fbpx
Logo

Brand Awareness Là Gì? Bí Quyết tăng độ nhận biết thương hiệu

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Thuật ngữ Brand Awareness là gì và có vai trò quan trọng ra sao đối với thương hiệu? Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh cao như hiện nay, việc làm cho thương hiệu được công chúng biết đến là mục tiêu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm brand awareness và những cách để cải thiện brand awareness đơn giản nhưng hiệu quả.

Brand Awareness là gì?

Brand Awareness (Nhận biết về thương hiệu) là một thuật ngữ tiếp thị đề cập đến mức độ quen thuộc của đối tượng mục tiêu với thương hiệu và nhận ra thương hiệu đó.
brand awareness là gì
Brand awareness là mức độ người dùng biết đến thương hiệu

Các thương hiệu có độ nhận biết cao thường được gọi là “nổi tiếng”, “xu hướng”, “đáng chú ý” hoặc đơn giản là “phổ biến”. Xây dựng độ nhận biết về thương hiệu rất có giá trị khi tiếp thị và quảng bá công ty cũng như sản phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu kinh doanh. Mặc dù khó để đo lường brand awareness nhưng không có nghĩa là nó không có giá trị.

Đọc thêm về: Brand personality là gì? 6 bước tạo tính cách thương hiệu

Tầm quan trọng của Brand Awareness với doanh nghiệp

Như đã đề cập ở trên, brand awareness rất quan trọng trong giai đoạn đầu mới kinh doanh. Những doanh nghiệp có độ nhận biết cao trong công chúng dễ dàng thành công hơn và thu hút nhiều khách hàng hơn. Sau đây là một số lý do giải thích vì sao độ nhận biết thương hiệu là vô cùng hữu ích với doanh nghiệp:

Nâng cao lòng tin khách hàng

Trong thế giới hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng nghiên cứu kỹ càng một thương hiệu và ra quyết định mua hàng dựa trên ý kiến của những người xung quanh. Chính vì vậy, xây dựng niềm tin của khách hàng với thương hiệu là cực kỳ cần thiết. Khi người tiêu dùng gắn bó với thương hiệu, họ có khả năng quay lại mua hàng mà không cần suy nghĩ nhiều và từ từ trở thành khách hàng trung thành.

Trước khi người dùng tin vào thương hiệu thì họ cần nhận biết về thương hiệu. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tìm một gương mặt đại diện thương hiệu, khi đó khách hàng dễ dàng tin tưởng vào thương hiệu hơn. Nhìn chung, mối quan hệ giữa thương hiệu và khách hàng cũng giống như quan hệ giữa người với người.

Tạo ra sự liên tưởng

Khi bạn cần tra cứu một thuật ngữ nào đó, bạn sẽ Google thuật ngữ đó để biết ý nghĩa của nó. Lưu ý một chút, Google là tên của một công cụ tìm kiếm nhưng chúng ta đang sử dụng nó như một động từ. Dù có chút xáo trộn so với ngữ pháp thông thường thì bạn vẫn hiểu câu trên đang nói gì. Đó chính xác là cách mà chúng ta nhận biết về các thương hiệu.

Brand awareness liên kết các hành động với sản phẩm bạn sử dụng để thực hiện hành động đó. Và các sản phẩm đó thuộc về một thương hiệu cụ thể. Từ đó, chúng ta vô thức sử dụng tên thương hiệu thay thế cho những từ ngữ liên quan đến hành động. Một số ví dụ khác là Grab (đặt xe công nghệ), Google Meet (họp trực tuyến), Photoshop (chỉnh sửa hình ảnh),…

google searching
Google là một thương hiệu cực kỳ quen thuộc với chúng ta

Tạo nên giá trị thương hiệu

Giá trị thương hiệu được xác định bởi trải nghiệm và nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu. Trải nghiệm tích cực sẽ tạo ra giá trị thương hiệu tích cực và ngược lại. Khi người dùng nhận biết được một thương hiệu, họ không cần đến Google để tìm hiểu. Giữa một thương hiệu mà họ đã biết với một thương hiệu xa lạ, khả năng cao là họ sẽ lựa chọn sản phẩm từ những thương hiệu mình đã biết đến.

Khi người tiêu dùng bắt đầu ưa thích thương hiệu đó hơn các thương hiệu khác, điều này không chỉ thúc đẩy họ tiếp tục mua hàng khác mà còn giới thiệu cho những người xung quanh. Đó là lý do tại sao brand awareness rất quan trọng.

