Visual Art là gì? Visual art đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử loài người kéo dài hàng ngàn năm. Không chỉ là các phương tiện sáng tạo, visual art còn phản ánh được những thay đổi của xã hội và văn hóa loài người. Trong bài viết sau, Miko Tech sẽ cùng bạn khám phá về khái niệm visual art cũng như những loại hình phổ biến nhất.
Visual Art là gì?
Visual Art (Nghệ thuật thị giác) hay còn gọi là nghệ thuật trực quan là một hình thức nghệ thuật tạo ra các sản phẩm tác động vào thị giác của người xem.
Nghệ thuật thị giác có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Một số loại hình nghệ thuật thuộc visual art bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh,… Nhìn chung, tất cả các hình thức nghệ thuật được công chúng tiếp nhận thông qua thị giác đều được gọi là visual art.
Visual Artist là gì?
Visual artist là những cá nhân chuyên nghiệp sử dụng các hình thức nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc và thiết kế đồ họa để truyền tải ý tưởng và thông điệp của họ. Những thiết kế của họ có thể ở dạng 2D hoặc 3D, được tạo ra bởi các loại vật liệu và kỹ thuật khác nhau như sơn, mực, đất sét, kim loại, gỗ, nhựa hoặc thông qua các phần mềm kỹ thuật số.
Tầm ảnh hưởng của Visual Art
Visual art đóng vai trò như chiếc gương phản chiếu thời đại mà chúng ta đang sống. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật thị giác, chúng ta có thể khám phá được đặc điểm xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, từ thời điểm sơ khai nhất cho đến thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, những bức tranh tượng hình thời Ai Cập cổ đại và tranh khảm thời Phục hưng có thể phản ánh được những đặc điểm xã hội thời kỳ đó.
Bên cạnh những giá trị về lịch sử và văn hóa, visual art còn biểu hiện những cảm xúc, ý tưởng của các nghệ sĩ và truyền tải thông điệp đến công chúng. Một bức tranh đẹp có thể khơi dậy những cảm xúc đặc biệt, một bức ảnh có thể ghi lại những khoảnh khắc mang tính lịch sử hay những tác phẩm hội họa có thể khơi dậy những cuộc thảo luận về ý nghĩa của chúng.
Khám phá thêm về: Visual Design Là Gì? Vai trò và nhiệm vụ của thiết kế trực quan
6 loại hình visual art
Để hiểu hơn về visual art là gì, vậy thì đâu là 6 loại hình visual art. Nghệ thuật thị giác không chỉ là những bức tranh đẹp treo trên tường, những tác phẩm điêu khắc uy nghi hay những bản in tinh xảo, mà còn là tiếng nói của tâm hồn, là sự phản chiếu của thế giới và là cầu nối gắn kết con người với nhau.
Có nhiều loại hình nghệ thuật được xếp vào visual art bao gồm:
1. Hội họa
Hội họa là một loại hình visual art sử dụng các nét vẽ và màu sắc để truyền tải ý tưởng, cảm xúc và thông điệp. Màu nước, sơn dầu, acrylic, phấn màu,… là những vật liệu phổ biến được các họa sĩ sử dụng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Hội họa có thể được sử dụng để thể hiện quan điểm quan điểm, cảm xúc của họa sĩ, phản ánh hiện thực cuộc sống hoặc cho mục đích giải trí.
2. Điêu khắc
Điêu khắc là ngành nghệ thuật sử dụng các vật liệu như đá, gỗ, kim loại,… để tạo hình khối ba chiều, thể hiện ý tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ. Điêu khắc là một trong những loại hình nghệ thuật lâu đời nhất của nhân loại. Những tác phẩm điêu khắc đầu tiên được tìm thấy có niên đại cách đây hàng chục nghìn năm, thường là những hình tượng đơn giản được khắc trên đá hoặc xương động vật.
Điêu khắc phát triển rực rỡ ở các nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã,… với những tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng như tượng Nhân sư ở Ai Cập, tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ,… Các tác phẩm điêu khắc thường mang tính biểu tượng cao và có thể được sử dụng để truyền tải những thông điệp phức tạp.
3. Nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh là kỹ thuật tạo ra hình ảnh bằng cách ghi lại ánh sáng bằng máy ảnh. Ánh sáng phản chiếu từ một vật thể lọt qua ống kính máy ảnh và được ghi lại trên phim hoặc cảm biến kỹ thuật số, tạo ra hình ảnh của vật thể đó.
Nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật độc đáo vì nó có thể ghi lại khoảnh khắc thực tế một cách chân thực. Tuy nhiên, nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật sáng tạo, vì người nghệ sĩ có thể sử dụng ánh sáng, bố cục và kỹ thuật để tạo ra những bức ảnh độc đáo và đầy cảm xúc.
