Chiêu thị là gì? Chiêu thị là một trong bốn yếu tố thuộc marketing mix và đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thành công của doanh nghiệp. Đây là các hoạt động mà doanh nghiệp cần thực hiện để giao tiếp với thị trường mục tiêu và thúc đẩy doanh số bán hàng. Hãy cùng Miko Tech tìm hiểu về chiêu thị trong bài viết dưới đây!
Chiêu thị là gì?
Chiêu thị (Promotion) là một trong bốn yếu tố của Marketing Mix, bao gồm những hoạt động nhằm mục đích thuyết phục, tác động đến hành vi khách hàng.
Chiêu thị có thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như quảng cáo, khuyến mãi, quan hệ công chúng (PR),… Mục tiêu chính của chiêu thị là tạo sự quan tâm từ phía khách hàng, thúc đẩy doanh số và tăng cường khả năng cạnh tranh. Đây cũng là công cụ giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Tầm quan trọng của chiêu thị
Chiêu thị là một yếu tố quan trọng cho phép các doanh nghiệp tăng cường độ nhận diện của doanh nghiệp và sản phẩm hoặc dịch vụ. Những vai trò chính của chiêu thị là:
Nâng cao độ nhận diện thương hiệu
Để phát triển, các doanh nghiệp cần phải củng cố hình ảnh thương hiệu và duy trì hình ảnh thương hiệu. Khách hàng có xu hướng tin tưởng hơn vào các thương hiệu mà họ biết và chi nhiều tiền hơn cho những sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng.
Đương nhiên quá trình xây dựng danh tiếng cho doanh nghiệp mới sẽ rất khó khăn, bạn có thể thử kết hợp các hoạt động như quảng cáo, SEO hoặc sử dụng các kênh truyền thông khác.
Khám phá thêm về: Brand Recognition Là Gì? Tầm Quan Trọng Và Cách Thức Hoạt Động
Giáo dục khách hàng
Những hoạt động chiêu thị có mục đích chính là giáo dục khách hàng mục tiêu về những sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang bán trên thị trường. Một chiến lược chiêu thị tốt sẽ cho khách hàng mục tiêu biết những giá trị mà họ sẽ nhận được khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu.
Tiếp thị hiệu quả hơn
Chiêu thị giúp các nỗ lực marketing của doanh nghiệp được khách hàng mục tiêu nhìn thấy. Việc sử dụng kết hợp các hình thức quảng bá giúp thương hiệu tiếp cận các nhóm khách hàng có nhu cầu với sản phẩm hoặc dịch vụ. Những hoạt động chiêu thị cũng giúp doanh nghiệp sử dụng chi phí hiệu quả hơn và tồn tại trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
Tăng doanh số và lợi nhuận
Một trong những mục đích chính của marketing là tăng doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Dù bạn có sản phẩm phù hợp với khách hàng, bạn cũng không thể bán được chúng nếu khách hàng không biết đến thương hiệu. Khi khách hàng biết đến những sản phẩm có thể giải quyết vấn đề của mình, họ sẽ mua các sản phẩm này nếu họ cảm thấy chúng xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.
Tạo sự khác biệt với đối thủ
Chiêu thị giúp bạn tìm ra cách để tiếp cận khách hàng hiệu quả mà không bị “lép vế” trong cuộc chiến quảng cáo của các thương hiệu đối thủ. Bằng cách nhấn mạnh được các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, khách hàng dễ dàng phân biệt được các sản phẩm của thương hiệu với đối thủ và tìm mua nếu phù hợp.
