fbpx
Logo

Schema Là Gì? Cách Tạo Schema Markup Chuẩn SEO Website

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Schema là gì trong tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO)? Schema là một yếu tố quan trọng mà bạn cần biết nếu muốn làm việc trong lĩnh vực SEO. Sử dụng schema có thể giúp website hiển thị tốt hơn và nâng cao trải nghiệm người dùng. Trong bài viết này, Miko Tech sẽ cùng bạn tìm hiểu schema SEO là gì và vì sao nó lại cần thiết trong tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.

Schema là gì?

Schema (hay Schema Markup) là một loại dữ liệu có cấu trúc được sử dụng để giúp các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của một trang web.

Schema markup được thêm vào trang web dưới dạng các đoạn mã nhỏ, được gọi là microdata, JSON-LD hoặc RDFa. Bạn có thể tạo các đoạn mã này thủ công hoặc sử dụng một công cụ tạo schema. Sau khi tạo các đoạn mã schema markup, bạn chèn code vào thẻ head của website.

schema là gì
Schema là gì?

Trong SEO, schema có thể được sử dụng để cải thiện khả năng hiển thị và xếp hạng của một trang web trong kết quả tìm kiếm. Khi các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của một trang web, chúng có thể hiển thị trang đó ở vị trí cao hơn trong kết quả tìm kiếm, đồng thời cung cấp cho người dùng thông tin chi tiết hơn về trang web đó.

Schema Markup có lợi ích gì?

Khi các trang của bạn có chứa Schema Markup, website của bạn có nhiều khả năng xuất hiện ở thứ hạng tốt hơn. Những lý do khác khiến các doanh nghiệp nên sử dụng schema là gì?

Giúp công cụ hiểu nội dung website tốt hơn

Con người có thể đọc và suy luận được nội dung trực tuyến khá dễ dàng. Ngược lại, Google phải dạy công nghệ của họ (ở đây là bot) cách hiểu nội dung của trang web bằng cách áp dụng machine learning. Đó là lý do tại sao các công cụ tìm kiếm cần có sự trợ giúp để hiểu được ý nghĩa và mục đích của nội dung trang web. Bạn có thể hỗ trợ bot Google bằng cách thêm Schema vào các trang web của mình.

Các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Yahoo sử dụng schema để hiểu rõ hơn về nội dung của một trang web. Schema cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin về nội dung của trang web, chẳng hạn như tên trang web, mô tả, hình ảnh, đánh giá, v.v. Các thông tin này giúp các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của trang web, từ đó hiển thị kết quả tìm kiếm phù hợp với truy vấn của người dùng.

schema seo là gì
Schema giúp công cụ tìm kiếm quét nội dung dễ dàng hơn

Nổi bật trong SERP với Rich Snippet

Rich snippet là một đoạn trích thông tin bổ sung được hiển thị trong kết quả tìm kiếm, schema giúp các công cụ tìm kiếm tạo ra rich snippet. Cụ thể, schema cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin về nội dung của một trang web, chẳng hạn như tên trang web, mô tả, hình ảnh, đánh giá, v.v.

Ví dụ, nếu bạn có một trang web bán sản phẩm, bạn có thể sử dụng schema cho sản phẩm để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin về tên sản phẩm, giá cả, mô tả, hình ảnh, v.v. Khi người dùng tìm kiếm sản phẩm của bạn, các công cụ tìm kiếm có thể sử dụng schema markup này để tạo ra rich snippet hiển thị tên sản phẩm, giá cả, hình ảnh, v.v. của website.

schema markup là gì
Rich snippet là phần nội dung bổ sung bên dưới kết quả

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Schema Markup có thể mang lại ROI hấp dẫn cho doanh nghiệp. Bạn có thể sử dụng các công cụ như Google Search Console hoặc Schema Performance Analytics để theo dõi sát sao hiệu quả hoạt động của các trang web được đánh dấu schema. Khi được triển khai một cách có chiến lược, Schema có thể:

  • Đảm bảo nội dung xuất hiện trong SERP cho các truy vấn có liên quan: Điều này có nghĩa là lưu lượng truy cập bạn nhận được có nhiều khả năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, dẫn đến CTR (tỷ lệ nhấp chuột) tăng cao và khả năng chuyển đổi và tương tác tổng thể cao hơn.
  • CTR cao hơn: Rich snippet cung cấp cho người dùng thông tin bổ sung về website chẳng hạn như đánh giá, giá cả và tình trạng sẵn có của sản phẩm. Những thông tin này thu hút và nổi bật hơn kết quả hiển thị thông thường, từ đó có thể khiến họ có nhiều khả năng nhấp vào xem website.
  • Đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp địa phương: Bằng cách đánh dấu thông tin doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng hiển thị của mình trong các kết quả tìm kiếm địa phương và bản đồ.

