Kích thước banner như thế nào cho phù hợp với từng loại thông điệp và mục tiêu tiếp thị là điều mà nhiều marketer rất quan tâm. Tùy thuộc vào nền tảng quảng cáo và mục đích sử dụng, mọi người có thể thiết kế banner theo nhiều kích thước khác nhau. Trong bài viết này, Miko Tech sẽ cùng bạn tìm hiểu về banner là gì và kích thước banner thường gặp trong cuộc sống.
Banner là gì?
Banner là một loại biển hiệu, biểu ngữ hoặc biển quảng cáo có thể được sử dụng ở ngoài trời, trên website hoặc trên mạng xã hội. Banner là sản phẩm của ngành in ấn quảng cáo được sử dụng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, sự kiện hoặc thương hiệu. Banner là ấn phẩm truyền thông với mục đích chính của banner là thu hút sự chú ý của người xem và truyền tải thông điệp quảng cáo hoặc thông tin quan trọng một cách hiệu quả.
Banner có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm vải, nhựa, giấy hoặc kim loại. Tùy banner sẽ có nhiều kích thước và hình dạng khác nhau.
Banner được sử dụng như thế nào?
Banner là một công cụ quảng cáo linh hoạt và có thể được tùy chỉnh cho nhiều mục đích và dịp khác nhau. Việc sử dụng banner giúp nâng cao độ nhận diện thương hiệu, truyền tải thông điệp và thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng trong các sự kiện và hoạt động truyền thông. Một số trường hợp mà chúng ta thường nhìn thấy banner là:
- Sự kiện thương mại: Banner thường xuất hiện trong các sự kiện thương mại như hội chợ hoặc buổi ra mắt sản phẩm. Chúng được sử dụng để quảng bá cho sản phẩm mới và khiến người xem có hứng thú mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ.
- Quảng cáo trực tuyến: Là một phương tiện quảng cáo phổ biến, banner cũng thường được nhìn thấy trên các trang web, blog và ứng dụng di động. Chúng được sử dụng để thu hút sự chú ý của người xem và khuyến khích họ thực hiện hành động như nhấp chuột để truy cập vào trang web hoặc mua hàng.
- Lễ hội: Banner thường được treo lên gần địa điểm diễn ra các sự kiện cộng đồng như lễ hội âm nhạc, lễ hội thể thao,… Nhờ đó mọi người có thể nhận được thông tin về địa điểm và thời gian diễn ra lễ hội.
- Quảng cáo ngoài trời: Banner được sử dụng trong quảng cáo ngoài trời trên các bảng hiệu, biển quảng cáo và cột hỗ trợ. Chúng có thể được đặt tại các vị trí giao thông sầm uất hoặc trong các khu vực thương mại để thu hút sự chú ý của người đi đường.
- Các sự kiện đặc biệt: Trong các sự kiện đặc biệt như hội nghị, lễ trao giải, ngày thi đại học… banner cũng có thể được sử dụng để quảng bá cho sự kiện hoặc để chúc mừng.
Banner có khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng trong một không gian đông đúc. Kích thước lớn, màu sắc sáng và thiết kế hấp dẫn giúp banner nổi bật và thu hút ánh nhìn của người đi qua. Không chỉ để quảng bá, banner còn đóng vai trò như “hướng dẫn viên” trong các sự kiện để hướng dẫn mọi người đến các khu vực khác nhau như khu vực trưng bày, quầy đăng ký hoặc sân khấu chính.
Vai trò của banner trong quảng cáo
- Thu hút khách hàng tiềm năng: Banner là sản phẩm truyền thông được doanh nghiệp sử dụng để hỗ trợ các chiến dịch quảng cáo. Sự thành công của một chiến dịch quảng cáo có thể phần nào đạt được nhờ vào hiệu quả của banner. Bằng cách sử dụng banner quảng cáo, doanh nghiệp có thể nhận biết được những người quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, từ đó tạo ra một tệp dữ liệu về khách hàng tiềm năng.
- Làm nổi bật sản phẩm/dịch vụ mới: Để tăng cường kinh doanh cho sản phẩm hoặc dịch vụ mới, các doanh nghiệp hiện nay thường sử dụng banner quảng cáo. Banner có khả năng thu hút sự chú ý, giúp sản phẩm hoặc dịch vụ được đặt trên đó để nổi bật và dễ dàng được người dùng biết đến.
