Serif và Sans serif là gì? Kiểu chữ đóng vai trò quan trọng trong thiết kế đồ họa và truyền thông. Trong số các kiểu chữ phổ biến, Serif và Sans serif là hai loại chữ được sử dụng rộng rãi. Với bài viết sau đây, Miko Tech sẽ giải thích chi tiết hơn về đặc điểm của hai kiểu chữ này và những ứng dụng của chúng trong thiết kế và truyền thông.
Serif là gì?
Serif là một kiểu chữ mà các ký tự có các nét nhỏ gọi là serif (chân) ở đầu hoặc cuối các ký tự.
Font chữ Serif là một lựa chọn phù hợp cho các thiết kế cần thể hiện sự trang trọng, uy tín và chuyên nghiệp. Serif thường được sử dụng trong các ấn phẩm như sách, báo và tạp chí. Điều này là do kiểu chữ này giúp mắt dễ dàng di chuyển giữa các ký tự và theo dõi văn bản một cách liền mạch hơn. Các ví dụ phổ biến của phông chữ serif bao gồm Times New Roman, Garamond và Baskerville.
Sans serif là gì?
Sans serif là kiểu chữ đã được loại bỏ phần “chân” ở cuối nét chữ, mang lại diện mạo tối giản và gọn gàng hơn. Trong tiếng Pháp, từ “sans” có nghĩa là “không có.”
Một số họ chữ Sans-serif phổ biến nhất là Arial, Helvetica, Open Sans, Calibri và Verdana – đây là những font thuộc top 22 font chữ tiếng Việt đẹp nhất 2024. Các kiểu chữ này thường được sử dụng trên website vì chúng dễ đọc trên màn hình máy tính, điện thoại và các thiết bị kỹ thuật số khác. Sans-serif cũng được dùng trong in ấn văn bản, tuy nhiên bạn nên chọn những typeface có độ dày nét phù hợp để dễ đọc ở kích thước nhỏ như Lato hoặc Roboto.
Khi nào nên sử dụng Serif hay Sans serif?
Khi đã hiểu được Serif hay Sans serif là gì rồi thì bạn có biết cách sử dụng của 2 kiểu chữ này?
- Kiểu chữ Serif đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 và được sử dụng bởi người La Mã để khắc chữ lên đá. Với bề dày lịch sử như vậy, các kiểu chữ Serif có phần hoài cổ và tạo cảm giác thanh lịch, trang trọng. Trong thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu, nhiều doanh nghiệp cũng lựa chọn các kiểu chữ Serif để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình với khách hàng.
- Nếu bạn muốn truyền tải cảm giác thân thiện, năng động và hiện đại thì kiểu chữ Sans-serif sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Các công ty công nghệ và công ty start-up thường lựa chọn các kiểu chữ Sans serif để tạo cảm giác trẻ trung và thoải mái với giới trẻ. Và như đã đề cập ở trên, đây cũng là kiểu chữ được ưa chuộng nhất khi thiết kế website vì chúng dễ đọc trên màn hình kỹ thuật số hơn các kiểu chữ Serif.
Xem thêm: Trọn bộ 50+ Font chữ cho Photoshop Việt Hóa Đẹp Nhất 2024
Phân loại 4 font chữ serif
Các kiểu chữ Serif gợi lên sự cổ điển và thanh lịch, có nhiều typeface được xếp vào loại Serif với các hình dạng, độ dày và độ dài khác nhau. Chúng ta có thể phân nhóm các typeface trong nhóm Serif như sau:
Old style (Cổ điển)
Chữ Serif Cổ điển là một trong những kiểu chữ serif đầu tiên được phát triển, xuất hiện từ thế kỷ 15 và 16. Kiểu chữ này được lấy cảm hứng từ nét chữ viết tay của người Ý thời kỳ Phục Hưng. Nét thanh và nét đậm trong nhóm Serif Cổ điển có sự khác biệt về độ dày không quá rõ rệt, điều này tạo cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế và dễ đọc cho văn bản. Đồng thời, các nét chính của các ký tự thường hơi nghiêng về phía bên trái.
Didone
Didone Serif xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và được đặt theo tên của thợ đánh máy người Pháp Firmin Didot và nhà thiết kế font chữ người Ý Giambattista Bodoni. Các kiểu chữ trong họ Didone có đặc điểm nổi bật là nét thanh và nét đậm có sự tương phản cao. Kiểu chữ này thường gợi lên cảm giác sang trọng, tinh tế và được sử dụng bởi một số thương hiệu xa xỉ như Cartier và Dior.
Transitional
Các kiểu chữ serif Cổ điển (Old Style) có nét thanh và nét đậm gần như tương tự nhau, trong khi đó kiểu chữ Serif Transitional có sự khác biệt rõ rệt hơn giữa nét thanh và nét đậm. Phần chân chữ cũng rộng hơn và có hình dạng giống như móc vuông nối với phân thân chính của ký tự. Times New Roman là một kiểu chữ Serif Transitional phổ biến được sử dụng nhiều trong in ấn sách, tạp chí.