4. Nghệ thuật ứng dụng
Bên cạnh các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật ứng dụng là một loại hình mới mẻ trong lĩnh vực visual art. Chúng thường được xếp chung với nghệ thuật trang trí và nghệ thuật thương mại (commercial art) vì vai trò của chúng thiên về thương mại nhiều hơn so với mỹ thuật (fine art). Một số loại hình nghệ thuật ứng dụng phổ biến:
- Thiết kế đồ họa (Graphic design): Còn được gọi là thiết kế truyền thông trực quan, thiết kế đồ họa là nghệ thuật sử dụng typography và hình ảnh để truyền tải ý tưởng.
- Thiết kế bao bì (Packaging design): Thiết kế bao bì là việc thiết kế các thành phần bên ngoài của bao bì, bao gồm hình dáng, màu sắc, hình ảnh và thông điệp truyền đạt, nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và gây ấn tượng tích cực với họ.
- Thiết kế thời trang (Fashion design): Đây là một loại hình nghệ thuật thị giác thiết kế và tạo ra các sản phẩm thời trang như quần áo, phụ kiện, giày dép và trang sức. Nhà thiết kế thời trang không chỉ đơn thuần là người tạo ra các mẫu thiết kế mà còn là người định hình xu hướng và phong cách thời trang.
- Thiết kế nội thất (Interior design): Thiết kế nội thất là một trong những loại hình nghệ thuật thị giác mà chúng ta thường xuyên tương tác nhất. Lĩnh vực này bao gồm việc thiết kế không gian nội thất bên trong các công trình như nhà ở, văn phòng hoặc các không gian khác.
- Thiết kế trang sức (Jewellery design): Là một trong những loại hình nghệ thuật trang trí và ứng dụng ra đời sớm nhất, thiết kế trang sức là việc tạo ra các sản phẩm trang sức như nhẫn, dây chuyền, vòng cổ, bông tai và vòng tay.
5. Thủ công mỹ nghệ
Nghệ thuật trang trí (decorative art) là một nhánh của nghệ thuật thị giác, không chỉ chú trọng tính thẩm mỹ mà còn cả tính năng sử dụng. Chúng đôi khi được gọi là thủ công mỹ nghệ và chỉ mới được công nhận là một phần của nghệ thuật thị giác vào thế kỷ 19. Một số loại hình nghệ thuật trang trí phổ biến là:
- Gốm sứ: Mặc dù đồ gốm mỹ thuật cũng tồn tại, nhiều tác phẩm gốm khác có thể được xếp vào loại hình nghệ thuật trang trí vì chúng phục vụ một mục đích thực tế. Nghệ thuật gốm sứ là nghệ thuật tạo hình từ đất sét, nung trong lò, trang trí men và nung lại lần nữa để đạt được hình dạng cuối cùng.
- Tranh dệt (Tapestry): Tranh dệt là một loại hình nghệ thuật đã tồn tại suốt nhiều năm trong nhiều nền văn hóa. Được xếp vào nhóm thủ công mỹ nghệ, tranh dệt có thể được tạo ra cho nhiều mục đích khác nhau. Thực tế, người Ai Cập cổ và người Inca đã sử dụng tranh dệt làm vải liệm. Đến các thế kỉ sau, người Hy Lạp và người La Mã lại sử dụng chúng để trang trí tường.
- Nghệ thuật thủy tinh (Glass art): Nghệ thuật thủy tinh là một lĩnh vực nghệ thuật sử dụng thủy tinh để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Vào thời Trung cổ, kỹ thuật này được sử dụng để làm ra các cửa sổ bằng kính màu trong các nhà thờ. Ngày nay, kỹ thuật này chủ yếu được sử dụng để làm ra một số vật dụng trang trí.
- Nghệ thuật khảm (Mosaic): Khảm là một loại hình nghệ thuật trang trí sử dụng các mảnh vật liệu nhỏ như đá, kính, gốm sứ hoặc thủy tinh để tạo ra hình ảnh hoặc hoa văn trên một bề mặt phẳng. Vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, tranh khảm được sử dụng để trang trí nhà cửa, cung điện và các công trình kiến trúc.
- Nghệ thuật kim loại (Metalwork): Nghệ thuật kim loại là một loại hình nghệ thuật sử dụng kim loại làm vật liệu chính để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, đồ vật trang trí hoặc đồ dùng thiết thực. Loại hình nghệ thuật cổ xưa này ban đầu được ứng dụng để trang trí cho kiếm, khiên và áo giáp.