Một số loại schema phổ biến

Có nhiều loại schema markup khác nhau và Google hiện tại đang hỗ trợ đến 35 loại. Trong phần này, Miko Tech sẽ chỉ giới thiệu cho bạn một số loại phổ biến nhất được ứng dụng trong nhiều website.

1. Product Markup (Schema sản phẩm)

Product Markup là một loại schema cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về sản phẩm được bán trên trang web của bạn. Các thông tin này giúp công cụ tìm kiếm hiển thị kết quả tìm kiếm dạng rich snippet, cung cấp cho người dùng thông tin quan trọng mà không cần họ phải truy cập trang web.

Product Markup có thể bao gồm các thông tin như tên sản phẩm, giá cả, đánh giá, thông tin giao hàng hoặc tình trạng tồn kho và nhiều thông tin khác về sản phẩm. Ví dụ: nếu bạn có một trang web bán giày, bạn có thể sử dụng loại schema này để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin về các loại giày.

schema markup la gi
Schema sản phẩm

2. Review Markup (Schema review)

Review schema markup là một loại schema markup cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin về đánh giá của người dùng đối với một sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp. Loại schema này sẽ hiển thị dưới dạng thanh đánh giá dạng sao bên dưới kết quả tìm kiếm. Dữ liệu này cho người dùng thấy những người khác nghĩ sao về doanh nghiệp hoặc sản phẩm và dịch vụ.

3. Article Markup (Schema bài viết)

Schema bài viết là một dạng schema được sử dụng để cung cấp thông tin cấu trúc về nội dung bài viết trên trang web. Điều này giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về các yếu tố như tiêu đề, tác giả, ngày xuất bản, hình thumbnail bài viết, mô tả và nhiều thuộc tính khác của bài viết. Google sẽ hiển thị những thông tin này ngay trên kết quả tìm kiếm như sau:

article schema
Schema bài viết hiển thị tiêu đề, hình ảnh, đơn vị đăng tải và thời gian

4. Course Markup (Schema khóa học)

Course Schema Markup là một loại Schema Markup cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về các khóa học được cung cấp trên trang web. Những thông tin chi tiết được cung cấp bao gồm tên khóa học, mô tả khóa học, tên giảng viên hoặc đơn vị cung cấp khóa học và nhiều thông tin liên quan khác.

5. Organization Markup (Schema tổ chức)

Organization Markup là một loại Schema được sử dụng để đánh dấu và cung cấp thông tin chi tiết về một tổ chức cụ thể. Loại schema này giúp các công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về các yếu tố như tên tổ chức, logo, thông tin liên hệ, địa điểm trụ sở, các công ty con, profile mạng xã hội và nhiều thông tin khác. Thông thường, thông tin này được hiển thị ở cột bên phải SERP.

Organization Markup
Schema cho các tổ chức, doanh nghiệp

6. Local Business Markup (Schema doanh nghiệp địa phương)

Local Business Markup là một loại Schema Markup được sử dụng để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về doanh nghiệp địa phương. Schema này có thể bao gồm các thông tin như tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, giờ mở cửa và website doanh nghiệp.

7. Recipe Markup (Schema công thức)

Recipe Markup là một loại Schema được sử dụng để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về một công thức nấu ăn hoặc pha chế. Các công cụ tìm kiếm có thể hiểu rõ hơn về nội dung của các trang web chứa công thức nấu ăn được đánh dấu bằng recipe schema markup. Điều này có thể giúp các trang web này được ưu tiên hiển thị cho các truy vấn liên quan đến công thức nấu ăn.

Recipe Markup
Schema công thức nấu ăn

8. FAQ Markup (Schema hỏi đáp)

FAQ Markup giúp các công cụ tìm kiếm hiển thị một danh sách các câu hỏi và câu trả lời ngắn gọn trên SERP (trang kết quả tìm kiếm). Loại schema này cho phép người dùng tiết kiệm thời gian tìm kiếm câu trả lời khi tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm. Người dùng có thể ưa thích điều này vì họ có thể xem được câu trả lời ngay trên SERP mà không cần nhấp vào từng liên kết.