- Kêu gọi sự chú ý của khách hàng: Banner được thiết kế bởi các chuyên gia với sự tỉ mỉ và sáng tạo, nhằm thu hút ánh nhìn của người xem. Với thiết kế độc đáo và thông điệp ngắn gọn, banner tạo ra hiệu ứng truyền thông tốt, thuyết phục người xem dừng lại để tìm hiểu thêm.
- Gia tăng nhận thức về thương hiệu: Trên banner thường hiển thị logo, tên thương hiệu và màu sắc chủ đạo liên quan đến việc nhận diện thương hiệu. Qua việc sử dụng banner quảng cáo, doanh nghiệp có thể tăng khả năng nhận diện thương hiệu của mình. Các thương hiệu lớn như IBM, Apple, Nike,… đã sử dụng quảng cáo để nâng cao nhận thức về thương hiệu và phát triển kinh doanh.
Kích thước chuẩn của các loại banner thường gặp
1. Banner trên báo và tạp chí:
Banner trên báo và tạp chí là dạng banner được thiết kế để đăng trên các trang giấy của báo hoặc tạp chí. Kích thước của loại banner này thay đổi tùy theo layout và trang giấy.
Ngoài ra, việc đăng banner trên báo và tạp chí cũng phải tuân theo quy định của từng tòa soạn. Kích thước tốt nhất là khi chiều ngang của banner bằng với độ rộng của nội dung được đăng trên trang giấy.
2. Banner đường phố:
Banner đường phố được treo ở nơi công cộng, nơi mà người đi bộ và người lái xe có thể dễ dàng nhìn thấy. Loại banner này cần có thiết kế thu hút ngay từ cái nhìn ban đầu, vì khi lái xe, người ta chỉ có vài giây để chú ý.
Các kích thước phổ biến của banner bao gồm:
- Đối với banner dọc, có các kích thước tiêu chuẩn như: 60cm x 160cm, 80cm x 180cm, 80cm x 200cm, 80cm x 220cm. Với loại này, cần lưu ý rằng chiều ngang của tấm banner không được vượt quá 100cm và chiều dọc không quá 400cm.
- Đối với banner ngang, có các kích thước tiêu chuẩn như: 100cm x 500cm, 100cm x 600cm, 100cm x 800cm. Với loại này, chiều cao tối đa không được vượt quá 200cm và chiều dài của tấm banner cần phù hợp với kích thước không gian treo.
Banner treo ngoài trời yêu cầu độ bền cao, khả năng bám mực tốt và chống thấm nước. Thông thường, để làm banner treo ngoài trời, người ta sử dụng chất liệu in bạt hiflex và áp dụng công nghệ in kỹ thuật số mực dầu hoặc in UV. Việc lựa chọn chất liệu và mực in phù hợp phụ thuộc vào mục đích sử dụng của banner.
3. Banner trực tuyến:
Banner trực tuyến là loại banner được sử dụng trên các trang web, mạng xã hội và báo điện tử. Hiện nay, loại banner này đang rất phổ biến và mang lại hiệu quả cao và được các đơn vị báo điện tử cung cấp như báo 24h, VTC News, Vnexpress.net, Kenh14.vn,… Mục đích của banner trực tuyến là truyền tải thông điệp quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ.
Kích thước của banner trực tuyến thường nhỏ, và kích thước này cũng khác nhau trên từng kênh. Tại mỗi vị trí đăng và trên từng trang web, kích thước banner cũng có sự khác biệt.
- Đối với trang web, kích thước phổ biến nhất là 728 x 90 px cho vị trí Leaderboard, phù hợp với giao diện màn hình có kích thước 800 x 600.
- Đối với trang web có hai cột, banner 300 x 100 px và 300 x 250 px được ưu tiên. Cần tối ưu kích thước và dung lượng của banner trên trang web để tránh làm trang web chạy chậm.
Loại Banner | Kích thước banner (pixel) |
Leaderboard | 728 x 90 |
Medium Rectangle | 300 x 100 px và 300 x 250 px |
- Đối với mạng xã hội, kích thước cũng khác nhau tùy theo từng kênh.
- Kích thước phù hợp để chạy quảng cáo trên Facebook là 1280 x 682 px.
- Trên Instagram là 1200 x 1200 px.
- Đây là hai kênh mà nhiều doanh nghiệp sử dụng banner online nhất.
Tham khảo kích thước banner các loại
Kích thước banner có thể khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu của nền tảng và mục đích sử dụng. Sau đây là một bảng tham khác loại banner kèm kích thước từng loại, mỗi loại thường được sử dụng trong các sự kiện các nhau hoặc trên các nền tảng khác nhau:
Loại Banner | Kích thước banner (pixel) |
Medium Rectangle | 300 x 250 |
Skyscraper | 160 x 600 |
Wide Skyscraper | 160 x 600 |
Large rectangle | 336 x 280 |
Half page ad | 300 x 600 |
Billboard | 970 x 250 |
Half Page Billboard | 970 x 500 |
Mobile Leaderboard | 320 x 50 |
Mobile Medium Rectangle | 300 x 250 |
Stories mạng xã hội | 1080 x 1920 hoặc 1080 x 1350 |
Feed | 1080 x 1080 hoặc 1080 x 1350 |
Ảnh bìa Facebook | 820 x 312 |
Những nền tảng thiết kế banner phổ biến
Trong thời đại số ngày nay, việc sử dụng banner quảng cáo trở thành một phương pháp hiệu quả để thu hút sự chú ý và tạo dựng thương hiệu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ hiểu biết về thiết kế đồ họa để tạo ra những banner chuyên nghiệp và đẹp mắt. Do đó, bạn có thể tận dụng một số nền tảng trực tuyến để việc thiết kế trở nên dễ dàng hơn.
Canva
Canva là một công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến phổ biến, giúp người dùng tạo ra nhiều tác phẩm thiết kế khác nhau, bao gồm CV, portfolio, post Facebook…. và cả banner. Điểm mạnh của Canva là giao diện dễ sử dụng, cung cấp nhiều template có sẵn có thể sử dụng ngay, hình ảnh và công cụ chỉnh sửa linh hoạt. Người dùng có thể tùy chỉnh kích thước, màu sắc, văn bản hoặc các biểu tượng một cách dễ dàng.
Bạn có thể tham khảo các mẫu thiết kế banner tại: https://www.canva.com/vi_vn/banner/mau/
DesignWizard
DesignWizard là một công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến, cho phép người dùng tạo ra các thiết kế chuyên nghiệp một cách dễ dàng. Công cụ này cung cấp hàng nghìn mẫu thiết kế có sẵn cho nhiều loại nội dung, bao gồm banner, hình ảnh cho mạng xã hội, thiệp mời, poster, và nhiều loại tài liệu khác.
DesignWizard cung cấp một giao diện thân thiện với người dùng, cho phép tùy chỉnh các mẫu thiết kế sẵn có bằng cách thay đổi văn bản, hình ảnh, màu sắc và các yếu tố khác để tạo ra thiết kế phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng. Điểm mạnh của DesignWizard là thư viện hình ảnh và video “khủng”, bao gồm hàng ngàn mẫu chất lượng cao mà người dùng có thể sử dụng trong quá trình thiết kế.
Adobe Spark
Adobe Spark là một công cụ thiết kế trực tuyến từ Adobe, cung cấp các công cụ tạo ra các loại banner và đồ họa nhanh chóng. Nền tảng này cung cấp các mẫu thiết kế chuyên nghiệp, tích hợp các công cụ chỉnh sửa văn bản, hình ảnh, và hiệu ứng để tạo ra các banner hấp dẫn. Điểm mạnh của Adobe Spark là tích hợp tốt với các dịch vụ của Adobe khác như Photoshop và Illustrator.
Crello
Crello là một công cụ thiết kế đa năng với nhiều mẫu thiết kế sẵn có cho các loại banner. Crello cung cấp thư viện hình ảnh và video phong phú, cho phép tùy chỉnh kích thước, màu sắc, và văn bản một cách dễ dàng. Với hàng ngàn mẫu thiết kế sẵn có, các yếu tố đồ họa, phông chữ và hình ảnh miễn phí mà bạn có thể sử dụng. Nhờ đó, bạn không cần có kỹ năng thiết kế chuyên nghiệp để thiết kế banner đẹp mắt.
