Nguyên lý thị giác đóng vai trò quan trọng trong thiết kế để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và thu hút người dùng. Việc nắm bắt được các nguyên lý thị giác giúp nhà thiết kế biết cách làm nổi bật những yếu tố mà họ muốn người dùng chú ý hoặc cảm nhận được qua thiết kế của mình. Vậy nguyên lý thị giác là gì? Hãy cùng Miko Tech tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Nguyên lý thị giác là gì?
Nguyên lý thị giác (Principles of Visual Design) là tập hợp các quy tắc được sử dụng để giúp các nhà thiết kế tạo ra những bản thiết kế hài hòa và thu hút.
Nguyên lý thị giác là những quy tắc dựa trên cơ chế hoạt động của hệ thống thị giác con người. Các nguyên lý thị giác cung cấp cho chúng ta hiểu biết về cách mà não của chúng ta nhận thức và xử lý thông tin hình ảnh. Chúng giúp chúng ta hiểu cách mà mắt của chúng ta tập trung vào các yếu tố quan trọng, nhận biết hình ảnh và tương tác với thế giới xung quanh.
Các nguyên lý thị giác được áp dụng trong nhiều lĩnh vực thiết kế, bao gồm thiết kế đồ họa, giao diện người dùng, quảng cáo và truyền thông đồ họa. Việc tuân theo những nguyên lý thị giác giúp những nhà thiết kế tạo ra các thiết kế hài hòa và hút mắt hơn. Các hệ thống thị giác nhân tạo cũng tuân theo những quy tắc này để nhận biết và xác định dữ liệu hình ảnh.
9+ nguyên lý thị giác trong thiết kế
Trong một thiết kế hoặc hình ảnh thường có nhiều yếu tố như màu sắc, đường thẳng, hình, chữ,… Sự kết hợp của các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến người xem. Một thiết kế tốt cần thu hút được sự chú ý của người dùng và thôi thúc họ tìm hiểu thêm về sản phẩm chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Những nguyên lý thị giác phổ biến nhất là gì?
1. Phân cấp (Hierarchy)
Nguyên tắc thị giác phân cấp trong thiết kế ám chỉ đến cách tổ chức hoặc sắp xếp các yếu tố dựa theo mức độ quan trọng của chúng. Việc thiết lập các yếu tố theo thứ bậc giúp người nhìn nắm được các thông tin quan trọng nhất trước khi xem các thông tin ít quan trọng hơn.
Nếu không có sự phân cấp, người xem có thể bối rối không biết nên xem thông tin nào trước và mục đích của thiết kế là gì.
Cách sử dụng một số yếu tố đồ họa để thể hiện nguyên tắc phân cấp là:
- Kích thước: Các yếu tố lớn và nổi bật thường thu hút sự chú ý của người xem đầu tiên. Bằng cách thay đổi kích thước và tỷ lệ của các yếu tố, người thiết kế có thể hướng sự chú ý của người xem đến các phần nội dung theo thứ tự quan trọng.
- Tương phản: Sự tương phản về màu sắc, độ sáng hoặc cấu trúc giúp phân biệt một yếu tố khỏi yếu tố khác. Các yếu tố có tương phản cao thường thu hút sự chú ý hơn.
- Màu sắc: Việc sử dụng màu sắc có thể giúp thể hiện nguyên tắc phân cấp. Ví dụ, những yếu tố có màu sáng trên nền tối hoặc màu tối trên nền sáng sẽ dễ được nhìn thấy hơn.
- Khoảng trắng: Việc sử dụng khoảng trắng có chủ đích giúp phân tách các yếu tố trong thiết kế và hướng sự chú ý của người xem vào yếu tố cần được nhấn mạnh.
2. Tương phản (Contrast)
Tương phản là sự khác biệt hình ảnh giữa hai yếu tố. Nguyên lý thị giác tương phản giúp phân biệt các yếu tố trong thiết kế của bạn. Ví dụ, một yếu tố màu trắng và một yếu tố màu đen tương phản với nhau vì màu sắc của chúng đối lập. Bạn có thể sử dụng nguyên tắc tương phản để nhấn mạnh các yếu tố quan trọng hơn so với các yếu tố khác, cải thiện mức độ dễ nhìn của thiết kế.
Ví dụ, nếu thiết kế của bạn chủ yếu gồm các yếu tố có tone màu vàng, một yếu tố màu tím có thể trở nên nổi bật hơn. Sự khác biệt trong kích thước, đường nét, màu sắc sẽ giúp bạn nhấn mạnh được những thông tin quan trọng. Thiếu sự tương phản có thể dẫn đến khó khăn trong việc đọc hiểu thông tin trong hình ảnh. Chẳng hạn, nếu bạn để nền trắng và chữ cũng là một màu nhạt thì sẽ khó nhìn hơn chữ màu đậm.
