fbpx
Logo

Coder Là Gì? Công Việc Và Kỹ Năng Cần Có Của Coder

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Coder là gì? Đây là một câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ quan tâm khi mong muốn theo đuổi công việc trong ngành công nghệ thông tin. Trong thế giới mà công nghệ góp phần quan trọng vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta, lĩnh vực công nghệ thông tin luôn có nhu cầu nhân lực cao. Vậy coder làm những công việc gì và họ cần có những kỹ năng gì?

Coder là gì?

CoderLập trình viên là người có khả năng viết code. Họ sử dụng các ngôn ngữ lập trình để tạo ra các chương trình máy tính, ứng dụng, trang web và nhiều thứ khác.

Tuy nhiên, có những người có thể làm những việc khác như lập kế hoạch, thiết kế chương trình và cũng có những thuật ngữ khác được dùng để gọi những người này.

coder là gì
Coder là những người có khả năng viết code

Để dễ hình dung, chúng ta có thể so sánh với việc nấu ăn. Bạn đã bao giờ nấu ăn theo sách hay công thức trên mạng chưa? Bạn không có nhiều kinh nghiệm nấu nướng nên phải dựa theo công thức có sẵn. Nếu không có công thức, bạn khó mà làm được món ăn mình muốn làm. Theo cách này, bạn cũng giống như coder – những người viết code theo yêu cầu hoặc hướng dẫn.

Phân biệt coder, programmer và developer

Coder, programmer và developer là các thuật ngữ dùng để chỉ những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, các vị trí này có sự khác biệt về phạm vi công việc, cụ thể là:

  • Coder (Người viết code) là những người chỉ tập trung vào việc viết mã hoặc lập trình theo các hướng dẫn cụ thể. Họ chỉ tập trung vào việc viết code mà không cần hiểu rõ về cách toàn bộ hệ thống hoạt động hoặc các khía cạnh phức tạp khác của phát triển phần mềm.
  • Programmer (Lập trình viên) là những người có kiến thức rộng hơn và có kỹ năng lập trình để tạo ra phần mềm hoặc ứng dụng. Họ có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp và đưa ra các giải pháp lập trình.
  • Developer (Nhà phát triển) có phạm vi công việc rộng hơn coder và programmer. Họ có khả năng thiết kế, phát triển và triển khai các ứng dụng phần mềm hoặc hệ thống. Developer có khả năng làm việc độc lập và tham gia vào các dự án phát triển có độ phức tạp cao.

Khám phá thêm về: Lập trình là gì? Cách trở thành một lập trình viên giỏi

chạy code là gì
Coder không có khả năng làm việc độc lập

Công việc của một coder

Bạn đã bao giờ tự hỏi coder là nghề gì chưa? Các coder đóng vai trò quan trọng trong vòng đời phát triển phần mềm (Software Development Life Cycle – SDLC). SDLC là một phương pháp được các chuyên gia công nghệ thông tin sử dụng để xây dựng các ứng dụng phần mềm mới. Theo đó, quy trình phát triển một sự án bao gồm 7 giai đoạn:

  1. Lập kế hoạch: Xác định mục tiêu, phạm vi và ngân sách của dự án.
  2. Phân tích: Nghiên cứu vấn đề cần giải quyết và xác định các yêu cầu của phần mềm.
  3. Thiết kế: Hình thành giải pháp, chọn ngôn ngữ lập trình, giao diện người dùng và nền tảng hoạt động.
  4. Thực thi: Lập trình viên viết code cho phần mềm dựa trên tài liệu thiết kế chi tiết.
  5. Kiểm thử: Kiểm tra xem phần mềm có hoạt động chính xác và hiệu quả không.
  6. Triển khai: Phát hành phần mềm cho người dùng.
  7. Bảo trì: Sửa lỗi, cập nhật và cải thiện phần mềm sau khi triển khai.

Mức độ tham gia của coder trong SDLC khá hạn chế. Họ chủ yếu tham gia vào giai đoạn thực thi và bảo trì ứng dụng phần mềm.

Giai đoạn 1: Lên kế hoạch, phân tích và thiết kế

Trước hết, dự án cần có một bản kế hoạch chi tiết về kết quả cuối cùng và những gì bạn cần làm. Bản kế hoạch này sẽ được thông qua bởi ban lãnh đạo và những chuyên gia công nghệ cấp cao. Họ sẽ tiến hành tính toán và phân bổ ngân sách chi tiêu, xác định thời hạn của dự án và xác định những công việc cần được hoàn thành.

