Lập kế hoạch kinh doanh là một bước quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp. Kế hoạch kinh doanh giúp bạn xác định mục tiêu và định hình chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Vậy, trong kế hoạch kinh doanh có những nội dung gì và các bước xây dựng là gì?
Kế hoạch kinh doanh là gì?
Kế hoạch kinh doanh (Business plan) là một tài liệu chiến lược mô tả mục tiêu của một công ty, các chiến lược để đạt được chúng và thời gian để đạt được mục tiêu đó.
Business plan bao gồm các nội dung như phân tích thị trường, dự báo tài chính, cơ cấu tổ chức và nhiều thông tin khác. Thông thường, nhà đầu tư sẽ muốn xem qua kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trước khi quyết định cấp vốn. Ngay cả khi doanh nghiệp không có kế hoạch huy động vốn từ bên ngoài, kế hoạch kinh doanh cũng là một tài liệu cần thiết để hướng dẫn doanh nghiệp khi mở rộng quy mô trong tương lai.
Vì sao doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh?
Bất kỳ công ty startup nào cũng nên lập kế hoạch kinh doanh trước khi bắt đầu hoạt động. Thực tế, các ngân hàng và các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ muốn xem qua kế hoạch kinh doanh trước khi cân nhắc cho vay hoặc cung cấp vốn cho công ty startup. Ngay cả khi doanh nghiệp không tìm cách huy động thêm tiền, kế hoạch kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của mình.
Kế hoạch kinh doanh nên được xem xét và cập nhật định kỳ để phản ánh bất kỳ mục tiêu nào đã đạt được hoặc thay đổi. Khi một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong một lĩnh vực quyết định chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác thì họ sẽ cần lập một bản kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới.
Có rất nhiều lợi ích khi lập ra và tuân theo kế hoạch kinh doanh. Business plan giúp các nhà đầu tư suy nghĩ về những rủi ro có thể xảy ra và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư nhiều tiền vào các công ty. Ở phương diện nội bộ, kế hoạch kinh doanh cũng giúp bộ máy lãnh đạo của công ty thống nhất trong việc thực hiện chiến lược và biết được điều gì cần được ưu tiên.
Kế hoạch kinh doanh cần có những gì?
Độ dài của một bản kế hoạch kinh doanh có thể khác nhau đáng kể tùy theo từng doanh nghiệp. Business plan thường là một tập tài liệu dài từ 15 – 25 trang và bao gồm các thông tin cơ bản về công ty. Các yếu tố quan trọng chiếm nhiều diện tích, chẳng hạn như bằng sáng chế, giấy chứng nhận đạt chuẩn,… có thể được đính kèm như phụ lục của tài liệu chính.
Một số nội dung cần có khi lập kế hoạch kinh doanh bao gồm:
- Tóm tắt: Phần này giới thiệu ngắn gọn thông tin chính về công ty như tuyên bố sứ mệnh, hoạt động kinh doanh chính, quy mô nhân sự, lãnh đạo công ty, khu vực hoạt động,…
- Sản phẩm và dịch vụ: Công ty nên mô tả các sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp hoặc dự định cho ra mắt. Mỗi sản phẩm nên bao gồm thông tin chi tiết như giá cả, thông số kỹ thuật hoặc những lợi ích cho người dùng. Các thông tin khác như quy trình sản xuất, công nghệ độc quyền cũng có thể được đưa vào phần này.
- Phân tích thị trường: Một công ty cần nắm rõ tình hình hiện tại của ngành và các đối thủ cạnh tranh. Phần này nên giải thích về vị thế cạnh tranh của công ty, phân khúc khách hàng mà họ nhắm đến và đánh giá mức độ khó khăn trong việc chiếm thị phần từ các công ty đối thủ.
- Chiến lược marketing: Phần này mô tả các chiến lược mà công ty dự định áp dụng để thu hút và giữ chân khách hàng. Một số bản kế hoạch kinh doanh cũng mô tả các kênh phân phối mà công ty sẽ sử dụng để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ của mình đến tay người tiêu dùng.
- Kế hoạch tài chính và dự phóng: Các doanh nghiệp đã hoạt động có thể kèm theo báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán và các thông tin tài chính liên quan khác. Các doanh nghiệp startup nếu chưa có báo cáo tài chính có thể cung cấp mục tiêu tài chính và báo cáo dự phóng cho vài năm đầu tiên.
