fbpx
Logo

Mô Hình SWOT Là Gì? Cách Phân Tích SWOT Cho Doanh Nghiệp

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Mô hình SWOT là một mô hình phân tích khá nổi tiếng và được ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau. Tập trung vào bốn yếu tố cốt lõi, mô hình này đã giúp nhiều doanh nghiệp nhận thức được thế mạnh của mình và phát triển vượt bậc. Vậy mô hình SWOT là gì và làm sao để thực hiện phân tích SWOT? Cùng tìm hiểu với Miko Tech ngay bây giờ!

Mô hình SWOT là gì?

Mô hình SWOT là gì? SWOT là một mô hình được sử dụng để phân tích doanh nghiệp dựa trên 4 yếu tố: Strengths (Thế mạnh) – Weaknesses (Điểm yếu) – Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Trong lĩnh vực kinh doanh, đây là mô hình được sử dụng rộng rãi và ngay cả các sinh viên cũng biết đến mô hình SWOT.

Công trình nghiên cứu để tạo ra mô hình kéo dài đến 9 năm, hơn 5000 nhân sự và 1100 doanh nghiệp tham gia khảo sát. Nhóm các nhà kinh tế học của Viện nghiên cứu Stanford (Menlo Park, California) đã tìm ra những vấn đề chính trong việc tổ chức, điều hành doanh nghiệp và chính thức công bố mô hình SWOT vào năm 1964.

Mô hình SWOT là gì?
4 yếu tố trong mô hình Swot là gì?

Vì sao phân tích theo mô hình SWOT rất quan trọng?

Phân tích SWOT là một khuôn khổ giá trị có thể giúp đánh giá doanh nghiệp của mình từ các góc độ khác nhau và tìm ra những cơ hội để phát triển. Bằng cách thực hiện phân tích SWOT, bạn có thể:

  • Sử dụng thế mạnh để nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh
  • Giải quyết điểm yếu trước khi nảy sinh vấn đề không mong muốn
  • Tìm kiếm và nắm bắt cơ hội mới
  • Chuẩn bị và phòng tránh các mối đe dọa tiềm tàng

Những điều trên cũng có nghĩa là: Phân tích theo mô hình SWOT có thể giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, lập kế hoạch tốt hơn và đạt được mục tiêu nhanh hơn.

Các yếu tố của mô hình SWOT là gì?

Phân tích SWOT đánh giá một doanh nghiệp hoặc một dự án dựa trên 4 yếu tố chính và có thể được phân thành 2 nhóm: yếu tố nội bộ và yếu tố bên ngoài. Sau đây chúng ta sẽ cùng tiến hành đi sâu hơn vào từng yếu tố của mô hình.

Strengths (Thế mạnh)

Thế mạnh là những đặc điểm tích cực thuộc về yếu tố nội bộ doanh nghiệp. Chúng giúp bạn có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, đó có thể là những điều mà doanh nghiệp bạn làm tốt hoặc điều mà ít đối thủ nào có được.

Một số ví dụ về điểm mạnh của một doanh nghiệp là:

  • Cơ sở khách hàng trung thành
  • Uy tín thương hiệu cao
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ độc đáo
  • Đội ngũ nhân sự chuyên môn cao và năng động
  • Một trang web chất lượng cao
điểm mạnh swot
Biết được điểm mạnh là gì giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh

Weaknesses (Điểm yếu)

Điểm yếu là những đặc điểm tiêu cực thuộc phạm vi nội bộ, chúng làm hạn chế hiệu suất hoặc cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Nói cách khác, đây là những điểm bạn cần cải thiện hoặc thay đổi, sửa chữa.

Một số điều có thể được xem là điểm yếu của doanh nghiệp là:

  • Thiếu nguồn lực tài chính
  • Tỷ lệ nghỉ việc cao
  • Độ nhận diện kém
  • Tỷ lệ hài lòng của khách hàng thấp
  • Sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng thấp
điểm yếu swot
Điểm yếu sẽ cản bước doanh nghiệp đến thành công

Opportunities (Cơ hội)

Cơ hội là những tình huống hoặc điều kiện thuận lợi bên ngoài mà doanh nghiệp có thể tận dụng để đạt được mục tiêu kinh doanh. Đây là những thứ bạn có thể sử dụng để tạo ra lợi thế hoặc hưởng lợi từ đó.

