fbpx
Logo

Điện Toán Đám Mây Là Gì? Đặc Điểm, Lợi Ích Và Phân Loại

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Điện toán đám mây là một trong những công nghệ đột phá đang thay đổi cách chúng ta sử dụng và quản lý dữ liệu. Với khả năng cung cấp tài nguyên tính toán từ xa thông qua Internet, điện toán đám mây giúp các doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng truy cập, lưu trữ và xử lý dữ liệu mà không cần đầu tư mạnh vào hạ tầng phần cứng. Vậy điện toán đám mây là gì và có những lợi ích gì cho người dùng?

Điện toán đám mây là gì?

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là một mô hình công nghệ cho phép người dùng truy cập và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin thông qua Internet.

Các tài nguyên và dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phần mềm và các chức năng phân tích, đều được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trên một nền tảng từ xa, được gọi là “đám mây”. Thay vì mua sắm, duy trì và vận hành máy móc và hệ thống riêng, người dùng có thể thuê hoặc sử dụng các tài nguyên này từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

dien toan dam may la gi 1

Lợi ích của điện toán đám mây

On-premise IT (công nghệ thông tin tại chỗ) là mô hình triển khai hệ thống công nghệ thông tin mà trong đó tất cả các phần mềm, phần cứng và cơ sở hạ tầng liên quan được cài đặt, vận hành và quản lý ngay tại trụ sở của doanh nghiệp. So với mô hình on-premise IT, điện toán đám mây có thể là sự lựa chọn tối ưu và cung cấp nhiều lợi ích như:

Hiệu quả về chi phí

Với điện toán đám mây, người dùng không cần phải đầu tư lớn vào việc mua sắm phần cứng (máy chủ, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng) và xây dựng cơ sở hạ tầng (phòng máy, hệ thống làm mát, nguồn điện). Điều này giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí đầu tư ban đầu và giảm bớt rủi ro về đầu tư.

Các dịch vụ đám mây thường được tính phí dựa trên mức sử dụng thực tế, nghĩa là doanh nghiệp chỉ phải trả tiền cho dung lượng, băng thông hoặc tài nguyên mà họ đã sử dụng. Điều này giúp giảm thiểu chi phí dư thừa do tài nguyên không sử dụng hết. Khi nhu cầu tăng, doanh nghiệp có thể tăng quy mô tài nguyên dễ dàng và tránh lãng phí.

công nghệ điện toán đám mây
Điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Linh hoạt

Nhờ có công nghệ điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể triển khai các ứng dụng doanh nghiệp trong vài phút thay vì bộ phận IT mua phần cứng, cấu hình hệ thống và cài đặt phần mềm. Điện toán đám mây cho phép các đội phát triển, đặc biệt là DevOps có thể tự chủ hơn trong việc khai thác các công cụ và hạ tầng, thay vì phụ thuộc vào IT. Các nhóm này có thể dễ dàng quản lý các tài nguyên cần thiết cho dự án của họ mà không cần thông qua các quy trình phức tạp.

Khả năng mở rộng không giới hạn

Hệ thống đám mây có khả năng tự động điều chỉnh tài nguyên tính toán (như CPU, bộ nhớ, lưu trữ) để đáp ứng nhu cầu thay đổi một cách nhanh chóng và linh hoạt. Nói cách khác, hệ thống đám mây có tính đàn hồi có thể tự động mở rộng hoặc thu hẹp quy mô mà không cần sự can thiệp của con người. Nhờ vào mạng lưới toàn cầu của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, doanh nghiệp có thể triển khai ứng dụng hoặc dịch vụ cho người dùng ở bất kỳ đâu.

dịch vụ điện toán đám mây là gì
Khả năng mở rộng là của điện toán đám mây là một lợi ích nổi bật

Giá trị chiến lược nâng cao

Điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp sử dụng nhiều công nghệ và các sáng tạo mới nhất để có được lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, trong các ngành như bán lẻ, ngân hàng và các lĩnh vực cần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, các trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được triển khai qua đám mây có thể rút ngắn thời gian phản hồi khách hàng. Điều này không chỉ làm tăng độ hài lòng của khách hàng mà còn cho phép nhân sự tập trung vào các công việc khác.

