Công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, AI được cho là có khả năng thay thế con người. Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo vào những thiết bị và máy móc giúp con người tiết kiệm được thời gian và nâng cao hiệu suất. Cùng Miko Tech tìm hiểu trí tuệ nhân tạo là gì và ứng dụng thực tế của AI trong cuộc sống hằng ngày.
Trí tuệ nhân tạo là gì?
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) là một lĩnh vực khoa học máy tính cao cấp. Trong đó, máy móc sẽ được áp dụng chuỗi các thuật toán và dữ liệu real-time để mô phỏng trí tuệ con người.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống. Với AI, cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn với những công nghệ. Ví dụ như hệ thống nhận diện hình ảnh, lái xe tự động, ứng dụng trợ lý ảo giúp sắp xếp công việc, thiết bị tự động,…
Có thể nói, AI đang dần trở nên quen thuộc với chúng ta và cũng có những tiến bộ đáng kể so với công nghệ cũ.
Trí tuệ nhân tạo hoạt động như thế nào?
Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ phức tạp, vậy công nghệ này hoạt động như thế nào? Nói một cách đơn giản, AI hoạt động bằng cách kết hợp các tập dữ liệu lớn với các thuật toán xử lý và chạy nhiều tác vụ trong thời gian ngắn. Machine learning và Deep learning là hai yếu tố góp phần tạo ra AI.
- Machine Learning (LD): Là một thành phần của AI cho phép hệ thống máy tính tự động học từ dữ liệu mà nó nhận được và cải thiện hiệu suất thực hiện nhiệm vụ theo thời gian mà không cần phải được lập trình cụ thể.
- Deep Learning (DL): Là một dạng machine learning sử dụng mạng neutral để xử lý thông tin được mô phỏng theo nơ-ron sinh học trong não bộ con người. Dựa trên sự kết nối giữa các dữ liệu, công nghệ DL cho phép máy móc đưa ra suy luận và giải quyết các bài toán phức tạp.
Những lợi ích của trí tuệ nhân tạo
AI là một cải tiến mang tính cách mạng trong lĩnh vực khoa học máy tính. Ngày nay, AI đã trở thành cốt lõi của những phần mềm hiện đại và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người.
Độ chính xác cao
Ưu điểm lớn nhất của AI là nó rất hữu ích trong việc phát hiện lỗi của con người và nâng cao độ chính xác trong kết quả đầu ra mà họ sáng tạo ra. Những quyết định được đưa ra bởi AI được dựa trên dữ liệu quá khứ và hàng loạt thuật toán. Nếu được lập trình đúng cách, nó có thể đưa ra kết quả chính xác với tỷ lệ sai sót là 0%.
Hỗ trợ nghiên cứu và phân tích dữ liệu
Một lợi ích khác của AI là nó được sử dụng để hỗ trợ cho các nghiên cứu và phân tích dữ liệu. Những việc tiêu tốn đến hàng tháng trời có thể được rút ngắn lại đáng kể. Với những dữ liệu được thu thập và phân tích bởi AI, chúng ta có thể phân tích dữ liệu nhanh hơn trong thời gian ngắn.
Tự động hóa
Trí tuệ nhân tạo có thể vận hành tự động và đưa ra phản hồi mọi lúc mà không cần nghỉ ngơi như con người. Nếu như hiệu quả và năng suất của con người phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe hay tinh thần thì AI luôn có thể làm việc hiệu quả với độ chính xác cao. Chính vì đặc điểm này mà AI thường được sử dụng để giải quyết những tác vụ có tính lặp đi lặp lại và tốn thời gian.
Đọc thêm về: Tự động hóa AI Marketing: Những điều mà marketer cần biết
Không có thiên hướng
Những quyết định hoặc dự đoán được đưa ra bởi AI không có thiên hướng, hay nói cách khác là không thiên vị bất cứ điều gì. Những quyết định của con người ít nhiều sẽ phụ thuộc vào cảm xúc và điều đó có thể cản trở họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Với AI, không có một ai hay một điều gì được ưu tiên, do đó AI có thể đưa ra những quyết định công bằng nhất.
Tăng cường hiệu suất làm việc
AI có thể giúp con người giải quyết một lượng công việc lớn và hỗ trợ đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo cũng giúp xử lý những tác vụ phức tạp như xác định gian lận, dự đoán thời tiết, chẩn đoán bệnh lý trong y tế,… Vì có khả năng xử lý tác vụ phức tạp và tự động hóa nên trí tuệ nhân tạo có thể giúp cải thiện hiệu suất làm việc và giảm chi phí nhân lực cho doanh nghiệp.