Những cơ hội trong phân tích SWOT có thể là:

  • Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn
  • Một phân khúc thị trường mới hoặc thị trường ngách
  • Một công nghệ mới giúp tự động hóa các tác vụ thông thường
  • Quan hệ đối tác hoặc hợp tác mới
  • Một tính năng mà đối thủ đã bỏ qua
cơ hội và thách thức là gì
SWOT giúp phát hiện những cơ hội kinh doanh mới

Threats (Thách thức)

Cũng giống như các cơ hội, thách thức ở đây muốn nói đến những yếu tố bên ngoài có thể tác động đến doanh nghiệp. Các mối đe dọa này là những tình huống hoặc điều kiện bất lợi có thể gây hại cho doanh nghiệp.

Những mối đe dọa với doanh nghiệp là:

  • Nhu cầu sụt giảm đối với sản phẩm hoặc dịch vụ
  • Một đối thủ cạnh tranh mới hoặc thay thế
  • Một công nghệ mới làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trở nên lỗi thời
  • Khủng hoảng kinh tế
  • Sự thay đổi trong chính sách thuế
thách thức là gì
Thách thức là những khó khăn mà doanh nghiệp cần đối đầu

Ưu, nhược điểm của mô hình SWOT

Tương tự những mô hình hay phương pháp phân tích khác, mô hình SWOT cũng có những thế mạnh và hạn chế riêng. Vậy những ưu, nhược điểm của mô hình Swot là gì?

Ưu điểm

Mô hình SWOT là một công cụ phân tích kinh doanh quan trọng và mạnh mẽ được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quản lý, chiến lược và tiếp thị. Với khả năng định hình chiến lược và phân tích môi trường, mô hình giúp các doanh nghiệp đánh giá tổng quan về bản thân và môi trường xung quanh.

Cân nhắc đến cả yếu tố nội bộ và ngoại vi

Một trong những ưu điểm lớn nhất khi sử dụng phân tích theo SWOT là nó có xem xét đến những yếu tố nội bộ và cả yếu tố ngoại vi. Bằng cách xác định điểm yếu và điểm mạnh, doanh nghiệp có thể tập trung phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.

Kết hợp với việc xác định cơ hội và thách thức, doanh nghiệp còn có thể lường đến những trường hợp có thể xảy ra và đưa ra phương hướng xử lý. Như vậy, doanh nghiệp đủ khả năng để đưa ra những chiến lược đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của mình.

ma trận swot
Phân tích SWOT cân nhắn đến cả môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp

Đơn giản, dễ thực hiện

SWOT là một mô hình khá đơn giản khi chỉ xoay quanh 4 yếu tố là Strengths, Weaknesses, Opportunities và Threats. Tất cả những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp đã được khái quát lại. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện phân tích theo các yếu tố này thay vì phải tự tìm hiểu từng yếu tố.

Linh hoạt

Sự linh hoạt của mô hình SWOT được thể hiện ở việc nó có thể được sử dụng cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Bất kể tổ chức là một doanh nghiệp lớn, một start-up hay một tổ chức phi lợi nhuận, mô hình SWOT cung cấp một khung phân tích hữu ích để đánh giá và định hình chiến lược phù hợp với môi trường và mục tiêu kinh doanh.

swot analysis là gì
SWOT phù hợp với nhiều loại hình doanh nghiệp và ngành nghề

Nhược điểm

Mặc dù là một công cụ phân tích kinh doanh phổ biến và hữu ích, SWOT cũng có những hạn chế nhất định. Việc hiểu biết về những ưu, nhược điểm của mô hình giúp bạn lựa chọn được mô hình phù hợp nhất với mục đích của mình.

Có tính thời điểm

Vì các yếu tố trong mô hình SWOT có tính thời điểm nên kết quả phân tích sẽ không thể được sử dụng lâu dài. Do đó, các phân tích theo mô hình này cần phải được cập nhật liên tục theo những thông tin thị trường mới nhất để có giá trị và hữu ích.

Có thể thiếu các yếu tố quan trọng khác

Phân tích theo SWOT xoay quanh 4 yếu tố là điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Do đó nếu có những yếu tố khác nhưng không thể được xếp vào bốn yếu tố này thì nó có thể bị bỏ qua. Ở thời điểm bạn xem xét, những vấn đề không quá quan trọng cũng có thể bị loại khỏi mô hình.

Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng những vấn đề mà bạn bỏ qua cũng giống như một trái cầu tuyết nhỏ lăn từ đỉnh núi xuống. Bạn quá tập trung vào những yếu tố quan trọng khác nên đã bỏ qua quả cầu tuyết. Nhưng theo thời gian, quả cầu tuyết nhỏ đó có thể trở thành một quả cầu tuyết khổng lồ và gây hệ lụy không thể cứu vãn.

phân tích swot là gì
Những vấn đề không khớp với 4 yếu tố có thể bị loại bỏ

Không thể dự đoán tương lai

Phân tích SWOT không thể đưa ra những dự đoán về tương lai. Mặc dù nó có cân nhắc đến những nguy cơ tiềm tàng nhưng đó là những yếu tố hiện có trên thị trường có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Do vậy, đây không phải mô hình thích hợp để dự đoán các xu hướng trong tương lai. Doanh nghiệp không thể dùng SWOT để lường trước những động thái của đối thủ hoặc tìm ra nhu cầu trong tương lai của thị trường mục tiêu.

Cách phân tích mô hình SWOT hiệu quả cho doanh nghiệp

Phân tích SWOT là thực hiện đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, đây cũng là một công cụ để thúc đẩy chiến lược kinh doanh. Đây là cách thực hiện phân tích SWOT mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Lập mục tiêu

Việc xác định một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn những thông tin nào phù hợp nhất cho phân tích của mình. Cũng giống như bạn không thể tham gia một cuộc thi đua xe đạp mà không biết đích đến là đâu. Nếu không có mục tiêu, bạn có thể bị bủa vây bởi hàng tá thông tin nhưng không phải cái nào cũng cần thiết.

Mục tiêu có thể là bất kỳ thay đổi lớn nào đối với doanh nghiệp, ví dụ như:

  • Tăng doanh thu quý lên 2 tỷ
  • Mở rộng quy mô doanh nghiệp
  • Gia nhập một ngành mới
  • Ra mắt một sản phẩm, dịch vụ mới

Sau khi xác định mục tiêu lớn, bạn cần xác định những mục tiêu nhỏ hơn giúp bạn đạt được mục tiêu lớn. Ví dụ, doanh nghiệp của bạn cần có thêm vốn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Công ty có thể cần làm những hành động như:

  • Tăng giá bán
  • Đầu tư trang thiết bị làm việc cho nhân viên kinh doanh
  • Tìm kiếm thêm nhà đầu tư

Giả sử công ty chọn phương án tăng giá bán sản phẩm. Vậy mục tiêu của phân tích SWOT sẽ là “Tìm hiểu xem việc tăng giá bán có thể giúp công ty có đủ vốn cần thiết để hoạt động hay không”.

swot analysis là gì
Đặt mục tiêu nhỏ giúp bạn hệ thống được những gì cần làm

Bước 2: Xác định điểm mạnh

Chữ S trong mô hình SWOT tượng trưng cho Strengths, hay Điểm mạnh. Bây giờ, doanh nghiệp cần liệt kê ra những điểm mạnh của mình . Bạn có thể sử dụng những câu hỏi sau để hỗ trợ:

  • Doanh nghiệp bạn có công nghệ hoặc ưu thế nào về sản xuất không?
  • Nguồn vốn của công ty bạn có lớn không?
  • Sản phẩm của bạn có tính năng nào nổi bật không?
  • Website của bạn có organic traffic cao hơn website đối thủ không?

Lưu ý: những điểm mạnh này là điểm mạnh thuộc về yếu tố nội bộ, tức chúng là những điều mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được. Hãy cố gắng liệt kê tất cả những ưu điểm của doanh nghiệp và đừng bỏ qua điều gì dù là nhỏ nhất.

ma trận swot là gì
Đừng bỏ qua điểm mạnh nào dù là nhỏ nhất

Bước 3: Khắc phục điểm yếu

Doanh nghiệp của bạn có tồn tại những điểm yếu, điều đó là hoàn toàn bình thường vì chẳng có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng điều quan trọng là cách mà bạn khắc phục những khuyết điểm đó. Cũng tương tự như điểm mạnh, điểm yếu ở đây là các yếu tố thuộc về nội bộ mà bạn có khả năng thay đổi, sửa chữa và kiểm soát.

Chẳng hạn, bạn phát hiện ra điểm yếu của công ty là chi phí hoạt động khá cao. Vậy bạn có thể làm gì để giảm những chi phí này xuống? Bạn sẽ cần kiểm tra xem khoản chi tiêu nào chiếm tỷ trọng lớn nhất và liệu có thể cắt giảm hay không.

Chẳng hạn như công ty sẽ cần tối ưu hóa quy trình làm việc, tìm kiếm nhà cung cấp khác giá rẻ hơn hay thực hiện công tác tiết kiệm điện, v.v.

điểm yếu mô hình swot
Biết được điểm yếu giúp doanh nghiệp biết được cần khắc phục những gì

Bước 4: Xem xét những cơ hội

Đừng nhầm lẫn giữa thế mạnh và cơ hội. Hãy ghi nhớ trong đầu rằng thế mạnh là yếu tố bên trong doanh nghiệp và cơ hội là những yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài. Dưới đây là những ví dụ về cơ hội mà bạn có thể liệt kê khi phân tích SWOT:

  • Thị hiếu thị trường thay đổi làm tăng nhu cầu với một loại sản phẩm mà doanh nghiệp có bán
  • Khách hàng tiềm năng của bạn dạo gần đây đang sử dụng một mạng xã hội mới mà bạn có thể tận dụng để tiếp cận họ.
  • Công ty bạn có khả năng phát triển một tính năng mới cho sản phẩm mà chưa đối thủ nào làm được
  • Đối thủ cạnh tranh của bạn không hoạt động ở một thị trường nào đó mà bạn đánh giá thị trường đó là có tiềm năng.
opportunities trong swot
Xác định cơ hội kinh doanh mới giúp tăng doanh thu

Bước 5: Nhìn nhận những thách thức

Thách thức là những yếu tố ngoại vi có thể đẩy doanh nghiệp vào những nguy cơ hoặc tình thế bất lợi. Các mối đe dọa có thể phát triển theo thời gian để trở thành một vấn đề lớn và khó giải quyết. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ đến tất cả những yếu tố mà bạn cho là có khả năng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Một số mối đe dọa thường thấy trong phân tích SWOT là:

  • Sự xuất hiện của một đối thủ mới
  • Sự thay đổi của quy định pháp lý hoặc chính sách ngành
  • Các điều kiện kinh tế gây tác động tiêu cực đến sức mua của khách hàng
phân tích mô hình swot
Cần xác định đâu là những thách thức cần đối mặt

Bước 6: Rút gọn danh sách

Đến bước này, chắc hẳn bạn đã liệt kê được rất nhiều ý ở mỗi yếu tố trong mô hình SWOT. Mặc dù không có giới hạn cho số lượng các mục nhưng bạn có thể cân nhắc thu hẹp chúng lại để không bị “ngợp” trước vô vàn thông tin.

Nếu bạn cần quyết định hoạt động nào hoặc mục tiêu nào nên được ưu tiên hơn thì Miko Tech đề xuất rằng bạn sử dụng ma trận nỗ lực – tác động (impact effort matrix). Ma trận này chia thành 4 ô với 2 trục ngang và dọc tượng trưng cho mức độ tăng dần của nỗ lực và tác động.

Như hình sau, các yếu tố sẽ được chia thành 4 nhóm:

  • Quick Wins (high impact – low effort): Có thể tạo ra hiệu quả lớn đến doanh nghiệp nhưng không tốn nhiều công sức.
  • Fill Ins (low impact – low effort): Vừa không mang lại nhiều hiệu quả vừa không tốn công sức.
  • Thankless Tasks/Time Wasters (low impact – high effort): Không mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt nhưng tốn thời gian và nỗ lực.
  • Big Bets (high impact – high effort): Mang lại hiệu quả lớn nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực tương xứng.
Impact Matrix
Impact Matrix giúp phân loại những mục tiêu cần ưu tiên

Khi nào nên sử dụng mô hình SWOT?

Phân tích theo SWOT thực chất khá dễ ứng dụng và hiếm khi có trường hợp nào mà nó không thể dùng được. Nếu doanh nghiệp của bạn đang xem xét về một quyết định kinh doanh có sức ảnh hưởng vô cùng quan trọng thì đây là lúc nên sử dụng mô hình SWOT. Ví dụ, bạn có thể cân nhắc khi công ty đang trải qua những tình huống sau:

  • Công ty đang có những quyết định thay đổi quan trọng trong nội bộ
  • Khi điều kiện ngoại vi có sự thay đổi
  • Trước khi hoạch định chiến lược

Việc ứng dụng mô hình Swot trong các tình huống trên sẽ giúp bạn cân nhắc được các điểm lợi, hại để từ đó đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.

Lời kết

Mô hình SWOT là một mô hình rất nổi tiếng và được sử dụng ở nhiều ngành nghề trong nhiều năm nay. Mặc dù đã tồn tại nhiều năm nhưng sức ảnh hưởng của mô hình vẫn rất lớn và có thể được áp dụng ngay trong đời sống hiện đại.

Hy vọng thông qua bài viết của Miko Tech bạn đã hiểu hơn về mô hình Swot là gì cũng như các bước thực hiện phân tích SWOT. Nếu thấy bài viết hay, hãy chia sẻ bài viết này đến cho mọi người cùng đọc nhé!

10.07.2023 Trần Tiến Duy

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!