Deep web là gì? Khi nhắc đến deep web, nhiều người tỏ ra tò mò nhưng đôi khi cũng nảy sinh sự tò mò về khái niệm này. Deep web là một phần của internet, tuy nhiên trong đó cũng tồn tại một số rủi ro tiềm ẩn. Do đó, việc hiểu về thuật ngữ này có thể giúp bạn biết được cách để bảo vệ bản thân khỏi các mối đe dọa khi trực tuyến. Trong bài viết sau, Miko Tech sẽ giới thiệu cho bạn deep web là gì và giải đáp một số kiến thức liên quan.
Deep web là gì?
Deep web là một phần của internet mà không thể truy cập được bằng các công cụ tìm kiếm thông thường như Google.
Deep web bao gồm các trang web không được lập chỉ mục hoặc ẩn đi để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật. Deep web có thể được sử dụng cho nhiều mục đích hợp pháp, chẳng hạn như bảo vệ quyền riêng tư hoặc cho phép mọi người truy cập các tài nguyên bị hạn chế tại khu vực địa lý của họ. Tuy nhiên, một phần của deep web cũng tồn tại các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như mua bán ma túy và vũ khí.
Các tầng của web trên internet
Internet là một không gian rộng lớn với hàng triệu trang web, cơ sở dữ liệu và máy chủ hoạt động suốt 24 giờ mỗi ngày. Nhưng những nội dung mà bạn có thể nhìn thấy trên internet chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có một số thuật ngữ được sử dụng để chỉ những phần khác nhau của “tảng băng chìm” internet:
Surface web (Bề nổi của internet)
Surface web (mạng mở) là tầng trên cùng của internet. Nếu chúng ta ví dụ toàn bộ web như một tảng băng chìm, mạng mở sẽ là phần trên cùng nổi trên mặt nước. Tính từ góc độ thống kê, số lượng các trang web và dữ liệu này chiếm dưới 5% tổng lượng dữ liệu trên internet. Nếu phải so sánh, các công cụ tìm kiếm giống như những chiếc tàu đánh cá chỉ có thể bắt được “cá” (là các trang web) trong một phạm vi nhất định.
Surface web là tất cả các trang web mà bạn có thể truy cập thông qua các trình duyệt như Google Chrome, Internet Explorer hay Firefox. Các trang web thường được gắn nhãn với các tên miền và có thể dễ dàng được tìm thấy thông qua các công cụ tìm kiếm phổ biến. Các trang web trên surface web có thể được công cụ tìm kiếm thu thập dữ liệu, do đó chúng có thể được định vị.
Deep web
Deep web là phần nằm dưới mặt nước của tảng băng chìm internet, chiếm khoảng 95% dữ liệu trên internet. Dữ liệu của deep web lớn hơn nhiều so với surface web. Thực tế, chúng ta khó mà biết được những web ẩn này có số lượng bao nhiêu vì deep web thực sự rất lớn.
Deep web cũng bao gồm cả một không gian trực tuyến khác gọi là Dark web – chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau. Nếu bạn đang tự hỏi làm thế nào để truy cập vào deep web, có thể bạn đang truy cập nó hàng ngày mà không hề nhận ra. Thuật ngữ “deep web” đề cập đến tất cả các trang web không thể xác định bởi các công cụ tìm kiếm. Phần lớn trong số chúng được ẩn vì nhiều lý do khác nhau.
Các trang web trong deep web thường được ẩn vì lý do bảo mật hoặc lý do khác, nhưng hầu như chúng đều là các trang web an toàn. Từ những bài đăng blog đang đợi được kiểm duyệt hay các trang đăng nhập ngân hàng trực tuyến, đây đều là các trang web thuộc deep web. Những trang này không đe dọa đến máy tính hoặc an toàn hệ thống, hầu hết chúng được ẩn để bảo vệ thông tin người dùng và quyền riêng tư.
Một số ví dụ khác của deep web bao gồm:
- Tài khoản riêng tư online (Email, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cloud)
- Các nội dung đăng ký trả phí (Netflix, Hulu, Spotify)
- Mạng nội bộ
- Dữ liệu chính phủ
- Tài liệu học thuật hoặc nghiên cứu
- Dữ liệu y tế
- Nhóm riêng tư trên mạng xã hội
Nội dung bị giới hạn theo khu vực địa lý cũng có thể được coi là một phần của deep web. Các nội dung này không thể được truy cập thông qua các công cụ tìm kiếm thông thường vì bị giới hạn vùng địa lý. Do đó chúng chỉ có thể được truy cập từ các khu vực cụ thể hoặc nếu người dùng sử dụng các phần mềm, dịch vụ VPN hoặc proxy để vượt qua giới hạn này.
Dark web
Ở phần cuối cùng của deep web, bạn sẽ tiến vào dark web – một không gian trực tuyến đen tối với những hoạt động phi pháp và nguy hiểm. Khi hình dung internet như tảng băng chìm, deep web chính là phần đáy của tảng băng chìm. Tuy nhiên, dark web lại là một không gian của deep web mà rất ít người sẽ tương tác hoặc thậm chí nhìn thấy.