7 hình thức chiêu thị phổ biến
Khi đã hiểu chiến lược chiêu thị là gì rồi vậy thì doanh nghiệp nên áp dụng chiêu thị như thế nào? Mục tiêu của bất cứ chiến lược chiêu thị nào là thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu và cải thiện danh tiếng thương hiệu, từ đó tăng trưởng doanh số và lợi nhuận. Có nhiều hình thức chiêu thị khác nhau, trong đó 7 hình thức phổ biến nhất bao gồm:
1. Quảng cáo (Advertising)
Quảng cáo là một hình thức rất phổ biến để quảng bá một sản phẩm hoặc dịch vụ đến công chúng. Ở đây, chúng ta đề cập đến tất cả các hình thức quảng cáo như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo TVC, quảng cáo online,… Thông thường, quảng cáo là hoạt động được thực hiện vì nhiều mục đích khác nhau, nhưng chủ yếu là để thu hút khách hàng mới và thiết lập danh tiếng trên thị trường.
2. Khuyến mãi (Sales Promotion)
Khuyến mãi là một hình thức chiêu thị được sử dụng để nâng cao doanh số bán hàng trong thời gian ngắn. Những ví dụ của khuyến mãi bao gồm flash sale (những đợt khuyến mãi chớp nhoáng), giveaway, đổi điểm thưởng hoặc phiếu giảm giá. Hình thức này thường được sử dụng để thu hút khách hàng mới, thông báo sản phẩm mới hoặc để bán hàng tồn kho.
Trong các dịp lễ quan trọng, khuyến mãi cũng là chiến lược được sử dụng phổ biến. Thông thường, các dịp lễ là lúc nhu cầu mua sắm của khách hàng tăng cao. Để cạnh tranh với đối thủ, các thương hiệu thường sẽ có các chương trình giảm giá sâu. Việc này giúp họ duy trì độ phổ biến với khách hàng trong giai đoạn nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
3. Quan hệ công chúng (Public Relations)
Quan hệ công chúng, còn được gọi tắt là PR, đóng vai trò duy trì hình ảnh thương hiệu trong mắt công chúng. Khi một công ty sử dụng các chiến lược PR, mục tiêu của họ là gây tác động đến cách mà khách hàng mục tiêu cảm nhận về thương hiệu. Một số hoạt động PR có thể kể đến bao gồm tổ chức họp báo, tuyên bố báo chí, hoạt động công chúng và truyền thông xã hội.
4. Tiếp thị trực tiếp (Direct Marketing)
Direct marketing là một phương pháp tiếp thị mà trong đó các doanh nghiệp trực tiếp liên hệ đến khách hàng của mình thay vì thông qua trung gian. Với phương pháp này, doanh nghiệp sử dụng các kênh như email, tin nhắn SMS, mạng xã hội,… và không sử dụng các đơn vị quảng cáo.
Direct marketing cho phép doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng theo cách cá nhân hóa, xây dựng quan hệ lâu dài và tăng cường doanh số bán hàng. Đối với những doanh nghiệp nhỏ không có nhiều vốn để chi trả cho các hình thức quảng cáo trả phí thì đây là một phương pháp tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả. Phương pháp này khá dễ đo lường vì doanh nghiệp có quyền kiểm soát hoàn toàn.
5. Bán hàng cá nhân (Personal Selling)
Bán hàng cá nhân là một phương pháp tiếp thị mà trong đó các nhân viên kinh doanh tiếp xúc trực tiếp với khách hàng để giới thiệu, bán hàng và xây dựng mối quan hệ với họ. Trong personal selling, nhân viên kinh doanh thường gặp gỡ khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp trực tiếp để tư vấn và đề xuất giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Bán hàng cá nhân thường được áp dụng trong các ngành công nghiệp như bất động sản, bảo hiểm, ô tô hoặc sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là vì phải gặp mặt khách hàng trực tiếp hoặc trao đổi theo hình thức 1:1, các nhân viên kinh doanh chỉ có thể tiếp cận một số khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
6. Tài trợ (Sponsorship)
Tài trợ là một hình thức chiêu thị mà trong đó doanh nghiệp tài trợ cho một sự kiện, hoạt động, cá nhân hoặc dự án, thường là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giải trí hoặc xã hội. Doanh nghiệp có thể tài trợ bằng cách cung cấp tiền thưởng, thiết bị cần thiết, tài trợ quảng cáo,…
Tài trợ mang lại lợi ích cho cả nhà tài trợ và người được tài trợ. Đối với nhà tài trợ, việc này có thể giúp nâng cao uy tín thương hiệu, xây dựng hình ảnh, tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu và tăng cường mối quan hệ với khách hàng. Đối với bên được tài trợ, nguồn tài trợ giúp họ tổ chức hoạt động hoặc sự kiện thuận lợi và xây dựng thương hiệu với đối tượng mục tiêu.