6. Xăm và hóa trang
Xăm và hóa trang còn được gọi chung là Body art, một loại hình visual art đương đại sử dụng cơ thể người. Loại hình này chủ yếu bao gồm xăm hình và trang điểm:
- Xăm hình: Xăm là một kỹ thuật sử dụng kim đưa mực không phai vào lớp da, tạo thành hình ảnh hoặc hoa văn vĩnh viễn trên cơ thể. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người đã xăm mình từ thời đồ đá mới với nhiều mục đích như thể hiện ý nghĩa tôn giáo, vị thế xã hội hoặc để ghi nhớ những chiến công quan trọng.
- Trang điểm: Bắt nguồn từ thời kỳ đồ đá cũ, việc vẽ mặt ban đầu được sử dụng để nhận dạng các thành viên chủ chốt của bộ lạc hoặc thực hiện một số nghi lễ. Trang điểm đã phát triển vượt bậc trong thời hiện đại với sự ra đời của nhiều sản phẩm và kỹ thuật mới.
Một số visual artist nổi tiếng
Visual art, hay còn gọi là nghệ thuật thị giác, là một lĩnh vực nghệ thuật rộng lớn bao gồm nhiều loại hình khác nhau như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh và nhiều hơn nữa. Trong phần này, Miko Tech sẽ giới thiệu một số visual artist nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới, những người đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực nghệ thuật thị giác.
Leonardo da Vinci
Leonardo da Vinci là một nhà bác học lỗi lạc thời Phục hưng người Ý được xem là thiên tài toàn diện nhất trong lịch sử nhân loại. Ông không chỉ là họa sĩ mà còn là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu học, nhà phát minh và nhà thiết học.
Hai kiệt tác nổi tiếng nhất của ông là bức tranh Mona Lisa với nụ cười bí ẩn và Bữa ăn tối cuối cùng. Ngoài ra, Leonardo da Vinci cũng được biết đến với những bản phác thảo về các phát minh vượt xa thời đại, chẳng hạn như máy bay trực thăng, xe tăng, tàu ngầm và dù nhảy.
Michelangelo Buonarroti
Michelangelo Buonarroti là một nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư người Ý thời Phục hưng, được nhiều người coi là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng kết hợp hoàn hảo giữa kỹ năng điêu khắc điêu luyện và kiến thức giải phẫu học uyên bác.
Michelangelo Buonarroti là một nhà nghệ thuật vĩ đại đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại. Ngoài điêu khắc, Michelangelo còn là một họa sĩ tài năng. Ông được biết đến với những bức bích họa khổng lồ trên trần của Nhà nguyện Sistine ở Vatican, một trong những kiệt tác nghệ thuật vĩ đại nhất mọi thời đại.
Annie Leibovitz
Annie Leibovitz là một nhiếp ảnh gia chân dung người Mỹ nổi tiếng với những bức ảnh mang tính biểu tượng của những người nổi tiếng. Bà được coi là một trong những nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng nhất mọi thời đại nổi tiếng với những bức ảnh chân dung của John Lennon và Yoko Ono, được chụp vài giờ trước khi Lennon bị sát hại.
Bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhiếp ảnh gia cho tạp chí Rolling Stone vào những năm 1970, Leibovitz nhanh chóng trở thành một trong những nhiếp ảnh gia được săn đón nhất trong ngành. Bà cũng đã chụp ảnh cho nhiều tạp chí danh tiếng khác như Vogue, Vanity Fair, Harper’s Bazaar và GQ, và thực hiện các chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Gap và American Express.
Christian Dior
Christian Dior là nhà thiết kế thời trang người Pháp, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang cao cấp Christian Dior S.A., hiện nay thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH. Ông được coi là một trong những nhà thiết kế thời trang có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, góp phần định hình nền thời trang hiện đại sau Thế chiến II.
Sau Thế chiến II, Dior được nhà tài phiệt Marcel Boussac hỗ trợ thành lập thương hiệu thời trang riêng của mình vào năm 1946. Bộ sưu tập đầu tiên của Dior vào năm 1947 đã gây chấn động thế giới thời trang với phong cách “New Look” đầy nữ tính và thanh lịch. Qua đời năm 1957, Christian vẫn được nhớ đến với những thiết kế tinh tế, sang trọng, đầy nữ tính cùng với tầm nhìn xa và nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ.
Lời kết
Visual Art, hay còn gọi là nghệ thuật thị giác, là một lĩnh vực nghệ thuật tồn tại ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Bài viết trên đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về các loại hình visual art hiện nay và giới thiệu một số visual artist nổi tiếng. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn giải đáp thắc mắc visual art là gì và hiểu rõ hơn về khái niệm này. Đừng quên chia sẻ bài viết và chờ đợi những nội dung thú vị hơn nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…