9. Movie Schema Markup (Schema phim ảnh)

Movie Schema Markup cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về phim, chẳng hạn như tiêu đề, mô tả, đạo diễn, diễn viên, ngày phát hành,… Phần thông tin về phim ảnh sẽ được hiển thị dưới dạng bảng trên máy tính và dạng thanh trượt trên thiết bị di động.

movie schema Markup
Schema cho phim ảnh

10. Video Schema

Video schema markup là một loại mã giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ và hiển thị nội dung video của bạn một cách tốt hơn trong kết quả tìm kiếm. Việc thêm video schema markup vào trang web cung cấp thông tin bổ sung về video của bạn như tiêu đề, mô tả, hình ảnh thumbnail, thời lượng video, ngày tải lên và nhiều thông tin khác.

11. Event Schema Markup (Schema sự kiện)

Event schema markup là một loại dữ liệu có cấu trúc được sử dụng để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về các sự kiện, chẳng hạn như hội nghị, buổi hòa nhạc, triển lãm, v.v. Những thông tin hiển thị bao gồm tên sự kiện, thời gian, địa điểm

event schema
Schema cho sự kiện

12. JobPosting Schema (Schema việc làm)

JobPosting Schema là một loại dữ liệu có cấu trúc được sử dụng để cung cấp cho các công cụ tìm kiếm thông tin chi tiết về các tin tuyển dụng. Điều này đối với những người đang tìm việc làm vô cùng hữu ích vì họ có thể tìm kiếm thông tin tuyển dụng nhanh chóng.

Cách cài đặt Schema thủ công cho website

Khi đã hiểu schema là gì thì có ba cách khai báo schema markup tới Google. Nói một cách đơn giản, đây là các phương thức mã hóa để định dạng code schema markup của bạn giúp cho Google có thể đọc được. Ba cách này bao gồm:

  • JSON-LD: Là định dạng phổ biến và dễ đọc nhất hiện nay, sử dụng định dạng dữ liệu JSON để biểu diễn schema marku.
  • Microdata: Là phương thức truyền thống hơn, sử dụng các thuộc tính HTML đặc biệt để nhúng schema markup trực tiếp vào nội dung trang web.
  • RDFa: Là phương thức tương tự microdata, nhưng sử dụng các thuộc tính RDFa để đánh dấu schema markup.

JSON-LD

JSON-LD (Javascript Object Notation for Linked Objects) à một cú pháp định dạng dữ liệu dựa trên JSON được sử dụng để đánh dấu dữ liệu có liên kết trên web. Với JSON-LD, bạn có thể nhúng các đoạn mã đánh dấu Schema vào trang web để cung cấp thông tin cấu trúc cho công cụ tìm kiếm. JSON-LD được phát triển bởi Google và được hỗ trợ bởi các công cụ tìm kiếm lớn như Google, Bing và Yahoo.

Dưới đây là một ví dụ:

<script type="application/ld+json">
{
"@context": "http://schema.org",
"@type": "Article",
"headline": "What Are Young Voters Looking For",
"author": {
"@type": "Person",
"name": "Michelle Cottle"
},
"datePublished": "2023-11-26",
"image": "image.jpg"
}
</script>

Khi Google nhìn thấy đoạn code JSON-LD này, nó sẽ hiểu được những thông tin sau:

  • Người dùng đang đánh dấu một bài viết
  • Tiêu đề của bài viết là “What Are Youg Voters Looking For”.
  • Tác giả của bài viết là Michelle Cottle
  • Ngày đăng bài viết là 26 tháng 11 năm 2023.

Hầu hết các trang web hiện nay sử dụng JSON-LD cho schema markup vì đây là phương thức ưa thích của Google.

Microdata

Microdata là một phần mở rộng của HTML, sử dụng các thuộc tính HTML đặc biệt để nhúng dữ liệu có cấu trúc trực tiếp vào nội dung trang web. Các thuộc tính này được đặt trong thẻ HTML và bắt đầu bằng tiền tố itemprop. Đây là một phương thức đánh dấu dữ liệu có cấu trúc đơn giản và dễ sử dụng.

Sau đây là một ví dụ về microdata:

<html>
<head>
<title>My First Article</title>
</head>
<body>
<div itemscope itemtype="http://schema.org/Article">
<h1 itemprop="headline">What Are Young Voters Looking For</h1>
<img itemprop="image" src="image.jpg" alt="featured image">
<p>Written by: <span itemprop="author">Michelle Cottle</span></p>
<p>Published on: <time itemprop="datePublished" datetime="2023-11-26">November 26, 2023</time></p>
</div>
</body>
</html>

Đoạn mã HTML trên sử dụng microdata để đánh dấu thông tin cấu trúc của một bài viết trên trang web, theo định dạng schema.org. Trong ví dụ này, itemprop xác định tên bài viết, hình ảnh, tác giả và ngày phát hành của bài viết.

