Nhượng quyền thương hiệu là gì? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi bước chân vào thế giới kinh doanh. Đối với nhiều người, việc sở hữu và điều hành một thương hiệu có thể phức tạp và đầy rủi ro. Tuy nhiên, thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu, cơ hội kinh doanh có thể trở nên dễ dàng hơn.
Nhượng quyền thương hiệu là gì?
Nhượng quyền thương hiệu là một hình thức kinh doanh trong đó một thương hiệu hoặc cá nhân (gọi là “bên nhượng quyền”, tiếng anh là “franchisor”) cấp phép cho người khác (gọi là “bên được nhượng quyền” hoặc “franchisee”) quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và hệ thống kinh doanh của mình.
Nhượng quyền thương hiệu là một cách hiệu quả để mở rộng độ nhận diện của thương hiệu mà không cần phải xây dựng một mạng lưới hoàn toàn mới. Các franchisee thường được hưởng lợi từ sự hỗ trợ về quảng cáo, quy trình kinh doanh và quyền sử dụng thương hiệu. Hình thức này đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh thành công cho cả franchisor và franchisee trên khắp thế giới.
Vai trò của các bên trong nhượng quyền thương hiệu là gì?
Khi xem xét một hệ thống nhượng quyền thương hiệu, cần hiểu rõ vai trò của các bên tham gia. Với một mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu, có hai bên chính đóng vai trò quan trọng, mỗi bên mang theo các trách nhiệm và lợi ích riêng biệt:
Bên nhượng quyền
Bên nhượng quyền là gì? Bên nhượng quyền là bên sở hữu thương hiệu hoặc doanh nghiệp gốc, và họ đóng vai trò cung cấp quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, quy trình kinh doanh, và hỗ trợ cho người nhượng quyền.
Vai trò của bên nhượng quyền là cung cấp cho bên nhận nhượng quyền các điều kiện và hỗ trợ cần thiết để kinh doanh thành công, bao gồm:
- Cấp giấy chứng nhận nhượng quyền và quyền sử dụng thương hiệu.
- Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, công thức hay bí quyết kinh doanh độc quyền.
- Hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ bên nhận nhượng quyền về các khâu vận hành, quản lý, tiếp thị, quảng cáo, kiểm soát chất lượng.
- Giám sát và kiểm tra hoạt động của bên nhận nhượng quyền để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của bên nhượng quyền.
- Thu phí nhượng quyền, phí hoa hồng hay phần trăm lợi nhuận từ bên nhận nhượng quyền theo thỏa thuận.
Bên nhận nhượng quyền
Đây là bên được cấp phép sử dụng thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ hay mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền để hoạt động trong một khu vực và thời gian nhất định. Vai trò của bên nhận nhượng quyền là tuân theo các điều khoản và nghĩa vụ được ghi trong hợp đồng nhượng quyền, bao gồm:
- Trả phí nhượng quyền, phí hoa hồng hay phần trăm lợi nhuận cho bên nhượng quyền theo thỏa thuận.
- Đầu tư vốn để xây dựng và phát triển cửa hàng theo tiêu chuẩn của bên nhượng quyền.
- Thực hiện các hoạt động kinh doanh theo hướng dẫn và hỗ trợ của bên nhượng quyền.
- Bảo vệ uy tín và chất lượng của thương hiệu được nhượng quyền.
- Không tiết lộ các thông tin mật liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, công nghệ hay mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền.
7 hình thức nhượng quyền thương hiệu phổ biến
Các hình thức nhượng quyền thương hiệu là các cách thức mà một bên nhượng quyền cho phép bên nhận nhượng quyền sử dụng tên, logo, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh của mình để hoạt động trong một thời gian và địa điểm nhất định. Các hình thức nhượng quyền thương hiệu phổ biến bao gồm:
1. Nhượng quyền thương hiệu toàn diện
Nhượng quyền kinh doanh toàn diện là một mô hình nhượng quyền thương hiệu mà bên nhượng quyền cung cấp cho bên nhận nhượng quyền đầy đủ các yếu tố cần thiết để vận hành một doanh nghiệp theo mô hình của thương hiệu gốc.
Bên nhận nhượng quyền không chỉ có quyền sử dụng tên và logo của thương hiệu mà còn bao gồm cả hệ thống vận hành, quy trình kinh doanh, hỗ trợ đào tạo,… Điều này giúp thương hiệu gốc duy trì uy tín và sự nhất quán trên thị trường.
2. Nhượng quyền thương hiệu không toàn diện
Nhượng quyền kinh doanh không toàn diện là mô hình nhượng quyền mà chỉ liên quan đến một phần cụ thể của hoạt động kinh doanh. Ví dụ, nó có thể là việc nhượng quyền sử dụng thương hiệu hoặc sản phẩm, cung cấp quyền sử dụng công thức và chiến lược tiếp thị hoặc quyền sử dụng hình ảnh thương hiệu.
Trong trường hợp này, bên nhượng quyền thường không can thiệp quá nhiều vào các khâu vận hành hoặc sản xuất của bên nhận nhượng quyền.
