fbpx
Logo

Innovation là gì? Tầm quan trọng của innovation đối với doanh nghiệp

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Innovation là gì trong bối cảnh kinh doanh? Innovation không chỉ đơn thuần là việc tạo ra các sản phẩm mới, mà còn bao gồm quá trình tạo ra lợi thế cạnh tranh và tồn tại bền vững theo thời đại. Với bài viết sau, Miko Tech sẽ cùng bạn tìm hiểu tầm quan trọng của innovation đối với các doanh nghiệp.

Innovation là gì?

Innovation là một ý tưởng mới được đưa ra để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Sự cải tiến, đổi mới này có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng và mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

innovation là gì
Innovation là khả năng đổi mới để phát triển của doanh nghiệp

Đổi mới là cách mà một doanh nghiệp trở thành đơn vị tiên phong trong một ngành công nghiệp, thường là nhờ cải tiến hoặc thiết kế lại sản phẩm và dịch vụ. Sự cải tiến ở đây có thể bao gồm việc tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới có nhiều tính năng hơn, hữu ích hơn hoặc khám phá ra vật liệu mới, quy trình mới có hiệu suất cao hơn cho doanh nghiệp.

Tại sao innovation quan trọng với doanh nghiệp?

Đổi mới là rất quan trọng trong kinh doanh vì:

  • Innovation không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mà còn giúp củng cố vị thế cạnh tranh hàng đầu trong ngành.
  • Innovation thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mới và tốt hơn để giữ chân khách hàng trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng.
  • Không chỉ về sản phẩm, innovation cũng bao gồm cả các yếu tố giúp cải thiện năng suất làm việc như quy trình hoặc môi trường làm việc.

Ví dụ, khi một công ty khai thác quặng sắt tìm ra một phương pháp khai thác quặng sắt mới an toàn hơn, phương pháp này có thể trở thành tiêu chuẩn trong ngành. Đương nhiên, innovation cũng chú trọng đến việc tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho nhân viên.

innovation nghĩa là gì
Innovation giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh

7 hình thức innovation thường gặp

Đổi mới, hay innovation, không chỉ có một hình thức duy nhất trong thế giới kinh doanh. Trên thực tế, có nhiều hình thức đổi mới khác nhau mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để nâng cao sức cạnh tranh và tạo ra giá trị mới.

1. Đổi mới mô hình kinh doanh

Một mô hình kinh doanh là cách thức mà một doanh nghiệp tạo ra, cung cấp và thu lại giá trị. Đổi mới mô hình kinh doanh là việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới hoặc cải tiến các mô hình kinh doanh hiện có để tạo ra giá trị mới cho khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan khác.

Đổi mới mô hình kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường mục tiêu, tạo ra các dòng doanh thu mới hoặc tăng giá trị của các dòng doanh thu hiện có. Chẳng hạn như Uber đã đổi mới mô hình kinh doanh vận tải truyền thống bằng cách cung cấp dịch vụ gọi xe chia sẻ. Điều này đã giúp hãng giảm được chi phí và mở rộng thị trường mục tiêu của mình.

đổi mới sáng tạo là gì
Thay đổi mô hình kinh doanh là cần thiết để theo kịp xu hướng

2. Đổi mới sản phẩm

Đổi mới sản phẩm là việc tạo ra các sản phẩm mới hoặc cải tiến các sản phẩm hiện có để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đổi mới sản phẩm có thể là thay đổi về tính năng, chức năng, thiết kế, bao bì,… Thông thường, khách hàng và môi trường cạnh tranh là hai yếu tố chính thúc đẩy một doanh nghiệp đổi mới sản phẩm.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trong một ngành và mỗi doanh nghiệp đều có những dòng sản phẩm nổi trội riêng. Họ có thể tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh và nhận thấy đối phương có những dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, từ đó cải tiến sản phẩm của mình. Hoặc đôi khi, nghiên cứu thị trường có thể cho thấy thị hiếu khách hàng thay đổi và các doanh nghiệp sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu mới.

innovation là gì
Đổi mới sản phẩm giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng tiềm năng

3. Đổi mới quy trình sản xuất

Đổi mới quy trình sản xuất là quá trình các doanh nghiệp tiến hành cải tiến hoặc thay đổi cách thức sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Đó có thể là tối ưu hóa quy trình hiện có, áp dụng công nghệ mới hoặc các phương pháp sản xuất hoàn toàn mới. Mục tiêu chính của đổi mới quy trình sản xuất là tăng cường hiệu suất, giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khi thực hiện đổi mới quy trình sản xuất, bước đầu tiên là phân tích kỹ lưỡng quy trình sản xuất hiện tại để nhận diện các điểm yếu và cơ hội cải thiện. Bước tiếp theo là đề xuất và triển khai các cải tiến, sử dụng công nghệ mới, tinh chỉnh quy trình để đạt được hiệu quả tối đa và đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh nhất có thể.