Khám phá thêm về: Bảng phối màu đẹp cho designer – Full các website phối màu online
3. Khoảng trắng (White Space)
Khoảng trắng (còn được gọi là negative space) trong thiết kế là khoảng cách giữa các yếu tố đồ họa. Chúng đóng vai trò phân tách hoặc làm nổi bật các yếu tố khác nhau. Các khoảng trắng có chức năng quan trọng trong thiết kế vì chúng làm cho thiết kế trở nên rõ ràng hơn, thứ tự phân cấp dễ nhận biết hơn. Nhờ đó, người xem dễ dàng phân biệt các phần khác nhau của thiết kế và nắm bắt thông tin nhanh chóng.
White space cũng được phân thành các loại khác nhau bao gồm:
- Micro white space (Khoảng trắng nhỏ): Micro white space là những khoảng trắng nhỏ giữa các yếu tố như chữ cái, đoạn văn hoặc các nút. Loại khoảng trắng này chủ yếu được sử dụng để làm cho nội dung chữ dễ đọc hơn.
- Macro white space (Khoảng trắng lớn): Khác với khoảng trắng nhỏ, khoảng trắng lớn được sử dụng để phân tách các yếu tố đồ họa khác nhau như giữa chữ với hình.
- Active white space (Khoảng trắng active): Active white space là những khoảng trắng được thêm vào bố cục thiết kế một cách có chủ đích để tạo sự nổi bật cho các phần nhất định của thiết kế.
- Passive white space (Khoảng trắng passive): Passive white space được thêm vào thiết kế một cách tự nhiên với mục đích cải thiện mức độ dễ đọc, dễ nhìn của thiết kế.
4. Lặp lại (Repetition)
Trong nguyên lý thị giác, repetition (lặp lại) là một nguyên tắc được sử dụng để tạo ra sự thống nhất và sự kết nối giữa các yếu tố trong thiết kế hình thức. Nguyên tắc này đề cập đến việc lặp lại một hoặc nhiều yếu tố thiết kế như màu sắc, hình dạng, kiểu chữ hoặc họa tiết để tạo ra một sự nhất quán trong thiết kế.
Bằng cách áp dụng các yếu tố giống nhau hoặc tương tự trong nhiều nơi khác nhau trong thiết kế, người xem sẽ dễ dàng nhận biết và hiểu rằng các yếu tố đó có một mục đích chung và liên quan đến nhau. Ví dụ, các thương hiệu sử dụng logo của mình trên toàn bộ các ấn phẩm hoặc sản phẩm để tạo độ nhận diện.
Con người có xu hướng nhớ những thứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn, bạn dễ dàng nhớ những bài hát liên tục được phát tại quán cà phê ưa thích, những phong cách thời trang bạn nhìn thấy khắp các bảng quảng cáo, những TVC phát đi phát lại với giai điệu hài hước,… Nói cách khác, các yếu tố lặp lại giúp mọi người nhận diện được thương hiệu nhanh chóng hơn.
5. Cân bằng (Balance)
Nguyên tắc thị giác cân bằng đề cập đến việc sắp xếp các yếu tố trong thiết kế sao cho cân đối và trực quan. Khi các yếu tố đồ họa được sắp xếp hợp lý, nó tạo cho người xem cảm giác hài hòa và dễ dàng tương tác hơn. Ví dụ, bạn có thể có cả chữ in lớn và chữ nhỏ, có cả hai màu sắc tương phản để tạo ra một thiết kế cân bằng về mặt hình ảnh, dễ đọc và truyền tải được thông điệp của mình.
Cân bằng có thể được chia thành hai loại chính:
- Symmetrical Balance (Cân bằng đối xứng): Đây là loại cân bằng mà các yếu tố được sắp xếp đối xứng qua trục giữa của thiết kế. Các yếu tố đối xứng hoặc tương tự nhau sẽ được đặt ở các vị trí tương tự trên cả hai bên của trục và mang lại sự thỏa mãn thị giác.
- Asymmetrical Balance (Cân bằng không đối xứng): Đây là loại cân bằng mà các yếu tố không được sắp xếp đối xứng qua trục giữa của thiết kế nhưng vẫn tạo ra một cảm giác cân đối. Các yếu tố đồ họa có thể có kích thước, màu sắc hoặc hình dạng khác nhau nhưng vẫn tạo ra sự cân đối và hài hòa tổng thể.
6. Nhất quán (Unity)
Trong nguyên lý thị giác, unity (sự nhất quán) là sự gắn kết giữa các yếu tố trong thiết kế. Nguyên lý này có thể được tuân theo bằng cách sử dụng các yếu tố tương tự nhau về màu sắc, hình dạng, kích thước, bố cục hoặc phong cách. Ví dụ, sử dụng cùng một phông chữ, màu sắc chủ đạo hoặc họa tiết cho toàn bộ thiết kế giúp tạo ra cảm giác nhất quán về tổng thể.
Sự nhất quán (unity) và sự lặp lại (repetition) là hai nguyên lý thị giác quan trọng trong thiết kế. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt rõ ràng giữa hai nguyên lý này. Sự nhất quán có thể được tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, nhưng sự lặp lại được tạo ra bằng cách sử dụng cùng một yếu tố đồ họa nhiều lần.
