fbpx
Logo

Tháp Maslow: Lý Thuyết Mở Rộng Và Ứng Dụng Trong Marketing

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Tháp Maslow thể hiện những nhu cầu cơ bản của con người và cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Con người cần gì để có một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tháp nhu cầu maslow – một lý thuyết quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học và những ứng dụng của nó trong marketing.

Tháp Maslow về nhu cầu con người

Tháp Maslow, còn được gọi là tháp nhu cầu Maslow, tháp này mô tả các nhu cầu cơ bản của con người theo một thứ tự hình thành từ nhu cầu cơ bản nhất. Đây là lý thuyết quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học và quản lý. Lý thuyết này được đặt tên theo nhà tâm lý học đã tạo ra nó – Abraham Maslow.

Trong lý thuyết, chỉ khi những nhu cầu ở cấp thấp hơn được đáp ứng thì con người mới chuyển sang đáp ứng mức nhu cầu cấp cao hơn. Tháp Maslow gồm 5 mức độ nhu cầu, hay 5 tầng bao gồm:

  • Nhu cầu về sinh học (Physiological)
  • Nhu cầu về an toàn (Safety)
  • Nhu cầu về tình cảm và sự phụ thuộc (Love and Belonging)
  • Nhu cầu được tôn trọng (Esteem)
  • Nhu cầu tự hiện thực hóa bản thân (Self-actualization)
Tháp nhu cầu Maslow
Tháp nhu cầu Maslow nguyên bản

Lịch sử của tháp nhu cầu Maslow

Abraham Maslow lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tháp nhu cầu trong một bài báo năm 1943 với tựa đề “Lý thuyết về Động lực của Con người” (A Theory of Human Motivation). Năm 1954, Maslow đã tinh chỉnh lại lý thuyết này lần nữa trong cuốn sách của mình với tựa đề “Động lực và Tính cách” (Motivation and Personality).

Một số trường phái tư tưởng tồn tại vào thời điểm đó có xu hướng tập trung vào các hành vi bất thường, chẳng hạn như phân tâm học và chủ nghĩa hành vi. Ngược lại với xu hướng chung, Maslow quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu điều gì khiến mọi người hạnh phúc và họ làm gì để đạt được mục tiêu đó.

tháp nhu cầu Maslow
Chân dung cha đẻ tháp nhu cầu Maslow

Là một người theo chủ nghĩa nhân văn, Maslow tin rằng con người bẩm sinh có mong muốn được tự hiện thực hóa bản thân, nghĩa là trở thành một người với tất cả khả năng mà họ nghĩ họ có thể. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cuối cùng này, nhu cầu cơ bản hơn phải được đáp ứng. Maslow tin rằng những nhu cầu này tương tự như bản năng và đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy hành vi con người.

5 nhu cầu trong tháp Maslow

Tháp nhu cầu Maslow giúp chúng ta hiểu rõ về những nhu cầu cơ bản của con người và tầm quan trọng của việc đáp ứng chúng để đạt được sự phát triển và hạnh phúc. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về từng nhu cầu theo thứ tự từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất.

Nhu cầu về sinh học (Physiological)

Nhu cầu sinh học đề cập đến các nhu cầu thể chất cơ bản đảm bảo cho sự sinh tồn của một con người. Chúng bao gồm nước uống, thức ăn, không khí, nhiệt độ, nơi sinh sống và sức khỏe. Những nhu cầu này có khả năng đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của một con người và là nhu cầu ở cấp thấp nhất.

Maslow coi nhu cầu sinh học là nhu cầu thiết yếu nhất của chúng ta. Nếu ai đó thiếu nhiều hơn một nhu cầu, họ có thể sẽ cố gắng đáp ứng những nhu cầu sinh lý này trước. Ví dụ nếu một người đang cực kỳ đói, rất khó để họ tập trung vào bất cứ thứ gì khác ngoài việc tìm thức ăn.

tháp nhu cầu maslow
Ăn uống và các điều kiện sống là nhu cầu cơ bản của con người

Nhu cầu về an toàn (Safety)

Một khi các yêu cầu sinh học của con người được đáp ứng, nhu cầu tiếp theo là sự an toàn. Nhu cầu an toàn liên quan đến nhu cầu của một người để cảm thấy an toàn và yên tâm trong cuộc sống và môi trường xung quanh. Nó bao gồm những yếu tố giúp bảo vệ con người khỏi những nguy hiểm về mặt sinh học hoặc những tình huống không thể đoán trước.