9 bước lập kế hoạch kinh doanh là gì?
Điều đầu tiên bạn có thể thực hiện khi bắt đầu viết kế hoạch kinh doanh là phác thảo cấu trúc và các nội dung quan trọng cần có. Đây là một bước quan trọng và Web Chuyên Nghiệp sẽ tổng hợp cho bạn 9 bước để lập kế hoạch kinh doanh, tương ứng với 9 nội dung quan trọng. Nếu bạn chưa biết cách sắp xếp các nội dung, bạn hãy tham khảo ngay những bước sau:
1. Tóm tắt
Tóm tắt là một trong những phần quan trọng nhất trong kế hoạch kinh doanh, đây cũng là phần cuối cùng mà bạn nên viết. Phần tóm tắt chắt lọc mọi thông tin trong business plan và cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản và cần thiết nhất, từ đó khuyến khích họ đọc thêm. Hãy làm nổi bật những điểm nội dung chính của bản kế hoạch và phần này không nên dài quá một trang.
Việc hạn chế về không gian có thể khiến bạn phải thực sự cân nhắc đâu là thông tin quan trọng cần được đưa vào. Những nội dung tóm tắt trong một kế hoạch kinh doanh nên có là:
- Ý tưởng kinh doanh: Công ty làm những gì?
- Mục tiêu và tầm nhìn kinh doanh: Công ty muốn làm hoặc đạt được mục tiêu gì?
- Mô tả sản phẩm và sự khác biệt: Sản phẩm công ty có gì khác với đối thủ?
- Thị trường mục tiêu: Công ty bán hàng cho nhóm khách hàng nào?
- Chiến lược marketing: Công ty dự định tiếp cận khách hàng như thế nào?
- Tình hình tài chính hiện tại: Doanh thu hiện tại của công ty là bao nhiêu?
- Dự phóng tình hình tài chính: Công ty dự kiến kiếm được bao nhiêu doanh thu?
- Yêu cầu tài trợ: Công ty cần huy động bao nhiêu tiền?
- Đội ngũ lãnh đạo: Những người đóng vai trò chủ chốt trong công ty là ai?
2. Mô tả công ty
Trong phần này, nội dung bản kế hoạch kinh doanh cần trả lời được hai câu hỏi: Công ty hoạt động như thế nào? Những dự định của công ty trong tương lai là gì?
Khi đọc nội dung này, người xem sẽ biết được những thông tin giới thiệu về công ty, lý do công ty được thành lập, điểm khác biệt của công ty (ưu thế) và tại sao công ty lại đáng để đầu tư. Ví dụ, một thương hiệu mỹ phẩm có nguyên liệu thực vật có thể chia sẻ một bức thư từ chính người sáng lập về lý do vì sao thương hiệu được thành lập và những sứ mệnh mà thương hiệu hướng đến.
Những nội dung bạn nên đưa vào phần mô tả công ty bao gồm:
- Cấu trúc doanh nghiệp: Công ty là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hay công ty tư nhân.
- Mô hình kinh doanh
- Lĩnh vực hoạt động/Ngành
- Tầm nhìn, sứ mệnh của công ty
- Lịch sử hình thành của doanh nghiệp
- Mục tiêu kinh doanh ngắn hạn và dài hạn (nên được xây dựng theo tiêu chí SMART)
- Đội ngũ nhân sự chủ chốt
- Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
3. Phân tích thị trường
Dù công ty kinh doanh trong lĩnh vực gì, thị trường chính là yếu tố quyết định thành bại. Việc chọn đúng thị trường cho sản phẩm – một thị trường mà người dùng hiểu và cần đến sản phẩm – sẽ giúp công ty thành công hơn. Vì vậy, phân tích thị trường là một phần quan trọng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh. Nội dung phần này nên ước tính quy mô thị trường, phân tích vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và tổng quan về bối cảnh cạnh tranh.
Thị trường tiềm năng lớn như thế nào?
Thị trường tiềm năng là ước tính về số lượng người có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bạn. Vì đây có thể là một quá trình khó khăn, một số mẹo chung để giúp bạn bắt đầu phân tích này là:
- Hồ sơ khách hàng lý tưởng: Tìm kiếm dữ liệu chính phủ về quy mô thị trường mục tiêu, tìm hiểu nơi họ sinh sống hay thói quen mua sắm của họ.
