Thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh là một thủ tục quan trọng mà các doanh nghiệp phải thực hiện khi có nhu cầu thay đổi thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Trong bài viết dưới đây, Miko Tech sẽ hướng dẫn bạn thủ tục thay đổi thông tin trên giấy phép kinh doanh cũng như những thông tin liên quan đến thủ tục này.
Trường hợp nào phải làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh?
Việc thông báo cho cơ quan chức năng về thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là cần thiết để đảm bảo khách hàng, nhà đầu tư, nhà nước có thể nắm bắt được thông tin của doanh nghiệp. Theo Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Những trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thay đổi giấy đăng ký kinh doanh bao gồm:
- Thay đổi ngành, nghề kinh doanh;
- Thay đổi tên doanh nghiệp;
- Thay đổi thành viên hợp danh;
- Thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Thay đổi địa chỉ trụ sở chính;
- Thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp;
- Thay đổi thành viên công ty TNHH;
- Thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp;
- Thay đổi cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (với công ty cổ phần chưa niêm yết);
- Thay đổi người đại diện tổ chức theo ủy quyền;
- Công ty bị tách hoặc sáp nhập.
Khám phá thêm về: Giấy Phép Kinh Doanh Là Gì? Đặc Điểm, Thủ Tục Đăng Ký
Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh cho từng trường hợp
Chương VI Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định bộ hồ sơ thay đổi nội dung giấy phép kinh doanh đối với từng trường hợp như sau:
1. Thay đổi ngành, nghề kinh doanh
Khi thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần gửi Thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên, công ty hợp danh;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 01 thành viên;
2. Thay đổi tên doanh nghiệp
Khi thay đổi tên doanh nghiệp, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên, công ty hợp danh;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 01 thành viên;
3. Thay đổi thành viên hợp danh
Đối với công ty hợp danh, thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu nhận được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên. Thành viên phải thông báo về dự định rút vốn cho công ty bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn. Khi thay đổi thành viên hợp danh, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Danh sách thành viên công ty hợp danh được quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020, không cần kê khai về thành viên góp vốn;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân là thành viên hợp danh mới.
4. Thay đổi người đại diện theo pháp luật
Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân là người đại diện theo pháp luật mới.
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 01 thành viên;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị với công ty cổ phần trong trường hơp Điều lệ công ty không có gì thay đổi trừ thông tin người đại diện theo pháp luật.
5. Thay đổi địa chỉ trụ sở chính
Trước khi thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, doanh nghiệp cần thực hiện cả thủ tục với Cơ quan thuế và Bảo hiểm xã hội để thực hiện chuyển quyền quản lý của cơ quan chức năng. Khi chuyển địa chỉ trụ sở chính đến nơi khác, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới.
Các giấy tờ cần thiết bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên, công ty hợp danh;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH 01 thành viên;
6. Thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp
Khi công ty muốn thay đổi vốn điều lệ, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên, công ty hợp danh;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần về việc tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên, danh sách thành viên hợp danh có chữ ký của thành viên có vốn góp thay đổi;
- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng vốn góp;
7. Thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn
Khi có sự thay đổi về thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 02 thành viên trở lên, doanh nghiệp cần gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên về việc tiếp nhận thành viên mới;
- Danh sách thành viên công ty TNHH 02 thành viên trở lên, danh sách phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp thay đổi;
- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức hoặc cá nhân được cử làm người đại diện của tổ chức làm thành viên mới. Nếu thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp trong trường hợp thay đổi thành viên do thừa kế.
8. Thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH 01 thành viên
Khi thay đổi chủ sở hữu công ty TNHH 01 thành viên do chuyển nhượng vốn điều lệ thì người nhận chuyển nhượng nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp kèm chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người nhận chuyển nhượng (cá nhân và tổ chức); nếu là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản sao Điều lệ sửa đổi hoặc bổ sung;
- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Nếu thay đổi chủ sở hữu do thừa kế thì cần có văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp.
9. Thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân
Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bán, tặng hoặc qua đời thì doanh nghiệp cần thực hiện hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của chủ sở hữu ban đầu và chữ ký của người mua, người thừa kế;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu mới doanh nghiệp tư nhân;
- Hợp đồng mua bán hoặc giấy tờ chứng minh mua bán hoàn tất; hợp đồng tặng doanh nghiệp; bản sao xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế;
10. Thay đổi thông tin cổ đông sáng lập doanh nghiệp
Cổ đông sáng lập là cổ đông có ít nhất một cổ phần phổ thông và có tên trong danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nộp tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ cần nộp khi thay đổi thông tin cổ đông sáng lập bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người đại diện theo pháp luật;
- Danh sách cổ đông sáng lập;
11. Thay đổi thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
Với công ty cổ phần chưa niêm yết thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại nơi đặt trụ sở chính. Hồ sơ cần nộp khi thay đổi thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sau thay đổi, có chữ ký của cổ đông có vốn góp thay đổi;
- Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của cá nhân, tổ chức, người được ủy quyền đại diện tổ chức, bản sao phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
12. Thay đổi chi nhánh, văn bản đại diện, địa điểm kinh doanh khác
Trước khi thay đổi địa chỉ đặt chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh khác, doanh nghiệp sẽ cần thực hiện các thủ tục chuyển cơ quan thuế quản lý theo quy định. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ở khu vực nào thì gửi hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh ở khu vực đó. Nếu có sự thay đổi trong người đứng đầu cơ sở thì phải có bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân.
13. Công ty bị tách, sáp nhập
Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần bị tách và có nhiều sự thay đổi về vốn, số lượng thành viên, cổ đông,… công ty cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký với Phòng Đăng ký kinh doanh. Hồ sơ cần có bao gồm:
- Nghị quyết, quyết định về việc tách công ty
- Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 02 thành viên trở lên, biển bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần
Trường hợp sáp nhập các công ty với nhau, hồ sơ đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:
- Hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (Điều 201);
- Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty sáp nhập và công ty bị sáp nhập;
- Bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty sáp nhập và công ty bị sáp nhập.
Thủ tục thay đổi thông tin giấy phép kinh doanh
Để bạn hiểu hơn về thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh, sau đây là chi tiết các bước cần làm khi cần thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định.
Bước 1: Quyết toán thuế với cơ quan thuế hiện tại
Để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ thuế và kiểm tra thuế, khi công ty quyết định thay đổi địa chỉ trụ sở, đặc biệt là chuyển từ một quận sang quận khác hoặc từ một tỉnh sang tỉnh khác, công ty cần tiến hành thủ tục quyết toán thuế với cơ quan quản lý thuế hiện tại.
Nếu công ty mới thành lập hoặc đang thực hiện quyết toán thuế tại chi cục thuế hiện tại khi chuyển địa chỉ khác quận hoặc khác tỉnh, công ty chỉ cần thực hiện thủ tục chốt nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý thuế hiện tại. Sau khi nhận được xác nhận từ cơ quan thuế, công ty có thể thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ thay đổi
Dựa theo nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh mà bộ hồ sơ cần nộp cho cơ quan chức năng sẽ khác nhau. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày có thay đổi, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh qua ba hình thức:
- Nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh đặt trụ sở
- Nộp qua dịch vụ bưu chính
- Nộp hồ sơ online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Bước 3: Nhận kết quả
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cơ quan chức năng phải có phản hồi bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Tổng kết
Trên đây là những thông tin chi tiết về quy trình thay đổi giấy phép kinh doanh mà các doanh nghiệp cần biết. Để đạt được sự thành công và bền vững, doanh nghiệp nên luôn nắm bắt các thay đổi pháp lý và thực hiện thủ tục đúng theo quy định. Hy vọng Miko Tech đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết nếu bổ ích nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…