Các loại dịch vụ điện toán đám mây

Hiện nay, có ba mô hình dịch vụ điện toán đám mây chính là IaaS (Cơ sở hạ tầng dạng dịch vụ), PaaS (Nền tảng dạng dịch vụ) và SaaS (Phần mềm dạng dịch vụ). Mỗi loại dịch vụ này đáp ứng các nhu cầu khác nhau, từ hạ tầng máy chủ, nền tảng phát triển cho đến phần mềm ứng dụng, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tối ưu trong việc triển khai và vận hành hệ thống công nghệ thông tin.

các loại dịch vụ điện toán đám mây
Các loại dịch vụ điện toán đám mây

IaaS (Infrastructure-as-a-Service)

IaaS (Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ) cung cấp quyền truy cập vào tài nguyên máy tính cơ bản qua Internet, bao gồm máy chủ ảo, lưu trữ và mạng. Người dùng có thể thuê các tài nguyên này trên cơ sở thanh toán theo nhu cầu sử dụng, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu. Bên cạnh đó, người dùng có quyền kiểm soát cao nhất đối với tài nguyên của mình, đây là loại dịch vụ đám mây gần giống nhất với mô hình on-premise IT.

PaaS (Platform-as-a-Service)

PaaS (Nền tảng dưới dạng dịch vụ) là một dịch vụ điện toán đám mây cung cấp nền tảng hoàn chỉnh để các developer xây dựng, triển khai và quản lý ứng dụng mà không cần phải lo lắng về hạ tầng phần cứng và phần mềm. PaaS cung cấp các công cụ và dịch vụ cần thiết cho việc phát triển ứng dụng, bao gồm môi trường lập trình, thư viện, công cụ quản lý và quản trị cơ sở dữ liệu.

google app engine
Google App Engine là một ví dụ điển hình về PaaS

SaaS (Software-as-a-Service)

SaaS (Phần mềm dạng dịch vụ) là một mô hình cung cấp phần mềm qua Internet, cho phép người dùng truy cập và sử dụng các ứng dụng phần mềm trực tuyến mà không cần cài đặt trên máy tính cá nhân. Với SaaS, người dùng có thể truy cập ứng dụng từ bất kỳ đâu có kết nối Internet. Các dịch vụ SaaS thường áp dụng hình thức thuê bao hàng tháng hoặc hàng năm.

Các phần mềm quản lý như CRM (Quản lý quan hệ khách hàng), ERP (Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) thường được cung cấp dưới dạng SaaS, giúp doanh nghiệp quản lý và theo dõi hoạt động hiệu quả. Với tính linh hoạt, khả năng mở rộng linh hoạt và chi phí hợp lý, SaaS đã trở thành lựa chọn phổ biến cho nhiều doanh nghiệp trong kỷ nguyên số ngày nay.

Các mô hình triển khai điện toán đám mây

Mô hình triển khai điện toán đám mây xác định cách thức mà các dịch vụ đám mây được triển khai và quản lý. Dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp và cách mà họ muốn sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, các mô hình này có thể được chia thành bốn loại chính:

các mô hình triển khai điện toán đám mây
Các mô hình triển khai điện toán đám mây

Public Cloud

Public Cloud là một mô hình triển khai dịch vụ điện toán đám mây, trong đó tài nguyên và dịch vụ được cung cấp bởi một nhà cung cấp bên thứ ba và được chia sẻ giữa nhiều khách hàng khác nhau. Vì các tài nguyên như máy chủ, lưu trữ, và mạng được chia sẻ giữa nhiều doanh nghiệp, điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng và giảm chi phí.

Private Cloud

Private Cloud là một mô hình triển khai dịch vụ điện toán đám mây, trong đó hạ tầng đám mây được sử dụng độc quyền bởi một tổ chức cụ thể. Với mô hình triển khai này, tài nguyên đám mây chỉ được sử dụng bởi một tổ chức duy nhất nên sẽ bảo đảm tính riêng tư và an toàn cho dữ liệu. Tuy nhiên, tổ chức cần đầu tư vào phần cứng và phần mềm để duy trì hạ tầng và cần có đội ngũ IT chuyên nghiệp.

Private Cloud
Private cloud chỉ được sử dụng bởi một tổ chức duy nhất

Hybrid Cloud

Hybrid Cloud là một mô hình triển khai điện toán đám mây kết hợp giữa public cloud và private cloud. Các doanh nghiệp có thể chạy các ứng dụng không nhạy cảm về bảo mật trên public cloud để tiết kiệm chi phí, trong khi các ứng dụng quan trọng đòi hỏi mức độ bảo mật cao hơn có thể được chạy trên private cloud.

Đối với các nhóm phát triển phần mềm (như DevOps), môi trường hybrid cloud cho phép họ linh hoạt phát triển và thử nghiệm các ứng dụng mà không cần đầu tư vào phần cứng vật lý đắt đỏ. Nhờ đó, nhóm phát triển có thể nhanh chóng hoàn thành việc phát triển và thử nghiệm. Sau khi phát triển ứng dụng trên đám mây công cộng, họ có thể chuyển ứng dụng đó sang private cloud dựa trên các yếu tố như yêu cầu kinh doanh hoặc yêu cầu bảo mật.

hybrid cloud
Hybrid Cloud là gì?

