fbpx
Logo

Nhu cầu thị trường là gì? 4 Quy trình và phương pháp nghiên cứu

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Nhu cầu thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược kinh doanh của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Để tìm ra nhu cầu thị trường, bạn không chỉ cần nghiên cứu về người tiêu dùng mà còn cần biết được những phương pháp nghiên cứu hiệu quả. Trong bài viết này, Miko Tech sẽ cùng bạn tìm hiểu nhu cầu thị trường là gì và hướng dẫn bạn các phương pháp nghiên cứu nhu cầu thị trường thông dụng nhất.

Nhu cầu thị trường là gì?

Nhu cầu thị trường (hay Market Demand) là đại diện cho tổng sản phẩm mà tất cả các người tiêu dùng trong một thị trường cụ thể sẵn sàng và có khả năng mua. Đây là mức độ mà khách hàng mong muốn mua một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể trên thị trường vào một thời điểm nhất định.
nhu cầu thị trường là gì
Nhu cầu thị trường đánh giá mức độ sẵn lòng chi trả cho sản phẩm hoặc dịch vụ

Nói theo cách khác, nhu cầu thị trường phản ánh mức độ mà người tiêu dùng sẵn lòng chi trả một mức giá nhất định cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể trên thị trường. Nhu cầu thị trường có thể thay đổi dựa vào nhiều yếu tố như giá cả, xu hướng, thu nhập và yếu tố kinh tế – xã hội khác. Những yếu tố này ảnh hưởng đến việc sản xuất, định giá và quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phân loại nhu cầu thị trường

Về mặt lý thuyết, nhu cầu thị trường có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như mức độ sẵn có của sản phẩm hoặc dịch vụ, mức độ mong muốn của người tiêu dùng, hoặc tác động của nhu cầu đối với thị trường. Sau đây là một số loại nhu cầu thị trường:

Nhu cầu đầy đủ (Full Demand)

Nhu cầu đầy đủ là kịch bản hoàn hảo cho doanh nghiệp khi cung bằng với cầu. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng đang mua một lượng sản phẩm hoặc dịch vụ bằng với mức mà doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp. Một ví dụ về nhu cầu đầy đủ là các buổi biểu diễn như kịch, phim hoặc hòa nhạc được bán hết khi vé được mở bán.

nhu cầu thị trường hiện nay
Nhu cầu đầy đủ là khi cung bằng cầu

Nhu cầu không lành mạnh (Unwholesome Demand)

Nhu cầu không lành mạnh là khi người tiêu dùng mong muốn và có khả năng mua sản phẩm, nhưng đó lại là một sản phẩm gây hại. Các doanh nghiệp có thể giúp bảo vệ khách hàng bằng cách giáo dục người tiêu dùng về cách sử dụng sản phẩm của họ một cách an toàn. Bằng việc tuân thủ quy định của pháp luật, các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc tạo ra những sản phẩm chất lượng để phục vụ khách hàng.

Một ví dụ về sản phẩm thuộc diện nhu cầu không lành mạnh là vũ khí. Tại Mỹ, người dân có thể mua súng nếu đủ 18 tuổi trở lên và không có tiền án hình sự. Một số người cho rằng việc sở hữu súng là cần thiết để tự vệ, một số khác lại cho rằng việc tự do mua súng đã khiến đất nước này xảy ra nhiều vụ ẩu đả và tấn công gây thương tích nghiêm trọng.

mức độ thỏa mãn nhu cầu thị trường
Người dân Mỹ có thể mua súng tự do

Nhu cầu tiềm ẩn (Latent Demand)

Nhu cầu tiềm ẩn là nhu cầu của người tiêu dùng với một sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng sản phẩm đó chưa tồn tại hoặc chưa được phát triển trên thị trường. Đây là một nhu cầu chưa được đáp ứng hoặc chưa được thỏa mãn do sự hiện diện của các rào cản như công nghệ, giá cả hoặc hạn chế khác. Ví dụ, nhu cầu tiềm ẩn có thể là nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng các giải pháp năng lượng tái tạo vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu này.