RDFa

RDFa (Resource Description Framework in Attributes) là một phương pháp đánh dấu dữ liệu có liên kết trong các trang web bằng cách sử dụng các thuộc tính HTML hiện có. Các thuộc tính này có thể chứa các thông tin như tên, giá trị, loại dữ liệu, và các mối quan hệ giữa các dữ liệu.

Ví dụ, đoạn mã HTML sau sử dụng RDFa để biểu diễn thông tin về một sản phẩm:

<html>
<head>
  <title>Sản phẩm</title>
</head>
<body>
  <h1>Tên sản phẩm: <span property="schema:name">Samsung Galaxy S23</span></h1>
  <p>Giá: <span property="schema:price">20.000.000 đồng</span></p>
  <p>Loại: <span property="schema:productType">Điện thoại thông minh</span></p>
</body>
</html>

Trong đoạn mã trên, các thuộc tính property được sử dụng để xác định loại dữ liệu được chứa trong các thuộc tính. Ví dụ, thuộc tính schema:name xác định rằng dữ liệu trong thuộc tính name là tên của sản phẩm.

Cách cài đặt Schema Markup cho WordPress

Bạn không cần phải có kỹ năng code để tạo các đoạn mã schema, hiện nay có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn tạo mã giúp bạn. Trong phần này, Miko Tech sẽ hướng dẫn bạn cách tạo mã và chèn vào website.

Bước 1: Truy cập Structured Data Markup Helper Tool

Structured Data Markup Helper Tool là một công cụ trực tuyến miễn phí của Google giúp bạn dễ dàng thêm schema vào website của mình.

Structured Data Markup Helper Tool
Công cụ tạo schema của Google

Bước 2: Chọn loại dữ liệu

Bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều loại dữ liệu hiển thị dưới dạng các ô tùy chọn. Ví dụ, chúng ta chọn Bài viết (Articles).

Bước 3: Dán URL

Dán URL của bài viết bạn muốn thêm schema markup vào ô bên dưới và chọn Bắt đầu gắn thẻ (Start Tagging).

nhập URL
Chọn loại schema và nhập URL bài viết

Công cụ sẽ tải trang để bạn có thể bắt đầu đánh dấu. Trang sẽ hiển thị ở bên trái màn hình và các thành phần dữ liệu hiển thị ở bên phải như sau:

giao diện chỉnh sửa tool
Giao diện chỉnh sửa

Bước 4: Đánh dấu trang

Để bắt đầu, bạn highlight các phần nội dung và chọn các thành phần dữ liệu tương ứng. Ví dụ, bạn highlight tiêu đề và chọn mục Tên (Name) từ danh mục hiển thị trên hộp thoại.

highlight
Tô vàng tiêu đề và chọn Tên

Công cụ sẽ lấy đoạn bạn highlight và hiển thị ở mục Tên (Name) ở cột bên phải. Tiếp theo, bạn hightlight các thông tin khác như tên tác giả, ngày xuất bản, hình ảnh,…

Bước 4: Tạo HTML

Sau khi bạn đã chọn xong các mục thông tin, chọn nút Tạo HTML (Create HTML) màu đỏ ở góc trên bên phải.

create HTML
Chọn nút tạo HTML

Bạn sẽ nhận được một đoạn code để thêm vào trang của mình. Theo chế độ mặc định, đoạn mã sẽ có định dạng JSON-LD nhưng bạn có thể nhấp vào dấu mũi tên để chọn định dạng khác.

tạo mã schema
Chọn định dạng khác

Bước 5: Thêm mã vào trang

Bây giờ bạn đã có đoạn mã, hãy chèn đoạn mã vào trang của bạn trong phần <head> của HTML. Nếu bạn dùng website WordPress, bạn di chuyển đến trình quản trị của trang và kéo xuống tìm mục Giao diện ở thanh công cụ bên trái. Tiếp theo, chọn Theme File Editor.

giao diện admin wordpress
Vào Theme File Editor để chèn code schema

Bạn tìm mục header.php, copy đoạn mã vào và cập nhật là xong.

Tổng kết

Trong bài viết trên, chúng ta đã tìm hiểu schema là gì và tác dụng quan trọng của nó trong lĩnh vực SEO. Schema markup giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về nội dung của trang web, từ đó cải thiện khả năng hiển thị của trang web. Hy vọng Miko Tech đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích và đừng quên chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé!

24.01.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!