Creatopy
Creatopy là một nền tảng tạo nội dung quảng cáo trực tuyến giúp bạn tạo các banner, bài đăng trên mạng xã hội, email, video và nhiều nội dung khác một cách nhanh chóng và dễ dàng. Nền tảng này cung cấp một bộ công cụ mạnh mẽ và một thư viện tài nguyên phong phú, giúp bạn tạo ra các nội dung quảng cáo chất lượng cao mà không cần có kiến thức về thiết kế đồ họa.
Những lưu ý khi thiết kế banner là gì?
Khi thiết kế banner, có một số lưu ý quan trọng mà bạn nên can nhắc để tạo ra một banner hấp dẫn và hiệu quả. Sau đây là những lưu ý quan trọng khi thiết kế banner mà bạn cần lưu ý:
Xác định rõ mục tiêu
Để thiết kế một banner hoàn hảo, bạn cần đảm bảo rằng mục đích của việc thiết kế banner là gì. Tại sao bạn cần có banner? Banner sẽ được sử dụng cho mục đích gì? Dưới đây là một số lý do vì sao mọi người thiết kế banner:
- Nâng cao nhận thức về thương hiệu
- Tái thiết kế hoặc thay đổi quan điểm của công chúng về thương hiệu của bạn
- Giới thiệu sản phẩm mới
- Thu hút sự chú ý đến khuyến mãi hoặc chương trình giảm giá
- Quảng bá cho sự kiện
- Nâng cao nhận thức của công chúng về một vấn đề xã hội cụ thể
Nếu banner được sử dụng liên tục, banner có thể được thiết kế sao cho phù hợp để được treo lâu dài. Những banner chỉ sử dụng tạm thời trong những dịp đặc biệt cũng sẽ có hướng thiết kế khác biệt. Khi bạn biết được mình cần thiết kế banner để làm gì, mục tiêu đó sẽ giúp bạn biết được nên thiết kế như thế nào để đáp ứng mục tiêu đó.
Sử dụng hình ảnh chất lượng
Một trong những sai lầm phổ biến nhất là sử dụng hình ảnh chất lượng thấp khiến cho sản phẩm cuối cùng trở nên mờ hoặc mờ nhòe. Khi bạn nhìn vào một bức ảnh trên màn hình máy tính, bạn có thể khó mà biết được hình ảnh đó sẽ trông như thế nào khi phóng to lên để làm thành một banner cỡ lớn. Để hình ảnh rõ ràng và sắc nét ngay cả khi được phóng to, bạn cần sử dụng đúng định dạng hình ảnh với độ phân giải đủ cao. Có hai loại tệp chính mà bạn cần phải chú ý:
- Vector: Thay vì sử dụng các pixel như hình raster, hình vector sử dụng các đường cong và đa giác để biểu diễn hình ảnh. Điều này có nghĩa là hình vector có thể được co giãn hoặc phóng to mà không mất đi chất lượng.
- Raster (bitmap): Hình raster là loại hình ảnh được tạo thành từ các pixel hoặc điểm ảnh nhỏ. Khi các pixel này kết hợp lại, chúng tạo thành hình ảnh. Khi bạn phóng to một hình ảnh raster, các pixel bị kéo giãn và khiến hình ảnh bị mờ đi.
Nếu bạn đang thiết kế banner, hãy chắc chắn lưu nó dưới dạng tệp vector. Điều này đảm bảo rằng hình ảnh sẽ không mất đi độ rõ ràng khi phóng to. Nếu bạn đang sử dụng một bức ảnh hoặc bất kỳ loại hình ảnh raster nào, hãy chắc chắn rằng tệp không bị nén và lưu nó với độ phân giải đầu ra từ 100 đến 200 điểm ảnh trên mỗi inch (DPI) với kích thước đầy đủ.
Nội dung dễ đọc từ xa
Khi một người đứng càng xa banner, họ sẽ nhìn thấy hình ảnh càng sắc nét hơn. Tuy nhiên, khoảng cách quá xa lại ảnh hưởng đến khả năng đọc hiểu của người xem. Bạn sẽ cần cân nhắc đến khoảng cách mà người xem sẽ nhìn thấy banner. Không chỉ về kích thước chữ mà font chữ cũng nên dễ đọc từ xa. Bạn nên chọn một font chữ cổ điển, không quá kiểu cách và có thể in đậm nếu nét chữ hơi mảnh. Do đó, dù kích thước banner lớn nhưng bạn vẫn nên lưu ý đến mức độ dễ đọc của văn bản.