Để tìm thấy sự ổn định và an toàn, một người phải xem xét sự an toàn về thể chất của họ. Điều này có nghĩa là tìm kiếm sự bảo vệ khỏi các yếu tố bạo lực hoặc các mối đe dọa về sức khỏe. Ngoài ra, một cá nhân cần sự an toàn về kinh tế để sống và phát triển trong xã hội. Nói cách khác là nhu cầu có thu nhập ổn định và tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro tài chính trong tương lai.

tháp nhu cầu Maslow cấp độ 2
Cấp độ 2 là nhu cầu về sự an toàn

Nhu cầu về tình cảm và sự phụ thuộc (Love and Belonging)

Theo Maslow, nhu cầu tiếp theo trong hệ thống phân cấp liên quan đến cảm giác được yêu thương và chấp nhận. Nhu cầu này bao gồm các mối quan hệ lãng mạn cũng như mối quan hệ với bạn bè và các thành viên trong gia đình. Nó cũng bao gồm nhu cầu được cảm thấy thuộc về một cộng đồng nào đó của xã hội.

Kể từ nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã khám phá xem nhu cầu về tình yêu và sự phụ thuộc ảnh hưởng đến con người như thế nào. Con người có nhu cầu cho và nhận tình yêu để cảm thấy mình thuộc về một nhóm nào đó trong xã hội. Khi bị tước đoạt những nhu cầu này, các cá nhân có thể cảm thấy cô đơn hoặc trầm cảm.

tầng 3 tháp maslow
Các mối quan hệ xung quanh có ảnh hưởng lớn đến con người

Nhu cầu được tôn trọng (Esteem)

Cấp độ thứ tư trong tháp nhu cầu của Maslow là được tôn trọng. Nhu cầu được tôn trọng có liên quan đến nhu cầu của một người để đạt được sự công nhận, địa vị và cảm thấy được tôn trọng. Một khi ai đó đã đáp ứng được nhu cầu về tình yêu và sự phụ thuộc, họ sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của họ.

Ở cấp độ thứ tư, nhu cầu được tôn trọng bắt đầu đóng một vai trò nổi bật hơn trong việc thúc đẩy hành vi. Những người được tôn trọng bằng cách có được sự công nhận của người khác sẽ cảm thấy tự tin vào khả năng của họ. Ngược lại, những người không được người khác tôn trọng có thể nảy sinh cảm giác tự ti.

tầng 4 thấp nhu cầu Maslow
Nhu cầu được tôn trọng là nhu cầu cấp độ 4 trong tháp nhu cầu Maslow

Nhu cầu tự hiện thực hóa (Self-actualization)

Tự hiện thực hóa đề cập đến cảm giác mãn nguyện khi nhận thấy bản thân đang phát huy hết tiềm năng của mình. Tự hiện thực hóa của mỗi cá nhân là khác nhau. Chẳng hạn, với một người thì họ có được cảm giác thỏa mãn khi đạt được thành tựu trong công việc. Nhưng với người khác thì họ lại cảm thấy tuyệt nhất khi được làm nhiều công việc thiện nguyện hoặc giúp ích cho xã hội.

Về cơ bản, tự hiện thực hóa có nghĩa là mọi người đang cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Ở cấp độ này, mọi người có được nhận thức đầy đủ về khả năng của mình và tập trung làm những điều mà họ tin là mình sinh ra để làm.

tầng 5 tháp nhu cầu Maslow
Con người đều có nhu cầu tự hiện thực hóa những mong muốn của mình

Lý thuyết mở rộng tháp nhu cầu Maslow 8 bậc

Năm 1970, Maslow đã bổ sung thêm một số yếu tố mới vào mô hình sẵn có, nâng từ 5 nhu cầu lên 8 nhu cầu. Một số người cũng đồng ý rằng những nhu cầu này nên được bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Theo đó, 3 nhu cầu được thêm vào tháp Maslow ban đầu là:

Nhu cầu hiểu biết (Cognitive)

Với tháp nhu cầu Maslow 8 bậc, nhu cầu ở cấp độ thứ 6 là nhu cầu được học hỏi và mở rộng kiến thức. Mọi người có mong muốn khám phá và học hỏi những điều mới mẻ về thế giới xung quanh họ. Việc không thể đáp ứng các nhu cầu học hỏi có thể gây khó khăn để đạt được cấp độ Tự hiện thực hóa bản thân.

Nhu cầu thẩm mỹ (Aesthetic)

Nhu cầu thẩm mỹ là mong muốn được làm đẹp bản thân cũng như môi trường sống xung quanh chúng ta. Ví dụ, con người có nhu cầu muốn sống trong một không gian xanh, sạch đẹp và hài hòa với thiên nhiên. Họ thích ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh hoặc các công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao. Nhu cầu về Thẩm mỹ cũng thể hiện qua việc ưu tiên chọn lựa những sản phẩm, dịch vụ có yếu tố thẩm mỹ đặc biệt.

