fbpx
Logo

Giao Thức HTTP Và HTTPS Là Gì? Lý Do Nên Sử Dụng HTTPS

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường internet, nguy cơ bị đánh cắp thông tin trực tuyến cũng ngày càng gia tăng. Do đó, yêu cầu về việc có những trang web bảo mật cũng tăng lên. Điều này dẫn đến sự thay thế từ giao thức HTTP sang giao thức HTTPS. Vậy giao thức HTTPS là gì? và tại sao chúng ta nên sử dụng HTTPS thay vì HTTP?

Xem thêm:

  • WWW là gì? Vai trò của WWW trong cuộc sống hiện đại
  • Cách kiểm tra SSL miễn phí, đơn giản, nhanh chóng nhất
  • Website là gì? Tại sao bạn cần website trong thời đại số hóa?

HTTP là gì?

HTTP là cụm từ viết tắt của “Hypertext Transfer Protocol” (Giao thức truyền tải siêu văn bản). Đây là một giao thức được sử dụng để truyền dữ liệu giữa trình duyệt và máy chủ trên internet, tức giữa máy tính của bạn và trang web mà bạn truy cập.

Khi bạn muốn xem một trang web, trình duyệt của bạn gửi yêu cầu HTTP đến máy chủ của trang web đó. Yêu cầu này chứa thông tin về trang web bạn muốn xem. Máy chủ sau đó gửi lại phản hồi HTTP chứa nội dung của trang web đó. Trình duyệt nhận phản hồi và hiển thị nội dung trên màn hình của bạn.

http là gì
Http là giao thức truyền dữ liệu không mã hóa

HTTP cho phép truyền tải các loại dữ liệu như văn bản, hình ảnh, video và âm thanh qua mạng. Nó là giao thức cơ bản mà các trang web sử dụng để truyền tải nội dung cho người dùng. Tuy nhiên, thông tin gửi qua HTTP không được mã hóa, nghĩa là thông tin đó có thể bị đánh cắp bởi một ai đó. Vì vậy, bạn nên sử dụng giao thức HTTPS để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn.

HTTPS là gì?

HTTPS là gì? HTTPS là cụm viết tắt của “Hypertext Transfer Protocol Secure” (Giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật). Nó là một phiên bản an toàn hơn của giao thức HTTP, được sử dụng để truyền tải dữ liệu an toàn trên internet.

Khi bạn truy cập một trang web thông qua HTTPS, thông tin giữa trình duyệt và trang web đó được mã hóa. Giao thức này đảm bảo rằng dữ liệu riêng tư của bạn không bị người khác đọc hoặc đánh cắp. Nó đặc biệt quan trọng khi bạn giao dịch trực tuyến, chia sẻ thông tin nhạy cảm hoặc truy cập vào các trang web quan trọng.

Bạn có thể nhận biết một trang web sử dụng HTTPS dựa trên biểu tượng ổ khóa hiển thị trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Khi bạn thấy biểu tượng ổ khóa và địa chỉ trang web bắt đầu bằng “https://”, bạn có thể yên tâm rằng kết nối đến trang web đó là an toàn và thông tin của bạn được bảo mật.

http và https là gì
Https là giao thức truyền dữ liệu an toàn

Sự khác biệt giữa giao thức HTTP và giao thức HTTPS

Dù đều là giao thức truyền tải thông tin trên mạng internet nhưng HTTP và HTTPS có khá nhiều điểm khác nhau. Bạn có thể xem bảng ngắn gọn sau để hiểu nhanh hơn:

HTTPHTTPS
Mã hóa dữ liệuKhông mã hóa dữ liệuMã hóa dữ liệu
PortSử dụng cổng 80Sử dụng cổng 443 – cổng hỗ trợ mã hóa kết nối từ máy tính client đến server, nhằm bảo vệ gói dữ liệu đang được truyền đi.
URLBắt đầu bằng “http://”Bắt đầu bằng “https://”
Chứng chỉ SSL/TLSKhông yêu cầu chứng chỉĐiểm khác biệt nổi nhất giữa HTTP và HTTPS là chứng chỉ SSL. Các tiêu chuẩn SSL sẽ luôn đảm bảo liên lạc giữa máy khách và máy chủ được an toàn, chống bị dòm ngó dù cho bạn sử dụng máy tính cá nhân hay công cộng.
An ninhHTTP không được mã hóa thông tin nên rất dễ bị tấn công và đánh cắp dữ liệuKhi máy khách cố gắng truy cập vào bất kỳ trang web nào, giao thức HTTPS đóng vai trò quan trọng trong việc xác thực tính đích danh của trang web đó thông qua việc sử dụng tính năng kiểm tra bảo mật (Security Certificate).
Quá trình xác thực bảo mật được thực hiện và xác minh bởi các tổ chức cấp chứng chỉ (Certificate Authority – CA), đây là những tổ chức có trách nhiệm phát hành và xác thực các loại chứng chỉ an ninh dành cho doanh nghiệp, người dùng, mã nguồn, máy chủ và phần mềm. Vai trò của các tổ chức này tương tự như một bên thứ ba mà cả hai bên tin tưởng, giúp hỗ trợ trong quá trình trao đổi thông tin để đảm bảo an toàn.

