tưởng chủ đạo: Chọn ý tưởng mà bạn tin rằng sẽ đạt được mục tiêu của chiến dịch một cách hiệu quả nhất và kết nối tốt nhất với đối tượng mục tiêu. Ý tưởng này cần phải tương thích với giá trị cốt lõi của thương hiệu và mang tính độc đáo để nổi bật trong thị trường.
- Phát triển ý tưởng: Phát triển các ý tưởng đã chọn lựa thành big idea hoàn chỉnh. Điều này bao gồm việc xác định cách thức thể hiện ý tưởng, lựa chọn phương thức truyền tải (hình ảnh, video, văn bản), và làm sao để thông điệp sẽ gây ấn tượng với người tiêu dùng.
- Kiểm tra ý tưởng: Trước khi triển khai, hãy kiểm tra ý tưởng này với một nhóm để đảm bảo rằng nó không gây hiểu lầm và là thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.
- Điều chỉnh và hoàn thiện: Dựa trên phản hồi từ việc kiểm tra, điều chỉnh và hoàn thiện big idea để đảm bảo rằng nó thực sự đáp ứng mục tiêu và mang tính chất độc đáo, hấp dẫn.
- Chuẩn bị thực thi: Sau khi “big idea” đã hoàn thiện, bạn sẽ chuẩn bị cho việc thực hiện chiến dịch bằng cách xây dựng các yếu tố như nội dung, quảng cáo, trải nghiệm thương hiệu, và các phương tiện truyền thông khác liên quan đến ý tưởng.
Case study gần gũi về thuật ngữ Big Idea
Big Idea trong marketing được các doanh nghiệp lớn sử dụng để xây dựng chiến dịch quảng cáo hoặc tiếp thị có sức lan tỏa mạnh mẽ và ấn tượng đến khách hàng.
Dưới đây là một số case study gần gũi về việc áp dụng Big Idea trong lĩnh vực marketing:
Apple – “Think Different” (Hãy suy nghĩ khác biệt)
Một trong những Big Idea nổi tiếng nhất trong lịch sử quảng cáo. Chiến dịch này tạo ra một bức tranh tưởng chừng không liên quan giữa các nhân vật nổi tiếng như Albert Einstein, Martin Luther King Jr., và John Lennon với sản phẩm máy tính của Apple. Tuy nhiên, thông điệp là rằng Apple thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới thông qua sản phẩm của họ.
Quảng cáo Think Different của Apple:
Dove – “Real Beauty” (Vẻ đẹp thực sự)
Dove đã tạo ra một chiến dịch quảng cáo Big Idea với thông điệp là “Mọi phụ nữ đều đẹp”. Họ chống lại chuẩn mực đẹp hạn chế và thúc đẩy sự tự tin của phụ nữ dựa trên vẻ đẹp thực sự. Chiến dịch này đã gây tiếng vang và tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng.
Chiến dịch Real Beauty thành công của Dove:
Coca-Cola – “Share a Coke” (Trao Coca-Cola, kết nối bạn bè)
Chiến dịch này đã in tên của người tiêu dùng lên lon Coca-Cola, thúc đẩy sự kết nối xã hội và tạo cảm giác cá nhân hóa. Big Idea ở đây là khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ khoảnh khắc thú vị với nhau bằng cách chia sẻ một lon Coca-Cola.
Nike – “Just Do It” (Hãy làm đi)
Chiến dịch “Just Do It” của Nike đơn giản nhưng mạnh mẽ. Big Idea ở đây là thúc đẩy tinh thần thể thao, sự kiên nhẫn và dũng cảm thông qua việc khuyến khích mọi người thực hiện mục tiêu của họ bất kể khó khăn.
Những ví dụ trên thể hiện cách một Big Idea mạnh mẽ có thể tạo ra sự kết nối với khách hàng và thúc đẩy họ đưa ra quyết định mua hàng. Big Idea không chỉ là về sản phẩm, mà còn về việc tạo ra một câu chuyện hoặc ý tưởng độc đáo và có thể gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mục tiêu tiếp thị.
Lời kết
Big idea không chỉ là một ý tưởng mà là nền tảng cho toàn bộ chiến dịch quảng cáo. Tập trung vào xây dựng big idea giúp thương hiệu tạo ra những trải nghiệm nhất quán cho khách hàng. Để có được ý tưởng chủ đạo thực sự tốt, bạn cần kết nối được với khách hàng một cách sâu sắc hơn.
Bài viết trên của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được big idea là gì và cách phát triển big idea trong marketing. Nếu thấy bài viết hay, đừng quên chia sẻ cho nhiều người khác cùng đọc nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…