Sự khác biệt giữa Brand awareness và Brand Recognition

Brand Awareness (nhận biết thương hiệu) và Brand Recognition (nhận diện thương hiệu) là hai khái niệm quan trọng trong xây dựng thương hiệu. Nghe thì có vẻ giống nhau nhưng hai khái niệm này vẫn có một chút khác biệt.

Brand Awareness (Nhận biết thương hiệu):

  • Ý nghĩa: Brand Awareness đề cập đến mức độ mà người tiêu dùng nhận biết và ghi nhớ tên, biểu tượng, hay hình ảnh của một thương hiệu cụ thể.
  • Phạm vi: Đây là sự nhận biết tổng thể về thương hiệu. Nó không chỉ đơn giản là việc người tiêu dùng biết thương hiệu đó tồn tại mà còn có thể liên kết thương hiệu với những thông điệp, giá trị, hoặc loại hình sản phẩm, dịch vụ cụ thể.
  • Ví dụ: Nếu khi nhắc đến các nhãn hiệu nước giải khát, bạn có thể gọi tên ngay Coca Cola hoặc Pepsi ngay lập tức, đó là một dấu hiệu của brand awareness.

Brand Recognition (Nhận diện thương hiệu):

  • Ý nghĩa: Brand Recognition là khả năng người tiêu dùng nhận biết được thương hiệu khi thấy biểu trưng, logo, hoặc hình ảnh đại diện của thương hiệu .
  • Phạm vi: Đây là khả năng người dùng nhận diện được thương hiệu khi nhìn thấy các yếu tố hình ảnh có liên quan đến thương hiệu.
  • Ví dụ: Khi người tiêu dùng nhìn thấy biểu tượng “swoosh”, họ có thể ngay lập tức nhận diện rằng đó là thương hiệu Nike.

Nói cách khác, Brand Awareness liên quan đến mức độ nhận thức tổng thể về thương hiệu, còn Brand Recognition liên quan đến khả năng nhận biết thương hiệu dựa trên hình ảnh hoặc biểu tượng.

4 lưu ý khi xây dựng Brand Awareness

Khả năng nhận biết về thương hiệu của công chúng không tăng lên chỉ sau một đêm. Nó cũng không sinh ra từ một chiến dịch tiếp thị hoặc một quảng cáo đơn giản. Brand awareness thực sự mạnh mẽ là kết quả của nhiều nỗ lực ngoài việc cố gắng thu hút khách hàng trả tiền.

Dưới đây là 4 lưu ý bạn cần nhớ khi nỗ lực cải thiện nhận biết thương hiệu để tạo ra tác động lâu dài với khách hàng mục tiêu:

1. Đừng quá tập trung vào khía cạnh thương mại

Nếu chỉ chăm chăm vào túi tiền của khách hàng, bạn sẽ không bao giờ thành công. Đừng suy nghĩ như một công ty thương mại, hãy trở thành một thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng như một con người thực sự. Khi làm quen một người bạn mới, bạn sẽ muốn tìm hiểu điều gì về họ? Bạn có thể chú ý đến những điều họ thích hoặc không thích, những thói quen của họ, những điều khiến họ hứng thú,…

Để thực sự tạo ra tác động với công chúng, đừng suy nghĩ như một công ty mà hãy tập trung vào khía cạnh con người nhiều hơn. Không chỉ xác định những đặc điểm của khách hàng, hãy suy nghĩ cách mà bạn sẽ giới thiệu chính mình. Khi giới thiệu chính mình với những người bạn mới, bạn sẽ dùng những từ nào để mô tả bản thân?

selling
Đừng tỏ ra tham vọng bán hàng ngay từ đầu

2. Tương tác xã hội

Tất cả chúng ta đều cần dành thời gian để tiếp xúc và hiểu biết về nhau. Đó là cách chúng ta duy trì kết nối, học hỏi những điều mới và được người khác biết đến. Một thương hiệu cũng giống vậy. Nếu bạn cố gắng liên lạc với những người khác chỉ để bán hàng hoặc yêu cầu hỗ trợ, bạn sẽ không được khách hàng yêu thích (một người liên lạc với người khác chỉ để nhờ vả cũng không được yêu thích).

