Sản xuất TVC quảng cáo là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều bước khác nhau. Nếu doanh nghiệp bạn đang ý định thực hiện một TVC thì bạn cần tìm hiểu về những giai đoạn cũng như gì cần làm. Trong bài viết sau, Miko Tech sẽ giải thích cho bạn TVC là gì và quy trình sản xuất TVC cụ thể là gì.
TVC quảng cáo là gì?
TVC, viết tắt của Television Commercial, là một loại hình quảng cáo trên truyền hình thường có độ dài từ 15 đến 60 giây.
TVC quảng cáo sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình, bao gồm truyền hình trả tiền, truyền hình miễn phí và truyền hình trực tuyến. Mục tiêu của TVC là giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua hình ảnh và âm thanh để thu hút người xem, tăng độ nhận diện thương hiệu hoặc thúc đẩy doanh số bán hàng.
Lợi ích của TVC trong quảng cáo là gì?
TVC là một công cụ quan trọng trong chiến lược tiếp thị và quảng cáo của doanh nghiệp. Một số lợi ích quan trọng của TVC quảng cáo:
Đáng tin cậy hơn
Quảng cáo trên truyền hình có một sức hút đặc biệt mà các nền tảng tiếp thị trực tuyến hiện nay vẫn chưa thể sánh được. Sự hiện diện của một thương hiệu trên TV có thể mang lại cảm giác đáng tin cậy. Vì sao lại như vậy? Tư duy của khách hàng chính là: Bất cứ ai cũng có thể lên mạng nhưng không phải ai cũng có thể lên TV. Chính vì vậy TVC có khả năng tác động cao hơn đến người dùng.
Tạo ấn tượng mạnh
TVC quảng cáo có thể tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí của khách hàng. Với sự kết hợp của hình ảnh, âm thanh, diễn xuất và thông điệp, TVC có khả năng thu hút sự chú ý và ghi nhớ tốt hơn so với các hình thức quảng cáo khác. Khi khán giả nhìn thấy TVC của bạn, họ sẽ bắt đầu liên kết sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn với thương hiệu của bạn.
Tạo kết nối về cảm xúc với người xem
TVC sử dụng hình ảnh và âm thanh sống động để thu hút sự chú ý của khán giả. Hình ảnh và âm thanh có thể tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như hạnh phúc, buồn bã hoặc giận dữ. Những cảm xúc này giúp khán giả liên kết với thương hiệu của bạn ở cấp độ cá nhân hơn. Nếu kịch bản được xây dựng tốt, người xem có thể cảm thấy đồng cảm và được thôi thúc mua sản phẩm.
Tiếp cận nhiều đối tượng
Một trong những ưu điểm lớn nhất của TVC là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng. TVC có thể được phát sóng trên các kênh truyền hình khác nhau, bao gồm các kênh phổ biến, kênh chuyên biệt, và kênh quốc tế.
Điều này giúp TVC tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, từ trẻ em đến người lớn, từ người có thu nhập thấp đến người có thu nhập cao, từ người ở các thành phố lớn cho đến các vùng nông thôn.
Cạnh tranh thấp
Chi phí để phát hành TVC quảng cáo khá cao, tuy nhiên đây lại là lý do khiến TVC có mức độ cạnh tranh thấp hơn những hình thức quảng cáo khác. Thay vì cạnh tranh để được xuất hiện trên bảng tin mạng xã hội của người dùng và dễ dàng bị bỏ qua hoặc chặn, các quảng cáo TV thường ít bị bỏ qua hơn.
Quy trình sản xuất TVC quảng cáo như thế nào?