Nhu cầu ưu việt (Transcendence)

Bậc cuối cùng trong tháp nhu cầu Maslow 8 bậc là nhu cầu ưu việt. Nhu cầu này thể hiện những mong muốn vượt ra khỏi nhu cầu về bản thân. Trong hệ thống phân cấp mở rộng, nó là nhu cầu xếp sau Tự hiện thực hóa và là cấp cao nhất trong tháp Maslow mở rộng.

Những người tìm cách đáp ứng cấp độ nhu cầu này có thể được thúc đẩy giúp đỡ người khác hoặc thực hiện các hoạt động không vì bản thân. Nói cách khác, những nhu cầu cấp thấp của họ đã được đáp ứng đầy đủ đến mức họ lo lắng về người khác.

Tháp nhu cầu Maslow
Lý thuyết mở rộng của tháp Maslow với 3 tầng mới

Ứng dụng của tháp nhu cầu của Maslow trong marketing

Áp dụng tháp nhu cầu Maslow trong marketing giúp các nhà quảng cáo hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó phát triển các chiến lược tiếp thị hiệu quả. Dưới đây là những ví dụ về ứng dụng của tháp nhu cầu của Maslow trong lĩnh vực marketing:

Nhu cầu về sinh học

Một công ty thực phẩm sạch quảng cáo rằng sản phẩm của họ cung cấp thực phẩm an toàn và dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo và an toàn cho sức khỏe. Quảng cáo tập trung vào việc sản phẩm được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không chứa chất bảo quản hay hóa chất độc hại. Những người dùng quan tâm đến sức khỏe sẽ ưu tiên dùng những sản phẩm này hơn.

Nhu cầu về an toàn

Một công ty bảo hiểm quảng cáo rằng sản phẩm bảo hiểm của họ có thể bảo vệ khách hàng trước các rủi ro và mất mát về tài sản. Họ tạo ra sự tin tưởng bằng cách tuyên bố rằng khách hàng sẽ được bồi thường và hỗ trợ khi gặp khó khăn. Nhờ đó, khách hàng sẽ cảm thấy an tâm để sử dụng dịch vụ.

Nhu cầu về tình cảm và sự phụ thuộc

Một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em quảng cáo rằng sản phẩm của họ không sử dụng nguyên liệu có hại cho trẻ em. Đối với những người có con nhỏ, họ sẽ ưu tiên những sản phẩm an toàn với môi trường và không chứa chất độc hại. Tương tự, các sản phẩm tập trung vào những đối tượng hoặc cộng đồng mà người dùng quan tâm sẽ giúp thương hiệu tạo thiện cảm với họ.

Tháp Maslow
Tháp Maslow có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Nhu cầu được tôn trọng

Một công ty xe hơi quảng cáo rằng việc sở hữu sản phẩm của họ thể hiện sự thành công và địa vị xã hội của khách hàng. Hình ảnh mạnh mẽ và sang trọng của xe hơi có thể giúp khách hàng khẳng định được vị thế của mình trong mắt những người xung quanh. Điều này cũng tương tự như cách những thương hiệu cao cấp xây dựng hình ảnh của mình trong mắt công chúng.

Nhu cầu tự hiện thực hóa

Một công ty cung cấp khóa học quảng cáo rằng các khóa học của họ giúp người dùng phát triển tiềm năng và đạt được mục tiêu cá nhân. Quảng cáo tập trung vào việc khuyến khích người tiêu dùng phát triển bản thân và thực hiện ước mơ của mình. Nhờ vậy, những người dùng quan tâm đến việc bổ sung kiến thức và học tập có thể đăng ký khóa học của công ty.

Trên cơ sở tháp nhu cầu Maslow, các marketer có thể tạo ra thông điệp và chiến lược tiếp thị phù hợp với mỗi nhu cầu của khách hàng. Bằng cách hiểu rõ insight khách hàng và liên kết sản phẩm hoặc dịch vụ của mình với những nhu cầu đó, các công ty có thể tăng cường hiệu quả tiếp thị và tạo kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Lời kết

Bài viết trên đã giải thích kỹ càng cho bạn về tháp Maslow cũng như mô hình mở rộng của nó. Việc hiểu được những lý thuyết về nhu cầu con người có thể giúp bạn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hy vọng những thông tin của Miko Tech đã giúp bạn hiểu hơn về tháp nhu cầu Maslow và đừng bỏ qua những bài viết hay ho tiếp theo nhé!

ngonguyenynhi

Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…

20.07.2023 Ngo Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll