Trademark là gì? Trên thương trường, việc tạo ra và bảo vệ danh tiếng thương hiệu là vô cùng quan trọng. Đăng ký nhãn hiệu là việc mà mọi doanh nghiệp được khuyên làm, nhưng bạn có hiểu được vì sao thực hiện thủ tục đăng ký lại quan trọng như vậy? Với bài viết sau của Miko Tech, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhãn hiệu là gì và tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu.
Trademark là gì?
Trademark (Nhãn hiệu) là một bộ biểu tượng đặc biệt như logo, tên thương hiệu, slogan hoặc bất kỳ yếu tố nào khác được sử dụng để phân biệt các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với các doanh nghiệp đối thủ khác.
Nhãn hiệu là một tài sản vô hình của doanh nghiệp và đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng lòng tin và danh tiếng từ phía khách hàng. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu trên các sản phẩm hoặc hàng hóa đặc trưng do mình cung cấp. Đôi khi, thuật ngữ “thương hiệu” được sử dụng để chỉ cả tên thương hiệu và nhãn hiệu.
Nhãn hiệu được gọi là “Trademark” chỉ khi nó đã được đăng ký để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định pháp luật của tất cả các quốc gia, một nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ không thể được sử dụng bởi một tổ chức khác trong quốc gia mà nó đã đăng ký. Một nhãn hiệu đã được đăng ký sẽ tồn tại mãi mãi và đồng hành với thương hiệu, không giới hạn thời gian như chứng nhận đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thông thường.
Vì sao doanh nghiệp nên đăng ký trademark?
Trademark xác định các sản phẩm thuộc về một công ty cụ thể và công nhận quyền sở hữu nhãn hiệu của công ty đó. Theo pháp luật Việt Nam, đăng ký nhãn hiệu là thủ tục không bắt buộc. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ chống lại các hành vi xâm phạm đến danh tiếng và lợi ích doanh nghiệp thì đây là thủ tục cần thiết. Một số lý do mà các doanh nghiệp nên đăng ký nhãn hiệu là:
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Việc đăng ký nhãn hiệu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp đối với tên thương hiệu, biểu tượng, logo hoặc slogan đặc trưng. Qua đó, doanh nghiệp độc quyền sử dụng nhãn hiệu và ngăn chặn người khác sao chép, sử dụng trái phép hoặc cố ý gây nhầm lẫn với thương hiệu của mình. Tìm hiểu thêm về: Bộ nhận diện thương hiệu gồm những gì? Những yếu tố quan trọng cơ bản
- Xây dựng và duy trì uy tín thương hiệu: Một nhãn hiệu đã được đăng ký mang lại sự tin tưởng và uy tín đối với khách hàng và đối tác kinh doanh. Việc đăng ký cho thấy sự chuyên nghiệp và cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp.
- Ngăn chặn hành vi vi phạm: Đăng ký trademark cung cấp cho doanh nghiệp cơ sở pháp lý để đấu tranh và giải quyết các vi phạm hoặc tranh chấp liên quan đến thương hiệu. Nếu có ai đó vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước buộc bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
- Tăng giá trị doanh nghiệp: Nhãn hiệu đã đăng ký có thể trở thành một tài sản có giá trị cho doanh nghiệp. Nhãn hiệu này có thể được giao dịch, chuyển nhượng hoặc sử dụng như tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính. Điều này giúp tăng giá trị doanh nghiệp và mở ra cơ hội kinh doanh mới.
- Mở rộng quyền sở hữu: Đăng ký trademark cho phép doanh nghiệp mở rộng quyền sở hữu trí tuệ sang các thị trường quốc tế thông qua các hiệp định và chương trình quốc tế. Điều này giúp bảo vệ thương hiệu và tạo điều kiện cho việc mở rộng quốc tế và nhập khẩu/xuất khẩu sản phẩm.
Cách phân biệt Brand và Trademark dễ dàng
Sau khi hiểu được trademark là gì vậy thì Brand và Trademark có giống nhau không? Nếu không phải là người trong ngành, chúng ta thường dễ bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Thương hiệu” (Brand) và “Nhãn hiệu” (Trademark). Tuy nhiên, thực tế cho thấy Brand và Trademark là hoàn toàn khác nhau.
Có thể nói rằng tất cả các nhãn hiệu là thương hiệu, nhưng không phải thương hiệu nào cũng là nhãn hiệu.
Thương hiệu (Brand)
- Được xây dựng và công nhận bởi khách hàng.
- Có tính vô hình: liên quan đến tình cảm và lòng trung thành của khách hàng.
- Một doanh nghiệp thường được đặc trưng bởi một thương hiệu, nhưng có thể có nhiều nhãn hiệu cho các sản phẩm khác nhau.
- Thương hiệu là sự kỳ vọng của khách hàng đối với bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào.
Nhãn hiệu (Trademark)
- Được bảo hộ bởi pháp luật.
- Có tính hữu hình: thường liên quan đến giấy chứng nhận, đăng ký và các tài liệu tương tự.
- Nhãn hiệu là các dấu hiệu được sử dụng để phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh khác nhau.
- Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc kết hợp các yếu tố đó, thường được biểu thị bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Tóm lại, thương hiệu và nhãn hiệu có những đặc điểm riêng biệt và phục vụ các mục đích khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Các ký hiệu liên quan đến trademark là gì?
Bạn đã bao giờ thắc mắc những biểu tượng chữ cái bên cạnh logo các thương hiệu có nghĩa là gì? Việc sử dụng các biểu tượng này sẽ cho người xem biết được một số thông tin quan trọng liên quan đến thương hiệu. Các biểu tượng này bao gồm:
Biểu tượng trademark đã đăng ký
Ký hiệu chữ R trong vòng tròn (®) cho biết sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia đó. Đây là mức độ bảo vệ cao nhất mà một nhãn hiệu đã đăng ký nhận được. Biểu tượng này cho biết rằng đây là nhãn hiệu đã được đăng ký với cơ quan nhà nước và sẽ ngăn chặn đối thủ nảy sinh ý định vi phạm quyền sở hữu. Người tiêu dùng cũng có thể nhận biết được đây là các thương hiệu có độ tin cậy cao.
Biểu tượng Trademark
Ký hiệu “TM”, thường được hiển thị dưới dạng chữ hoa (™), cho biết chủ sở hữu đang chứng minh quyền sở hữu khi chưa đăng ký nhãn hiệu chính thức. Mặc dù nó không mang lại mức độ bảo vệ pháp lý giống như ký hiệu ®, nhưng nó vẫn đóng vai trò báo hiệu quyền sở hữu trí tuệ để đề phòng việc bị sao chép hoặc sử dụng trái phép.
Biểu tượng sản phẩm dịch vụ
Ký hiệu ℠ được sử dụng khi tuyên bố quyền đối với một dịch vụ mà chưa đăng ký nhãn hiệu. Ký hiệu này có tính chất tương tự như ký hiệu TM, tuy nhiên “SM” được sử dụng để người xem biết rằng công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ mà không phải sản phẩm vật lý. Đây cũng là một biểu tượng được sử dụng trong khi chờ đợi đơn đăng ký nhãn hiệu được chấp thuận.
Quy trình các bước đăng ký trademark là gì?
Đăng ký nhãn hiệu là một bước quan trọng để đảm bảo quyền của chủ sở hữu đối với sản phẩm của mình và đảm bảo sự độc quyền của thương hiệu. Trong phần này, Miko Tech sẽ giới thiệu tổng quan quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong trường hợp bạn có ý định đăng ký nhãn hiệu.
Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký bao gồm:
- 2 tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận mẫu số 04-NH theo Thông tư 01/2007/TTBKHCN
- 5 mẫu nhãn hiệu kích thước 80mm x 80mm
- 1 bản sao Giấy phép kinh doanh có công chứng
- Bản đồ khu vực địa lý
- 1 Giấy ủy quyền
- Chứng từ nộp lệ phí
- Các tài liệu khác nếu có
Người nộp đơn có thể lựa chọn nộp đơn trực tiếp tại Cục Sở hữu Trí Tuệ hoặc nộp đơn trực tuyến. Nếu là nộp đơn trực tiếp, người nộp đơn gửi hồ sơ đăng ký đến các địa chỉ sau theo cách trực tiếp hoặc qua đường bưu điện:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký
Sau khi nộp đơn, đơn đăng ký sẽ được thẩm định hình thức trong vòng 1 tháng. Các yêu cầu về hình thức đối với đơn đăng ký bao gồm:
- Mỗi yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ chỉ áp dụng cho một văn bằng cụ thể và văn bằng đó phải liên quan đến nhãn hiệu được nêu trong yêu cầu.
- Tất cả các tài liệu cần được viết bằng tiếng Việt. Nếu có tài liệu bằng ngôn ngữ khác, theo quy định tại các điểm 7.3 và 7.4 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, phải được dịch sang tiếng Việt.
- Các tài liệu phải được trình bày theo chiều dọc trên giấy khổ A4 (210mm x 297mm), với lề 20mm ở bốn phía, sử dụng phông chữ Times New Roman, cỡ chữ không nhỏ hơn 13.
- Nếu có mẫu cho tài liệu, phải sử dụng chính xác mẫu đó và điền đầy đủ thông tin vào các phần yêu cầu.
- Nếu tài liệu có nhiều trang, mỗi trang phải được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả-rập.
- Tài liệu phải được in hoặc đánh máy bằng mực không phai, rõ ràng, sạch sẽ, không được sửa chữa hoặc tẩy xóa. Nếu có lỗi chính tả không quan trọng, người nộp đơn có thể sửa chữa nhưng phải có chữ ký xác nhận ở chỗ đã chỉnh sửa.
- Thuật ngữ sử dụng trong đơn phải đồng nhất và là ngôn ngữ thông thường. Các ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ, và quy tắc chính tả phải tuân theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
- Đơn có thể kèm theo tài liệu điện tử chứa toàn bộ hoặc một phần thông tin của đơn.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo chấp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo rõ lý do vì sao không chấp thuận và yêu cầu người nộp đơn thực hiện sửa chữa hoặc giải trình. Nếu sửa chữa không đạt, Cục Sở hữu trí tuệ có quyền từ chối chấp nhận hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định nội dung
Khi thông qua bước thẩm định hình thức, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sẽ được thẩm định nội dung. Thời gian thẩm định nội dung không quá 9 tháng kể từ ngày có quyết định chấp nhận hồ sơ. Bước này sẽ tiến hành đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng được nêu trong hồ sơ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 4: Thông báo cấp văn bằng bảo hộ
Sau khi thẩm định nội dung hoàn tất, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Nếu hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và doanh nghiệp hoàn tất nộp lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp tại trang web của Cục Sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhận trong vòng 2-3 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng. Lưu ý rằng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ có hiệu lực trong vòng 10 năm. Do đó các doanh nghiệp cần gia hạn khi hết hạn trong tương lai.
Tổng kết
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu trademark là gì và lý do tại sao các doanh nghiệp cần đăng ký trademark. Đăng ký nhãn hiệu không chỉ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và uy tín thương hiệu, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh doanh quan trọng cho doanh nghiệp. Mong rằng Miko Tech đã giúp bạn giải đáp những thắc mắc và đừng quên quay lại vào ngày mai để đọc thêm nhiều nội dung thú vị nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…