- Nghiên cứu các xu hướng trong ngành: Khám phá các xu hướng tiêu dùng và xu hướng sản phẩm trong ngành bằng cách sử dụng Google Trends, đọc các ấn phẩm chuyên ngành, trang web tin tức ngành và theo dõi những KOL trong ngành.
- Dự đoán có cơ sở: Bạn sẽ không bao giờ có được thông tin đầy đủ và chính xác về thị trường mà bạn có thể tiếp cận. Mục tiêu chính của công ty là dựa theo những thông tin xác thực để đưa ra ước tính.
Phân tích SWOT
Phân tích SWOT giúp doanh nghiệp tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình. Những ưu thế của công ty là gì? Có điều gì công ty cần cải thiện? Có những cơ hội và thách thức nào trên thị trường? Điều gì có thể đe dọa đến sự phát triển của công ty?
Phân tích cạnh tranh
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, có ba yếu tố chính mà doanh nghiệp có thể tập trung vào để tạo sự khác biệt cho doanh nghiệp của mình:
- Tối ưu chi phí: Công ty có khả năng tối đa hóa doanh thu bằng cách cung cấp sản phẩm có chất lượng tương đương với giá thấp hơn phần lớn đối thủ cạnh tranh.
- Khác biệt hóa: Sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty có sự khác biệt so với đối thủ, điều này có thể thu hút những khách hàng ưa thích sự độc đáo.
- Phân khúc thị trường: Thay vì cố gắng chiếm lĩnh toàn bộ thị trường lớn từ đầu, công ty tập trung vào một nhóm đối tượng nhỏ hơn để xây dựng tệp khách hàng trung thành và thu hút sự quan tâm trước.
4. Cơ cấu tổ chức
Nội dung này trong kế hoạch kinh doanh sẽ cho người đọc biết ai đang điều hành công ty. Bạn nên sử dụng sơ đồ tổ chức để biểu diễn cấu trúc nội bộ của công ty, trong đó bạn nên hiển thị cả các vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các thành viên. Phần này cũng cho biết doanh nghiệp hoạt động dưới loại hình nào: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân…
5. Sản phẩm và dịch vụ
Sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty là nội dung mà người xem sẽ quan tâm. Nếu công ty bán nhiều mặt hàng, bạn có thể hiển thị theo mỗi dòng sản phẩm. Nếu công ty chỉ bán một vài mặt hàng, hãy cung cấp thêm thông tin về mỗi mặt hàng. Ví dụ, cửa hàng túi xách A bán nhiều loại túi khác nhau, ngoài ra còn có đồ dùng gia đình và các phụ kiện khác. Kế hoạch kinh doanh của họ sẽ liệt kê các danh mục và thông tin chi tiết quan trọng về các sản phẩm trong mỗi danh mục.
6. Phân khúc khách hàng
Khách hàng lý tưởng, hay thị trường mục tiêu của công ty, chính là nền tảng của các chiến lược marketing và rộng hơn là toàn bộ kế hoạch kinh doanh. Khi lập kế hoạch kinh doanh, hãy mô tả một số đặc điểm nhân khẩu học của khách hàng như:
- Độ tuổi
- Trình độ học vấn
- Thói quen tiêu dùng
- Nơi sinh sống
- Nơi làm việc
- Mạng xã hội họ sử dụng
- Thu nhập
Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, thông tin về tệp khách hàng lý tưởng nên càng cụ thể càng tốt. Quan trọng hơn hết, công ty phải giải thích được rằng tại sao họ lại lựa chọn những người có đặc điểm này. Đối với mỗi tệp khách hàng khác nhau, cách tiếp cận cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, một sinh viên đại học và một người đàn ông có gia đình sẽ có những thói quen mua sắm và mức độ nhạy cảm về giá khác nhau.