Slab serif
Slab Serif xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, thường được sử dụng trong các áp phích quảng cáo, bao bì sản phẩm và tiêu đề. Điểm khác biệt chính của Slab Serif so với các font serif khác là phần chân chữ (serif) dày và vuông vức, trông giống như những khối nhỏ được gắn vào cuối các nét chữ. Các nét chính của ký tự thường khá dày, tạo cảm giác mạnh mẽ và ổn định, một số ví dụ của Slab Serif là Rockwell, Arvo và Aleo.
Phân loại 4 font chữ sans serif
Các kiểu chữ Sans serif được coi là hiện đại và tối giản hơn, dễ đọc hơn nhờ loại bỏ các nét đuôi của ký tự. Tương tự như Serif, các kiểu chữ thuộc nhóm Sans-serif cũng được phân loại thành các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có những đặc điểm riêng biệt và có thể được sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Grotesque
Font Grotesque là một loại font chữ đặc trưng bởi các đường nét khá vuông vức. Grotesque Sans-serif thường có độ dày đồng nhất trong các nét chữ, không có sự tương phản rõ rệt giữa nét thanh và nét đậm. Kiểu chữ Grotesque xuất hiện từ thế kỷ 18 và vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay trong quảng cáo tạp chí, sách và nhiều loại ấn phẩm khác.
Humanist
Font Humanist xuất hiện từ thế kỷ 16, mang phong cách cổ điển và tinh tế. Nét thanh và nét đậm trong font Humanist có sự khác biệt về độ dày không quá rõ rệt, tạo cảm giác nhẹ nhàng và dễ đọc cho các văn bản kích thước nhỏ. Các ký tự trong font Humanist cũng có khoảng cách rộng rãi, giúp người đọc dễ dàng phân biệt từng chữ cái, cải thiện khả năng đọc hiểu.
Neo-grotesque
Mặc dù kế thừa sự đơn giản của font Grotesque, Neo-grotesque được cải tiến về mặt thẩm mỹ, các đường nét thanh mảnh hơn và tinh tế hơn. Arial là một font Neo-grotesque điển hình. So với font Serif, Arial có ít nét hơn, các đường cong đầy đặn và mềm mại hơn, đặc biệt là nét kết thúc các ký tự được cắt theo đường chéo. Helvetica cũng là một sans serif font phổ biến, tuy nhiên nó có cấu trúc chữ dày hơn.
Geometric
Geometric Sans-serif là các font chữ mà hình dạng của ký tự có sự tương đồng với các khối hình học như hình vuông, tam giác và hình tròn (tương ứng với các ký tự E, A, O). Kiểu chữ này khá phổ biến trong những năm 1920 và 1930 nhờ thiết kế hiện đại và gọn gàng. Futura, Gotham và Century Gothic là một số ví dụ của kiểu chữ thuộc nhóm Geometric Sans-serif.
Cách lựa chọn font chữ Serif và Sans-serif
Sử dụng kiểu chữ Serif hay Sans-serif có thể phụ thuộc vào phương tiện sử dụng hoặc thông điệp của bạn. Tuy nhiên, có một số hướng dẫn sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn:
- Xem xét phương tiện sử dụng: Hãy suy nghĩa về việc văn bản của bạn được hiển thị với người xem thông qua hình thức nào. Văn bản sẽ được in ấn ra giấy hay được hiển thị trên thiết bị kỹ thuật số? Kích thước hiển thị có lớn không? Nội dung dành cho người lớn hay trẻ em? Nếu là nội dung cho trẻ em thì fotn Sans-serif sẽ dễ đọc hơn.
- Xem qua một số ví dụ: Bạn có thể tìm kiếm các thiết kế tương tự và xem họ sử dụng kiểu chữ nào. Đánh giá mức độ dễ đọc và hiệu ứng thẩm mỹ của các font chữ đó cũng như cách phối hợp màu sắc giữa màu chữ và màu nền sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn hợp lý.
- Chọn một số font chữ: Hãy chọn ra một số font chữ phù hợp với phong cách thiết kế bạn muốn. Bạn có thể so sánh các font chữ này ở các kích thước khác nhau, từ đó liệt kê điểm mạnh và điểm yếu của chúng.
- Phân cấp văn bản (Typography Hierarchy): Sự phân cấp văn bản là việc sắp xếp và tổ chức các yếu tố như font chữ, kích thước, màu sắc,… để tạo thứ tự ưu tiên cho nội dung. Ví dụ, sự kết hợp giữa tiêu đề chính bằng kiểu chữ Serif và tiêu đề phụ bằng kiểu chữ Sans-serif có thể thu hút sự chú ý của người nhìn. Chi tiết hơn tại: Typography Là Gì Trong Thiết Kế? Tất Tần Tật Về Typography
Tổng kết
Sans-serif và Serif là hai kiểu chữ phổ biến trong thiết kế và trình bày văn bản. Kiểu chữ Serif mang đến một diện mạo cổ điển, tinh tế và thanh lịch. Trong khi đó, Sans-serif có một diện mạo hiện đại, sáng tạo và tối giản hơn. Hy vọng bài viết của Miko Tech đã giúp bạn biết được Serif và Sans serif là gì, đồng thời biết cách sử dụng chúng trong những trường hợp cụ thể.
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…