Đại sứ thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thương hiệu nâng cao danh tiếng và tiếp cận công chúng hiệu quả. Thông qua những đại sứ thương hiệu có sức ảnh hưởng đến công chúng, thương hiệu có thể liên kết với khách hàng ở cấp độ gần gũi hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vai trò của những đại sứ thương hiệu và những điều cần có của một đại sứ thương hiệu.
Đại sứ thương hiệu là gì?
Đại sứ thương hiệu (tiếng Anh là Brand Ambassador) là người được một công ty gửi lời mời làm đại diện cho các sản phẩm của họ để duy trì danh tiếng thương hiệu.
Thông thường, đại sứ thương hiệu đã có một lượng người theo dõi ổn định trên các nền tảng truyền thông xã hội. Họ được công chúng hoặc một nhóm đối tượng biết đến rộng rãi và có thể có cộng đồng người hâm mộ. Thông qua việc tương tác với những người theo dõi mình, các đại sứ có thể quảng bá thương hiệu đến những đối tượng này.
Những đại sứ thương hiệu Việt Nam
Tính đến ngày 12/11/2023, có một số đại sứ thương hiệu Việt Nam nổi bật như sau:
- Sơn Tùng M-TP – Đại sứ thương hiệu của Deli tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa Deli Việt Nam và nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP được khơi nguồn từ những giá trị chung, khi cả hai đều hướng đến sự sáng tạo tiên phong và mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ kiến tạo bản sắc cá nhân.
- Nguyễn Thị Ngọc Châu, Lê Thảo Nhi và Huỳnh Phạm Thủy Tiên là đại sứ thương hiệu của thương hiệu trang sức cao cấp IJC. Cả ba đều là những người đẹp nổi tiếng tại Việt Nam, từng đạt danh hiệu cao nhất tại các cuộc thi sắc đẹp lớn.
- Huỳnh Trần Ý Nhi, Hoa hậu Miss World Vietnam 2023, đã chính thức hợp tác với Tydol Plus, một thương hiệu thuốc giảm đau dành riêng cho phụ nữ. Với vai trò đại sứ thương hiệu, tân hoa hậu sẽ hỗ trợ Tydol trong việc chăm sóc sức khỏe và lan tỏa thông điệp “Vượt giới hạn, chạm đam mê” đến cộng đồng phụ nữ Việt Nam.
Vai trò của Đại sứ thương hiệu là gì?
Brand Ambassador được tuyển dụng để đại diện và quảng cáo cho sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty. Đại sứ thương hiệu là những người có sức ảnh hưởng và doanh nghiệp mong muốn họ tận dụng điều đó để xây dựng niềm tin của họ với khách hàng tiềm năng. Họ cũng tham gia vào các hoặc dịp khác nơi họ tặng sản phẩm mẫu hoặc thực hiện các buổi trình diễn sản phẩm.
Mục tiêu chính của đại sứ là tăng nhận thức về thương hiệu và tăng doanh số bán hàng bằng cách thực hiện các nhiệm vụ như:
- Tạo hình tượng tích cực cho thương hiệu trong nhiều tình huống khác nhau thông qua hành động và thái độ.
- Hợp tác và hỗ trợ trong việc sáng tạo nội dung, chẳng hạn như viết blog, đăng bài, đánh giá và quảng cáo sản phẩm.
- Sử dụng nhiều hình thức marketing để tăng nhận thức về thương hiệu.
- Quảng cáo thương hiệu trên các kênh truyền thông.
- Tham gia vào việc quảng cáo sản phẩm và các sự kiện của thương hiệu.
- Tương tác với người tiêu dùng và lắng nghe phản hồi về sản phẩm.
Tìm hiểu: Engagement trong marketing là gì? 10 loại Engagement phổ biến
Đại sứ thương hiệu cần có những kiến thức, kỹ năng gì?
Để trở thành Brand Ambassador không phải là một điều dễ dàng. Bạn cần có những điều kiện nhất định để được nhãn hàng lựa chọn, sau đây là một số yếu tố cần có ở một đại sứ thương hiệu:
Kiến thức và hiểu biết về marketing
Hầu hết các công ty đều muốn đại sứ thương hiệu của mình có khả năng phân biệt rõ ràng về các chiến lược marketing và hiểu được các nguyên tắc cơ bản. Đại sứ thương hiệu cần tiếp cận khách hàng một cách chân thành trên nhiều kênh và có các kỹ năng hoặc hiểu biết về truyền thông xã hội. Những kiến thức về marketing và truyền thông sẽ giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn.
Sự hiện diện trực tuyến
Đối với nhiều thương hiệu, các nền tảng trực tuyến là rất quan trọng trong việc quảng cáo và duy trì sự nhận thức về sản phẩm. Các đại sứ thương hiệu cần có độ hiện diện trực tuyến để giúp nhãn hàng thu hút khách hàng mới. Bên cạnh đó, brand ambassador cũng cần tương tác với công chúng để giúp người tiêu dùng cảm thấy được kết nối với một nhãn hàng.
Đam mê
Một đại sứ thương hiệu cần phải thể hiện đam mê chân thành đối với thương hiệu và sản phẩm mình đại diện. Nếu các đại sứ có thể quảng bá cho thương hiệu một cách hào hứng và hiệu quả, điều này cũng có thể tác động đến những người theo dõi họ. Những đại sứ không chỉ cần có đam mê với sản phẩm và thương hiệu mà còn cần kỹ năng kết nối với công chúng thay mặt thương hiệu.