7. Chiến lược marketing
Những chiến lược marketing của công ty phụ thuộc vào việc đối tượng khách hàng công ty đang nhắm đến là ai. Ví dụ, nếu công ty đang lên kế hoạch đầu tư vào marketing trên Instagram hoặc TikTok, điều cần xem xét là liệu Instagram và TikTok có phải là nền tảng hàng đầu mà nhóm đối tượng khách hàng của bạn sử dụng hay không. Hầu hết các kế hoạch marketing sẽ bao gồm bốn vấn đề chính:
- Sản phẩm: Công ty bán gì và làm thế nào để phân biệt với sản phẩm khác trên thị trường?
- Giá: Sản phẩm công ty có giá bao nhiêu?
- Khuyến mãi: Làm thế nào để đưa sản phẩm của công ty đến với khách hàng mục tiêu?
- Phân phối: Công ty sẽ bán sản phẩm của mình ở đâu? Trên các kênh nào và ở thị trường nào?
8. Chuỗi cung ứng
Kế hoạch chuỗi cung ứng và vận hành là các quy trình quan trọng mà bạn cần triển khai để biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực. Những vấn đề cần đề cập bao gồm:
- Nhà cung cấp: Công ty lấy nguyên liệu sản xuất ở đâu hoặc sản phẩm được sản xuất ở đâu?
- Sản xuất: Công ty sẽ tự sản xuất, gia công, bán buôn hay dropship sản phẩm? Phải mất bao lâu để công ty sản xuất và vận chuyển sản phẩm? Công ty sẽ xử lý khi nhu cầu tăng đột biến như thế nào?
- Cơ sở vật chất: Trụ sở công ty ở đâu? Công ty có kế hoạch mở cửa hàng bán lẻ không? Nếu có, địa điểm các cửa hàng sẽ ở đâu?
- Thiết bị: Công ty cần những công cụ và công nghệ gì để hoạt động?
- Vận chuyển: Công ty sẽ tự xử lý các đơn hàng hay sử dụng dịch vụ giao nhận của bên thứ ba?
- Hàng tồn kho: Công ty sẽ lưu trữ hàng tồn kho ở đâu và quản lý hàng tồn kho như thế nào?
9. Kế hoạch tài chính
Dù ý tưởng kinh doanh tuyệt vời đến đâu, một doanh nghiệp có thể tồn tại bền vững hay không phụ thuộc vào sức khỏe tài chính. Các nhà đầu tư sẽ muốn hợp tác với một doanh nghiệp mà họ tin tưởng là có thể hoạt động bền vững. Mức độ chi tiết của kế hoạch tài chính sẽ phụ thuộc vào người xem. Thông thường, có ba nội dung mà cần đưa vào bao gồm báo cáo kết quả hoạt động, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Báo cáo kết quả hoạt động
Báo cáo kết quả hoạt động cung cấp cho người xem cái nhìn tổng quan về thu nhập và chi phí của công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Với thông tin này, người xem có thể biết được lợi nhuận hoặc khoản lỗ mà doanh nghiệp gặp phải trong khoảng thời gian đó. Nếu doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể dự báo thông tin tương lai.
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán cho biết doanh nghiệp có bao nhiêu vốn chủ sở hữu. Trong bảng cân đối kế toán, công ty sẽ liệt kê tất cả tài sản của doanh nghiệp (những gì công ty sở hữu) và tất cả các khoản nợ của công ty. Nội dung này cung cấp bức tranh toàn cảnh về vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp theo công thức:
Tài sản – Nợ phải trả = Vốn chủ sở hữu
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo dòng tiền của công ty cung cấp thông tin về các dòng tiền ra và dòng tiền vào trong một khoảng thời gian nhất định. Dòng tiền dương là dấu hiệu cho thấy công ty đang tạo ra đủ tiền mặt để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình và thực hiện các khoản đầu tư mới. Dòng tiền âm là dấu hiệu cho thấy công ty đang phải sử dụng tiền mặt dự trữ hoặc vay nợ để tài trợ cho hoạt động của mình.
Lời kết
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu được kế hoạch kinh doanh là gì cũng như các bước lập kế hoạch kinh doanh chi tiết. Nếu bạn đang có dự định khởi nghiệp, việc lập kế hoạch kinh doanh là vô cùng cần thiết. Hy vọng những thông tin từ Miko Tech đã giúp bạn giải đáp thắc mắc và biết được làm thế nào để xây dựng business plan. Nếu thấy bổ ích, hãy chia sẻ bài viết ngay cho nhiều người cùng biết nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…