fbpx
Logo

Tường Lửa Là Gì? Tổng Hợp Thông Tin A-Z Và Công Dụng

Theo dõi Miko Tech trên Google News

Tường lửa là gì? Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao máy tính và mạng của mình lại được bảo vệ an toàn trước những cuộc tấn công từ bên ngoài? Để bảo vệ dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp, tường lửa đã trở thành một giải pháp bảo mật không thể thiếu. Vậy tường lửa hoạt động ra sao và tại sao bạn cần nó? Hãy cùng khám phá câu trả lời trong bài viết sau của Miko Tech.

Liên quan:

Tường lửa là gì?

Tường lửa (Firewall) là một hệ thống bảo mật mạng có chức năng giám sát và kiểm soát tất cả các lưu lượng mạng đi vào và đi ra khỏi một hệ thống máy tính hoặc mạng riêng.

tường lửa
Khái niệm tường lửa là gì?

Tường lửa hoạt động như một bức tường ngăn cách giữa mạng nội bộ đáng tin cậy và mạng bên ngoài không tin cậy như Internet. Tường lửa sẽ kiểm tra mọi gói tin dữ liệu muốn vào hoặc ra khỏi mạng. Điều này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài, bảo vệ dữ liệu và hệ thống của bạn khỏi virus, malware và các mối đe dọa khác.

Cách hoạt động của tường lửa

Mọi dữ liệu truyền qua mạng được chia thành các gói tin nhỏ. Tường lửa sẽ kiểm tra từng gói tin này để xem nó có đáp ứng các quy tắc bảo mật đã được thiết lập trước đó hay không. Các quy tắc này có thể bao gồm điều kiện dựa trên địa chỉ IP, cổng, giao thức, và trạng thái kết nối.

Nếu gói tin đáp ứng tất cả các quy tắc, nó sẽ được phép đi qua. Nếu gói tin vi phạm bất kỳ quy tắc nào, nó sẽ bị chặn lại. Bằng cách thiết lập các quy tắc bảo mật phù hợp, tường lửa giúp ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài, bảo vệ dữ liệu và đảm bảo hoạt động liên tục của mạng.

cách hoạt động của tường lửa
Mô tả cách hoạt động của tường lửa

Bạn có thể hình dung tường lửa như một người gác cổng luôn túc trực để bảo vệ ngôi nhà (mạng lưới) của bạn. Khi có ai đó muốn vào nhà (gửi dữ liệu đến), người gác cổng (tường lửa) sẽ kiểm tra kỹ lưỡng giấy tờ tùy thân (gói tin dữ liệu) của họ. Nếu giấy tờ hợp lệ và người đó có lý do chính đáng để vào nhà, người gác cổng sẽ cho phép họ vào. Ngược lại, người gác cổng sẽ từ chối cho họ vào.

Lợi ích của tường lửa

Sử dụng tường lửa mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho bảo mật mạng và hệ thống. Dưới đây là một số lợi ích chính:

lợi ích của tường lửa
Lợi ích của tường lửa là gì?

Giám sát và lọc lưu lượng mạng

Tường lửa như một người bảo vệ luôn quan sát mọi hoạt động trên mạng. Nó theo dõi từng gói tin dữ liệu đi qua, từ email đến video, để biết chúng là gì và đang đi đâu. Sau khi quan sát, tường lửa sẽ so sánh thông tin của mỗi gói tin với một bộ quy tắc đã được cài đặt sẵn. Nếu gói tin nào không tuân theo quy tắc, nó sẽ bị chặn lại, không được phép vào mạng.

Ngăn chặn virus xâm nhập

Tường lửa cùng với phần mềm diệt virus tạo thành một hàng rào vững chắc chống lại virus. Tường lửa sẽ kiểm tra kỹ lưỡng từng gói tin để tìm kiếm dấu hiệu của virus. Ví dụ, nó sẽ xem xét địa chỉ gửi đến, nội dung của gói tin có chứa mã độc hại không.

Nếu phát hiện virus, tường lửa sẽ ngay lập tức chặn gói tin đó, ngăn không cho virus xâm nhập vào máy tính. Các loại tường lửa hiện đại còn có khả năng phân tích sâu hơn, phát hiện được cả những loại virus tinh vi nhất.

ngăn chặn virus
Tường lửa giúp ngăn chặn một số loại virus

Chặn hành vi truy cập trái phép

Với sự gia tăng phụ thuộc vào các nền tảng kỹ thuật số và mạng riêng, các hành vi truy cập trái phép đã trở nên vô cùng tinh vi. Tường lửa giám sát tất cả các điểm vào, ngăn chặn hacker và đảm bảo chỉ những người dùng được cấp quyền mới được truy cập vào các tài nguyên hệ thống quan trọng.

Đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu

Bằng cách kiểm tra mọi dữ liệu đi vào hoặc rời khỏi mạng, tường lửa ngăn chặn hành vi truy cập trái phép và đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu. Khi các doanh nghiệp nắm giữ một lượng lớn thông tin nhạy cảm, vai trò của tường lửa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với các quy tắc bảo mật, tường lửa đảm bảo các doanh nghiệp có thể hoạt động trong một không gian kỹ thuật số an toàn.

data security
Tường lửa giúp bảo vệ thông tin của doanh nghiệp

Hỗ trợ tuân thủ quy định pháp lý

Nhiều quy định (như GDPR, CCPA) yêu cầu các tổ chức phải bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng. Tường lửa ghi lại tất cả các hoạt động trên mạng, tạo ra một bản ghi chi tiết về ai đã truy cập vào hệ thống, khi nào và đã làm gì. Bản ghi này rất quan trọng khi cần chứng minh rằng doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp bảo mật cần thiết và tránh được những rắc rối pháp lý có thể xảy ra.

Phân loại tường lửa

Có 5 loại tường lửa chính sử dụng các cơ chế khác nhau để lọc các lưu lượng truy cập độc hại. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có thể cần nhiều hơn một loại tường lửa để bảo vệ hệ thống của họ. Các loại tường lửa này bao gồm:

các loại tường lửa
Một số loại tường lửa hiện nay

1. Tường lửa lọc gói tin (Packet Filtering Firewall)

Packet Filtering Firewall là một loại tường lửa cơ bản giúp bảo vệ mạng bằng cách kiểm tra các gói dữ liệu (packets) theo các quy tắc đã định sẵn. Tường lửa lọc gói dữ liệu chủ yếu kiểm tra tiêu đề của gói. Tiêu đề bao gồm địa chỉ IP nguồn và đích, số cổng nguồn và đích, và các thông tin khác như giao thức (TCP, UDP, ICMP).

Tường lửa sẽ so sánh thông tin thu được với các quy tắc đã được cấu hình sẵn. Các quy tắc này có thể là “Chặn tất cả các kết nối đến từ địa chỉ IP 192.168.1.100” hay “Cho phép tất cả các kết nối HTTP đến từ mạng nội bộ”. Nếu gói dữ liệu đáp ứng các quy tắc cho phép, nó sẽ được thông qua. Ngược lại, gói dữ liệu sẽ bị chặn hoặc từ chối. Tường lửa lọc gói tin thường được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công giả mạo địa chỉ IP.

Packet Filtering Firewall
Cách hoạt động của tường lửa lọc gói tin

2. Cổng cấp mạch (Circuit-level Gateway)

Circuit-level Gateway là một loại cổng tường lửa hoạt động ở lớp phiên (Session Layer) của mô hình OSI. Cổng cấp mạch kiểm tra và xác thực quá trình thiết lập kết nối TCP (TCP handshake) để đảm bảo rằng phiên kết nối giữa các máy khách và máy chủ là hợp lệ. Khi một kết nối được xác thực thành công, cổng cấp mạch tạo ra một mạch ảo cho phiên đó.

Mạch ảo này cho phép tất cả các gói dữ liệu trong phiên đó đi qua mà không bị cản trở, miễn là phiên vẫn còn hợp lệ. Mạch ảo sẽ ẩn địa chỉ IP thực của các thiết bị trong mạng, làm giảm nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nhắm vào địa chỉ IP nội bộ. Khi kết thúc phiên, cổng cấp mạch đóng mạch ảo và đảm bảo rằng các kết nối cũ hoặc không được ủy quyền không còn tồn tại.

Xem thêm: Mô Hình OSI Là Gì? Tìm Hiểu 7 Tầng Giao Thức Của Mô Hình OSI

3. Tường lửa proxy (Proxy Firewall)

Proxy Firewall là một loại tường lửa hoạt động bằng cách sử dụng máy chủ proxy để xử lý tất cả các yêu cầu kết nối vào và ra khỏi mạng. Thay vì trực tiếp kết nối với các dịch vụ bên ngoài, các thiết bị trong mạng sẽ gửi yêu cầu thông qua máy chủ proxy này.

tường lửa proxy
Mạng nội bộ giao tiếp với mạng bên ngoài thông qua máy chủ proxy

Khi một thiết bị trong mạng nội bộ gửi yêu cầu đến một máy chủ bên ngoài, yêu cầu này được gửi đến máy chủ proxy. Máy chủ proxy sẽ thay mặt thiết bị gửi yêu cầu đến dịch vụ bên ngoài. Khi máy chủ bên ngoài gửi phản hồi, phản hồi đó được gửi đến máy chủ proxy. Bằng cách này, tường lửa proxy ẩn địa chỉ IP thực của thiết bị trong mạng nội bộ và bảo vệ mạng khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.

4. Tường lửa kiểm tra trạng thái (Stateful Inspection Firewall)

Tường lửa kiểm tra trạng thái là một loại tường lửa nâng cao hơn so với tường lửa lọc gói truyền thống. So với các loại tường lửa cơ bản hơn như tường lửa lọc gói tin, Stateful Inspection Firewall cung cấp mức độ bảo mật cao hơn bằng cách theo dõi trạng thái của các kết nối mạng và ngữ cảnh của kết nối đó.

