Concept art là gì? Concept art rất quan trọng trong phát triển các dự án nghệ thuật, đặc biệt là trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử, điện ảnh và truyện tranh. Trong bài viết ngay sau đây, Miko Tech sẽ cùng bạn tìm hiểu về concept art và vai trò của nó trong các dự án sáng tạo.
Concept art là gì?
Concept art là quá trình tạo ra những bản vẽ ban đầu nhằm truyền tải ý tưởng thiết kế cho nhân vật, đối tượng và cảnh quan trong một dự án nghệ thuật.
Concept art được tạo ra bởi các concept artist bằng việc ứng dụng nhiều kỹ thuật và công cụ khác nhau như vẽ tay, sơn, phối màu, thiết kế 2D và 3D. Mục đích chính của concept art là truyền tải các ý tưởng thiết kế một cách rõ ràng và trực quan. Concept art giúp các nhóm tham gia dự án hiểu rõ hơn ý tưởng ban đầu trước khi bắt tay vào thực hiện dự án.
Concept artist là gì?
Concept artist (Họa sĩ tạo hình) là những người tạo ra các hình ảnh, bản vẽ hoặc mô hình 3D để minh họa ý tưởng thiết kế cho các sản phẩm trong ngành công nghiệp giải trí như phim ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh hoặc quảng cáo.
Công việc của concept artist là biến các ý tưởng trừu tượng thành hình ảnh trực quan giúp các đội sản xuất hiểu và thực hiện ý tưởng đó.
Thông thường, Giám đốc Sáng tạo ̣(Art Director) sẽ cung cấp brief cho các concept artist. Bản brief này nêu rõ các yêu cầu quan trọng về yếu tố cần thiết kế như như nhân vật, bối cảnh hay phương tiện. Ví dụ, bản brief về nhân vật có thể bao gồm tính cách, ngoại hình của nhân vật đó.
Từ bản brief, họa sĩ bắt đầu phác thảo một vài ý tưởng sơ bộ, gọi là thumbnail. Sau đó, họ sẽ tiếp tục vẽ và tinh chỉnh nhân vật, cuối cùng tạo ra một hình minh họa chi tiết hơn (hoặc gọi là “full render”). Với bản vẽ concept hoàn thiện hơn, họa sĩ sẽ vẽ nhân vật từ nhiều góc độ hoặc trong các tư thế khác nhau.
Giám đốc Sáng tạo sau đó sẽ xem xét các thiết kế này và có thể yêu cầu concept artist thực hiện chỉnh sửa trước khi hoàn thành bản vẽ concept. Sau khi được phê duyệt, các bản vẽ này sẽ được chuyển tiếp cho các bộ phận khác – những bộ phận cần đến những bản vẽ này để làm công việc của mình trong dự án.
Lịch sử của concept art
Xưởng phim hoạt hình Walt Disney (The Walt Disney Animation Studios) được cho là nơi đầu tiên sử dụng cụm từ “concept art” vào những năm 1930. Disney đã thuê Mary Blair thiết kế tranh concept cho các bộ phim “Cinderella” (Lọ Lem), “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở thần tiên) và “Peter Pan”.
Qua nhiều năm, rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã góp sức vào các bộ phim của Disney, tạo nên những thế giới kỳ diệu và các nhân vật mang tính biểu tượng cho hãng phim này. Những họa sĩ concept art thổi hồn cho những nhân vật hay bối cảnh bằng cách tạo ra bản vẽ thiết kế trực quan.
Concept art không chỉ được sử dụng trong các dự án hoạt hình mà còn được ứng dụng trong những tác phẩm điện ảnh giả tưởng. Ví dụ, đạo diễn George Lucas đã hợp tác với họa sĩ concept art Ralph McQuarrie để tạo ra các bức tranh về robot, tàu vũ trụ và hành tinh ngoài Trái Đất. Những hình ảnh này sau đó đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của loạt phim nổi tiếng “Star Wars” (Chiến tranh giữa các vì sao).
Vai trò của concept art trong thiết kế
Các dự án phim hoạt hình và trò chơi điện tử có thể tập hợp hàng trăm hoặc hàng ngàn nhân sự từ các khâu để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Concept art đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong dự án đều hiểu được mục tiêu chung và được định hướng trước khi triển khai công việc của mình.