Tiếp theo là giai đoạn phân tích, giai đoạn mà đôi bên cần trao đổi với nhau để hiểu rõ những yêu cầu và kết quả cuối cùng mà khách hàng muốn. Trong giai đoạn thiết kế, các nhà phát triển sẽ lựa chọn và tìm giải pháp cho nhu cầu của khách hàng.

học code là gì
Bất cứ dự án nào cũng cần lên kế hoạch

Giai đoạn 2: Thực thi

Giai đoạn thực thi (hoặc phát triển) là giai đoạn các lập trình viên đóng vai trò quan trọng nhất. Các coder sẽ tuân theo các tài liệu thiết kế chi tiết và viết chương trình bằng mã. Với các dự án nhỏ, coder sẽ làm việc với một hoặc hai nhà phát triển. Nhưng với các dự án lớn hơn có thể có nhiều nhóm khác nhau. Lúc này, bạn sẽ cần đồng bộ hóa nhiệm vụ với các coder khác và sửa các lỗi phát sinh.

Giai đoạn 3: Kiểm thử và triển khai

Xây dựng phần mềm là một quá trình phức tạp đòi hỏi công sức của nhiều cá nhân. Sai sót là gần như không thể tránh khỏi, vì vậy phần mềm phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi được bàn giao cho khách hàng. Ứng dụng cần phải hoạt động như mong đợi và có khả năng thực hiện được các chức năng mà khách hàng mong muốn.

Tùy thuộc vào loại ứng dụng phần mềm cụ thể, tính bảo mật cũng rất quan trọng. Chương trình nên mã hóa thông tin nhạy cảm của người dùng khi cần thiết và bảo vệ mật khẩu người dùng khỏi những kẻ tấn công. Sau khi kiểm thử thành công, phần mềm sẽ được ra mắt và đi vào hoạt động.

Tìm hiểu thêm về: Source Code là gì? Các kiến thức cần biết về Source Code

Bảo trì

Khi phần mềm được phát hành và sử dụng bởi khách hàng, công việc của bạn với tư cách là một coder vẫn chưa kết thúc. Bạn có thể cần phải phản hồi lại những feedback của người dùng và sửa bất kỳ lỗi nào phát sinh mà không xuất hiện trong quá trình kiểm thử. Coder cũng phải làm việc với các bản cập nhật và viết tính năng mới theo yêu cầu của khách hàng.

Kỹ năng cần có ở một coder

Lập trình là một công việc đòi hỏi kiến thức kỹ thuật và khả năng phân tích kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề mạnh mẽ. Ngoài ra, bạn cũng cần có các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để trao đổi với các thành viên trong nhóm. Những kỹ năng cụ thể cần có ở một coder là gì?

coder
Kỹ năng cần có ở một coder

Tư duy phân tích

Tư duy phân tích là một kỹ năng quan trọng đối với bất kỳ coder nào. Họ cần hiểu được yêu cầu của dự án và hiểu được những nhiệm vụ cần làm. Khi xây dựng phần mềm hoặc giải quyết vấn đề thông qua mã nguồn, tư duy phân tích giúp các coder hiểu rõ yêu cầu, quy định vấn đề, và xác định cách tiếp cận tốt nhất để giải quyết nó.

Logic

Khi bạn có logic tốt, bạn có thể viết mã nguồn hiệu quả hơn. Khi có một lỗi trong mã, kỹ năng logic giúp bạn nhanh chóng xác định và sửa lỗi. Bạn có khả năng phân tích mã để tìm ra những lỗi logic có thể xảy ra và sửa chúng. Logic tốt cũng giúp bạn tối ưu hóa mã nguồn, làm cho chương trình của bạn hoạt động hiệu quả hơn và tiết kiệm tài nguyên hệ thống.

Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả rất quan trọng đối với coder vì họ cần giao tiếp với các nhà phát triển, khách hàng, quản lý và các bên liên quan khác. Khi một coder nhận được một dự án mới, họ cần thảo luận về các yêu cầu của dự án với khách hàng hoặc nhà phát triển phần mềm. Đôi khi, coder cần đặt câu hỏi để làm rõ yêu cầu và giải thích cho khách hàng không có kiến ​​thức kỹ thuật.

viết code
Kỹ năng giao tiếp hiệu quả là cần thiết với coder

Tính cẩn thận, tỉ mỉ

Lập trình là một công việc đòi hỏi độ chính xác cao, vì một lỗi nhỏ có thể dẫn đến lỗi lớn trong chương trình. Coder cần chú ý đến từng chi tiết, từ cú pháp của code đến logic của chương trình. Khi viết mã, coder cần phải đảm bảo rằng mã của họ được viết một cách chính xác, logic và tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc lập trình. 

