fbpx
Logo

Hiệu Ứng Hào Quang – Halo Effect Là Gì Trong Tâm Lý Học?

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Halo Effect (Hiệu ứng hào quang) là một hiện tượng thú vị trong tâm lý học giải thích cách chúng ta đánh giá và cảm nhận về một người hoặc một đối tượng. Hiệu ứng này có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta, từ việc chọn bạn bè, đồng nghiệp cho đến việc mua sắm và đánh giá về một thương hiệu. Trong bài viết này, hãy cùng Miko Tech tìm hiểu sâu hơn về hiệu ứng hào quang và cách nó hoạt động.

Halo Effect là gì?

Halo Effect (hay Hiệu ứng halo, Hiệu ứng hào quang) là một dạng thiên kiến nhận thức, hay còn gọi là heuristic (phương pháp rút gọn), khiến chúng ta đưa ra những đánh giá hoặc quyết định vội vàng.

Nói cách khác, hiệu ứng hào quang khiến chúng ta chỉ dựa vào một khía cạnh để đánh giá tổng thể về một người hoặc một đối tượng. Khi chúng ta có ấn tượng tốt về một người, chúng ta có xu hướng “bỏ qua” những điểm yếu của họ và tập trung vào những điểm mạnh.

Ngược lại, khi chúng ta có ấn tượng ban đầu không tốt, chúng ta có xu hướng phóng đại những điểm yếu của họ và hạ thấp những điểm mạnh.

Halo Effect là gì
Halo Effect còn được gọi là Hiệu ứng hào quang

Những đánh giá có phần vội vàng như vậy cũng khiến chúng ta có nguy cơ đưa ra những quyết định sai lầm. Giống như các dạng heuristic khác, halo effect diễn ra trong vô thức và chúng ta không nhận thức được điều này. Khi bị tác động của hiệu ứng hào quang, chúng ta dễ dàng đánh giá tổng thể qua những khía cạnh nhỏ và không hề liên quan.

Lịch sử của hiệu ứng hào quang

Khái niệm Halo Effect được cho là bắt nguồn từ năm 1920. Nhà tâm lý học người Mỹ Edward Lee Thorndike lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ này để mô tả những quan sát của ông về các sĩ quan quân đội đã đánh giá cấp dưới của họ.

Thay vì đánh giá dựa trên tương tác với cấp dưới, nhiều sĩ quan cao cấp tự động cho rằng những người đàn ông có ngoại hình ưa nhìn thì thông minh hơn, có năng lực hơn và có tố chất lãnh đạo tốt hơn. Trong bài báo tiêu đề “The Constant Error in Psychological Ratings” (Sai lầm thường xuyên trong đánh giá tâm lý), Thorndike đã lưu ý rằng ấn tượng ban đầu có thể dễ dàng tạo ra hiệu ứng hào quang.

halo effect in business
Ấn tượng bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá một người

Hiệu ứng hào quang trong kinh doanh

Các công ty sẽ cố gắng tạo ra hiệu ứng hào quang bằng cách tận dụng lợi thế sẵn có của mình. Bằng cách tập trung nỗ lực marketing vào các sản phẩm và dịch vụ thành công, công ty có thể cải thiện độ nhận diện, củng cố danh tiếng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Khi trải nghiệm khách hàng tích cực với một thương hiệu, trong suy nghĩ của họ sẽ hình thành sự thiên vị với thương hiệu và các sản phẩm của nó. Suy nghĩ này xuất phát từ niềm tin rằng nếu một công ty xuất sắc trong việc sản xuất một sản phẩm thì khả năng họ cũng sẽ sản xuất sản phẩm khác tốt. Những giả định này của khách hàng sẽ giúp ích cho doanh nghiệp khi muốn mở rộng một dòng sản phẩm mới.

hiệu ứng hào quang
Việc ưa thích một sản phẩm có thể khiến khách hàng ưa thích một thương hiệu

Halo Effect giúp cải thiện lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng và củng cố vị trí trong ngành của thương hiệu. Khi một sản phẩm tạo được ấn tượng tích cực trong tâm trí người tiêu dùng, thành công của sản phẩm đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến các sản phẩm khác của thương hiệu. Cuối cùng, các doanh nghiệp có thể giành được thị phần và tăng lợi nhuận nếu họ có một sản phẩm “ngôi sao”.

Ví dụ về Halo Effect

Apple là một ví dụ điển hình cho việc hưởng lợi từ hiệu ứng hào quang. Với thành công của iPod, thị trường đã kỳ vọng rằng doanh số bán máy tính Mac của Apple cũng sẽ tăng lên. Hình ảnh thành công của iPod đã cho phép Apple phát triển thêm các dòng sản phẩm khác.