Nhu cầu không thường xuyên (Irregular Demand)

Nhu cầu không thường xuyên xảy ra khi nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ thay đổi theo thời gian, thường là do sự thay đổi theo mùa, chu kỳ kinh tế hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Ví dụ: nhu cầu về kem thường cao hơn vào mùa hè so với mùa đông, các sản phẩm trang trí cây thông chỉ bán được trong dịp gần lễ giáng sinh,…

cách tìm nhu cầu thị trường
Có những sản phẩm hoặc dịch vụ chỉ được sử dụng theo mùa

Nhu cầu giảm dần (Declining Demand)

Nhu cầu giảm dần là khi nhu cầu thị trường về một sản phẩm hoặc dịch vụ giảm dần theo thời gian. Điều này có thể xảy ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như thay đổi trong thị hiếu của người dùng, sự tiến bộ của công nghệ hoặc sự lao dốc của nền kinh tế,… Những nguyên nhân này có thể khiến người tiêu dùng không còn muốn sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ.

Quy trình nghiên cứu nhu cầu thị trường

Nhu cầu thị trường cho biết mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Bằng cách hiểu nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp có thể xác định xem sản phẩm hoặc dịch vụ của họ có đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay không. Sau đây là 4 bước xác định nhu cầu thị trường mà bạn có thể tham khảo từ Harvard Business Review:

Bước 1: Xác định thị trường

Thị trường ở đây bao gồm hai nghĩa chính: thị trường mục tiêu (tức nhóm khách hàng mục tiêu) và thị trường sản phẩm hoặc dịch vụ. Đầu tiên, bạn cần xác định thị trường mục tiêu, nghĩa là tính đến tất cả người dùng cuối tiềm năng. Ví dụ, nhu cầu thị trường tổng thể cho các sản phẩm viễn thông văn phòng trên cả nước phụ thuộc một phần vào số lượng người làm việc tại các văn phòng và nhu cầu, thói quen của họ.

Thứ hai là xác định thị trường cạnh tranh. Các doanh nghiệp cần hiểu rằng các sản phẩm thay thế có thể tạo ra những thay đổi lớn. Khách hàng có thể thay đổi hành vi nếu giá hoặc hiệu suất của các sản phẩm thay thế thay đổi. Hãy nhớ rằng một sản phẩm hoàn toàn mới có thể thay thế một sản phẩm đang thống trị thị trường nếu nó đủ ưu việt, ví dụ như máy tính điện tử đã thay thế hoàn toàn các thiết bị tính toán khác.

Tìm hiểu thêm về: Target Market Là Gì? Các Bước Xác Định Thị Trường Mục Tiêu Hiệu Quả

xác định nhu cầu thị trường hiện tại
Xác định thị trường là bước đầu tiên

Bước 2: Chia nhỏ nhu cầu thị trường

Bước thứ hai là chia nhỏ nhu cầu thị trường thành các phân khúc nhỏ hơn để thuận tiện cho các phân tích sau đó. Có hai tiêu chí mà bạn cần nhớ thực hiện: chia nhỏ mỗi phân khúc dựa theo những điểm đồng nhất và mỗi phân khúc phải đủ lớn để đáng giá với công sức phân tích.

Ví dụ, một công ty thực hiện nghiên cứu về nhu cầu giấy và sử dụng dữ liệu ngành để chia nhỏ nhu cầu thị trường thành 12 danh mục. Các danh mục này là thành phẩm cuối cùng của giấy, ví dụ như giấy tờ của doanh nghiệp, giấy in thương mại, bao thư, sản xuất sách,… Những dữ liệu về ngành có thể được tìm thấy trên các trang web của ngành, chính phủ hoặc từ các báo cáo chuyên ngành.

phân khúc thị trường
Phân khúc thị trường giúp việc phân tích dễ dàng hơn

Bước 3: Dự báo những động lực chính của nhu cầu thị trường

Bước thứ ba là bạn cần xác định và dự đoán những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường. Bạn có thể sử dụng các kỹ thuật thống kê để tìm ra những nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong nhu cầu thị trường. Nếu thị trường tiềm năng không đủ lớn, sản phẩm hoặc dịch vụ có thể không thành công như mong đợi.