Khả năng tự học

Ngành công nghệ thông tin luôn thay đổi và phát triển, vì vậy coder cần có thể học hỏi những công nghệ và kỹ năng mới. Khả năng tự học cũng rất quan trọng để giúp các coder “nâng trình” và tìm kiếm những cơ hội làm việc tốt hơn vì phạm vi công việc của coder khá hạn chế.

Để trở thành một developer thực thụ, coder cần nắm vững kiến thức lập trình bao gồm các ngôn ngữ lập trình phổ biến, cấu trúc dữ liệu, giải thuật, lập trình hướng đối tượng, lập trình web, lập trình di động,… Họ cần thành thạo các ngôn ngữ lập trình và nắm vững khái niệm nâng cao của của ít nhất một ngôn ngữ lập trình phổ biến như Python, Java, JavaScript, C/C++

Làm coder thì học ngành gì?

Bạn đang đam mê lập trình và muốn trở thành một coder? Bạn đang phân vân không biết nên học ngành gì để có thể theo đuổi đam mê của mình? Những ngành học giúp bạn có kiến thức để trở thành một coder, và tiến xa hơn là developer, là gì?

viết code học ngành gì
Làm coder thì học ngành gì?

Ngành Khoa học máy tính

Ngành khoa học máy tính là một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng, với nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau. Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính có thể làm việc trong ngành phần mềm, ngành công nghiệp máy tính, ngành công nghiệp công nghệ thông tin hoặc trong các lĩnh vực khác như tài chính, y tế và sản xuất.

Sinh viên khoa học máy tính sẽ học cách thiết kế và phân tích thuật toán, cách viết mã máy tính, cách thiết kế và quản lý cơ sở dữ liệu, cách xây dựng mạng máy tính và cách tạo ra trí tuệ nhân tạo. Họ cũng học về lịch sử của khoa học máy tính, tác động của khoa học máy tính đối với xã hội và những vấn đề đạo đức liên quan đến khoa học máy tính.

Ngành Công nghệ phần mềm

Ngành Công nghệ phần mềm là một lĩnh vực tập trung vào việc phát triển, thiết kế, triển khai và duy trì các phần mềm. Nó liên quan đến cả quy trình sáng tạo và quản lý dự án phần mềm, đảm bảo rằng các sản phẩm phần mềm được phát triển đáng tin cậy, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Ngành Công nghệ phần mềm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành kỹ sư phần mềm, nhà phát triển phần mềm, nhà phân tích hệ thống và các chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm.

Ngành Kỹ thuật máy tính

Ngành Kỹ thuật máy tính là một ngành học kết hợp kỹ thuật điện và khoa học máy tính. Ngành này liên quan đến việc thiết kế, phát triển và bảo trì các hệ thống máy tính. Các kỹ sư máy tính làm việc với phần cứng và phần mềm để tạo ra các máy tính và hệ thống máy tính mới và cải tiến.

lập trình viên là ngành gì
Ngành Kỹ thuật máy tính có nhu cầu nhân lực lớn

Ngành Kỹ thuật máy tính là một lựa chọn tuyệt vời cho những sinh viên quan tâm đến việc xây dựng máy tính và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính có thể tìm được việc làm trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm công nghệ thông tin, điện tử, ô tô và hàng không vũ trụ.

Ngành Hệ thống thông tin

Ngành Hệ thống thông tin là một ngành học tập trung vào việc thiết kế, quản trị và vận hành hệ thống thông tin để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức. Hệ thống thông tin này có thể bao gồm các phần mềm, cấu hình phần cứng, cơ sở dữ liệu, mạng và các thiết bị khác.

Sinh viên ngành Hệ thống thông tin sẽ được trang bị kiến thức về tin học cơ sở, lập trình, cấu trúc dữ liệu, hệ điều hành, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu. Sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin có thể làm việc trong các doanh nghiệp, công ty phần mềm, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi lợi nhuận.

Tổng kết

Bài viết trên đã giải thích cho bạn hiểu coder là gì và những việc họ phải làm. Để trở thành coder, bạn cần có những kiến thức lập trình và không ngừng học hỏi thêm để nâng cấp bản thân. Hy vọng bài viết của Miko Tech đã giúp bạn hiểu được nghề nghiệp này và đừng quên quay lại vào ngày mai để đọc thêm nhiều bài viết hay ho nhé!

28.12.2023 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!