7. Nhấn mạnh (Emphasis)
Nguyên lý nhấn mạnh đề cập đến việc làm cho một yếu tố nào đó trở nên nổi bật hơn hẳn so với các yếu tố khác. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các yếu tố như kích thước, màu sắc, hình dạng, hoặc bố cục. Thông thường, yếu tố này là thông tin quan trọng nhất mà bạn muốn mọi người chú ý ngay khi họ nhìn thấy thiết kế.
Đến đây, bạn có thể cảm thấy sự tương tự giữa nguyên lý phân cấp và nguyên lý nhấn mạnh. Tuy nhiên để rõ ràng hơn, bạn cần hiểu rằng emphasis tập trung vào việc làm nổi bật một phần của thiết kế. Trong khi đó, nguyên lý phân cấp tập trung vào việc sắp xếp các thành phần trong thiết kế dựa theo mức độ ưu tiên để điều hướng người dùng đọc các thông tin theo thứ tự mong muốn.
Đọc thêm về: Ý nghĩa màu sắc trong thiết kế ít ai biết (Logo/Website/Banner)
8. Chuyển động (Movement)
Nguyên lý chuyển động (movement) là việc dẫn dắt mắt của người xem đi theo một phương hướng mà người thiết kế mong muốn. Nguyên tắc này đề cập đến việc sử dụng các yếu tố như đường cong, hình dạng, hình ảnh hoặc hiệu ứng đặc biệt để tạo ra sự chuyển động trong thiết kế.
Movement giúp tạo ra cảm giác sống động, linh hoạt và thường được áp dụng trong nhiều lĩnh vực từ thiết kế đồ họa đến truyền thông đa phương tiện. Ví dụ, bạn vẽ một chiếc xe hơi và thêm vào bản vẽ ba đường gạch ngang ở bên trái như sau, người xem có thể hiểu được thông tin rằng chiếc xe đang chạy về phía bên phải.
9. Tỷ lệ (Scale)
Trong thiết kế, tỷ lệ (scale) đề cập đến kích thước tương đối của một yếu tố đồ họa so với các yếu tố khác xung quanh. Nguyên tắc này liên quan đến việc sử dụng các yếu tố có kích thước khác nhau để tạo sự cân đối và tạo sự hiệu quả trực quan. Kích thước đóng vai trò quan trọng vì nó giúp chúng ta tạo ra sự cân bằng và tương phản trong thiết kế.
Scale giúp tạo ra sự đa dạng và sự phân biệt giữa các yếu tố trong thiết kế. Bằng cách sử dụng các yếu tố có kích thước khác nhau, ta có thể tạo ra sự tương phản, sự nhấn mạnh và sự cân đối trong thiết kế. Một mẹo khá hay là hãy sử dụng một hệ thống lưới (grid) có thể giúp bạn đo lường và so sánh tỉ lệ của các thành phần với nhau. Việc này đảm bảo mỗi thành phần có kích thước tương thích hoặc tương đương với một thành phần khác.
10. Gestalt
Nguyên lý thị giác Gestalt là một nguyên tắc cho rằng chúng ta có xu hướng nhìn vào bố cục tổng thể hơn là tập trung vào các chi tiết riêng lẻ. Các yếu tố như cạnh, góc, hình dạng, màu sắc và kích thước thường được quy về một hình thể thay vì được nhìn nhận riêng lẻ. Dưới đây là sáu nguyên tắc Gestalt chính:
- Tương đồng (Similarity): Các yếu tố giống nhau có thể được nhìn nhận như một nhóm, chẳng hạn như các đối tượng có cùng màu sắc, hình dạng hoặc kích thước.
- Tiếp nối (Continuation): Chúng ta có xu hướng nhìn thấy các đường thẳng hoặc đường cong liên tục, ngay cả khi chúng bị gián đoạn.
- Gần bên (Proximity): Bằng cách sắp xếp một số yếu tố lại gần nhau, người xem sẽ tự động nhìn nhận các yếu tố này như một nhóm.
- Đóng kín (Closure): Bộ não con người có thể tự động lấp đầy những phần bị thiếu của một hình ảnh hoặc một bản thiết kế để hoàn thiện hình ảnh tổng thể.
- Chính – phụ (Figure/Ground): Thị giác của chúng ta có khả năng phân biệt được đâu là những phần chính và đâu là phần phụ trong một thiết kế.
- Đối xứng và thứ tự (Symmetry and Order): Nguyên tắc này nêu rằng khi nhìn thấy những hình ảnh không rõ ràng, não bộ sẽ tự động quy các hình ảnh này về những hình dáng đơn giản nhất.
Tổng kết
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về nguyên lý thị giác và tầm quan trọng của nó trong thiết kế. Bằng cách nắm được những nguyên lý thị giác này, nhà thiết kế có thể sáng tạo ra những tác phẩm đẹp mắt và đáp ứng được mục tiêu thiết kế. Hy vọng Miko Tech đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết nếu hữu ích nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…