7. Tham gia các sự kiện
Các sự kiện trong ngành là một cơ hội để doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng tiềm năng và đối tác, tạo dựng mối quan hệ cá nhân, tăng cường độ nhận diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Tại các sự kiện này, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với đối tượng mục tiêu và xây dựng lòng tin bằng cách trả lời những thắc mắc hoặc tư vấn tại chỗ.
Tham gia các sự kiện cũng là dịp để bạn gặp gỡ với những công ty đầu ngành và học hỏi được nhiều điều thú vị. Đây là cũng là nơi giúp bạn tạo thêm nhiều mối quan hệ kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong tương lai. Những người tham gia các sự kiện chuyên ngành đều là những người có quan tâm hoặc làm việc trong ngành, do đó khả năng kết nối thành công sẽ cao hơn.
Các chiến lược chiêu thị được áp dụng trong Marketing
Khi quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ, có nhiều chiến lược mà bạn có thể thực hiện để khiến khách hàng mục tiêu biết đến mình. Những hình thức chiêu thị mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên có thể được phân thành hai chiến lược chính là chiến lược kéo và chiến lược đẩy.
Chiến lược đẩy (Push Promotional Strategy)
Chiến lược đẩy là một chiến lược mà trong đó doanh nghiệp cố gắng để sản phẩm hoặc dịch vụ của mình được khách hàng nhìn thấy. Chiến lược này thường được áp dụng để tăng doanh số bán hàng trong thời gian ngắn.
Để thực hiện chiến lược đẩy, doanh nghiệp sẽ cần tốn một khoản chi phí để triển khai các hoạt động quảng cáo nhằm tạo doanh số nhanh chóng. Chiến lược đẩy thường được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Ra mắt một sản phẩm mới
- Quảng bá trong các dịp lễ
- Mở rộng thị trường ngách
- Xử lý hàng tồn kho trước khi hết mùa
- Tạo dòng tiền nhanh chóng
- Tăng độ nhận diện để cạnh tranh với đối thủ
Chiến lược kéo (Pull Promotional Strategy)
Chiến lược kéo ngược lại hoàn toàn với chiến lược đẩy. Thay vì cố gắng để xuất hiện trước mắt khách hàng, chiến lược kéo được thực hiện nhằm mục đích khiến khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp. Đương nhiên, chiến lược này không có nghĩa là bạn chỉ ngồi yên và đợi khách hàng tìm đến.
Chiến lược kéo có nghĩa là bạn biết khách hàng chủ động tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp, sau đó giúp họ tìm thấy sản phẩm hoặc dịch vụ dễ dàng hơn. Những hoạt động được xếp vào nhóm chiến lược kéo bao gồm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), tạo content social thú vị và quảng bá những content do khách hàng tạo ra (bài viết hoặc video review).
Chiến lược kéo thường được thực hiện trong những trường hợp sau:
- Nâng cao lòng trung thành của khách hàng
- Cải thiện lưu lượng truy cập website và các kênh mạng xã hội
- Tăng doanh số và lợi nhuận mà không muốn chi nhiều tiền
- Duy trì vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành
- Định hướng đến sự phát triển bền vững
Tổng kết
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu chiêu thị là gì và 7 hình thức chiêu thị phổ biến nhất. Mỗi hình thức chiêu thị có một đặc điểm riêng và có thể được phân loại thành hai nhóm chiến lược chiêu thị. Hy vọng qua bài viết trên của Miko Tech, bạn đã hiểu hơn về khái niệm chiêu thị và giải đáp được những thắc mắc của bạn.
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…