fbpx
Logo

SaaS Là Gì? Tổng Quan Về Mô Hình Dịch Vụ Đám Mây SaaS

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Chuyển đổi từ các giải pháp phần mềm truyền thống sang các dịch vụ phần mềm trực tuyến đang trở thành xu hướng tất yếu của nhiều doanh nghiệp. Một trong những mô hình nổi bật trong lĩnh vực này chính là SaaS (Software as a Service). Vậy mô hình SaaS là gì và vì sao đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều tổ chức và cá nhân trên toàn cầu? Đọc bài viết sau của Miko Tech để hiểu thêm về SaaS nhé!

SaaS là gì?

SaaS là viết tắt của Software as a Service, một mô hình cung cấp phần mềm qua internet, giúp bạn truy cập và sử dụng các ứng dụng từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng.

Thay vì phải mua, cài đặt và quản lý phần mềm trên máy tính cá nhân hoặc máy chủ của công ty, người dùng có thể truy cập phần mềm từ xa thông qua trình duyệt web hoặc ứng dụng di động. Người dùng có thể truy cập phần mềm từ bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet mà không cần cài đặt phần mềm cục bộ. Một số ví dụ về SaaS chính là Netflix, Zoom, Gmail và Google Workspace.

mô hình saas
SaaS là gì?

Ưu điểm của SaaS

So với mô hình truyền thống, SaaS cung cấp một giải pháp thay thế cho việc lắp đặt phần cứng và phần mềm. Thay vì phải xây dựng máy chủ, cài đặt và cấu hình ứng dụng, doanh nghiệp có thể thuê các tài nguyên và tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức. Cụ thể, những ưu điểm của mô hình SaaS là gì?

Tiết kiệm chi phí

Lựa chọn sử dụng phần mềm SaaS có thể là giải pháp hiệu quả về mặt chi phí cho doanh nghiệp vì nhiều lý do. Đầu tiên, SaaS loại bỏ chi phí đầu tư ban đầu vào phần mềm và phần cứng. Những chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng như bảo trì hay nâng cấp cũng không còn là vấn đề.

Thứ hai, các doanh nghiệp chỉ cần phải trả tiền cho phần mềm và tài nguyên mà họ sử dụng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, SaaS là sự lựa chọn hoàn hảo để giúp họ có được phần mềm đủ mạnh mẽ nhưng không quá tốn kém về chi phí. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cho doanh nghiệp.

lợi ích của mô hình saas
Mô hình SaaS giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Tiết kiệm thời gian

Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà SaaS còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian. Bởi vì các phần mềm được quản lý bởi các nhà cung cấp dịch vụ, chúng đã được cài đặt và cấu hình sẵn. So với các mô hình on-premise truyền thống, mô hình SaaS tiện lợi hơn nhiều khi các doanh nghiệp chỉ cần vài tiếng để có thể bắt đầu sử dụng phần mềm và không cần chờ đợi lắp đặt phần cứng.

Tự động cập nhật

Với các hình thức cài đặt phần mềm truyền thống, việc cập nhật thường tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Những vấn đề liên quan đến khả năng tương thích có thể phát sinh do xung đột giữa các phiên bản vì các cá nhân trong tổ chức sử dụng những phiên bản phần mềm khác nhau.

Với mô hình SaaS, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự động nâng cấp dịch vụ cho khách hàng của mình. Việc quản lý các phiên bản cập nhật là nhiệm vụ của nhà cung cấp và họ phải đảm bảo rằng mọi khách hàng của mình đều có khả năng truy cập vào phiên bản phần mềm mới nhất.

dịch vụ saas
Nhà cung cấp SaaS sẽ tự động cập nhật phần mềm cho người dùng

Linh hoạt

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ SaaS cung cấp các gói dịch vụ khác nhau với các tính năng và mức giá khác nhau, cho phép người dùng chọn lựa gói phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình. Các gói dịch vụ có thể cung cấp những tính năng khác nhau, chẳng hạn như dung lượng lưu trữ, số lượng người dùng, hoặc quyền truy cập vào các công cụ nâng cao. Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn ngưng sử dụng dịch vụ SaaS khi không còn nhu cầu.

Cho phép dùng thử

Mô hình SaaS cho phép người dùng dùng thử phần mềm của mình trước khi quyết định chi tiền. Thông thường, các nhà dịch vụ sẽ cho phép người dùng dùng thử trong vòng 7, 14 hoặc 30 ngày. Trong thời gian này, người dùng có thể xem xét phần mềm có phù hợp với nhu cầu của mình hay không. Điều này giúp các doanh nghiệp chi tiêu hiệu quả và hạn chế chi tiền cho những gì không thực sự hữu dụng.

trial
Nhiều dịch vụ SaaS đều cho phép khách hàng dùng thử

Nhược điểm của SaaS

SaaS cũng tồn tại một số nhược điểm và rủi ro mà các doanh nghiệp cần xem xét trước khi sử dụng:

Vấn đề bảo mật

Dữ liệu của người dùng được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, điều này có thể gây ra lo ngại về an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin. Dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp SaaS có thể bị rò rỉ do các cuộc tấn công mạng, lỗ hổng bảo mật hoặc do sai sót của nhân viên. Nếu nhà cung cấp không có các biện pháp bảo đảm an ninh mạng (cyber security) mạnh mẽ, dữ liệu có thể bị xâm nhập từ các bên thứ ba.

cyber security
Có một số rủi ro về an ninh mạng cần quan tâm

Phụ thuộc vào nhà cung cấp

Dữ liệu của bạn được lưu trữ trên các máy chủ của nhà cung cấp SaaS. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phụ thuộc vào các biện pháp bảo mật của họ. Nếu nhà cung cấp SaaS gặp sự cố kỹ thuật, ngừng hoạt động hoặc giải thể, người dùng có thể mất quyền truy cập vào phần mềm và dữ liệu của họ.

Khó khăn trong việc chuyển đổi nhà cung cấp

Giống như việc sử dụng bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào, việc chuyển đổi nhà cung cấp có thể gặp khó khăn. Để chuyển đổi nhà cung cấp, khách hàng phải di chuyển một lượng lớn dữ liệu. Hơn nữa, một số nhà cung cấp sử dụng công nghệ và định dạng dữ liệu độc quyền, điều này có thể làm phức tạp thêm việc chuyển giao dữ liệu giữa các nhà cung cấp đám mây khác nhau.

dịch vụ saas là gì
Chuyển đổi nhà cung cấp SaaS có thể phát sinh nhiều vấn đề

Khó khăn khi chuyển đổi phiên bản mới

Nếu nhà cung cấp áp dụng một phiên bản mới của ứng dụng, nó sẽ được triển khai cho tất cả khách hàng, bất kể khách hàng có muốn phiên bản mới hơn hay không. Việc nhà cung cấp tự động cập nhật phiên bản mới có thể khiến khách hàng phải điều chỉnh quy trình làm việc và đào tạo nhân viên, gây ra sự không thoải mái và khó khăn trong việc thích nghi.

Các mô hình tính phí của SaaS

Các mô hình tính phí là những cách mà các doanh nghiệp SaaS có thể thu phí cho dịch vụ trực tuyến của mình. Mỗi mô hình sẽ phù hợp với các loại dịch vụ và nhu cầu khác nhau. Các mô hình tính phí dịch vụ SaaS là gì?

phần mềm saas là gì
Các mô hình tính phí dịch vụ SaaS

Tính phí theo mức độ sử dụng (Usage-based model)

Mô hình tính phí theo mức độ sử dụng nghĩa là khách hàng trả tiền cho một sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên mức độ họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Nói cách khác, bạn chỉ trả tiền cho những gì mình đã sử dụng, không phải trả một khoản phí cố định hàng tháng hay hàng năm. Chẳng hạn, dịch vụ nhắn tin SMS và cuộc gọi điện thoại của Twilio tính phí dựa trên số lượng tin nhắn gửi và số phút gọi.

Tính phí đăng ký

Mô hình tính phí là một mô hình kinh doanh trong đó khách hàng trả một khoản phí định kỳ (thường là hàng tháng hoặc hàng năm) để được quyền truy cập và sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.