Sản xuất TVC quảng cáo là một quá trình kéo dài nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng vì có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình này. Những yếu tố như ngân sách, độ dài quảng cáo và những đặc điểm của sản phẩm sẽ là cơ sở để đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Về cơ bản, quy trình sản xuất TVC quảng cáo sẽ có những công đoạn sau:
1. Thu thập thông tin
Đầu tiên, doanh nghiệp sẽ tìm đến các creative agency hoặc production house để sản xuất TVC. Trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo, production house là đơn vị thực hiện các dự án sản xuất video, bao gồm TVC quảng cáo, MV ca nhạc, phim ngắn,… Họ thường có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm bao gồm đạo diễn, quay phim, dựng phim, thiết kế mỹ thuật, âm thanh,…
Production house hoặc agency sẽ làm việc với khách hàng để hiểu rõ nhu cầu và mục tiêu của dự án, sau đó lên ý tưởng và thực hiện sản xuất theo yêu cầu. Doanh nghiệp sẽ gửi brief hoặc hai bên sẽ có cuộc họp để cùng soạn brief. Trong các chiến dịch quảng cáo hoặc truyền thông, brief là những bản tóm tắt chứa các thông tin ngắn gọn về yêu cầu của khách hàng.
Bản brief này sẽ bao gồm các thông tin như:
- Mục tiêu: Doanh nghiệp muốn TVC giúp họ đạt được điều gì? Tăng doanh số bán hàng hay nâng cao độ nhận diện với công chúng?
- Thông điệp: Thông điệp nào bạn muốn truyền tải thông qua TVC?
- Khán giả mục tiêu: Bạn muốn tiếp cận ai thông qua TVC?
- Hướng dẫn của nhãn hàng: TVC cần mang lại cảm giác như thế nào?
- Ngân sách: Ngân sách của doanh nghiệp là bao nhiêu?
- Lịch trình: Khi nào chiến dịch sẽ được khởi động?
2. Xây dựng ý tưởng kịch bản
Khi đã có bản brief, agency sẽ bắt đầu lên ý tưởng kịch bản để sản xuất TVC quảng cáo. Bản brief phải chứa càng nhiều chi tiết càng tốt vì đây là tài liệu mà nhóm sáng tạo sẽ sử dụng để lên ý tưởng và đưa ra các concept. Chẳng hạn, tùy thuộc vào nội dung brief và hình ảnh thương hiệu mà agency có thể cân nhắc sử dụng diễn viên thực hoặc đi theo phong cách hoạt hình.
Khi concept đã được thống nhất, agency sẽ viết kịch bản và bảng phân cảnh (storyboard). Kịch bản sẽ cung cấp bối cảnh để chúng ta biết mỗi phân cảnh xuất hiện ở đâu và khi nào. Trên kịch bản sẽ bao gồm các đoạn thoại cùng mô tả phân cảnh chi tiết. Các bảng phân cảnh sẽ thể hiện góc máy sẽ thay đổi ra sao, lấy nét như thế nào trong mỗi cảnh… Nếu khách hàng hài lòng với kịch bản, họ sẽ phê duyệt nó.
3. Pre-production (Tiền sản xuất)
Pre-production là giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu sản xuất TVC quảng cáo. Trong giai đoạn này, agency lập kế hoạch và chuẩn bị cho quá trình quay phim thực tế. Các hoạt động thường được thực hiện trong giai đoạn tiền sản xuất bao gồm:
- Casting: Tuyển chọn diễn viên và đội ngũ sản xuất tham gia vào dự án gồm đạo diễn, quay phim, biên kịch, kỹ thuật viên và các vị trí khác.
- Chuẩn bị kỹ thuật: Đảm bảo rằng tất cả các thiết bị kỹ thuật như máy quay, ánh sáng, âm thanh và phần mềm được kiểm tra kỹ trước khi bắt đầu quay phim.
- Chuẩn bị địa điểm và bối cảnh: Thu thập thông tin về địa điểm quay phim, xây dựng bối cảnh và sắp xếp các yếu tố cần thiết như đạo cụ, trang phục và trang trí.
- Chuẩn bị hợp đồng và giấy phép: Chuẩn bị hợp đồng với các thành viên đội ngũ sản xuất, diễn viên, địa điểm quay phim và các bên liên quan. Đồng thời, cần xin các giấy phép cần thiết để thực hiện quay phim hoặc thu âm tại các địa điểm cụ thể.
