fbpx
Logo

Gross Margin Là Gì? Ý Nghĩa Và Cách Tính Biên Lợi Nhuận Gộp

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Các chỉ số tài chính cung cấp cái nhìn sâu sắc về hiệu quả hoạt động, sức khỏe tài chính và khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Một trong những chỉ số quan trọng mà mọi doanh nghiệp cần nắm vững chính là biên lợi nhuận gộp (gross margin). Nhưng gross margin là gì, tại sao nó lại quan trọng và làm thế nào để tính toán chính xác? Hãy cùng Miko Tech tìm hiểu ngay trong bài viết sau nhé!

Gross Margin là gì?

Gross margin (biên lợi nhuận gộp) là một chỉ số tài chính quan trọng trong doanh nghiệp, thể hiện mức độ hiệu quả của việc sản xuất và bán hàng hóa hay dịch vụ.
gross margin
Khái niệm gross margin là gì?

Gross margin cho biết tỷ lệ phần trăm doanh thu mà doanh nghiệp giữ lại sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất và bán hàng. Biên lợi nhuận cao cho thấy doanh nghiệp có khả năng kiểm soát tốt chi phí sản xuất, từ đó tạo ra lợi nhuận cao hơn từ doanh thu bán hàng. Ngược lại, gross margin thấp cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí.

Ý nghĩa của Gross Margin

Gross Margin đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện khả năng sinh lời từ các hoạt động sản xuất và bán hàng. Chỉ số này có thể được sử dụng cho các mục đích như:

vai trò của gross margin là gì
Những vai trò của gross margin

Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh

Như đã nói ở trên, chỉ số biên lợi nhuận gộp có thể được sử dụng để đánh giá khả năng kiểm soát chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, chỉ số này còn có thể sử dụng để so sánh hiệu quả hoạt động của các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau. Điều này giúp doanh nghiệp xác định các mảng kinh doanh nào đang hoạt động hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao nhất, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh để tối ưu hóa lợi nhuận.

So sánh hiệu quả kinh doanh giữa các doanh nghiệp

Việc so sánh chỉ số biên lợi nhuận gộp giữa các doanh nghiệp cùng ngành giúp đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp một cách tương đối. Tuy nhiên, đây chỉ là thước đo tương đối vì doanh nghiệp lớn hơn thường hưởng lợi từ kinh tế quy mô (Economies of Scale). Điều này có nghĩa là khi sản lượng tăng, chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm và ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp.

so sánh doanh nghiệp
Gross margin giúp so sánh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp

Xác định chiến lược giá

Doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu gross margin dựa trên các yếu tố như ngành, chi phí, và kỳ vọng lợi nhuận. Biên lợi nhuận mục tiêu này sẽ là cơ sở để thiết lập giá bán. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp cần thâm nhập vào thị trường mới và cần tăng trưởng doanh số, họ có thể chọn giá thấp hơn, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng gross margin không giảm quá nhiều.

Xem thêm: Định Giá Sản Phẩm Là Gì? 5 Phương Pháp Định Giá Tối Ưu

Đánh giá tiềm năng đầu tư

Biên lợi nhuận gộp là một trong nhiều chỉ số tài chính mà các nhà đầu tư sẽ xem xét khi đánh giá các cơ hội đầu tư. Những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp theo xu hướng tăng trong những năm gần nhất thường được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng tốt và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

vai trò biên lợi nhuận gộp
Gross margin và các chỉ số tài chính khác cho phép xác định các cơ hội đầu tư tốt

Lập kế hoạch kinh doanh và bán hàng

Gross margin giúp doanh nghiệp dự tính doanh thu cần thiết để đạt được mục tiêu lợi nhuận mong muốn. Dựa theo công thức tính biên lợi nhuận gộp, doanh nghiệp có thể xác định mức doanh thu cần thiết để bù đắp chi phí và tạo ra lợi nhuận. Ví dụ: nếu doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận 10 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp là 40%, thì doanh nghiệp cần đạt doanh thu 25 tỷ đồng (10 / 0,4).

Cách tính biên lợi nhuận gộp

Vậy, bạn đã hiểu gross margin là gì? Gross margin được tính bằng cách lấy doanh thu trừ đi giá vốn hàng bán (COGS), sau đó chia cho doanh thu và nhân với 100 để ra tỷ lệ phần trăm. Công thức tính cụ thể như sau:

Gross Margin = [(Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu thuần] ×100

Trong đó:

  • Doanh thu thuần: Là doanh thu từ bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, sau khi đã trừ đi các khoản giảm giá, thuế bán hàng và các khoản thuế liên quan khác.
  • Giá vốn hàng bán: Bao gồm các chi phí trực tiếp liên quan đến sản xuất sản phẩm như chi phí nguyên vật liệu, nhân công trực tiếp, chi phí hao hụt,…

Ví dụ: Giả sử một doanh nghiệp có doanh thu thuần là 100 tỷ đồng và giá vốn hàng bán là 60 tỷ đồng. Vậy gross margin của doanh nghiệp đó sẽ là:

Gross Margin (%) = (100 tỷ đồng – 60 tỷ đồng) / 100 tỷ đồng x 100% = 40%

Gross Margin bao nhiêu là tốt?

Mỗi ngành nghề có mức Gross Margin trung bình riêng do đặc thù về nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất, chi phí marketing,… Ví dụ, ngành bán lẻ thường có Gross Margin thấp hơn so với ngành công nghiệp nặng. Thông thường, biên lợi nhuận gộp 5% được xem là thấp, 10% là mức ổn và 20% là cao. Theo tính toán từ New York University, trung bình biên lợi nhuận gộp là 38,9% cho hơn 5000 doanh nghiệp mọi ngành nghề tại Mỹ.

Ngành nghềSố lượng doanh nghiệpBiên lợi nhuận gộp
Quảng cáo5728.11%
Dịch vụ máy tính7225.52%
Giáo dục3144.23%
Xây dựng4313.85%
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe11914.37%
Bảo hiểm nhân thọ2320.49%
Năng lượng5037.41%
Giải trí9838.09%
Đầu tư & Quản lý tài sản33466.89%
Biên lợi nhuận gộp của một số ngành nghề trong nghiên cứu của NYU

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tốt nhất cho các doanh nghiệp là khác nhau xét đến các yếu tố sau:

  • Ngành nghề hoạt động: Một số ngành nghề vốn có biên lợi nhuận rất thấp hoặc rất cao. Ví dụ, các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng bán lẻ thường có lợi nhuận thấp. Chi phí của các cửa hàng này khá cao vì họ cần mua hàng, thuê kho, thuê nhân viên và cơ sở bán hàng. Tuy nhiên, các mặt hàng của họ thường khá dễ bán.
  • Mô hình kinh doanh: Các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh với ít chi phí hoạt động, không cần tồn kho vật lý thường cần ít vốn hơn để hoạt động. Chẳng hạn, các công ty tư vấn hoặc công ty phần mềm dịch vụ (SaaS) thường có biên lợi nhuận gộp cao.
  • Thời gian hoạt động và quy mô: Thời gian hoạt động và quy mô doanh nghiệp cũng có ảnh hưởng đến gross margin. Các doanh nghiệp mới thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các công ty lớn hoặc đã hoạt động nhiều năm. Điều này là do họ thường có doanh số bán hàng ít hơn, nhân viên ít hơn và do đó, chi phí hoạt động thấp hơn.
  • Vị trí địa lý: Ngay cả khi các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một ngành, vị trí địa lý cũng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. Chẳng hạn, một công ty công nghệ ở những đất nước phát triển hoặc thành phố lớn sẽ có chi phí thuê văn phòng và nhân công cao hơn đáng kể.
  • Mục tiêu tăng trưởng: Biên lợi nhuận gộp lý tưởng của doanh nghiệp cũng cần dựa trên mục tiêu tăng trưởng. Nếu doanh nghiệp cần huy động vốn từ nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có gross margin đủ cao để thu hút nhà đầu tư và đảm bảo khả năng trả nợ.
xác định biên lợi nhuận gộp tốt nhất
Những yếu tố cần tính đến khi xác định biên lợi nhuận mục tiêu

Những yếu tố tác động đến Gross Margin

Dựa theo công thức tính biên lợi nhuận gộp, chúng ta xác định được hai yếu tố chính tác động đến biên lợi nhuận gộp là doanh thu thuần và giá vốn hàng bán. Vì vậy, tất cả những yếu tố có khả năng làm thay đổi doanh thu thuần và giá vốn hàng bán cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến gross margin. Những yếu tố đó có thể là:

  • Năng suất lao động: Năng suất lao động cao giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân công trực tiếp, từ đó nâng cao biên lợi nhuận gộp. Năng suất lao động có thể được nâng cao thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân viên hiệu quả, tổ chức sản xuất hợp lý và tinh thần làm việc của nhân viên tốt.
  • Giá bán sản phẩm: Giá bán sản phẩm cao hơn sẽ dẫn đến biên lợi nhuận gộp cao hơn. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm cần phù hợp với thị trường và khả năng chi trả của khách hàng. Doanh nghiệp cần xác định giá bán hợp lý dựa trên giá trị sản phẩm, chi phí sản xuất và nhu cầu thị trường.
  • Chi phí vận chuyển: Chi phí vận chuyển càng cao thì giá vốn hàng bán càng cao. Chẳng hạn, đại dịch COVID đã khiến chi phí vận chuyển tăng cao vì nhu cầu tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn toàn cầu.
  • Biến động giá nguyên vật liệu: Biến động giá nguyên vật liệu có thể ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao biến động giá nguyên vật liệu, áp dụng các biện pháp dự phòng rủi ro và đàm phán giá mua nguyên vật liệu hợp lý.
  • Nhu cầu thị trường: Nhu cầu thị trường cao sẽ giúp doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn. Để đảm bảo khả năng bán hàng, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường để phát triển những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần triển khai các chiến lược marketing hiệu quả.

Đọc ngay: Chiến Lược Marketing Là Gì? 8 Chiến Lược Marketing Hiệu Quả

Tổng kết

Gross Margin (Biên lợi nhuận gộp) là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng kiểm soát chi phí và sinh lời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, gross margin nên được sử dụng cùng với các chỉ số tài chính khác để có nhận xét tổng quan và đầy đủ nhất. Hy vọng bài viết của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được gross margin là gì và ý nghĩa của chỉ số này đối với doanh nghiệp.

18.07.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!