Để nâng cao brand awareness, bạn phải nỗ lực tương tác xã hội. Thi thoảng, bạn có thể chia sẻ những nội dung khác ngoài quảng cáo sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn như bạn có thể đặt câu hỏi, tạo khảo sát, chia sẻ nội dung thú vị,… để khuyến khích người tiêu dùng tương tác. Hãy sử dụng mạng xã hội doanh nghiệp như một người đang cố gắng kết bạn thay vì một doanh nghiệp đang cố kiếm tiền bằng mọi giá.

3. Kể một câu chuyện

Kể chuyện là một chiến thuật tiếp thị cực kỳ mạnh mẽ, cho dù bạn đang tiếp thị sản phẩm hay quảng bá thương hiệu. Tại sao? Bởi vì hầu như mọi người đều thích nghe kể chuyện. Việc tạo ra một câu chuyện xung quanh thương hiệu sẽ giúp thương hiệu có chiều sâu hơn và dễ tiếp cận khách hàng mục tiêu hơn.

Bạn nên kể về điều gì? Gì cũng được, miễn là nó đúng sự thật. Đó có thể là câu chuyện về người sáng lập doanh nghiệp, cách mà họ có những ý tưởng đầu tiên hoặc động cơ nào thôi thúc họ sáng lập ra doanh nghiệp. Cũng giống như chúng ta thường thích nghe mọi người kể chuyện về cuộc đời họ, những câu chuyện luôn có khả năng thu hút rất kỳ diệu.

4. Nội dung dễ dàng chia sẻ

Dù doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề nào, kinh doanh mặt hàng gì hay chiến lược của bạn là gì, hãy xuất bản những nội dung dễ dàng chia sẻ. Không quan trọng đó là blog, bài đăng trên mạng xã hội, nội dung được tài trợ, video Youtube hay trang web trưng bày sản phẩm,… miễn là nó có thể chia sẻ được.

Nếu ai đó thấy bạn bè hoặc thành viên gia đình chia sẻ về một sản phẩm hoặc dịch vụ, họ sẽ chú ý đến sản phẩm và thương hiệu đó.

sharable content
Nội dung của thương hiệu cần phải dễ chia sẻ

6 chiến lược cải thiện Brand Awareness là gì?

Với nội dung trên, bạn đã biết được những điều gì cần lưu ý khi nâng cao độ nhận biết thương hiệu. Bây giờ, đã đến lúc áp dụng những chiến lược cụ thể để đạt được hiệu quả mong muốn. Sau đây, Miko Tech sẽ giới thiệu cho bạn 6 chiến lược cải thiện brand awareness cực đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất!

1. Đi guest post trên các trang web cùng chủ đề

Guest post là một trong những cách tốt nhất để nâng cao brand awareness mà không tốn quá nhiều công sức. Bạn có thể tận dụng lưu lượng truy cập khổng lồ của một trang web khác cùng ngành để lôi kéo sự chú ý của nhiều người đến thương hiệu của mình. Đừng quên rằng nội dung đi guest post phải thật sự chất lượng và có liên quan.

Đừng quên rằng bạn cần thể hiện cho người khác thấy được tinh thần nhân văn của thương hiệu thay vì chỉ tập trung bán hàng. Có thể người đọc chưa thực sự sẵn sàng để sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của bạn, nhưng họ sẽ nhớ đến thương hiệu. Tuy nhiên, ở góc độ brand awreness thì đó đã là thành công.

2. Hợp tác tiếp thị

Hợp tác tiếp thị là một cách tuyệt vời để xây dựng nhận biết thương hiệu. Bạn có thể tận dụng tệp khách hàng có sẵn của thương hiệu khác và làm nổi bật được bạn là ai, bạn cung cấp sản phẩm gì cho thị trường. Dù thế nào đi nữa, thì hợp tác tiếp thị với một thương hiệu khác có thể giúp bạn tăng phạm vi tiếp cận của mình lên rất nhiều.