Sử dụng chất liệu in chất lượng
Khi bạn bận rộn với việc thiết kế banner, đừng quên rằng chất liệu in ấn cũng rất quan trọng nếu bạn muốn sản phẩm cuối cùng trông thật chuyên nghiệp. Bạn cần xem xét đến môi trường trưng bày banner khi lựa chọn chất liệu in ấn. Nếu banner của bạn sẽ được đặt trong nhà thì yếu tố này không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu nó sẽ được treo bên ngoài thì bạn cần cân nhắc chất liệu banner có thể đáp ứng được mưa gió.
Một đơn vị in ấn có kinh nghiệm sẽ tư vấn cho bạn về chất liệu phù hợp nhất với bản thiết kế và nhu cầu của bạn. Hãy đảm bảo lựa chọn một đơn vị in ấn uy tín để sản phẩm cuối cùng được làm từ vật liệu chất lượng cao. Nhờ đó, banner của bạn có thể đáp ứng được mong đợi và thu hút được ánh nhìn của những người nhìn thấy nó.
Thông điệp ngắn gọn
Bất kể kích thước banner lớn như thế nào, bạn nên giữ cho văn bản xuất hiện trên banner thật ngắn gọn và hạn chế mô tả quá dài dòng. Hãy tập trung vào việc truyền đạt thông điệp của mình một cách trực tiếp nhất có thể. Nếu banner được đặt ở một vị trí có lưu lượng người qua lại đông đúc, bạn không thể mong đợi rằng mọi người sẽ dừng lại để đọc banner của bạn. Họ chỉ có thể nhìn qua nó trong vài giây. Vậy làm thế nào để bạn có thể gói gọn thông điệp của mình?
Một trong những cách là tận dụng các yếu tố không phải văn bản trên banner. Hãy đảm bảo rằng các yếu tố đồ họa trên banner có thể giúp biểu thị nội dung. Nguyên tắc “ba lần năm” (3×5 text rule) là nguyên tắc mà bạn có thể ghi nhớ khi thiết kế banner. Nguyên tắc này khuyến khích bạn hạn chế văn bản trong giới hạn 15 từ, có thể là năm dòng với mỗi dòng ba từ, hoặc ba dòng với mỗi dòng năm từ.
Lựa chọn màu sắc khôn ngoan
Bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực marketing hoặc thiết kế đều biết rằng màu sắc rất quan trọng trong việc truyền tải thông điệp. Mặc dù mỗi người có thể có màu sắc yêu thích khác nhau, nhưng cũng có sự liên kết giữa các yếu tố văn hóa phổ biến với màu sắc. Chẳng hạn, màu xanh lá cây thường gợi đến cảm giác tươi mới và hướng về tự nhiên. Do đó, nhiều hãng mỹ phẩm thiên nhiên đã lựa chọn các tone xanh lá cây làm màu chủ đạo.
Nếu màu sắc quan trọng đến vậy, màu sắc tốt nhất để dùng cho banner là màu gì? Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn muốn tạo ấn tượng như thế nào đến người xem. Thông thường, màu sắc của banner sẽ phụ thuộc vào bộ nhận diện thương hiệu. Ví dụ, nếu màu chủ đạo của công ty là màu vàng thì banner cũng nên có tone màu vàng chủ đạo. Bên cạnh đó, màu chủ đạo cũng cần có độ chính xác, màu vàng đó là màu vàng tươi hay vàng nhạt, vàng pastel?
Tổng kết
Banner là một công cụ quảng cáo mạnh mẽ giúp thương hiệu thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng và tạo ấn tượng ban đầu về thương hiệu. Việc lựa chọn kích thước banner phù hợp, sử dụng màu sắc, chất liệu in ấn, v.v. là các yếu tố không thể bỏ qua khi thiết kế banner. Hy vọng với bài viết trên của Miko Tech, bạn đã biết được những điều cần lưu ý khi thiết kế banner.
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…