Multicloud

Multicloud là việc doanh nghiệp sử dụng hai hoặc nhiều dịch vụ đám mây từ các nhà cung cấp khác nhau. Các dịch vụ đám mây này có thể là SaaS (Software as a Service), PaaS (Platform as a Service) hoặc IaaS (Infrastructure as a Service). Mô hình triển khai này sẽ giúp các doanh nghiệp tránh bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất và linh hoạt hơn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu của mình.

Ứng dụng của điện toán đám mây

Từ các doanh nghiệp lớn đến các cá nhân, điện toán đám mây đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lưu trữ dữ liệu, phát triển phần mềm đến phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Những ứng dụng phổ biến của điện toán đám mây bao gồm:

Lưu trữ dữ liệu

Điện toán đám mây đã cách mạng hóa cách chúng ta lưu trữ và quản lý dữ liệu. Với khả năng lưu trữ và truy cập dữ liệu từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào thông qua kết nối Internet, đám mây đã trở thành giải pháp lưu trữ được ưa chuộng hàng đầu cho cả cá nhân và doanh nghiệp. Các dịch vụ như Google Drive, Dropbox, Onedrive là những ví dụ điển hình của điện toán đám mây khi người dùng có thể lưu trữ dữ liệu lên đám mây thay vì thiết bị cá nhân.

ứng dụng điện toán đám mây
Lưu trữ dữ liệu là ứng dụng đầu tiên của điện toán đám mây

Phát triển và thử nghiệm

Với khả năng cung cấp các tài nguyên tính toán linh hoạt và dễ dàng mở rộng, đám mây đã cách mạng hóa cách các nhà phát triển xây dựng và kiểm thử ứng dụng. Các nhóm phát triển có thể dễ dàng thiết lập môi trường thử nghiệm trong vài phút bằng cách tạo ra các máy ảo (VMs) hoặc sử dụng các dịch vụ như Amazon Web Services (AWS) hoặc Microsoft Azure.

Thay vì mua phần cứng cố định, các tổ chức chỉ phải trả chi phí cho tài nguyên họ sử dụng trong quá trình phát triển và thử nghiệm. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí liên quan đến thử nghiệm. Bên cạnh đó, các nhóm phát triển có thể làm việc từ xa và cùng truy cập vào môi trường thử nghiệm chung thông qua các nền tảng đám mây.

development
Điện toán đám mây có những lợi ích trong phát triển và kiểm thử ứng dụng

Phân tích dữ liệu

Điện toán đám mây đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, đặc biệt là khi lượng dữ liệu ngày càng tăng và phức tạp. Điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp phân tích dữ liệu theo thời gian thực, giúp họ nắm bắt và xử lý thông tin ngay lập tức. Điều này đặc biệt hữu ích trong các lĩnh vực như bán lẻ, ngân hàng hoặc dịch vụ khách hàng, nơi yêu cầu phản ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường hoặc khách hàng.

Sao lưu và khôi phục dữ liệu

Một trong những lợi thế lớn nhất của điện toán đám mây là khả năng sao lưu dữ liệu tại nhiều trung tâm dữ liệu ở các địa điểm khác nhau. Trong trường hợp có sự cố tại một trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp vẫn có thể truy cập vào các bản sao lưu tại các địa điểm khác. Nhờ có khả năng truy cập từ bất kỳ đâu, doanh nghiệp có thể khôi phục dữ liệu ngay lập tức mà không cần phải chờ đợi nhân viên IT hoặc di chuyển tới trung tâm dữ liệu vật lý.

data backup
Điện toán đám mây giúp việc khôi phục dữ liệu dễ dàng hơn

AI tạo sinh (Generative AI)

Generative AI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) là một nhánh của trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra các nội dung mới dựa trên dữ liệu đã có. Thay vì chỉ phân tích và dự đoán như các mô hình AI truyền thống, Generative AI có khả năng tự động tạo ra các văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, mã code và thậm chí cả các thiết kế 3D hoàn toàn mới.

Generative AI yêu cầu một lượng lớn tài nguyên tính toán để huấn luyện các mô hình AI phức tạp, như mạng nơ-ron sâu (Deep Learning) hoặc mô hình học máy khác. Điện toán đám mây cung cấp cơ sở hạ tầng mạnh mẽ với khả năng mở rộng không giới hạn, cho phép các doanh nghiệp hoặc nhà nghiên cứu sử dụng GPU và TPU tiên tiến để tăng tốc quá trình huấn luyện mô hình AI.

Tổng kết

Điện toán đám mây đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Việc hiểu rõ và tận dụng các lợi thế của điện toán đám mây sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển bền vững mà còn bắt kịp xu thế công nghệ mới. Hy vọng Miko Tech đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và đừng quên chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé!

24.09.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!