- Lập kế hoạch sản xuất chi tiết: Xác định các hoạt động cụ thể trong quá trình sản xuất, bao gồm lịch quay phim, lịch thu âm, lịch trình làm việc và các hoạt động khác liên quan.
4. Tiến hành sản xuất TVC quảng cáo
Sau khi mọi thứ đã được sắp xếp và chuẩn bị, agency sẽ tiến hành quay TVC quảng cáo. Có nhiều bộ phận tham gia vào quá trình quay, mỗi bộ phận chịu trách nhiệm về những yếu tố khác nhau, cụ thể là:
- Đạo diễn: Đạo diễn là người chịu trách nhiệm sáng tạo và thực hiện ý tưởng quảng cáo. Họ chỉ đạo diễn viên và đội ngũ sản xuất để thực hiện ý tưởng của TVC.
- Tổ sản xuất: Tổ sản xuất là một bộ phận quan trọng trong đoàn phim, chịu trách nhiệm lên kế hoạch, chuẩn bị và điều phối các hoạt động sản xuất phim, bao gồm việc thuê địa điểm, trang thiết bị, nhân sự và các vấn đề liên quan đến pháp lý.
- Tổ quay phim: Nhóm quay phim bao gồm các thành viên chịu trách nhiệm về các hoạt động quay hình và âm thanh. Điều này bao gồm người quay phim, trợ lý quay phim, người chỉnh sửa hình ảnh, và các thành viên khác liên quan đến việc ghi lại hình ảnh và âm thanh của TVC.
- Kỹ thuật và ánh sáng: Tổ kỹ thuật và ánh sáng chịu trách nhiệm thiết lập và điều chỉnh hệ thống ánh sáng để tạo ra để tạo ra hiệu ứng ánh sáng mong muốn cho cảnh quay.
- Diễn viên: Diễn viên đảm nhận vai trò trong TVC, biểu diễn và thể hiện các hành động, cử chỉ, và câu thoại theo kịch bản. Diễn viên được hướng dẫn và chỉ đạo bởi đạo diễn để đảm bảo rằng họ đang thể hiện đúng những yêu cầu và ý tưởng của TVC.
- Tổ mỹ thuật: Tổ mỹ thuật tham gia vào quá trình lựa chọn và thiết lập trang phục cho diễn viên trong TVC cũng như tạo ra hình ảnh và không gian đẹp mắt. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các yếu tố nghệ thuật và thẩm mỹ trong quảng cáo.
5. Xử lý hậu kỳ (Post production)
Giai đoạn hậu kỳ là giai đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất phim, chương trình truyền hình, video âm nhạc,… Đây là giai đoạn khi các nhà làm phim chỉnh sửa, biên tập và thêm các hiệu ứng đặc biệt cho các cảnh quay đã được quay. Âm thanh trong TVC cũng được chỉnh sửa và cải thiện trong giai đoạn hậu kỳ.
6. Phát hành TVC
Giai đoạn phát hành TVC (broadcasting/release) là giai đoạn cuối cùng trong quá trình sản xuất TVC. Đến giai đoạn này, TVC đã được hoàn thiện và chỉ cần đợi được phát sóng trên các kênh truyền thông. Nếu bạn định phát sóng TVC trên các kênh truyền hình hoặc nền tảng quảng cáo trực tuyến, bạn cần thực hiện các thủ tục đăng ký và thanh toán quảng cáo tương ứng.
Tìm hiểu thêm về: Advertising media là gì? Các hình thức, ví dụ, giải thích
Tổng kết
TVC là một phương thức quảng cáo hiệu quả nhưng đồng thời cũng yêu cầu doanh nghiệp cần có ngân sách khá cao. Hy vọng bài viết trên của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được TVC là gì cũng như quy trình sản xuất TVC quảng cáo thông thường. Nếu thấy nội dung bổ ích, đừng quên chia sẻ cho nhiều người và đón chờ nội dung thú vị hơn vào ngày mai nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…