Chuyên nghiệp
Là một đại sứ thương hiệu, bạn đại diện cho một công ty và tư tưởng của họ. Trong khi tương tác với người khác, mọi hành vi và thái độ của bạn đề được công chúng theo dõi. Do đó, bạn cần thể hiện một sự quan tâm chân thành đối với ý kiến và cảm xúc của người khác. Việc này giúp tạo hình ảnh chuyên nghiệp, uy tín và đảm bảo trải nghiệm tích cực cho khách hàng.
Đáng tin cậy
Đại sứ thương hiệu giúp thương hiệu xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ, lâu dài với khách hàng. Sự trung thành của khách hàng là yếu tố có thể tác động đến doanh số bán hàng. Một đại sứ được công chúng ủng hộ và duy trì hình ảnh đáng tin cậy sẽ giúp cho thương hiệu có được sự tin tưởng từ công chúng và tăng số lượng khách hàng trung thành.
Khả năng tiếp nhận phản hồi
Các đại sứ thương hiệu cần phải tiếp nhận phản hồi từ người theo dõi của họ và các thương hiệu họ để họ có thể sử dụng thông tin này và tạo ra nội dung tiếp thị hiệu quả hơn. Kỹ năng này giúp họ kết nối với người theo dõi của họ và hiểu rõ những gì một thương hiệu mong muốn đạt được từ sự hợp tác. Việc tiếp thu phản hồi tiêu cực và thay đổi sẽ được khách hàng đánh giá cao.
Công việc của Đại sứ thương hiệu là gì?
Đại sứ thương hiệu phải thể hiện được tinh thần của thương hiệu, giữ hình ảnh tích cực trước công chúng. Những nhiệm vụ và trách nhiệm của một đại sứ bao gồm:
- Thiết lập và duy trì mối quan hệ với các nhà cung cấp và nhà buôn bán sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
- Làm việc với phòng marketing của công ty để hiểu và thực hiện chiến lược tiếp thị của công ty tại các sự kiện.
- Hiểu về tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ của công ty để đại diện cho giọng điệu và tính cách thương hiệu tại các sự kiện khác nhau.
- Đăng bài về sản phẩm hoặc dịch vụ trên các nền tảng truyền thông xã hội, các nhóm trò chuyện và các diễn đàn để tạo sự nhận thức về thương hiệu và thu hút khách hàng mới.
- Đăng video và đánh giá về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty và mời bạn bè tham gia các sự kiện qua mạng xã hội.
- Chia sẻ ý kiến với các cấp quản lý về cách quảng cáo thương hiệu.
- Tham gia các sự kiện, họp báo và các chiến dịch tiếp thị.
Phân biệt Đại sứ thương hiệu và Đại sứ toàn cầu
Sự khác biệt giữa Brand Ambassador (Đại sứ thương hiệu) và Global Ambassador (Đại sứ toàn cầu) nằm ở phạm vi và trách nhiệm của vai trò mà họ đảm nhiệm. Đại sứ thương hiệu đại diện cho một thương hiệu cụ thể hoặc sản phẩm của một công ty. Tuy nhiên phạm vi của Brand Ambassador là tại một quốc gia hoặc một khu vực cụ thể và trách nhiệm của họ cũng chỉ xoay quanh khu vực đó.
Global Ambassador cũng là người đại diện cho thương hiệu nhưng ở phạm vi lớn hơn – toàn cầu. Đại sứ toàn cầu là gương mặt đại diện cho nhãn hàng trên quy mô toàn cầu. Họ sẽ cần tham gia vào các sự kiện quốc tế của nhãn hàng và tạo ra các chiến dịch tiếp thị có tầm ảnh hưởng lớn.
Những gương mặt thân quen đảm nhiệm vai trò đại sứ toàn cầu của các thương hiệu nổi tiếng tính đến tháng 11/2023 là:
- Đại sứ toàn cầu Dior là Jisoo (Blackpink), Haerin (NewJeans), Jimin (BTS). Đây là hãng thương hiệu thời trang, nước hoa, phụ kiện xa xỉ hàng đầu tại Pháp.
- Vậy Lisa là đại sứ thương hiệu nào? Lisa là đại sứ thương hiệu của hai thương hiệu thời trang cao cấp là Celine và Bvlgari.
- Cùng với đó, đại sứ toàn cầu Chanel – hãng thời trang Pháp gọi tên Jennie (Blackpink), Minji (NewJeans), G-Dragon (Bigbang).
- Đại sứ toàn cầu Gucci – biểu tượng thời trang đồ da nổi tiếng ở Ý và Pháp là IU, Hanni, Shin Min Ah, Kai (EXO), Harry Styles, Anya Taylor-Joy.
Tóm lại, brand ambassador tập trung vào việc đại diện cho một thương hiệu hoặc sản phẩm cụ thể tại một phạm vi hẹp hơn. Còn global ambassador đại diện cho toàn bộ tổ chức hoặc thương hiệu trên tầm quốc tế và có trách nhiệm xây dựng và duy trì danh tiếng toàn cầu của công ty.
Lời kết
Đại sứ thương hiệu không chỉ là người đại diện cho công ty, mà còn là những người đóng góp quan trọng vào xây dựng danh tiếng của thương hiệu.
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về đại sứ thương hiệu và vai trò quan trọng của họ trong việc quảng bá cho các thương hiệu và sản phẩm. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn hiểu được đại sứ thương hiệu là gì và hãy chia sẻ nếu thấy hay nhé!
Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…