3. Nhượng quyền có quản lý
Nhượng quyền có quản lý là hình thức thường được áp dụng tại các chuỗi F&B và các chuỗi nhà hàng – khách sạn lớn. Bên cạnh việc cung cấp mô hình kinh doanh và thương hiệu thì bên nhượng quyền còn cung cấp cả đội ngũ quản lý và điều hành cho bên nhận. Điều này giúp bên nhận nhượng quyền vận hành dễ dàng hơn và đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
4. Nhượng quyền đầu tư
Nhượng quyền đầu tư là một loại hình nhượng quyền mà người nhận nhượng quyền đầu tư một số tiền lớn để mua quyền sử dụng thương hiệu, sản phẩm, hoặc dịch vụ của bên nhượng quyền. Trong hình thức nhượng quyền này, người nhận nhượng quyền không tham gia vào hoạt động kinh doanh trực tiếp. Thay vào đó, họ thường là nhà đầu tư có kinh nghiệm và tài chính đủ lớn để vận hành một đơn vị kinh doanh quy mô lớn.
Trong nhượng quyền đầu tư, việc quản lý và vận hành doanh nghiệp thường được giao cho một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp hoặc một đội ngũ quản lý thường trực. Người nhận nhượng quyền thường có kinh nghiệm thương mại trong các lĩnh vực tương tự và có thể sở hữu nhiều đơn vị nhượng quyền trong cùng ngành công nghiệp hoặc khác nhau.
5. Nhượng quyền chuyển đổi
Nhượng quyền chuyển đổi tồn tại khi người nhận nhượng quyền tham gia vào mạng lưới của bên nhượng quyền khi đã sở hữu một doanh nghiệp độc lập trong ngành công nghiệp của bên nhượng quyền. Thực thể hiện tại được chuyển đổi thành một chi nhánh nhượng quyền.
Hình thức này cho phép bên nhượng quyền mở rộng mạng lưới nhanh chóng. Ngược lại, người nhận nhượng quyền cũng được hưởng những lợi ích của việc trở thành một phần của một thương hiệu nổi tiếng. Nhượng quyền chuyển đổi thường phổ biến trong ngành bất động sản, phòng khám nha khoa và y tế và ngành làm tóc.
6. Nhượng quyền công việc
Nhượng quyền công việc là một loại hình nhượng quyền thương hiệu trong đó người nhận nhượng quyền (franchisee) sở hữu và vận hành doanh nghiệp cá nhân hoặc gia đình một cách độc lập và thường là với số lượng nhân viên tối thiểu hoặc không có nhân viên.
Mô hình này thường được thiết kế để tạo ra công việc cho chính người nhận nhượng quyền nên được gọi là “nhượng quyền công việc.” Trong nhượng quyền công việc, người nhận nhượng quyền đảm nhận các hoạt động kinh doanh hàng ngày và quản lý doanh nghiệp của họ mà không có thêm nhiều nhân viên.
7. Nhượng quyền phân phối
Trong mô hình nhượng quyền phân phối, bên nhượng quyền cấp cho bên nhận nhượng quyền quyền phân phối hoặc bán sản phẩm của họ đến khách hàng. Nhượng quyền phân phối khác biệt so với các loại nhượng quyền khác vì thường bên nhận nhượng quyền sẽ vận hành và bán sản phẩm của bên nhượng quyền dưới tên của họ chứ không phải của bên nhượng quyền.
Ưu điểm và nhược điểm của nhượng quyền thương hiệu
Nhượng quyền thương hiệu có nhiều ưu điểm cũng như nhược điểm. Sau đây, chúng ta sẽ cùng xem xét các ưu, nhược điểm của loại hình kinh doanh này.
Ưu điểm
Nhượng quyền thương hiệu (franchising) mang lại nhiều ưu điểm quan trọng cho cả bên nhượng quyền (franchisor) và bên nhận nhượng quyền (franchisee). Dưới đây là một số ưu điểm chính của mô hình nhượng quyền thương hiệu:
Ưu điểm cho bên nhượng quyền (franchisor):
- Mở rộng thị trường nhanh chóng: Nhượng quyền cho phép bên nhượng quyền mở rộng mạng lưới kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thay vì phải xây dựng và quản lý từ đầu, họ có thể sử dụng tài nguyên của các người nhận nhượng quyền để phát triển thị trường.
- Tạo nguồn thu nhập từ phí nhượng quyền và hoa hồng: Bên nhượng quyền thường thu phí nhượng quyền và một phần doanh thu từ bên nhận nhượng quyền. Điều này giúp họ có được một nguồn thu nhập ổn định và liên tục.
- Hỗ trợ và đào tạo: Bên nhượng quyền cung cấp hỗ trợ và đào tạo liên tục cho bên nhận nhượng quyền về cách vận hành doanh nghiệp, quản lý, tiếp thị, và quản lý chất lượng.
- Mở rộng tầm nhìn thương hiệu: Nhượng quyền giúp thương hiệu mở rộng tầm nhìn và có mặt trên nhiều thị trường và địa điểm khác nhau.