Ví dụ: năm 2020, Nike và Apple đã hợp tác để ra mắt Apple Watch Nike. Phiên bản đồng hồ này đã được bán hết chỉ trong vài giờ sau khi ra mắt. Hay trước đó vào năm 2016, KITH – một thương hiệu thời trang đường phố nổi tiếng, đã hợp tác với Coca-Cola và Converse để ra mắt một phiên bản giày Chuck Taylor All Star đặc biệt.

apple watch nike
Dòng sản phẩm Apple Watch Nike

3. Quảng cáo trên nhiều nền tảng

Quảng cáo trên nhiều nền tảng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng brand awareness của một thương hiệu. Một ví dụ điển hình là ứng dụng Grammarly. Chỉ vài năm trước, không ai biết Grammarly là gì. Giờ đây, Grammarly là một công cụ kiểm tra ngữ pháp và chính tả trực tuyến cực kỳ nổi tiếng. Nó có thể được sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả trình duyệt web.

Đó là bởi vì Grammarly đã tung ra các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội và nhiều nền tảng khác cực kỳ mạnh mẽ. Có thể nói, quảng cáo của Grammarly xuất hiện gần như ở mọi nơi và khiến chúng ta phát ngán. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chiến lược này thật sự có tác dụng lớn. Bạn có thể cân nhắc bắt đầu với quảng cáo trực tuyến, bao gồm các quảng cáo trả phí và PPC.

4. Thuê người đại diện hoặc sáng tạo linh vật cho thương hiệu

Chiến lược này có thể khó thực hiện với các công ty nhỏ và nguồn vốn hạn hẹp. Nhưng nếu công ty bạn có đủ ngân sách, hãy cân nhắc việc hợp tác với một gương mặt nổi tiếng làm người đại diện cho thương hiệu. Các đại sứ thương hiệu thường được chọn vì họ đại diện cho những giá trị hoặc phong cách mà thương hiệu đó theo đuổi.

Đôi khi, bạn không nhất thiết phải tìm đến một người đại diện. Thương hiệu có thể tạo ra một linh vật đại diện cho mình, chẳng hạn như Duolingo. Linh vật của Duolingo là một con cú xanh có tên là Duo. Duo xuất hiện trong các bài học, các thử thách và các thông báo của ứng dụng. Một linh vật hoạt hình có thể là một cách tiết kiệm chi phí nhưng không kém phần hiệu quả để cải thiện brand awareness.

duolingo
Duo được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo

5. Chọn một hình ảnh hoặc biểu tượng đại diện cho thương hiệu

Chọn một hình ảnh hoặc biểu tượng đại diện cho thương hiệu mang lại nhiều lợi ích quan trọng, giúp thương hiệu dễ dàng nhận diện và tạo dựng hình ảnh mạnh mẽ trong tâm trí của khách hàng. Lấy ví dụ về Nike, biểu tượng của thương hiệu này là một dấu swoosh và bất cứ ai nhìn thấy biểu tượng này đều biết đó là Nike. Hay Apple cũng có biểu tượng là quả táo cắn dở.

Hãy làm việc với đội ngũ xây dựng thương hiệu hoặc một nhà thiết kế đồ họa để tạo ra một biểu tượng cho doanh nghiệp. Biểu tượng này sẽ được sử dụng phổ biến trong các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo và xuất hiện trên bao bì, sản phẩm của thương hiệu.

6. Tạo slogan ngắn gọn nhưng ấn tượng

Tiếp tục ví dụ về Nike, slogan của thương hiệu này cực kỳ ngắn gọn: “Just do it”. Tạo ra một slogan ấn tượng là nền tảng của chiến lược brand awareness. Hãy cố gắng cô đọng phương châm hoạt động hoặc tinh thần của thương hiệu qua một câu ngắn. Nó phải thật sự khác biệt nhưng không được quá dài dòng. Một số ví dụ về slogan của các thương hiệu Việt Nam là:

  • Vinamilk: “Vươn cao Việt Nam”
  • Omo: “Đánh bay mọi vết bẩn”
  • Biti’s: “Nâng niu bàn chân Việt”
  • Prudential: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”
  • Vietnam Airlines: “Sải cánh vươn cao”

Lời kết

Brand Awareness đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược tiếp thị của mọi doanh nghiệp. Cải thiện độ nhận biết thương hiệu là một quá trình dài hơi và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bằng cách sử dụng 6 chiến lược cải thiện Brand Awareness mà Miko Tech đã giới thiệu ở trên, bạn có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và sâu sắc trong tâm trí công chúng.

Bài viết trên đã giải đáp cho bạn brand awareness là gì và 6 chiến lược cải thiện Brand Awareness. Đừng quên giới thiệu bài viết và chia sẻ nếu cảm thấy bổ ích nhé!

01.10.2023 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!