Cách vận hành của giao thức HTTPS

Giao thức HTTPS kết hợp sử dụng giao thức HTTP và giao thức bảo mật SSL/TLS để đảm bảo tính bảo mật và riêng tư khi truyền tải dữ liệu qua mạng. Quá trình vận hành của giao thức HTTPS diễn ra như sau:

  1. Yêu cầu kết nối an toàn: Khi trình duyệt của người dùng yêu cầu truy cập một trang web bằng HTTPS, trình duyệt gửi yêu cầu kết nối an toàn đến máy chủ web.
  2. Gửi chứng chỉ SSL/TLS: Máy chủ web phản hồi bằng việc gửi chứng chỉ SSL/TLS cho trình duyệt. Chứng chỉ này chứa thông tin về máy chủ và được ký bởi một tổ chức chứng thực đáng tin cậy.
  3. Xác thực chứng chỉ: Trình duyệt kiểm tra chứng chỉ SSL/TLS để đảm bảo rằng nó hợp lệ và không bị sửa đổi. Quá trình xác thực này đảm bảo rằng người dùng đang kết nối với đúng máy chủ và không bị giả mạo.
  4. Trao đổi khóa: Sau khi chứng chỉ được xác thực, trình duyệt và máy chủ thực hiện một quá trình gọi là “Handshake”. Trong quá trình này, chúng trao đổi thông tin để thiết lập một khóa mã hóa chung, được sử dụng để mã hóa và giải mã dữ liệu.
  5. Mã hóa dữ liệu: Khi quá trình trao đổi khóa hoàn tất, trình duyệt và máy chủ sử dụng khóa mã hóa chung để mã hóa và giải mã dữ liệu. Dữ liệu này không có bên thứ ba nào đọc được.
  6. Truyền tải dữ liệu: Sau khi quá trình mã hóa dữ liệu hoàn tất, trình duyệt và máy chủ có thể truyền tải dữ liệu qua lại một cách an toàn. Dữ liệu sẽ được giải mã bởi trình duyệt và hiển thị cho người dùng.
handshake https
Mô tả quá trình Handshake giữa máy khách và server

Tầm quan trọng của giao thức HTTPS

Giao thức HTTPS có tầm quan trọng rất lớn trong việc bảo mật dữ liệu trên internet, cụ thể là:

giao thuc https
Tầm quan trọng của giao thức HTTPS

Bảo mật thông tin người dùng

HTTPS sử dụng mã hóa để bảo vệ dữ liệu khi truyền qua mạng. Dữ liệu được mã hóa thành các chuỗi không thể đọc được khi được gửi đi và chỉ có thể giải mã bởi máy chủ đích. Quy trình này ngăn chặn tin tặc và bất kỳ ai có ý định xem trộm, sửa đổi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Với HTTPS, thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng được bảo vệ khỏi việc rò rỉ hoặc truy cập trái phép. Điều này góp phần tạo ra một môi trường an toàn cho người dùng giao dịch trực tuyến, mua sắm và chia sẻ thông tin cá nhân.

giao thức https là gì
Https tạo ra môi trường trực tuyến an toàn cho người dùng

Được công cụ tìm kiếm ưu tiên

Các công cụ tìm kiếm như Google đã công bố rằng các trang web sử dụng giao thức HTTPS sẽ được ưu tiên hơn trong kết quả tìm kiếm. Điều này có nghĩa là nếu trang web của bạn sử dụng HTTPS, nó có thể được Google cho phép hiển thị ở thứ hạng cao hơn trong SERP và tăng lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, nếu bạn muốn tối ưu hóa công cụ tìm kiếm thì đừng quên chuyển đổi sang giao thức https nhé.

Giảm tình trạng lừa đảo

Trong giao thức HTTPS, trước khi diễn ra trao đổi dữ liệu giữa trình duyệt người dùng và máy chủ, trình duyệt sẽ gửi yêu cầu kiểm tra chứng chỉ SSL/TLS từ máy chủ. HTTPS đảm bảo rằng trang web mà người dùng đang truy cập là trang web đáng tin cậy, không phải là một trang web giả mạo. Nhờ đó, giảm bớt tình trạng người dùng bị lừa đảo hoặc đánh cắp dữ liệu trên internet.

https nghĩa là gì
Https giúp giảm tình trạng lừa đảo và đánh cắp thông tin

Tăng độ tin cậy với người dùng

Nếu một trang web được đánh dấu là không an toàn, trình duyệt sẽ hiển thị một cảnh báo về tiềm ẩn rủi ro khi họ truy cập vào trang đó. Cảnh báo này thường xuất hiện khi trang web không sử dụng kết nối an toàn HTTPS hoặc khi xác thực chứng chỉ SSL/TLS không hợp lệ.