Nếu không có concept art, dự án có thể gặp rủi ro do thiếu sự nhất quán giữa các bộ phận. Ví dụ, với cùng một bản brief về một nhân vật, hai họa sĩ có thể có những mường tượng khác nhau. Nếu để họ phát triển nhân vật độc lập, bạn sẽ có hai nhân vật hoàn toàn khác nhau và toàn bộ dự án phải quay lại từ đầu để đảm bảo hình tượng nhân vật nhất quán.
5 phân loại concept art
Để làm ra một bộ phim hoặc một trò chơi điện tử, dự án cần đến các yếu tố thiết kế khác nhau và điều này dẫn đến những phân loại concept art khác biệt. Một số loại concept art bao gồm:
1. World concept art
World concept art (Concept art môi trường) là việc định hình trực quan toàn bộ thế giới trong phim hoặc trò chơi. Trong lĩnh vực điện ảnh, world concept art có thể là các bản vẽ hoặc mô hình 3D của các thế giới hư cấu, những cảnh quan hoặc không gian giả tưởng nhằm giúp đạo diễn và đội ngũ sản xuất tái tạo được bối cảnh theo cách chân thực nhất.
Concept art môi trường là những bản vẽ phác thảo về địa hình, kiến trúc, thiên nhiên và các yếu tố khác trong dự án, chúng giúp cho đội ngũ phát triển hiểu rõ và hình dung được những gì họ cần làm. Trong trò chơi điện tử, world concept art giúp các nhà phát triển xây dựng và thiết kế cảnh quan độc đáo để người chơi có trải nghiệm tốt nhất.
2. Character concept art
Character concept art (Concept art nhân vật) là một khía cạnh tập trung vào việc tạo hình nhân vật trong một dự án điện ảnh, trò chơi điện tử, truyện tranh hoặc các dự án sáng tạo khác. Tạo hình ở đây bao gồm ngoại hình nhân vật, trang phục, biểu cảm, tính cách và các đặc điểm khác.
Đặc điểm ngoại hình và trang phục nhân vật là quan trọng nhất vì chúng thể hiện được văn hóa, địa vị và tính cách cá nhân của nhân vật. Cách một nhân vật đi, đứng hoặc thực hiện một hành động nào cũng truyền đạt rất nhiều về tính cách hoặc trạng thái cảm xúc của họ. Các họa sĩ chuyên vẽ concept art nhân vật cần hình dung các tư thế và biểu cảm khác nhau của nhân vật.
3. Prop concept art
Prop concept art (Concept art đạo cụ) là một khía cạnh của concept art tập trung vào việc thiết kế các vật dụng, vũ khí, phương tiện và các đồ vật khác xuất hiện trong phim ảnh, trò chơi điện tử, hoạt hình, v.v. Chẳng hạn, trong một bộ phim điện ảnh lấy bối cảnh cổ trang, họa sĩ tạo hình sẽ cần thiết kế vật phẩm, trang sức và vũ khí được sử dụng bởi các nhân vật.
Concept art đạo cụ cũng giúp xác định các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra giải pháp trước khi bắt đầu sản xuất. Sau khi nhận được bản thiết kế, tổ đạo cụ sẽ tiến hành chế tạo dựa theo thiết kế. Nếu một đạo cụ quá khó để chế tạo, họ có thể yêu cầu họa sĩ prop concept art chỉnh sửa thiết kế sao cho phù hợp và dễ thực hiện hơn.
4. Vehicle concept art
Vehicle concept art và prop concept art có thể có mối liên hệ, nhưng không hoàn toàn giống nhau. Vehicle concept art tập trung vào việc tạo ra hình ảnh và thiết kế về các phương tiện di chuyển, chẳng hạn như xe hơi, tàu, máy bay, robot di động và các phương tiện tương tự.
Vehicle concept art phát triển các ý tưởng về ngoại hình, chức năng và thiết kế của các phương tiện. Mặc dù có thể có sự chồng chéo giữa vehicle concept art và prop concept art trong một dự án, chẳng hạn như phương tiện di chuyển cũng đồng thời là một đạo cụ quan trọng, nhưng vehicle concept art chú trọng nhiều hơn vào chức năng của phương tiện.
5. UI concept art
UI concept art tập trung vào việc thiết kế giao diện người dùng (UI) cho các phần mềm, ứng dụng, trang web, và các sản phẩm kỹ thuật số khác. Những bản vẽ UI concept art này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giao diện người dùng đẹp mắt và dễ sử dụng với đối tượng mục tiêu. Các UI concept artist phải có khả năng sáng tạo và am hiểu về thiết kế đồ họa để tạo ra giao diện người dùng thu hút và hiệu quả.