Thay vì mua sản phẩm một lần, khách hàng sẽ “thuê” quyền sử dụng sản phẩm đó. Hình thức này rất tiện lợi vì khách hàng biết được họ cần chi bao nhiêu tiền và có quyền ngưng đăng ký khi không còn nhu cầu.

mô hình tính phí saas
Ví dụ về mô hình tính phí đăng ký

Tính phí theo gói (Tiered pricing)

Tính phí theo gói là một chiến lược tính phí mà trong đó nhà cung cấp dịch vụ cung cấp các gói dịch vụ khác nhau. Mỗi gói sẽ có những tính năng hoặc giới hạn sử dụng khác nhau và có mức giá khác nhau. Cách tính phí này cho phép các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng có phạm vi ngân sách khác nhau.

Tính phí freemium

Freemium là một mô hình tính phí trong đó một sản phẩm hoặc dịch vụ cơ bản được cung cấp miễn phí, nhưng người dùng có thể trả tiền để truy cập vào các tính năng hoặc dịch vụ nâng cao hơn. “Freemium” là sự kết hợp của hai từ: “free” (miễn phí) và “premium” (cao cấp). Mục đích của mô hình freemium là thu hút người dùng bằng một phiên bản miễn phí, sau đó khuyến khích họ nâng cấp lên phiên bản trả phí để nhận được các giá trị bổ sung.

freemium
Mô hình tính phí freemium

Tính phí theo số lượng người dùng

Tính phí theo số lượng người dùng là một mô hình tính phí mà trong đó chi phí sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ phụ thuộc vào số lượng người dùng được cấp quyền truy cập. Mỗi người dùng thêm vào sẽ làm tăng tổng chi phí mà khách hàng phải trả. Mô hình này phổ biến trong các dịch vụ SaaS và các ứng dụng doanh nghiệp, vì nó giúp doanh nghiệp quản lý chi phí dựa trên số lượng người dùng thực tế sử dụng sản phẩm.

So sánh SaaS, IaaS và PaaS

SaaS là một trong ba mô hình dịch vụ đám mây chính cùng với IaaS (Infrastructure-as-a-Service và PaaS (Platform-as-a-Service). Các mô hình này khác nhau ở mức độ hoàn thiện và trách nhiệm của người dùng trong việc quản lý các thành phần hạ tầng và phần mềm:

3 mô hình dịch vụ đám mây
Có 3 mô hình dịch vụ đám mây chính

SaaS

SaaS cung cấp các phần mềm dưới dạng dịch vụ, trong đó các ứng dụng phần mềm được lưu trữ trên đám mây và cung cấp cho người dùng qua internet. Người dùng không cần phải tải xuống, cài đặt hay quản lý bất kỳ phần mềm nào. Nhà cung cấp SaaS sẽ chịu trách nhiệm bảo trì, cập nhật và nâng cấp phần mềm. Ví dụ: Gmail, Google Docs, Salesforce.

IaaS

Trong mô hình IaaS, nhà cung cấp đám mây cung cấp các tài nguyên điện toán như máy chủ, hệ thống lưu trữ, thiết bị phần cứng và tài nguyên ảo. Tuy nhiên, khách hàng vẫn phải quản lý hệ điều hành, ứng dụng và dữ liệu của mình. Nhà cung cấp IaaS chỉ quản lý phần cứng vật lý, mạng, lưu trữ và ảo hóa. Tất cả các yếu tố phần mềm và dữ liệu nằm trong trách nhiệm của khách hàng. Ví dụ: Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure.

PaaS

PaaS cung cấp một nền tảng hoàn chỉnh cho các nhà phát triển để xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng mà không cần phải lo lắng về việc quản lý cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm. Nhà cung cấp PaaS chịu trách nhiệm quản lý các tài nguyên như máy chủ, lưu trữ, mạng và hệ điều hành, trong khi khách hàng chỉ tập trung vào phát triển và vận hành ứng dụng của mình. Ví dụ: Google App Engine, Heroku.

Tổng kết

SaaS đã chứng minh được giá trị của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, từ những startup nhỏ đến các tập đoàn lớn. Mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng về hạ tầng công nghệ thông tin mà còn tạo ra cơ hội cho người dùng trải nghiệm các công nghệ mới nhất mà không cần phải đầu tư nhiều tiền bạc. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn hiểu được mô hình SaaS là gì và những lợi ích khi sử dụng dịch vụ đám mây này.

06.10.2024 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!