Thuật ngữ USP là gì trong marketing? Trong thế giới kinh doanh cạnh tranh hiện nay, việc tìm ra những yếu tố độc đáo và thu hút khách hàng là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp. USP sản phẩm không chỉ là một câu châm ngôn hay một khẩu hiệu quảng cáo mà là điểm cốt lõi giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường. Cùng tìm hiểu trong bài viết sau!
USP là gì?
USP sản phẩm là gì? USP (là viết tắt của Unique Selling Point hoặc Unique Selling Proposition – Điểm bán hàng độc nhất) là một yếu tố cụ thể giúp sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Điểm bán hàng độc nhất (USP) là một tuyên bố marketing giúp phân biệt sản phẩm hoặc thương hiệu với đối thủ cạnh tranh. USP của doanh nghiệp có thể là tuyên bố rằng họ có giá thấp nhất, chất lượng cao nhất, kinh nghiệm dày dặn nhất hoặc là doanh nghiệp đầu tiên cho ra mắt một sản phẩm nào đó. USP sản phẩm là một đặc điểm nào đó khiến sản phẩm của bạn nổi bật hơn so với đối thủ.
USP sản phẩm hứa hẹn một lợi ích rõ ràng cho người tiêu dùng, cung cấp cho họ thứ mà các sản phẩm cạnh tranh không thể cung cấp. USP là điểm cân bằng giữa những gì khách hàng mong muốn với những gì doanh nghiệp làm tốt. Nếu doanh nghiệp của bạn có một thế mạnh nào đó mà không đối thủ nào có được, bạn có thể xem thế mạnh đó như USP của mình.
Vì sao USP sản phẩm lại quan trọng với doanh nghiệp?
Điểm bán hàng độc nhất giúp định vị công ty của bạn trên thị trường thông qua việc cho khách hàng biết những giá trị bạn có thể mang lại là gì. Nếu tất cả các sản phẩm trên thị trường đều giống nhau, khách hàng sẽ không cân nhắc quá kỹ lưỡng về các thương hiệu hay trung thành với thương hiệu nào.
Việc xác định rõ ràng USP sản phẩm của doanh nghiệp giúp khách hàng phân biệt được các sản phẩm khác nhau giữa vô vàn sự lựa chọn. Đây là một yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp bán hàng hiệu quả, đặc biệt là với bối cảnh bán hàng trực tuyến. USP cũng có thể được sử dụng để đánh giá sứ mệnh công ty và lý do tồn tại của nó. Một doanh nghiệp khó mà thành công khi không có sự khác biệt với đối thủ.
Nếu bạn là chủ của một doanh nghiệp, bạn cần phải cân nhắc rõ ràng rằng bạn kinh doanh sản phẩm gì, bạn muốn tạo tác động như thế nào đến thị trường hay khách hàng mục tiêu của bạn là ai. USP là điểm khác biệt chính của bạn so với các đối thủ và là lý do mà khách hàng lựa chọn mua hàng từ bạn mà không phải đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ về USP sản phẩm trong marketing
Có nhiều điểm mà các công ty có thể khai thác và phát triển thành các điểm bán hàng độc nhất. Một số đặc điểm mà các doanh nghiệp thường lựa chọn để phát triển thành USP là gì?
Giá cả
Mức giá thấp là một trong những đặc điểm hấp dẫn chính đối với người tiêu dùng, đặc biệt là với những người có nguồn ngân sách hạn chế. Ví dụ, Walmart đã đạt được thành công với tư cách là nhà bán lẻ hàng đầu thế giới thông qua chiến lược Everyday Low Pricing (Giá thấp hằng ngày) của mình. Đây không chỉ là khẩu hiệu bán hàng trong mùa cao điểm mà là cam kết của công ty trong suốt cả năm.
Everyday Low Pricing (EDLP) là một chiến lược định giá bán lẻ mà trong đó các sản phẩm được duy trì ở mức giá thấp ổn định trong một thời gian dài. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán với mức giá bình ổn thay vì tăng hoặc giảm dựa theo các thời điểm trong năm. Mục đích của chiến lược này là xây dựng lòng tin với khách hàng rằng họ luôn nhận được giá tốt nhất, bất kể thời điểm nào.
Chất lượng sản phẩm
Một số doanh nghiệp có thể nhấn mạnh vào chất lượng sản phẩm trong USP của mình. Chất lượng sản phẩm ở đây có thể là các tính năng vật lý như hiệu suất, độ bền hoặc sản phẩm phát hành ra thị trường không có lỗi.
Các sản phẩm cao cấp như iPhone dựa vào chất lượng để thu hút khách hàng. Apple nổi tiếng là một công ty công nghệ có các sản phẩm đột phá và tiên tiến. Thương hiệu sẽ thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) sâu rộng. Sau đó, thương hiệu tiến hành đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm hoặc quy trình để tránh bị đối thủ cạnh tranh sao chép.
Đạo đức
Ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng đã khuyến khích mọi người mua các sản phẩm từ các công ty thân thiện với môi trường. Một số lượng khách hàng hiện nay mua hàng không chỉ dựa trên giá cả mà còn cân nhắc đến danh tiếng hoặc giá trị của thương hiệu. Họ cũng không ngần ngại trả thêm tiền nếu sản phẩm hoặc thương hiệu đó phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức của họ.