Tường lửa kiểm tra trạng thái duy trì một bảng trạng thái chứa thông tin về các kết nối đang hoạt động. Khi một gói dữ liệu mới đến, tường lửa kiểm tra xem gói đó có thuộc về một kết nối hợp lệ trong bảng trạng thái không. Nếu gói dữ liệu không thuộc về một kết nối hợp lệ, nó sẽ bị từ chối.

5. Tường lửa thế hệ mới (Next-generation Firewall)

Next-Generation Firewall (NGFW) là một loại tường lửa tiên tiến cung cấp các chức năng bảo mật bổ sung và nâng cao so với các tường lửa truyền thống. Loại tường lửa này vẫn thực hiện các chức năng lọc gói dữ liệu giống như các tường lửa truyền thống, nhưng có khả năng kiểm tra sâu hơn và chính xác hơn. Nếu các loại tường lửa khác chỉ kiểm tra tiêu đề gói dữ liệu thì NGFW xem xét cả dữ liệu thực tế trong gói.

Next-Generation Firewall
Tường lửa thế hệ mới có khả năng bảo mật cao hơn tường lửa truyền thống

NGFW là một biện pháp bảo vệ thiết yếu cho các tổ chức trong các ngành công nghiệp cần quản lý nghiêm ngặt như chăm sóc sức khỏe hoặc tài chính. NGFW hoạt động tốt nhất khi được tích hợp với các hệ thống bảo mật khác. Việc triển khai, cấu hình và quản lý các công nghệ bảo mật tiên tiến như NGFW sẽ đòi hỏi những nhân sự có trình độ chuyên môn cao.

Nhược điểm của tường lửa

Mặc dù rất quan trọng trong bảo mật, tường lửa cũng có một số nhược điểm và hạn chế nhất định:

  • Không thể ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công: Tường lửa chủ yếu bảo vệ mạng khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài. Nếu mối đe dọa xuất phát từ bên trong mạng, tường lửa có thể không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
  • Cấu hình phức tạp: Việc cấu hình và quản lý tường lửa có thể rất phức tạp, đặc biệt là khi các chính sách bảo mật cần phải được điều chỉnh thường xuyên. Cần có kỹ năng kỹ thuật cao để thiết lập và duy trì các quy tắc chính xác và hiệu quả.
  • Tăng độ trễ: Việc kiểm tra và phân tích các gói dữ liệu có thể gây ra độ trễ trong lưu lượng mạng. Điều này có thể làm giảm hiệu suất của các ứng dụng và dịch vụ.
  • Giảm băng thông: Một số loại tường lửa, đặc biệt là những loại có khả năng kiểm tra sâu (DPI), có thể tiêu tốn băng thông và làm giảm hiệu suất mạng nếu không được cấu hình đúng cách.
  • Chi phí cao: Các tường lửa tiên tiến, đặc biệt là các Next-Generation Firewall (NGFW), có thể có chi phí đầu tư ban đầu và bảo trì cao. Điều này có thể là một gánh nặng tài chính cho các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa.

Xem ngay: Băng Thông Là Gì? Cách Phương Pháp Đo Lường Băng Thông

Hướng dẫn cách bật tường lửa trên Windows 11

Windows 11 là phiên bản hệ điều hành mới nhất của Microsoft, mang đến một giao diện người dùng hoàn toàn mới, hiện đại và hiệu quả hơn so với các phiên bản tiền nhiệm. Cách bật tường lửa trên Windows 11 như sau:

Bước 1: Chọn Start, chọn Settings (Cài đặt).

cách bật tường lửa trên windows 11
Chọn Cài đặt

Bước 2: Chọn Privacy & security, chọn tiếp Windows Security.

privacy & security
Chọn Windows privacy

Bước 3: Chọn Firewall & network protection.

windows security
Mục Firewall & network protection

Bước 4: Lúc này, bạn sẽ chọn bật tường lửa cho các mạng như Mạng miền (domain network), mạng riêng tư (private network) và mạng công cộng (public network).

firewall & network protection
Các cài đặt mạng khác nhau

Bước 5: Chuyển nút sang màu xanh để bật tường lửa.

bật tường lửa windows 11
Chuyển nút thành màu xanh để bật tường lửa

Đến đây bạn đã biết cách bật tường lửa trên Windows 11 rồi đó!

Lời kết

Vậy là Miko Tech đã điểm qua cho bạn một số thông tin cần biết về tường lửa. Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn cũng đã hiểu được tường lửa là gì, nguyên lý hoạt động, tác dụng, ưu nhược điểm cũng như một số loại tường lửa hiện có. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích mới và giúp bạn biết cách bảo vệ mạng máy tính một cách an toàn.

24.10.2022 Trần Tiến Duy

Bình luận đã bị đóng.

Bài viết liên quan
Bài viết nổi bật
Scroll
error: Content is protected !!