Sự khác biệt giữa Illustration và Concept art
Illustration (Minh họa) và concept art không giống nhau. Nhiệm vụ của các concept artist là tạo ra hình ảnh, bản vẽ hoặc mô hình để minh họa và phát triển ý tưởng thiết kế. Concept art thường không truyền tải thông điệp rõ ràng và hoàn chỉnh như illustration mà tập trung vào việc khám phá ý tưởng ban đầu. Những bản vẽ concept art được xem như tài liệu hướng dẫn cho nhà phát triển hoặc nhóm sản xuất.
Họa sĩ minh họa thường được cung cấp ý tưởng hoặc thông điệp cụ thể và diễn giải ý tưởng đó bằng hình ảnh. Các họa sĩ minh họa thường được thuê để vẽ hình minh họa hoàn thiện cho sách, báo, tạp chí hoặc truyền tranh vì mục đích tiếp thị. Trong khi đó, concept art thường đơn giản hơn vì chỉ được sử dụng để phác thảo ý tưởng thiết kế ban đầu.
Cách học vẽ concept art chuyên nghiệp
Để học vẽ concept art, bạn có thể tuân theo các bước sau đây:
Nghiên cứu và tìm hiểu
Khi đã hiểu được về concept art là gì., bạn có thể nghiên cứu thêm bằng cách đọc sách, xem video hướng dẫn, và tìm hiểu về các nghệ sĩ concept art nổi tiếng để hiểu rõ hơn về phong cách và kỹ thuật.
Học cơ bản về vẽ
Để thành thạo concept art, bạn cần có kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của vẽ như hình học, ánh sáng, bóng, màu sắc và phối cảnh. Hãy tìm hiểu về các kỹ thuật vẽ như cách sử dụng bút chì, màu nước, photoshop và các công cụ khác.
Tự học và thực hành
Bắt đầu bằng việc tự học thông qua việc vẽ các bài tập cơ bản như phác thảo, vẽ mô hình, vẽ cảnh quan và nhân vật. Thực hành thường xuyên để cải thiện kỹ năng của mình và hãy kiên nhẫn với quá trình học tập.
Nắm vững phần mềm
Concept art thường được tạo ra thông qua sử dụng các phần mềm như Photoshop, Illustrator hay các phần mềm 3D. Để phục vụ tốt cho công việc, bạn cần tìm hiểu và làm quen với các công cụ và kỹ thuật trong các phần mềm này để tận dụng tối đa tiềm năng của chúng.
Đọc thêm về: Cách Tải Phần Mềm Adobe Photoshop CC 2020 Miễn Phí
Nâng cao kỹ năng
Tham gia các khóa học, lớp học, xem các video hướng dẫn và tham gia cộng đồng trực tuyến trong lĩnh vực concept art. Xem xét việc tìm một người hướng dẫn hoặc mentor để hỗ trợ bạn trong quá trình học tập.
Xây dựng portfolio
Tạo một bộ sưu tập các tác phẩm concept art của riêng bạn thông qua portfolio. Đây sẽ là cách để bạn trình bày tài năng và khả năng của mình khi xin việc hoặc tìm kiếm cơ hội trong ngành công nghiệp truyền thông.
Phân tích và học từ người khác
Nghiên cứu các tác phẩm concept art của các nghệ sĩ hàng đầu và cố gắng hiểu cách họ sử dụng màu sắc, ánh sáng và góc nhìn để tạo ra tác phẩm ấn tượng. Hãy học hỏi từ những người giỏi hơn bạn và luôn cải thiện kỹ năng của mình.
Và cách học vẽ concept art quan trọng nhất là, hãy kiên nhẫn và không ngừng thử thách bản thân để phát triển kỹ năng vẽ concept art bạn nhé!
Tổng kết
Concept art rất cần thiết trong quá trình phát triển và thiết kế của các dự án sáng tạo. Không chỉ cung cấp nền tảng cho dự án, những bản vẽ concept còn đảm bảo toàn bộ các thành viên của dự án hiểu được ý tưởng chung. Hy vọng bài viết trên của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được concept art là gì và những kiến thức liên quan đến khái niệm này. Đừng quên chia sẻ bài viết và chờ đón những nội dung thú vị hơn nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…