Ví dụ, một nhà sản xuất trò chơi điện tử đã thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ bão hòa của thị trường. Bằng cách sử dụng dữ liệu có sẵn, nhóm quản lý đã tạo ra các danh mục dựa trên thu nhập gia đình và độ tuổi của trẻ em. Phân tích cho thấy các gia đình có thu nhập vượt quá 50,000 đô và trẻ em từ 6-15 tuổi đã có tỷ lệ xâm nhập 75%. Ban quản lý kết luận rằng nhu cầu sẽ giảm vì không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Khám phá thêm về: Market opportunities là gì? Làm sao để xác định, phân tích cơ hội

Bước 4: Triển khai phân tích độ nhạy

Sau khi bạn liệt kê ra các biến số ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường, đã đến lúc kiểm tra lại độ chính xác. Phân tích độ nhạy (Sensitivity Analysis) là quá trình đánh giá và hiểu rõ cách một biến số hay một nhóm các biến số ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng trong một mô hình, dự đoán hoặc dự báo.

Trong phân tích độ nhạy, các biến số này thường được thay đổi một cách đồng thời hoặc riêng lẻ để hiểu rõ tác động của chúng lên kết quả cuối cùng. Thông qua việc xác định các điểm yếu, các biến số quan trọng hoặc các yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến mô hình hoặc dự báo, phân tích độ nhạy giúp các nhà quản lý và người ra quyết định hiểu rõ hơn về các yếu tố tiềm ẩn và chuẩn bị cho những biến đổi có thể xảy ra.

Đọc thêm về: Market analysis là gì? Quy trình phân tích thị trường nên biết

phân tích độ nhạy
Phân tích độ nhạy để kiểm chứng các biến số

Phương pháp nghiên cứu nhu cầu thị trường

Xác định được nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xác định được đâu là những ngành hoặc lĩnh vực đáng để đầu tư vào. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu nhu cầu thị trường trước khi ra mắt một sản phẩm mới hoặc triển khai dự án mới để đánh giá triển vọng. Có một số phương pháp được sử dụng để thực hiện nghiên cứu nhu cầu thị trường:

Thử nghiệm

Thiết kế các thử nghiệm thường mất nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên đối khi nó thể có thể có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ, khi bạn cung cấp một sản phẩm mới với giá giảm đặc biệt hoặc các ưu đãi khuyến mãi, bạn có thể theo dõi phản hồi từ khách hàng. Ngoài ra, thử nghiệm cũng có thể là điều chỉnh các yếu tố khác như giao diện trang web, chiến lược tiếp thị, hoặc cách phân phối sản phẩm để đo lường nhu cầu của thị trường.

Quan sát hành vi người dùng

Quan sát hành vi người tiêu dùng tại cả cửa hàng trực tuyến và cửa hàng vật lý có thể mang lại những phát hiện giá trị. Các chủ đề hoặc sản phẩm đang tạo thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội cũng rất hữu ích với doanh nghiệp. Việc quan sát và thu thập những thông tin mới từ nhiều nguồn giúp bạn biết được khách hàng ưa thích điều gì và xu hướng tiêu dùng mới nhất là gì.

phương pháp nghiên cứu nhu cầu thị trường
Quan sát hành vi người dùng có thể mang lại phát hiện giá trị

Thực hiện khảo sát

Khảo sát là một phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến thu thập thông tin từ một nhóm người về một chủ đề cụ thể. Khảo sát có thể được thực hiện qua email hoặc qua điện thoại. Mạng xã hội cũng là một kênh tuyệt vời để đăng khảo sát về sản phẩm và dịch vụ. Đôi khi cũng có những khảo sát đã được thực hiện trước đó và có sẵn trên mạng, tuy nhiên hãy xem xét độ tin cậy của tài liệu.

Phỏng vấn

Phỏng vấn là một phương pháp nghiên cứu thị trường nhằm thu thập thông tin từ một cá nhân hoặc một nhóm đối tượng về một chủ đề cụ thể. Bạn có thể đặt các câu hỏi cụ thể về nhu cầu, ý kiến và sở thích của khách hàng, từ đó hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường và điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp hơn. Phỏng vấn có thể được thực hiện bằng cách hỏi – đáp trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua nền tảng meeting trực tuyến.

Tổng kết

Bằng cách hiểu rõ nhu cầu thị trường, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng. Quy trình nghiên cứu nhu cầu thị trường bên trên có thể giúp ích nếu bạn đang chưa biết nên bắt đầu từ đâu. Hy vọng Miko Tech đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và đừng quên quay lại vào ngày mai để đọc thêm nhiều bài viết thú vị nhé!

27.11.2023 Ý Nhi

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!