Tesla là một ví dụ cho các công ty tiên phong trong lĩnh vực xe điện thân thiện với môi trường. Tầm quan trọng của tác động xã hội và môi trường cũng khuyến khích Unilever bắt đầu Sustainable Living Plan (Kế hoạch sống bền vững) vào năm 2010. Cụ thể, các mục tiêu của Unilever thông qua kế hoạch này là:
- Giúp hơn 1 tỷ người cải thiện sức khỏe và hạnh phúc.
- Giảm thiểu một nửa tác động đến môi trường của sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng.
- Nâng cao sinh kế của hàng nghìn người trong chuỗi cung ứng.
Dịch vụ khách hàng và sự tiện lợi
Tiết kiệm thời gian và tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng là một trong những cách phổ biến giúp thương hiệu. Sự ra đời của các sàn thương mại điện tử là một ví dụ điển hình. Mua sắm trực tuyến là một phương thức tiện lợi cho người tiêu dùng khi họ có thể mua sản phẩm từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà không cần phải trực tiếp đến cửa hàng.
Một số cửa hàng trực tuyến sau này cũng cung cấp cả dịch vụ giao hàng miễn phí. Đây là một vài lý do tại sao thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng hơn nhiều so với hình thức bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, một số công ty trong ngành dịch vụ khách hàng có thể cung cấp thêm các dịch vụ miễn phí lắp đặt, bảo trì hoặc các chính sách hậu mãi.
5 bước xác định USP trong marketing là gì?
Việc xác định USP sản phẩm cho doanh nghiệp có thể khiến bạn bối rối vì không biết nên bắt đầu từ đâu. Trong phần này, Miko Tech sẽ cung cấp các hướng dẫn toàn diện để giúp bạn tìm ra USP của doanh nghiệp:
Bước 1: Brainstorm
Việc tạo ra USP của doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ của một cá nhân mà là nỗ lực của một tập thể. Bạn có thể tập hợp một nhóm gồm các thành viên từ các phòng ban như hỗ trợ khách hàng, marketing, bán hàng, tài chính, nhân sự,… để thu thập ý tưởng từ họ. Hãy hỏi họ rằng họ nghĩ rằng doanh nghiệp có gì khác so với đối thủ cạnh tranh.
Bước 2: Xác định nhóm khách hàng mục tiêu
Các doanh nghiệp thường mắc sai lầm khi quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình vì không hiểu rõ đối tượng mục tiêu. Trước khi bán hàng cho khách hàng, bạn cần xác định được đối tượng mà mình cần nhắm đến là ai. Trong bước này, bạn tiến hành xác định chân dung khách hàng.
Dựa trên chân dung khách hàng, bạn sẽ gom nhóm họ thành các phân khúc khách hàng. Mỗi phân khúc khách hàng sẽ có các đặc điểm khác nhau và sẽ cần các phương thức khác nhau để tiếp cận họ. Chẳng hạn, đối với nhóm khách hàng mục tiêu là thanh thiếu niên thì mạng xã hội có thể là kênh hiệu quả để tiếp cận họ.
Bước 3: Nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh
Trong bước này, bạn sẽ cần thực hiện một số nghiên cứu thị trường để có cái nhìn tổng quan về những gì đã có hoặc chưa có. Trước khi bạn tìm ra điều gì sẽ giúp cho sản phẩm hoặc thương hiệu của bạn trở nên độc đáo, hãy tìm kiếm những gì mà đối thủ cạnh tranh đã làm hoặc những gì đã xuất hiện trên thị trường.
Hãy liệt kê ra những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn và thực hiện những nghiên cứu chi tiết về từng đối thủ. Bạn sẽ cần tìm ra các sản phẩm tương tự có trên thị trường do các đối thủ cạnh tranh cung cấp. Đồng thời, xem xét cả cách mà các đối thủ cạnh tranh quảng bá sản phẩm của họ. Điều này sẽ giúp bạn hiểu được những điểm mạnh và điểm yếu của các sản phẩm cạnh tranh.
Bước 4: Liệt kê những điểm mạnh của doanh nghiệp
- Điều gì làm cho sản phẩm của bạn tốt hơn hoặc độc đáo hơn đối thủ?
- Giá bán của bạn có thấp hơn hay không?
- Chi phí sản xuất của bạn có thấp hơn không?
- Quy trình đặt hàng của bạn có nhanh chóng hơn hay không?
- Bạn có cung cấp dịch vụ vận chuyển hoặc lắp đặt miễn phí không?
- Sản phẩm của bạn có tính năng nào đặc biệt mà đối thủ không có có?
Hãy liệt kê tất cả điểm mạnh và kết hợp với ý kiến nhân viên ở bước 1.
Bước 5: Xác định USP
Đây là bước quan trọng nhất của toàn bộ phần này. Điều gì làm cho doanh nghiệp của bạn nổi bật hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh? Hãy sử dụng toàn bộ điểm mạnh của doanh nghiệp mà bạn vừa liệt kê trước đó và xem xét từng yếu tố. Những yếu tố nào chỉ có doanh nghiệp của bạn có mà đối thủ không có? Khi bạn tìm ra điều gì làm doanh nghiệp trở nên độc đáo, đó chính là USP của doanh nghiệp.
Tổng kết
USP marketing (Unique Selling Proposition) là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực marketing và kinh doanh. Khái niệm này đại diện cho những yếu tố độc đáo và khác biệt mà một doanh nghiệp hoặc sản phẩm có thể mang lại cho khách hàng, đồng thời tạo ra sự phân biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Như vậy, bài viết của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được USP là gì cũng như các bước giúp bạn tìm ra USP của doanh nghiệp. Nếu thấy hữu ích, đừng quên chia sẻ bài viết và chờ đón những nội dung hay ho khác nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…