Sự thành công của iPod mở đường cho sự ra đời của các sản phẩm tiêu dùng khác như Apple Watch, iPhone và iPad. Ngay cả khi sản phẩm mới không thành công như sản phẩm ban đầu thì hiệu ứng hào quang vẫn giúp bù đắp một phần và tránh ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu. Đây là lý do tại sao ít ai nhớ đến những sản phẩm thất bại của Apple như sạc không dây AirPower hay Apple Newton.

halo effect
Sạc không dây của Airpower đã bị khai tử năm 2019

Câu chuyện của Apple là một ví dụ thực tế về cách mà một sản phẩm thành công có thể ảnh hưởng tích cực đến thương hiệu cũng như doanh số của các dòng sản phẩm khác. Khách hàng mua iPod tiếp tục tin tưởng và mua iPhone, nhờ đó Apple luôn có khách hàng và có khả năng tồn tại bền vững.

Cách để tránh bị tác động bởi Halo Effect

Khi chúng ta hiểu được sức mạnh của hiệu ứng hào quang trong tâm lý học và cách nó có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta, chúng ta cũng nhận ra rằng việc tránh bị tác động bởi hiệu ứng này là một kỹ năng quan trọng. Vậy, bạn có thể làm gì để tránh bị tác động bởi Halo Effect?

Tìm kiếm nhiều nguồn thông tin

Một cách để giảm thiểu tác động của halo effect là thu thập thêm dữ liệu và bằng chứng về người hoặc đối tượng mà bạn đang đánh giá. Đừng phụ thuộc vào ấn tượng đầu tiên của bạn hoặc một khía cạnh duy nhất, hãy tìm kiếm nhiều thông tin hơn để có cái nhìn đa chiều hơn.

Ví dụ, nếu bạn đang tuyển dụng ai đó cho một công việc, bạn có thể muốn xem xét hồ sơ, bảng thành tích học tập, kết quả bài test và phản ứng trong buổi phỏng vấn của họ. Hoặc thay vì đưa ra quyết định dựa trên vẻ ngoại hình, sức quyến rũ hoặc trình độ giáo dục của họ, các công ty có thể liên hệ đến người tham chiếu để hiểu rõ hơn về ứng viên.

halo effect là gì
Bạn cần có nhiều nguồn tin khác để đánh giá một người chính xác hơn

So sánh và đối chiếu

Một chiến lược khác để tránh bị tác động bởi halo effect là so sánh và đối chiếu các lựa chọn hoặc phương án khác nhau thay vì đánh giá độc lập. Những điều này có thể giúp bạn xác định các tiêu chí cần có, cân nhắc lợi ích và rủi ro của mỗi lựa chọn.

Ví dụ, nếu bạn đang chọn một sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn có thể muốn so sánh các tính năng, lợi ích, chi phí và điểm đánh giá của các sản phẩm từ các thương hiệu khác nhau. Thay vì bị ảnh hưởng bởi một slogan hấp dẫn, một logo quen thuộc hoặc lời giới thiệu của người nổi tiếng, bạn sẽ cần so sánh và đối chiếu để có sự lựa chọn chính xác.

Tìm kiếm những quan điểm khách quan

Cách thứ ba để tránh halo effect là tìm kiếm các phản hồi và quan điểm khách quan từ những người có quan điểm, kinh nghiệm khác với bạn. Điều này có thể giúp bạn xem xét lại những giả định của chính mình, cho phép bạn tiếp nhận những thông tin mới mà bạn có thể đã bỏ qua hoặc phớt lờ.

Ví dụ, nếu bạn đang xem xét một dự án hoặc một đề xuất, bạn có thể hỏi ý kiến từ đồng nghiệp thay vì chỉ dựa vào ý kiến hoặc sở thích của chính bạn.

hiệu ứng hào quang là gì
Bạn có thể hỏi ý kiến khách quan từ những người khác

Hãy tỉnh táo và phê phán

Cách thứ tư để giảm thiểu tác động của halo effect là tỉnh táo để đánh giá lại quá trình suy nghĩ và ra quyết định của chính mình. Điều này có nghĩa là phải chú ý đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quan điểm của bạn về một đối tượng nào đó như cảm xúc, kỳ vọng hoặc định kiến.

Ví dụ, nếu bạn đang đưa ra feedback về một ai đó, bạn cần phải công bằng và không để quan điểm bị ảnh hưởng bởi việc bạn thích hoặc không thích họ.

Thực hành và học hỏi

Cuối cùng, bạn có thể suy xét lại những kinh nghiệm và kết quả trong quá khứ để đánh giá lại những quyết định và hành động của mình. Điều này bao gồm việc xác định những sai lầm hoặc thất bại của bạn, đồng thời tìm kiếm cách cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình.

Ví dụ, nếu bạn đang đưa ra dự báo, bạn có thể muốn theo dõi và phân tích những kết quả trong quá khứ để đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Tổng kết

Việc khám phá sâu hơn về Hiệu ứng hào quang giúp chúng ta trở nên nhạy bén hơn trong việc hạn chế tác động của hiệu ứng này lên cách chúng ta suy nghĩ.

Trong tâm lý học, Halo Effect là một khái niệm quan trọng mà chúng ta cần hiểu để đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn trong cuộc sống. Hy vọng Miko Tech đã đem đến cho bạn những kiến thức hữu ích và hẹn gặp lại trong những bài viết sau!

07.02.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!