Ưu điểm cho bên nhận nhượng quyền (franchisee):
- Hỗ trợ và đào tạo: Bên nhận nhượng quyền thường được hỗ trợ đào tạo và được cung cấp hướng dẫn về cách vận hành doanh nghiệp.
- Tiết kiệm chi phí tiếp thị: Bên nhận nhượng quyền thường có lợi ích từ các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu mà không cần tốn chi phí tiếp thị.
- Hỗ trợ trong tài chính và quản lý: Bên nhượng quyền thường cung cấp hỗ trợ trong vấn đề tài chính, quản lý hàng ngày và các khía cạnh khác của kinh doanh.
- Không cần kinh nghiệm: Một số hệ thống nhượng quyền không yêu cầu bên nhận nhượng quyền có kinh nghiệm trước đó trong ngành, mà họ sẽ được đào tạo từ đầu.
- Rủi ro thấp hơn: Vì thương hiệu nhượng quyền đã có sẵn một lượng khách hàng nhất định nên sẽ dễ dàng hơn là phát triển một thương hiệu mới.
Nhược điểm
Nhược điểm cho bên nhượng quyền (franchisor):
- Rủi ro thương hiệu: Nếu một hoặc vài đơn vị nhận nhượng quyền có những hành vi gây ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh tổng thể của thương hiệu có thể xấu đi trong mắt người dùng.
- Quản lý mở rộng: Mở rộng mạng lưới nhượng quyền đòi hỏi tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng để đảm bảo rằng mọi đơn vị hoạt động đúng như thương hiệu mong muốn.
- Thất bại của đơn vị nhận nhượng quyền: Nếu một đơn vị nhận nhượng quyền thất bại hoặc gặp khó khăn tài chính, bên nhượng quyền có thể phải đối mặt với việc giải quyết tình huống này và tìm kiếm người nhận nhượng quyền mới.
Nhược điểm cho bên nhận nhượng quyền (franchisee):
- Chi phí khởi đầu cao: Người nhận nhượng quyền thường phải trả các khoản phí nhượng quyền ban đầu và hoa hồng thường xuyên. Điều này có thể đặt ra áp lực tài chính lớn khi bắt đầu kinh doanh.
- Sự hạn chế trong quyền tự quản lý: Bên nhận nhượng quyền thường phải tuân theo các quy định và tiêu chuẩn của hệ thống, vì vậy giới hạn tính tự quyết trong quản lý kinh doanh hàng ngày.
- Phụ thuộc vào danh tiếng của thương hiệu: Sự thành công của người nhận nhượng quyền phụ thuộc lớn vào thương hiệu và hoạt động toàn cầu của hệ thống. Nếu thương hiệu gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng đến kinh doanh của họ.
- Hạn chế sự sáng tạo: Hệ thống nhượng quyền có ít không gian cho tinh thần tự do sáng tạo, đặc điểm này có thể làm cho người nhận nhượng quyền cảm thấy bị ràng buộc.
- Chấm dứt hợp đồng: Nếu không tuân thủ các điều kiện của hợp đồng nhượng quyền, người nhận nhượng quyền có thể đối mặt với nguy cơ chấm dứt hợp đồng và mất quyền sử dụng thương hiệu và hệ thống kinh doanh.
Ví dụ nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên là một biểu tượng của ngành cà phê tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Được sáng lập vào năm 1996 bởi ông Đặng Lê Nguyên Vũ, thương hiệu đã chắp cánh cho sứ mệnh mang đến hương vị cà phê nguyên bản và đậm đà của Việt Nam.
Trải qua hơn hai thập kỷ, thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã trở thành một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng ở hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới. Sự uy tín và cam kết đối với chất lượng đã giúp thương hiệu ngày càng phát triển, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên bao gồm hai hệ thống quan trọng: Trung Nguyên Legend và Trung Nguyên E-Coffee. Trung Nguyên Legend nằm trong phân khúc cà phê trung và cao cấp, hiện có hơn 80 cửa hàng (60% tự vận hành và 40% theo mô hình nhượng quyền). Trong khi đó, hệ thống bán lẻ E-Coffee phân khúc bình dân đã phát triển vượt trội với hơn 800 cửa hàng (95% theo mô hình nhượng quyền 0 đồng).
Với chi phí đầu tư thấp, rủi ro ít, sự hỗ trợ tận tâm và tiềm năng lợi nhuận cao, thương hiệu nhượng quyền cà phê Trung Nguyên đã tạo ra một cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho những người muốn tham gia vào thế giới cà phê đầy triển vọng.
Kết luận
Nhượng quyền thương hiệu là một mô hình kinh doanh không còn xa lạ với chúng ta. Bài viết trên của Miko Tech đã giải thích cho bạn hiểu nhượng quyền thương hiệu là gì cũng như những ưu điểm và nhược điểm của loại hình kinh doanh này. Mong rằng nội dung trên đã giúp bạn hiểu được thế nào là nhượng quyền và đừng quên chia sẻ để nhiều người hiểu hơn về khái niệm này nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…