quy trình sản xuất
Đổi mới quy trình sản xuất thường giúp tiết kiệm nhân lực và chi phí

4. Đổi mới mạng lưới

Đổi mới mạng lưới trong kinh doanh là cần thiết vì môi trường kinh doanh không ngừng thay đổi. Các công ty cần phải liên kết với các đối tác mới, mở rộng mạng lưới quan hệ, và đáp ứng nhanh chóng với các yêu cầu mới từ khách hàng hoặc thị trường. Việc cải thiện mạng lưới cũng giúp tăng cường sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực mới, thông tin mới và cơ hội mới trong ngành công nghiệp.

5. Đổi mới quy trình marketing

Đổi mới quy trình marketing là khi một doanh nghiệp thay đổi cách mà họ tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình. Với marketing, quan trọng nhất là tìm cách tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng cường tương tác với khách hàng.

Một doanh nghiệp có thể đổi mới quy trình marketing bằng cách sử dụng kỹ thuật marketing online, tận dụng mạng xã hội để tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả hơn. Thay vì dựa vào các phương thức truyền thống như quảng cáo trên truyền hình hoặc báo chí, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến với chi phí thấp hơn nhưng vẫn mang lại hiệu quả.

quy trình marketing
Thay đổi cách thức marketing giúp mở rộng phạm vi tiếp cận công chúng

6. Đổi mới công nghệ

Đổi mới công nghệ là quá trình tạo ra hoặc áp dụng các công nghệ mới trong quy trình sản xuất. Các doanh nghiệp lớn thậm chí có thể tự phát triển công nghệ mới, cải tiến công nghệ hiện có để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Đổi mới công nghệ cũng được xem là một yếu tố chủ chốt trong sự phát triển của các ngành công nghiệp và nền kinh tế.

Đổi mới công nghệ thường là kết quả của nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm sáng tạo. Mục tiêu của đổi mới công nghệ là tạo ra các giải pháp mới hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường hoặc người tiêu dùng. Công nghệ mới cũng thay đổi cách chúng ta làm việc, tiêu dùng và cải thiện đáng kể cuộc sống hàng ngày.

7. Đổi mới phương pháp bán hàng

Một doanh nghiệp có thể đổi mới phương pháp bán hàng bằng cách áp dụng các kỹ thuật, công nghệ và chiến lược để tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn và thu hút khách hàng. Những phương pháp bán hàng mới mẻ có thể khơi dậy sự tò mò của khách hàng và khiến họ chủ động tìm hiểu mua hàng.

phương pháp bán hàng
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã áp dụng AI trong quá trình bán hàng

Ví dụ, một doanh nghiệp có thể đổi mới phương pháp bán hàng bằng cách sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến tiện lợi. Thay vì chỉ cung cấp một trang web đơn giản để khách hàng tham khảo và mua hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để mang đến một trải nghiệm mua sắm độc đáo.

8 yếu tố quan trọng quan trọng với innovation

McKinsey & Company là một công ty tư vấn chiến lược hàng đầu trên thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan chính phủ. Họ đã tiến hành nghiên cứu về các đặc điểm và hành vi đằng sau những trường hợp innovation xuất sắc trong số hàng trăm công ty. Nghiên cứu này đã đưa ra kết luận về 8 yếu tố quan trọng thúc đẩy sự đổi mới trong các doanh nghiệp bao gồm:

1. Aspire (Khát vọng)

Một ý tưởng đổi mới táo bạo có thể là yếu tố dẫn dắt các doanh nghiệp hành động để trở thành người tiên phong. Mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng đến phải đủ lớn hoặc mang lại giá trị đến mức mà ban quản trị không thể không cân nhắc. Tuy nhiên tầm nhìn xa là chưa đủ. Doanh nghiệp sẽ cần có một chiến lược để biến mục tiêu đổi mới trở nên khả thi và kích thích các bên liên quan hành động.

mục tiêu
Cần đặt ra mục tiêu đủ lớn, đủ hấp dẫn

2. Choose (Lựa chọn)

Nhiều công ty gặp khó khăn không phải vì thiếu ý tưởng mới mà là do họ không xác định được những ý tưởng đổi mới nào nên được mở rộng hoặc tập trung vào. Innovation luôn tồn tại những rủi ro, tuy nhiên các doanh nghiệp cần tìm cách quản lý rủi ro chứ không phải là loại bỏ chúng. Do đó, họ sẽ cần cân nhắc xem các ý tưởng đổi mới nào có thể giúp công ty có được giá trị lớn nhất.

