fbpx
Logo

Mô Hình Canvas Là Gì? Các Yếu Tố Chính Và Lợi Ích Thực Tế

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Mô hình Canvas là một công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp phát thảo và phát triển chiến lược kinh doanh một cách trực quan và dễ hiểu. Với 9 yếu tố cốt lõi, mô hình Canvas giúp doanh nghiệp nhìn rõ các khía cạnh quan trọng của mô hình kinh doanh. Vậy, những yếu tố chính của mô hình Canvas là gì? Hãy cùng Miko Tech tìm hiểu sâu hơn nhé!

Mô hình Canvas là gì?

Mô hình Canvas (Business Model Canvas – BMC) là một công cụ trực quan được sử dụng để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up, có cái nhìn tổng quan về mô hình kinh doanh của mình.

Mô hình Canvas được giới thiệu bởi Alexander Osterwalder vào năm 2008 và được chia thành 9 thành phần cơ bản, mỗi thành phần thể hiện một khía cạnh quan trọng trong kinh doanh. Thông thường, mô hình Canvas được sử dụng trong giai đoạn mới khởi nghiệp, cần lập kế hoạch kinh doanh hoặc có nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp.

Mô hình Canvas
Mô hình Canvas là gì?

Mục tiêu của mô hình Canvas

Ngoài việc cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng quan về mô hình kinh doanh, mô hình Canvas cho phép các công ty trực quan hóa và phân tích chiến lược của họ. Mô hình cũng cần được xem xét và cập nhật trong trường hợp công ty thay đổi thị trường, tìm kiếm dòng doanh thu mới hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh.

Mô hình Canvas là một công cụ trực quan và dễ hiểu, cho phép bạn khái quát các yếu tố quan trọng của doanh nghiệp và dễ dàng chia sẻ cho ban quản trị, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan khác. Quan trọng hơn hết, mô hình Canvas cung cấp cho doanh nghiệp một phân tích tổng quan, cái nhìn sâu sắc để hiểu hơn về mô hình kinh doanh và tập trung vào những yếu tố cần thiết.

9 yếu tố của mô hình Canvas

Mô hình Canvas, hay Business Model Canvas, bao gồm 9 yếu tố chính, mỗi yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phân tích mô hình kinh doanh. Những yếu tố chính trong mô hình Canvas là gì?

các yếu tố trong mô hình canvas
9 yếu tố chính của mô hình Canvas

1. Phân khúc khách hàng (Customer Segments)

Customer Segment là một trong 9 yếu tố cốt lõi của mô hình Canvas. Phân khúc khách hàng là nhóm đối tượng mà doanh nghiệp muốn phục vụ và đáp ứng nhu cầu của họ. Việc xác định rõ phân khúc khách hàng là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng một mô hình kinh doanh thành công. Việc nhắm mục tiêu đến đúng đối tượng khách hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí marketing và tăng hiệu quả của các chiến dịch.

Có nhiều cách để xác định phân khúc khách hàng lý tưởng, chẳng hạn như thông qua các yếu tố sau:

  • Nhu cầu của khách hàng: Khách hàng đang tìm kiếm điều gì?
  • Đặc điểm nhân khẩu học: Độ tuổi, giới tính, khu vực sinh sống,…
  • Sở thích: Khách hàng yêu thích những gì và điều gì làm họ khó chịu? Hiểu được những điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận họ tốt hơn.

2. Đề xuất giá trị (Value Proposition)

Value Proposition là một tuyên bố mô tả những lợi ích mà sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp mang lại cho khách hàng. Tuyên bố này cũng là lý do tại sao khách hàng nên chọn sản phẩm của doanh nghiệp thay vì các đối thủ cạnh tranh. Một đề xuất giá trị cần giải thích rõ sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng như thế nào, có những lợi ích bổ sung nào và vì sao chúng tốt hơn các sản phẩm hoặc dịch vụ khác.

lợi ích của mô hình canvas
Value proposition là một tuyên bố về giá trị của sản phẩm/dịch vụ

Đề xuất giá trị có thể được chia thành hai loại chính:

  • Định lượng: Đây là những lợi ích có thể dễ dàng đếm được, điều này có nghĩa là khách hàng có thể dễ dàng so sánh với đối thủ, ví dụ như giá cả. Người dùng có thể chọn dịch vụ của bạn vì nó rẻ hơn, nhanh hơn, nhiều dung tích hơn,…
  • Định tính: Đây là những khái niệm trừu tượng như giá trị hay trải nghiệm – những điều không thể đo lường bằng các con số cụ thể nhưng vẫn tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho khách hàng mục tiêu. Ví dụ, đó có thể là những đặc điểm như thân thiện với môi trường, thuần chay hoặc doanh thu sản phẩm sẽ được trích một phần cho các chương trình từ thiện,…

3. Kênh phân phối (Channels)

Kênh phân phối là một yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh Canvas, thể hiện cách thức mà một doanh nghiệp tiếp cận và cung cấp giá trị cho khách hàng. Các kênh phân phối cũng là cầu nối trực tiếp giữa sản phẩm/dịch vụ với khách hàng và ảnh hưởng đến cách thương hiệu tương tác với khách hàng.

Ví dụ, nếu đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp là những người bận rộn và hay di chuyển, xây dựng một kênh hỗ trợ di động là thiết yếu. Tương tự, nếu bạn nhắm đến những khách hàng sinh sống tại các địa điểm cụ thể, sự hiện diện vật lý (ví dụ như cửa hàng Brick and Mortar) sẽ rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các kênh phân phối có thể thay đổi theo thời gian. Sự xuất hiện của internet cũng như các ứng dụng giao hàng sau này đã nhanh chóng thay đổi cách người tiêu dùng mua hàng và làm các kênh phân phối mới xuất hiện.

kênh phân phối mô hình canvas
Các kênh phân phối có thể thay đổi theo thời gian

4. Quan hệ khách hàng (Customer Relationship)

Customer Relationship trong mô hình Canvas đề cập đến các hình thức tương tác, kết nối và mối quan hệ mà doanh nghiệp thiết lập và duy trì với khách hàng của mình. Khi khách hàng cảm thấy được kết nối và quan tâm, họ có xu hướng trở thành khách hàng trung thành, mua sắm thường xuyên hơn và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ cho người khác.

Quan hệ khách hàng tốt đẹp giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó có thể cung cấp những sản phẩm/dịch vụ phù hợp và cá nhân hóa hơn. Bên cạnh đó, thông qua việc tương tác với khách hàng, doanh nghiệp có thể thu thập ý kiến phản hồi để cải tiến sản phẩm/dịch vụ và phát triển các sản phẩm mới.

Customer Relationship
Quan hệ khách hàng tốt đẹp đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp

5. Nguồn doanh thu (Revenue Stream)

Nguồn doanh thu là một trong những yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh Canvas. Yếu tố này mô tả cách thức mà doanh nghiệp tạo ra nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ hoặc tài sản của mình. Việc xác định nguồn doanh thu của doanh nghiệp sẽ giúp đánh giá khả năng sinh lời bền vững và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn.

Thông thường, doanh thu của các doanh nghiệp đến từ các nguồn sau:

  • Bán sản phẩm/dịch vụ: Đây là hình thức phổ biến nhất, trong đó doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho khách hàng và nhận tiền thanh toán.
  • Phí sử dụng: Khách hàng trả tiền cho doanh nghiệp để được sử dụng một dịch vụ nào đó mà doanh nghiệp cung cấp, ví dụ như dịch vụ viễn thông, dịch vụ lưu trữ đám mây, dịch vụ vận tải,… Khách hàng chỉ bị tính phí cho những lần họ sử dụng dịch vụ và không bị ràng buộc bởi hợp đồng.
  • Phí đăng ký: Khách hàng trả một khoản phí cố định để sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: hàng tháng, hàng năm). Một số doanh nghiệp có nguồn doanh thu theo hình thức này là Netflix, Spotify và Apple Music.
  • Phí cho thuê: Doanh nghiệp cho khách hàng thuê sản phẩm của mình trong mộtn khoảng thời gian nhất định và thu phí thuê, ví dụ: phí thuê xe, thuê thiết bị,…
  • Phí môi giới: Doanh nghiệp sẽ thu phí từ việc làm trung gian cho các giao dịch giữa hai bên. Ví dụ: sàn giao dịch chứng khoán, nền tảng thương mại điện tử như eBay, Shopee hay Lazada.
Revenue Stream
Nguồn thu của doanh nghiệp là gì?

6. Nguồn lực chính (Key Resources)

Nguồn lực chính là những tài sản, nguồn lực mà doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và cung cấp giá trị cho khách hàng. Các nguồn lực này có thể được phân loại thành các nhóm sau:

  • Nguồn lực vật chất: Bao gồm các tài sản vật lý như nhà máy, máy móc, thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng, cửa hàng bán lẻ, hoặc nguyên vật liệu.
  • Nguồn lực trí tuệ: Đây là các tài sản phi vật chất nhưng có giá trị lớn như thương hiệu, bằng sáng chế, bản quyền, phần mềm độc quyền, dữ liệu khách hàng, hoặc kiến thức chuyên môn. Đối với các doanh nghiệp công nghệ hoặc sáng tạo, tài sản trí tuệ thường là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn doanh thu.
  • Nguồn lực con người: Đội ngũ nhân sự là yếu tố quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao hoặc phụ thuộc vào tài năng của con người như công ty tư vấn, công nghệ hoặc sáng tạo.
  • Nguồn lực tài chính: Bao gồm vốn, tín dụng, quỹ đầu tư, hoặc các nguồn tài chính khác để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Các công ty cần vốn đầu tư ban đầu, khả năng vay mượn hoặc quản lý dòng tiền hiệu quả để vận hành.
nguồn lực chính
Những nguồn lực doanh nghiệp có giúp tạo ra doanh thu

7. Hoạt động chính (Key Activities)

Hoạt động chính là những hoạt động cốt lõi mà doanh nghiệp thực hiện để tạo ra và cung cấp giá trị cho khách hàng, tạo ra doanh thu. Các hoạt động này đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể hoạt động liên tục và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mà các hoạt động chính có thể khác nhau.

Các hoạt động chính của doanh nghiệp có thể được phân thành các nhóm sau:

  • Sản xuất: Các hoạt động sản xuất liên quan đến việc thu mua nguyên liệu, sản xuất, kiểm soát chất lượng và vận chuyển. Ví dụ: Một nhà máy sản xuất ô tô sẽ có các hoạt động như thiết kế ô tô, đúc khuôn, lắp ráp, sơn và kiểm tra chất lượng trước khi giao hàng.
  • Giải quyết vấn đề: Các hoạt động giải quyết vấn đề là những hoạt động được thực hiện để giải quyết nhu cầu của khách hàng. Các hoạt động này là hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp dịch vụ như công ty tư vấn, bảo hiểm hoặc ngân hàng.
  • Nền tảng: Các doanh nghiệp có nguồn thu dựa trên nền tảng hoặc mạng lưới cần tập trung vào việc duy trì và phát triển các hoạt động liên quan đến việc quản lý, bảo trì và mở rộng nền tảng. Ví dụ, Facebook cần các hoạt động liên quan đến việc phát triển và duy trì nền tảng để đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định và tạo doanh thu.
yếu tố của mô hình canvas
Các hoạt động chính của doanh nghiệp phụ thuộc vào mô hình kinh doanh

8. Đối tác chính (Key Partnerships)

Đối tác chính trong mô hình Canvas là các mối quan hệ đối tác chiến lược mà doanh nghiệp xây dựng nhằm tối ưu hóa hoạt động, giảm thiểu rủi ro hoặc tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết. Những đối tác này đóng vai trò hỗ trợ trong việc cung cấp sản phẩm/dịch vụ, tiếp cận khách hàng và phát triển kinh doanh.

Các quan hệ đối tác chính của một doanh nghiệp là:

  • Liên minh chiến lược giữa các doanh nghiệp không cạnh tranh: Đây là các đối tác chiến lược hợp tác để cùng đạt được mục tiêu chung mà không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Ví dụ, một nhãn hàng thức uống có thể hợp tác với các hãng sản xuất sữa hạnh nhân để cung cấp tùy chọn đồ uống mới cho khách hàng.
  • Hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh: Đây là sự hợp tác giữa các đối thủ để cùng tạo ra lợi ích cho cả hai bên trong khi vẫn cạnh tranh ở một số lĩnh vực khác. Ví dụ, các hãng xe có thể cùng hợp tác để phát triển xe điện những vẫn cạnh tranh trong việc bán xe.
  • Mối quan hệ phụ thuộc (Joint Ventures): Các công ty có thể hợp tác để phát triển một dự án hoặc sản phẩm mới mà cả hai đều được hưởng lợi từ sự hợp tác này. Ví dụ: Google và NASA hợp tác để phát triển các dự án nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo và khám phá không gian.
  • Quan hệ mua bán: Quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp và nhà phân phối là rất quan trọng để đảm bảo độ ổn định của chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
partnership
Các đối tác giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn

9. Cơ cấu chi phí (Cost Structure)

Cơ cấu chi phí đề cập đến tất cả các chi phí và khoản chi mà doanh nghiệp phải chi trả để vận hành mô hình kinh doanh của mình. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hiểu được các khoản chi chính, từ đó quản lý ngân sách và tối ưu hóa lợi nhuận. Các loại chi phí chính khi vận hành một doanh nghiệp bao gồm:

  • Chi phí cố định (Fixed Costs): Chi phí cố định là những chi phí không thay đổi bất kể mức độ sản xuất hoặc doanh thu của doanh nghiệp, chẳng hạn như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên, hoặc chi phí bảo hiểm.
  • Chi phí biến đổi (Variable Costs): Chi phí biến đổi là những chi phí thay đổi trực tiếp tỷ lệ thuận với số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ được sản xuất hoặc bán ra. Chi phí biến đổi thường dao động tùy thuộc vào mức độ hoạt động của doanh nghiệp.
  • Chi phí theo quy mô và phạm vi: Chi phí theo quy mô là hiện tượng chi phí sản xuất cho mỗi đơn vị sản phẩm giảm xuống khi doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất. Chi phí theo phạm vi là khi chi phí tổng thể giảm vì chi phí chung được chia cho nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ.

Lợi ích của mô hình Canvas

Mô hình Canvas là một công cụ mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên sử dung để trực quan hóa mô hình kinh doanh. Không chỉ cung cấp cái nhìn toàn cảnh cho chủ doanh nghiệp, mô hình còn có thể hỗ trợ trên nhiều phương diện để giúp doanh nghiệp phát triển. Vậy, những lợi ích của mô hình Canvas là gì?

lợi ích mô hình canvas
Lợi ích của mô hình Canvas

Tập trung vào các yếu tố chiến lược

Mô hình giúp bạn nhìn thấy rõ ràng mối quan hệ giữa các yếu tố như khách hàng, giá trị, kênh phân phối, đối tác, nguồn lực, hoạt động chính, chi phí và nguồn thu. Các yếu tố trong mô hình được trình bày một cách trực quan trên một trang giấy, giúp bạn dễ dàng hình dung và nắm bắt ý tưởng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thấy rõ cách các yếu tố này tác động lẫn nhau và tạo ra giá trị.

Hỗ trợ quá trình ra quyết định

Mô hình Canvas giúp doanh nghiệp xác định và liên kết tất cả các yếu tố quan trọng của mô hình kinh doanh. Các yếu tố trong BMC có mối quan hệ tương hỗ, việc thay đổi một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố khác. Khi đưa ra quyết định, doanh nghiệp có thể dễ dàng dự đoán và đánh giá tác động của quyết định đó lên toàn bộ mô hình kinh doanh.

ứng dụng mô hình canvas
Sử dụng mô hình Canvas giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt hơn

Quản lý rủi ro

Bằng cách sử dụng mô hình Canvas, doanh nghiệp có thể phát hiện các rủi ro tiềm ẩn trong mô hình kinh doanh và xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro hiệu quả. Thay đổi các yếu tố trong BMC cho phép doanh nghiệp mô phỏng các tình huống khác nhau và đánh giá tác động của từng rủi ro đối với mô hình kinh doanh. Sau khi nhận diện các rủi ro, doanh nghiệp có thể thiết lập các kịch bản ứng phó để xử lý chúng một cách hiệu quả.

Điều chỉnh chiến lược

Khi hoàn thiện mô hình, doanh nghiệp có thể phát hiện ra những khoảng trống hoặc thiếu sót trong mô hình kinh doanh của mình. Mô hình Canvas có thể giúp nhận diện các điểm yếu trong mô hình kinh doanh, chẳng hạn như sự phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp duy nhất hoặc thiếu hụt trong các hoạt động chính cần thiết để duy trì hoạt động.

Tổng kết

Mô hình Canvas là một công cụ mạnh mẽ và linh hoạt trong quản lý mô hình kinh doanh. Với cấu trúc đơn giản và dễ tiếp cận, Mô hình Canvas cho phép doanh nghiệp phân tích, điều chỉnh và tối ưu hóa những yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của mình. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn hiểu được mô hình Canvas là gì và những lợi ích cụ thể của mô hình. Đừng quên lưu lại bài viết nếu hữu ích và hãy chờ đón những nội dung thú vị hơn nhé!

09.09.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!