Phân loại trí tuệ nhân tạo
Hiện nay, có hai cách phân loại trí tuệ nhân tạo: theo khả năng học hỏi và theo chức năng. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về từng cách phân loại AI.
Cách 1: Phân loại theo khả năng học hỏi
Trí tuệ nhân tạo hẹp (Narrow AI hay Weak AI)
Là loại AI chỉ có thể thực hiện một số nhiệm vụ nhất định và bị giới hạn nếu hoạt động trong những lĩnh vực khác. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo hẹp là loại AI phổ biến nhất. Apple Siri hay các chức năng chơi cờ với máy là những ví dụ điển hình.
Trí tuệ nhân tạo tổng quát (General AI)
Là loại AI có thể thực hiện bất kỳ tác vụ nào như con người. Ý tưởng đằng sau General AI là tạo ra một loại AI có suy nghĩ và khả năng hoàn thành công việc như một người bình thường. Hiện nay chúng ta vẫn chưa phát triển được loại AI này.
Siêu trí tuệ nhân tạo (Super AI)
Siêu trí tuệ nhân tạo là cấp độ mà ở đó AI có thể thực hiện bất cứ tác vụ nào tốt hơn con người. Chúng có khả năng làm nhiều tác vụ một cách độc lập với tỷ lệ sai sót cực thấp. Siêu AI hiện chỉ là một giả thuyết của giới khoa học và cũng không thể chắc chắn rằng liệu chúng ta có thể tạo ra được hay không.
Cách 2: Phân loại theo tính năng
Máy phản ứng (Reactive Machines)
Reactive Machines mà loại AI đơn giản nhất và có thể thực hiện những tác vụ cơ bản. Máy phản ứng đưa ra phản hồi dựa theo những dữ liệu mà con người đưa vào. Với một tình huống xác định, nó đưa ra phản hồi giống nhau mỗi khi xuất hiện tình huống đó. Máy phản ứng cũng không có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm quá khứ hay nhận thức về thời gian.
Một số ví dụ của AI phản ứng là hệ thống đề xuất của Netflix hay sàn thương mại điện tử như Shopee. Sự ra đời của reactive machines là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng rõ ràng chúng vẫn có những hạn chế. Đó là lý do mà giới khoa học đã phát minh ra loại AI tiếp theo – AI có bộ nhớ hạn chế.
Hạn chế bộ nhớ (Limited Memory AI)
Những AI có bộ nhớ hạn chế có thể học hỏi từ kinh nghiệm hoặc dữ liệu trong quá khứ kết hợp với các thuật toán để đưa ra dự đoán và xử lý tác vụ. Hiện nay, đây là loại AI được sử dụng phổ biến nhất trong cuộc sống thường ngày.
Một ví dụ của AI hạn chế bộ nhớ là ô tô tự lái. Hệ thống tự lái của xe sẽ quan sát tốc độ của các xe khác, chướng ngại vật xung quanh để điều khiển tốc độ hoặc phản ứng lại. Tuy nhiên, như cái tên của mình, loại AI này có bộ nhớ hạn chế nên những dữ liệu của hệ thống xe tự động sẽ không được lưu giữ dài hạn.
Thuyết tâm trí (Theory of Mind – ToM)
Với AI theo thuyết tâm trí, máy móc có khả năng tự đưa ra quyết định giống như con người. Chúng có thể hiểu được và ghi nhớ cảm xúc, sau đó thay đổi hành vi dựa trên cảm xúc khi tương tác với con người. AI thuyết tâm trí có thể hiểu được quan hệ giữa người với người và có thể phán đoán hành vi con người.
AI tự nhận thức
Loại AI cao cấp nhất theo cách phân loại này là AI tự nhận thức. Chúng có thể nhận thức đầy đủ về bản thân cũng như những người xung quanh. AI tự nhận thức là một phiên bản nâng cấp của AI thuyết tâm trí và cũng là siêu AI theo cách phân loại trên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trong phát triển trí tuệ nhân tạo vì trí tuệ con người cũng đã rất phức tạp.
Chi tiết tại: 4 loại Trí Tuệ Nhân Tạo AI Và Ứng Dụng Thực Tiễn
Những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo là gì?
AI được sử dụng trong nhiều ngành nghề và đang trở thành một lĩnh vực thu hút nhiều nhân lực. Sau đây, chúng ta sẽ cùng xem qua một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong một số ngành nghề.
Dịch vụ tài chính – ngân hàng
Những ngân hàng brick and mortar truyền thống đang phải đối mặt với cuộc đua cải tiến dịch vụ với những công nghệ fintech linh hoạt. Thuật ngữ fintech được kết hợp từ finance (tài chính) với technology (công nghệ), được dùng để nói đến việc áp dụng công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính. Trong các ngân hàng, AI có thể được sử dụng để chăm sóc khách hàng, đánh giá rủi ro và phân tích dữ liệu.
Một trong những ứng dụng lớn nhất của AI trong lĩnh vực này là phát hiện gian lận. AI có thể được sử dụng để phân tích một lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như giao dịch, hồ sơ khách hàng và dữ liệu thị trường. Từ đó giúp các ngân hàng phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể xuất hiện bởi gian lận.
Chăm sóc sức khỏe
Những ứng dụng của AI trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe rất đáng đề cập. Trong đại dịch COVID-19, AI đã được sử dụng để dự đoán phạm vi lây lan trên toàn cầu và xác định các khu vực phong tỏa. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong những hoạt động như:
- Chẩn đoán bệnh lý dựa trên lịch sử khám bệnh và triệu chứng
- Đánh giá rủi ro điều trị
- Theo dõi chỉ số sức khỏe của bệnh nhân để cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn
- Tự động hóa quy trình trong các bệnh viện
Thương mại điện tử
Một trong những ngành ứng dụng AI sớm nhất là thương mại điện tử. Sử dụng AI và Machine Learning đã thay đổi hoạt động mua sắm của tất cả mọi người. Nhờ khả năng xem xét dữ liệu quá khứ của trí tuệ nhân tạo mà các hệ thống có thể phân tích dữ liệu. Từ đó, đưa ra những đề xuất sản phẩm mà người dùng có thể thích hoặc muốn mua.
Kinh doanh
Các thuật toán machine learning và AI hiện đã được tích hợp vào các nền tảng phân tích và quản lý quan hệ khách hàng (CRM) để phục vụ khách hàng tốt hơn. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của AI trong kinh doanh là chatbot. Với chatbot, mỗi khi khách hàng liên hệ với thương hiệu thông qua website hoặc mạng xã hội sẽ được chatbot hỗ trợ cung cấp thông tin trước khi liên hệ với nhân viên thực.
Giáo dục
Trong giáo dục, AI tạo cơ hội để tối ưu hóa quy trình cũng như chất lượng giảng dạy. Do đó, giáo viên có thể tập trung tương tác và hỗ trợ học sinh tốt hơn. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo có thể tự động hóa việc điểm danh học sinh mỗi ngày hoặc hỗ trợ giáo viên kiểm tra đạo văn trong bài luận. Từ đó giúp quá trình đánh giá học sinh, sinh viên minh bạch và nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, với xu hướng học tập thông qua các khóa học online từ xa, có rất nhiều công cụ đã được phát triển để hỗ trợ người học. Hiện nay, có rất nhiều khóa học online với đa ngôn ngữ nhưng không phải ai cũng giỏi về ngôn ngữ. Chính vì vậy, những công cụ dịch thuật dựa trên AI đã được phát triển và giúp cho người học được hỗ trợ tối đa khi học online.
Marketing
Một trong những ứng dụng đáng chú ý của AI trong marketing là xác định nhóm khách hàng mục tiêu. Thông qua việc phân tích dữ liệu, AI có thể nhận biết nhóm đối tượng phù hợp nhất cho sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu sự lãng phí trong chiến lược tiếp thị và đẩy mạnh khả năng chuyển đổi.
Hơn nữa, AI cũng hỗ trợ trong việc cá nhân hóa nội dung. Nhờ vào khả năng tự động tùy chỉnh nội dung dựa trên hành vi và sở thích cá nhân của từng khách hàng, các thông điệp tiếp thị trở nên hấp dẫn hơn và tạo ra trải nghiệm tương tác độc đáo cho từng người dùng. Một số công cụ AI trong lĩnh vực marketing cũng giúp tối ưu hiệu suất công việc và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Lời kết
Hiện nay, AI vẫn đang được phát triển và được sử dụng đúng mục đích. Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực hứa hẹn và đầy tiềm năng trong tương lai.
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu được trí tuệ nhân tạo là gì cũng như ứng dụng của nó trong đời sống thực tế. Mong rằng Miko Tech đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích và hẹn gặp lại ở những bài viết sau!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…