3. Discover (Khám phá)

Tất cả các ý tưởng đổi mới đều xuất phát từ việc tìm ra những thông tin độc đáo và những hành động có thể thúc đẩy sự tiến bộ trong kinh doanh. Đầu tiên là tìm ra vấn đề có giá trị mà họ có thể giải quyết, sau đó là áp dụng công nghệ phù hợp để tạo ra giải pháp và cuối cùng là phát triển mô hình kinh doanh để kiếm tiền từ đó. Gần như mọi ý tưởng innovation thành công đều kết hợp được ba yếu tố này.

4. Evolve (Cải tiến)

Đổi mới mô hình kinh doanh là việc thay đổi cách thức hoạt động của công ty để tạo ra lợi ích kinh tế mới, mở rộng nguồn thu nhập hoặc điều chỉnh cách thức cung cấp sản phẩm/dịch vụ. Đặc biệt, các công ty lớn cần tự tái tạo mô hình kinh doanh của mình trước khi các công ty trẻ đe dọa họ với những công nghệ mới.

cải tiến
Cải tiến là con đường để doanh nghiệp tồn tại bền vững

Ví dụ, Financial Times đã thử nghiệm với mô hình kinh doanh mới để phù hợp xu hướng số hóa vào năm 2007. Trước kia, 80% doanh thu của Financial Times đến từ quảng cáo in, nhưng hiện nay, hơn một nửa doanh thu đến từ nội dung và hai phần ba lưu lượng đọc từ các lượt đăng ký kỹ thuật số.

5. Accelerate (Tăng tốc)

Có nhiều nguyên nhân có thể gây cản trở cho quá trình đổi mới của các công ty lớn. Một trong số đó là quy trình quản trị thận trọng của các phòng ban có thể làm chậm quá trình phê duyệt dự án. Các công ty nên để những người có mạng lưới quan hệ tốt đảm nhận vị trí dẫn dắt dự án innovation. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm dự án phải ưu tiên dự án lên trên mọi vấn đề khác để đẩy nhanh quá trình đổi mới.

6. Scale (Quy mô)

Một số mặt hàng như hàng xa xỉ và điện thoại thông minh cao cấp được xem là các thị trường ngách. Trong khi đó những ý tưởng kinh doanh khác lại cần hướng đến quy mô toàn cầu, ví dụ như mạng xã hội. Việc xem xét về quy mô của một dự án innovation là quan trọng để đảm bảo rằng doanh nghiệp có đủ nguồn lực để theo đuổi nó.

scale
Cần đo lường quy mô thị trường

7. Extend (Mở rộng)

Các công ty ngày nay nhận ra rằng để đổi mới, họ cần hợp tác với những đối tác ngoài công ty. Việc chia sẻ tài năng và kiến thức từ những đối tác bên ngoài giúp họ nhanh chóng đổi mới và tạo giá trị mới cho khách hàng. Những công ty đổi mới thành công nhất luôn có cách để thu hút những nhân tài giỏi nhất đến với họ.

Hợp tác thông minh không chỉ giúp tìm ra ý tưởng mới mà còn chia sẻ chi phí và tiếp cận thị trường nhanh hơn. Ví dụ, iPod đầu tiên của Apple có 90% được phát triển từ bên ngoài công ty. Điều này giúp họ nhanh chóng đưa sản phẩm ra mắt thị trường chỉ sau 9 tháng. Các tổ chức như NASA cũng hợp tác với nhiều đối tác để phát triển dự án.

8. Mobilize (Động viên)

Các công ty hàng đầu làm gì để khuyến khích tinh thần sáng tạo và tư duy mới trong nội bộ? Họ tạo điều kiện để mọi người làm việc chung với nhau, tiếp nhận những tư duy mới và chia sẻ ý tưởng một cách tự do. Các công ty lớn cũng thử nghiệm nhiều chương trình khác nhau và xây dựng môi trường làm việc khác biệt, không bị ràng buộc bởi những quy trình làm việc thông thường.

Tổng kết

Innovation không chỉ là việc đưa ra những ý tưởng mới mà còn là quá trình hành động để biến những ý tưởng đó thành giá trị thực tế cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, sự đổi mới không chỉ là một ưu tiên mà còn là chìa khóa để tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trong thị trường ngày nay. Hy vọng Miko Tech đã giúp bạn hiểu được innovation là gì và những yếu tố quan trọng cần biết, hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hay nhé!

15.12.2023 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!