Khi nhìn thấy cảnh báo, người dùng thường có xu hướng lo lắng và cảnh giác. Họ có thể quyết định không truy cập vào trang web của bạn nữa. Ngược lại, sử dụng giao thức HTTPS bảo vệ những thông tin riêng tư của người dùng khi họ truy cập vào web của bạn. Khi được đảm bảo rằng dữ liệu được bảo mật, người dùng sẽ tin tưởng hơn vào vào trang của bạn và truy cập thường xuyên hơn.

tìm hiểu về https
Sử dụng giao thức Https giúp tăng độ tin cậy với người dùng

Quy trình chuyển đổi từ HTTP sang HTTPS

Để chuyển đổi một trang web từ HTTP sang HTTPS, bạn có thể xem qua các bước sau đây:

  1. Xác nhận chứng chỉ SSL/TLS: Đầu tiên, bạn cần có một chứng chỉ SSL/TLS từ một nhà cung cấp dịch vụ uy tín. Chứng chỉ này sẽ xác thực danh tính của bạn và mã hóa dữ liệu truyền qua mạng.
  2. Cài đặt chứng chỉ SSL/TLS: Sau khi nhận được chứng chỉ SSL/TLS, bạn cần cài đặt nó trên máy chủ của bạn. Quá trình này có thể thay đổi tùy thuộc vào môi trường máy chủ và nhà cung cấp dịch vụ.
  3. Cập nhật liên kết và tài nguyên: Bạn cần thay đổi tất cả các liên kết và tài nguyên trong mã nguồn trang web từ HTTP sang HTTPS. Điều này bao gồm liên kết hình ảnh, tệp CSS, JavaScript và bất kỳ liên kết nào trên trang web.
  4. Điều hướng chuyển hướng: Để đảm bảo mọi người truy cập vào trang web của bạn được chuyển từ HTTP sang HTTPS, bạn cần cấu hình điều hướng chuyển hướng. Điều này đảm bảo mọi phiên bản của trang web đều được chuyển đổi tự động sang phiên bản bảo mật hơn.
  5. Kiểm tra và theo dõi: Sau khi chuyển đổi sang HTTPS, hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo rằng trang web hoạt động đúng và không có lỗi. Đồng thời, cũng nên theo dõi lưu lượng và chỉnh sửa các liên kết nếu cần thiết để đảm bảo mọi người truy cập vào phiên bản HTTPS của trang web.
giao thức HTTPS
Quy trình chuyển đổi từ HTTP sang HTTPS

Quá trình chuyển đổi từ HTTP sang HTTPS có thể phức tạp đối với những trang web lớn. Trong trường hợp đó, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia hoặc nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo quá trình diễn ra một cách suôn sẻ và hiệu quả.

Các câu hỏi thường gặp về HTTPS

Tại sao HTTP không an toàn?

– HTTP không mã hóa dữ liệu trong quá trình giao tiếp giữa máy khách với máy chủ, điều đó có nghĩa là mọi dữ liệu được truyền qua HTTP đều được gửi ở dạng văn bản thuần túy mà không có bất kỳ cơ chế mã hóa hoặc bảo mật nào. Do đó, bất kỳ ai có quyền truy cập vào lưu lượng mạng đều có thể chặn và đọc nó, kể cả tội phạm mạng.

Trang web có HTTPS có nghĩa là một trang web an toàn?

– Từ những nội dung đã đề cập ở trên, URL an toàn phải bắt đầu bằng “https” thay vì “http”. Chữ “s” trong “https” là viết tắt của secure (bảo mật), cho biết rằng trang web đang sử dụng Secure Sockets Layer (SSL) – một dạng chứng chỉ bảo mật.
Điều này cho bạn biết rằng tất cả thông tin liên lạc và dữ liệu của bạn được mã hóa khi nó truyền từ trình duyệt của bạn đến máy chủ của trang web.

Lời kết

Bài viết trên đã giải thích cụ thể cho các bạn giao thức HTTP, HTTPS là gì và vai trò quan trọng của nó trong internet hiện nay. Nếu bạn đang sở hữu một website, chúng tôi đề nghị bạn nên cân nhắc sử dụng giao thức HTTPS để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Hy vọng bài viết của Miko Tech đã mang lại thông tin hữu ích cho bạn và hẹn gặp lại ở bài viết sau!

ngonguyenynhi

Ý Nhi tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Trong quá trình làm việc, Ý Nhi có kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thể thao điện tử, marketing, SEO,…

03.06.2023 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll