Hiệu ứng đám đông là một trong những hiện tượng mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong đời sống hằng ngày. Việc theo dõi hành vi của đám đông có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta ra quyết định. Do đó, một số doanh nghiệp đã khéo léo tận dụng hiệu ứng tâm lý này để đạt được thành công trong các chiến lược kinh doanh và marketing. Vậy, hiệu ứng đám đông là gì và vì sao chúng ta lại bị cuốn theo nó?
Hiệu ứng đám đông là gì?
Hiệu ứng đám đông (Bandwagon Effect) là một hiện tượng tâm lý xã hội mô tả sự ảnh hưởng của một người hoặc nhóm người lên hành vi của nhau trong tình huống nhất định.
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xã hội tồn tại trong mọi cộng đồng con người và có tính chất tích cực hoặc tiêu cực. Đặc điểm tâm lý xã hội này góp phần tạo nên sự đặc biệt của một cộng đồng người cụ thể, bất kể có kích thước nhỏ như một nhóm, tổ chức hoặc khu vực dân cư, hay lớn như một quốc gia.
Có nhiều ví dụ về hiệu ứng đám đông trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số ví dụ:
- Hiệu ứng đám đông khi mua sắm: Khi một sản phẩm có nhiều đánh giá tốt, người ta sẽ dễ dàng ra quyết định mua hàng hơn. Trong siêu thị, khi thấy đám đông tranh nhau mua đồ giảm giá hay thấy nhiều người mua một món đồ nào đó, bất giác, bạn cũng lấy nó cho vào giỏ mua về.
- Hiệu ứng đám đông trong chính trị: Trong các cuộc bầu cử, khi một ứng cử viên được nhiều người ủng hộ, các cử tri khác có thể bầu cử cho người đó vì họ tin vào quyết định của đám đông.
- Hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội: Trên mạng xã hội, hiệu ứng đám đông có thể dẫn đến các hành vi như “ném đá” trên mạng xã hội mà không kiểm chứng thông tin.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng đám đông
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng xã hội có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta ra quyết định hàng ngày. Vậy, bạn có thắc mắc rằng tại sao chúng ta lại bị cuốn theo và ra quyết định dựa trên hành vi của người khác?
Phương pháp suy nghiệm (Heuristic)
Bộ não con người thường sử dụng một phương pháp phỏng đoán gọi là phương pháp suy nghiệm (heuristic) để ra quyết định hiệu quả hơn. Heuristic là một kỹ thuật mà bộ não của chúng ta sử dụng để giải quyết vấn đề dựa trên kinh nghiệm. Nếu bạn đang cố gắng quyết định một điều gì đó, bạn có thể xem người khác làm gì và làm theo họ, nghĩa là quyết định dựa trên kinh nghiệm của người khác.
Ví dụ: nếu bạn sắp có con, bạn có thể dành hàng giờ để nghiên cứu các loại xe đẩy trẻ em và cố gắng tìm ra loại tốt nhất. Nhưng rồi bạn phát hiện tất cả mọi người xung quanh đều có cùng một mẫu xe đẩy, bạn sẽ nghĩ rằng đó là mẫu tốt nhất vì mọi người đều đang dùng nó.
Hiệu ứng chân lý ảo (Illusory Truth Effect)
Hiệu ứng chân lý ảo đề cập đến một hiện tượng mà trong đó mọi người có xu hướng tin vào một thông tin nào đó nếu tiếp xúc với nó nhiều lần. Nói cách khác, nếu chúng ta nghe hoặc đọc được một điều gì đó nhiều lần, chúng ta có nhiều khả năng tin vào nó.
Ví dụ: bạn muốn đặt cược vào một đội bóng và bạn tin rằng họ sẽ chiếm ưu thế trong mùa giải năm nay. Tuy nhiên, bạn liên tục nghe được những thông tin rằng đội bóng bạn ủng hộ đang có những khó khăn và đội bóng đối thủ mạnh ra sao. Nghe những đánh giá của người khác có thể khiến bạn suy nghĩ lại quyết định đặt cược và chuyển sang ủng hộ đội khác.
Mong muốn được chấp nhận
Con người là một sinh vật luôn tìm kiếm sự chấp thuận của người khác. Vì lý do này, hiệu ứng đám đông trở nên phổ biến vì mọi người luôn mong muốn được trở thành một phần của cộng đồng.
Ví dụ: Một người có thể ra quyết định theo đám đông để được chấp nhận dù đôi khi họ không rõ ràng về động cơ của mình. Khi cả nhóm bàn luận về một quán ăn, họ có thể lựa chọn địa điểm nổi tiếng nhất vì nó dễ được chấp nhận nhất.
Hội chứng FOMO
FOMO, viết tắt của “Fear of Missing Out,” là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến trong xã hội hiện đại và có mối liên quan mật thiết với hiệu ứng đám đông. Hiệu ứng FOMO thể hiện sự lo sợ của một người khi họ nghĩ rằng họ sẽ bỏ lỡ một điều gì đó.
Mối liên quan giữa hiệu ứng FOMO và hiệu ứng đám đông nằm ở việc cả hai đều xuất phát từ mong muốn của con người muốn tham gia vào các hoạt động, xu hướng, hoặc sự kiện phổ biến. Tức là, FOMO thường kích thích mọi người hành động theo đám đông.
Tư duy nhóm chiếm ưu thế
Tất cả chúng ta đều dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Ví dụ: nếu chúng ta ở gần những người tập thể dục thường xuyên, chúng ta cũng có xu hướng tập thể dục nhiều hơn. Nếu xung quanh chúng ta có những người đọc nhiều, điều đó sẽ khuyến khích chúng ta đọc nhiều hơn. Khi những người xung quanh chúng ta làm điều gì đó, chúng ta cũng có xu hướng làm điều tương tự.
Tác động của hiệu ứng đám đông
Hiệu ứng đám đông có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực và cũng có cả những mặt tiêu cực. Vậy đâu là những điểm tích cực và đâu là những điểm tiêu cực?
Tích cực
- Tạo đà cho hành động tích cực: Hiệu ứng đám đông có thể kích thích chúng ta tham gia vào các hành động như ủng hộ các chương trình từ thiện, tham gia vào các hoạt động xã hội, hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
- Thúc đẩy sự đổi mới: Bandwagon effect cũng có thể tạo đà cho sự đổi mới và sáng tạo. Khi một ý tưởng hoặc sản phẩm mới được nhiều người ủng hộ, nó có thể được phát triển và cải tiến nhanh chóng.
- Làm tăng nhận thức: Việc lan truyền thông điệp tích cực thông qua đám đông có thể làm tăng sức ảnh hưởng của nó.
- Tạo cơ hội kinh doanh: Khi một sản phẩm hoặc dịch vụ thu hút sự quan tâm của đám đông, nó có thể làm tăng doanh số bán hàng tăng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
Tiêu cực
- Thiếu sáng tạo và đánh giá độc lập: Hiệu ứng đám đông có thể khiến người ta thiếu khả năng đánh giá một tình huống hoặc thông tin một cách đúng đắn. Mọi người có thể áp đặt ý kiến và quyết định của đám đông lên bản thân mình mà không xem xét kỹ lưỡng.
- Sự lan truyền của hành vi tiêu cực: Hành vi hoặc ý kiến tiêu cực có thể lan truyền nhanh chóng và gây ảnh hưởng đến đám đông.
- Cản trở quyết định đúng đắn: Hiệu ứng này có thể làm cho chúng ta đánh giá thông tin hoặc quyết định dựa theo người khác mà không có sự cân nhắc rõ ràng hoặc tìm hiểu.
- Tin tức giả mạo: Trong môi trường trực tuyến như mạng xã hội, hiệu ứng đám đông có thể khiến tin tức giả mạo hoặc thông tin sai lệch được lan truyền nhanh chóng và dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.
Cách tận dụng hiệu ứng đám đông trong marketing
Để tận dụng sức mạnh của đám đông trong marketing, các doanh nghiệp có thể tham khảo một số chiến lược mà Miko Tech sẽ giới thiệu ngay sau đây:
1. Khuyến khích chia sẻ
Khởi nguồn của hiệu ứng đám đông là việc lan truyền thông tin. Chẳng hạn, mỗi khi công ty đăng bài trên mạng xã hội, bạn có thể khuyến khích người xem chia sẻ thông điệp đó. Hãy đảm bảo rằng luôn có nút chia sẻ trên những nền tảng mà bạn đăng tải thông tin, dù là trong giao tiếp nội bộ hay thông tin công bố trước công chúng.
Bạn cũng có thể khuyến khích nhân viên chia sẻ bài viết của công ty và nói về trải nghiệm của họ với thương hiệu. Chia sẻ thông tin có thể tạo ra hiệu ứng đám đông bằng cách tạo ra một sự lan truyền tự nhiên. Khi người khác chia sẻ bài viết của bạn, nó có thể thu hút sự quan tâm từ một lượng lớn người khác, dẫn đến tăng độ nhận diện thương hiệu và sự phát triển của doanh nghiệp.
Khám phá thêm: Buzz Marketing Là Gì? Cách Tạo Buzz Thu hút Truyền Thông
2. Những con số biết “nói”
Hãy cho công chúng biết công ty có bao nhiêu người theo dõi trên nền tảng truyền thông xã hội, số lượng độc giả truy cập blog mỗi tháng hoặc số lượng khách hàng của công ty. Những con số “khủng” nói lên nhiều thứ và chúng có thể làm tăng uy tín của bạn với người đọc. Đương nhiên, cách này chỉ áp dụng được khi doanh nghiệp có những con số đủ lớn để công khai.
3. Đánh giá của khách hàng
Những feedback chân thực từ khách hàng trước đó có thể tạo ra hình ảnh tích cực về sản phẩm hoặc thương hiệu. Bạn có thể khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ thông qua việc đánh giá trên trang web hoặc yêu cầu họ viết một lời đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty. Không gì có thể thuyết phục công chúng tốt hơn lời đánh giá của những khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
4. Sức mạnh của influencer
Đừng bỏ qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng. Hãy cân nhắc việc hợp tác với những người có sức ảnh hưởng (influencer) để quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Chẳng hạn, một hãng giày có thể hợp tác với một vlogger trong lĩnh vực du lịch và đề nghị vlogger đánh giá trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Những người yêu thích vlogger du lịch có thể được thôi thúc mua giày sau khi xem được review chân thực.
Xem thêm:
Kết luận
Hiệu ứng đám đông có thể mang lại nhiều lợi ích nếu được tận dụng đúng đắn nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều nguy cơ cho xã hội. Bài viết trên của Miko Tech đã giải thích cho bạn hiệu ứng đám đông là gì cũng như những lý do vì sao chúng ta chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng này trong đời sống. Hy vọng bạn đã giải đáp được những thắc mắc của mình và đừng quên chia sẻ bài viết nếu thấy hay nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…