Phân tích cấu trúc của dark web sẽ giúp chúng ta hiểu đươc vì sao đây là thiên đường ẩn danh:
- Không thể được lập chỉ mục: Google và các công cụ tìm kiếm phổ biến khác không thể khám phá hoặc hiển thị kết quả cho các trang web trong dark web. Điều này là do chủ sở hữu trang web đã ẩn chúng bằng các lớp mã hóa và các trang web thường xuyên thay đổi.
- Đường hầm lưu lượng ảo (Virtual Traffic Tunnels): Đường hầm lưu lượng ảo (VTT) là các kết nối mạng được thiết lập để truyền dữ liệu giữa hai điểm một cách an toàn. VTT có thể là một công cụ bảo mật hiệu quả để bảo vệ dữ liệu khi được truyền qua mạng công cộng.
- Không thể được truy cập bằng trình duyệt thông thường: Dark web không thể truy cập được bằng các trình duyệt thông thường như Chrome, Firefox hoặc Safari. Lý do là vì dark web được ẩn có chủ ý và các trang web trên dark web không được lập chỉ mục bởi các công cụ tìm kiếm.
Khi nhắc đến dark web, người ta thường nghĩ ngay đến các hoạt động phi pháp, những tội ác nguy hiểm và các giao dịch bất hợp pháp. Khi nói về an toàn trên dark web, nguy cơ từ deep web khác rất nhiều so với nguy cơ từ dark web. Hoạt động tội phạm trên dark web thường khá cực đoan và bạn có thể bị đe dọa nếu cố gắng tìm kiếm chúng.
Sự khác biệt giữa Dark web và Deep web là gì?
Cụm từ “deep web” và “dark web” đôi khi được một số tài liệu sử dụng thay thế cho nhau, nhưng chúng không giống nhau. Mặc dù dark web là một phần của deep web nhưng về tính chất, dark web được sử dụng để ám chỉ không gian đen tối hơn. Trong khi đó, deep web có nhiều nội dung hợp pháp và chính đáng như các bản xuất bản có phí, cơ sở dữ liệu và tạp chí học thuật và nghiên cứu.
Dark web là nơi diễn ra nhiều hoạt động bất hợp pháp, bao gồm chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin cá nhân bị đánh cắp, vũ khí, phần mềm độc hại, mại dâm và ma túy. Dark web là nơi hoạt động của chợ đen và các diễn đàn bất hợp pháp nơi tội phạm hoạt động. Một số ví dụ thực tế của các chợ đen là Empire Market.
Empire Market được thành lập vào đầu năm 2018 và nhanh chóng trở thành một trong những chợ đen phổ biến nhất. Chợ đen này cung cấp nhiều mặt hàng và dịch vụ bất hợp pháp, như ma túy, vũ khí, thông tin cá nhân đánh cắp, phần mềm độc hại… Tháng 9 năm 2020, chợ đen này đã dừng hoạt động, theo đó nhiều khả năng được đồn đoán là do quản trị viên đã bị bắt hoặc cuỗm tiền của người dùng và bỏ trốn.
Cách truy cập Deep web là gì?
Truy cập nội dung trên deep web tương đối an toàn và hầu hết người dùng internet đều đang truy cập deep web mỗi ngày. Đăng nhập vào Gmail hoặc LinkedIn là một số ví dụ về việc truy cập dữ liệu trên một trang web deep web. Deep web chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm có thể tận dụng – đó là lý do tại sao việc truy cập đến phần lớn deep web bị hạn chế.
Với dark web thì khác. Dark web được ẩn có chủ đích và yêu cầu người dùng phải có các công nghệ cụ thể như trình duyệt Tor và mạng Invisible Internet Project (I2P) để có thể truy cập. Trình duyệt Tor và I2P là hai trình duyệt web cho phép bạn duyệt internet một cách ẩn danh. Người dùng không thể truy cập vào dark web nếu không có trình duyệt Tor.
Công cụ tìm kiếm mặc định của trình duyệt Tor là DuckDuckGo. Đây là một công cụ tìm kiếm trên Internet đặt trọng tâm vào việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Công cụ tìm kiếm này không theo dõi lịch sử tìm kiếm của bạn hoặc bán dữ liệu của bạn cho các nhà quảng cáo. DuckDuckGo cũng cung cấp một số tính năng bảo mật khác, chẳng hạn như chặn trình theo dõi và mã hóa lưu lượng truy cập của bạn.
Lời kết
Bài viết trên đã giúp bạn hiểu được deep web là gì, sự khác biệt giữa deep web và dark web và không bị nhầm lẫn giữa chúng. Nếu bạn đang cân nhắc khám phá deep web và dark web, điều quan trọng là biết cách để bảo vệ bản thân để tránh rơi vào những nguy cơ bị tấn công hoặc đe dọa. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn hiểu hơn về thuật ngữ deep web, hãy share bài viết nếu thấy bổ ích và đừng quên chia sẻ cho nhiều người khác cùng đọc nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…